Năm 1911 lịch sử: “Hãy Xúc Tiến Việc Việt Nam”
Năm 1911, Ông Charles Bonnet, người của Thánh Thơ Công Hội, tổ chức đã triển khai một số hoạt động tại Đà Nẵng trước đó từ những năm 1902, vì lý do sức khỏe bắt buộc phải về Pháp. Ông Gidoin, một nhà buôn người Pháp ở Tourane (Ðà-Nẵng) thay thế. Trước khi ông Bonnet về Pháp, hai người đã quyết định bán trụ sở Thánh Kinh Hội ở Ðà Nẵng mà hội đã mua trước đây và dời ra Hải Phòng.
Trong khi đó vào tháng 5-1911, Ông Jaffray đi thuyền từ Hồng Kông đến Tourane (Đà Nẵng) cùng với các ông Paul Hosler và G. Lloyd Hughes (3 ngày trên thuyền). Trong sự quan phòng của Chúa, các giáo sĩ đầu tiên của CMA được ông Bonnet hoan nghênh. Các ông này đã mua cơ sở của Thánh Kinh Hội cũng như miếng đất bên cạnh.
Đến tháng 6, họ trở về Trung Hoa. Tháng 7, Ủy Ban Truyền Giáo Nam Trung Hoa chỉ định hai ông Hughes và Hosler học tiếng Pháp để chuẩn bị.
Tuy nhiên, vào tháng 8, ông Hughes ra đi đột ngột vì đột quỵ tim tại Hồng Kông, còn ông Hosler trở về Tourane học tiếng Việt và tiếng Pháp.
Ngày 18-9-1911, CMA đánh điện tín cho các giáo sĩ cho phép với nội dung: “Xúc tiến việc Việt Nam”.
Các giáo sỹ yêu cầu Uỷ Ban Truyền Giáo cung ứng 1000$ đô-la để thuê nhà và cung cấp lương cho hai giáo sĩ trong một năm. Ðiện tín của Ủy Ban Truyền Giáo bảo: ”Hãy đợi!” vì tài chính chưa có đủ.
Lễ báp-tem cho ông Nguyễn Văn Phúc tại Đà Nẵng, tín đồ Tin lành đầu tiên của Việt Nam
Năm 1912, tại Tourane (Ðà Nẵng), Mục sư Paul Hosler làm báp-tem cho ông Nguyễn Văn Phúc, là người Việt Nam đầu tiên tin Chúa qua việc làm chứng của ông Bonnet (Thánh Thơ Công Hội – BFBS).
Nhà nguyện Tin Lành đầu tiên ở Đà Nẵng
Ngày 30 tháng 3 năm 1914, Nhà nguyện đầu tiên bằng tre dựng tại Tourane (bị bão sập ngày 27 tháng 9).
Ngày 5 tháng 4 năm 1914, lớp học Trường Chúa nhật đầu tiên tại Tourane có 7 học viên.
Đến tháng 5, Mục sư Hosler soạn xong Phúc Âm Giăng bằng chữ Nôm. Vào thời điểm trên có 3 người chịu báp-tem, trong đó có 1 phụ nữ.
Năm 1915 có 9 giáo sĩ hiện diện tại Việt Nam. Lúc này Ông bà Cadman thành hôn tại Vân Nam. Ông Hoàng Trọng Thừa, người dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ đã trở lại tin Chúa.
Số người chịu báp-tem : 1913-1916:
-
1913 – 0
-
1914 – 3
-
1915 – 3
-
1916 – 0
Tin Lành Việt Nam Trong Bối cảnh Chiến Tranh Thế Giới I
Năm 1915, Hội Truyền Giáo đã thành lập trụ sở tại Hà Nội. Tuy nhiên lúc này, Toàn quyền Pháp ra sắc chỉ cấm mọi hoạt động giáo sĩ truyền giáo, 4 trong số 9 giáo sĩ đang học tiếng Việt bị trục xuất ngay tức khắc vì tình nghi là gián điệp cho Ðức Quốc Xã, vì có tên gốc Ðức. Năm người còn lại bị tình nghi và không được phép hoạt động gì cả, ngoại trừ học tiếng Việt – họ bị chính quyền Pháp theo dõi rất sát.
Tháng giêng năm 1916, Toàn quyền Pháp ra lệnh cho tất cả các giáo sĩ phải ngưng hoạt động.
Đến tháng 4 năm 1916, giáo sĩ Jaffray từ Trung Hoa đến thăm Tân Toàn Quyền người Pháp, ông Albert Sarraut, một người Tin Lành để quả quyết là các giáo sĩ chỉ có nhiệm vụ truyền giáo mà thôi. Nhờ đó, nhà cầm quyền Pháp cho phép mở lại tất cả các trụ sở truyền giáo. Tháng 9, giáo sĩ Cadman tìm mua một căn nhà để làm nhà in và nhà thờ tại Tourane. Tháng 10 năm 1916, truyền đạo Hoàng Trọng Thừa bắt đầu giảng đạo cùng giáo sĩ Irwin, đến tháng 12 đã có 25 người chịu Báp-tem, lớp học trường Chúa nhật lên đến 100 học viên.
Ngày 4 tháng 5 năm 1917, giáo sĩ Cadman đã đấu giá được một lô đất tại Hà Nội với giá 5600 đô-la (trích trong số 12 nghìn đô-la do một ân nhân cung ứng). 500 quyển sách Phúc Âm Mác bằng chữ quốc ngữ lần đầu tiên in từ Hồng-Kong gởi về Việt Nam. Đến tháng 12, quyển Thánh ca gồm 100 bài hát được xuất bản. Năm này có 28 người tin Chúa ở Tourane, 4 người ở Hà Nội.
Năm 1918 có một số sự kiện đặc biệt đáng chú ý đó là Chính quyền đã ký Giấy phép cho giảng đạo đầu tiên tại Sài-gòn. Các giáo sĩ đã xây dựng được Nhà in Tin Lành đầu tiên ở Hà-nội để in sách nhỏ. Cũng trong năm này, Hội truyền giáo mở cuộc thăm dò Cam-pu-chia (công việc truyền giáo khởi đầu năm 1923 tại Cam-pu-chia sau đó).
Cơ sở Tin Lành đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1918
Nhà in Tin Lành Hà Nội
Năm 1919, Nhà thờ Tourane có 50 tín hữu, đã tự cung cấp lương cho vị Mục Sư quản nhiệm là Hoàng Trọng Thừa.
Gia đình mục sư Hoàng Trọng Thừa
Cụ mục sư Hoàng Trọng Thừa, Hội Trưởng đầu tiên của Tin Lành Việt Nam
Các mục sư, giáo sỹ đầu tiên tại Đà Nẵng
Giáo hội Tin Lành Việt Nam lúc sơ khai
Giáo Hội Tin Lành lúc ban sơ
Năm 1921 gồm, giáo hội Tin Lành ở Việt Nam gồm có: 22 Giáo sĩ ngoại quốc, 5 Trụ sở chính, 2 Văn phòng, 103 Tín Hữu, 79 Người chịu báp-tem trong năm.
Số người cầu nguyện tin Chúa trong những năm này liên tục tăng. Năm 1918 có 61 người Tin Chúa, trong đó có 51 ở Tourane, 10 ở Hà Nội. Năm 1919 có thêm 103 người với 92 ở Tourane, 10 ở Hà Nội và 1 ở Sài Gòn.
Miền Trung bị cấm cản truyền giáo trong thập niên 1920. Tuy nhiên đạo Chúa ở đây vẫn tiếp tục phát triển. Số người nghe và tin Chúa mỗi lúc một đông. Nhiều người từ nơi xa đến Đà Nẵng để nghe Tin Lành và về làng làm chứng. Nhiều gia đình có bậc trưởng thượng tin Chúa rồi đưa cả gia đình tin theo (Tam Kỳ, Đà Nẵng). Quảng Nam là tỉnh có đông người tin Chúa nhất, còn người Huế lại cứng lòng nhất.
Công Việc Truyền Giáo Tại Nam Kỳ – Cochin-Chine (21 tỉnh 3 triệu 62 nghìn dân). Khi lệnh cấm bãi bỏ vào năm 1929, Miền Trung đã có 2000 tín đồ trong 18 hội thánh từ Nha Trang đến Vinh.
Bà Giáo Sĩ Grace Hazenberg Cadman là tác giả cuốn sách đầu tiên về Việt Nam (Annam) 1920
Trong số những tín đồ đầu tiên của Tourane (Hội Thánh Hải Châu thành lập năm 1918, Hội Thánh Hội An thành lập năm 1924) có:
Ba người dòng tôn thất, ba người là nhân viên Hải quan Pháp, và ba thư ký làm việc tại sở Hỏa xa. Bà cụ Ban là thương gia giàu, tin Chúa và đưa gia đình gồm 25 người tiếp nhận Chúa.
Cụ Ban ở Đà Nẵng
Cụ Nguyễn Hữu Thành, một trong 3 nhân viên hải quan Tourane tin Chúa trong giai đoạn đầu tiên
Công việc Chúa tại Nam Kỳ (Cochin-Chine)
Nam Kỳ gồm 21 tỉnh với 3 triệu 62 ngàn dân. Năm 1919, Sài-gòn có 5000 người Âu, tính chung có đến 250 nghìn dân cư. Người Công giáo trên toàn Nam kỳ có đến 70 nghìn. Nhà thờ lập nên tại khắp các thành phố lớn. Năm 1918, Giáo sĩ Olsen và Stebbins đến Sài gòn học tiếng Pháp và tiếng Việt. Từ đó, thiết lập trụ sở truyền giáo thứ ba trong nước. Đến năm 1919, Nhà nguyện đầu tiên lập ở Sài Gòn. Năm 1920 có 7 người chịu báp tem. Truyền đạo Hoàng Trọng Thừa, Đoàn Văn Khánh và Nguyễn Hữu Đinh từ Đà Nẵng vào Sài gòn giúp giảng Tin lành.
Năm 1922, tại Sa Đéc có Giáo sĩ Stebbins và Truyền đạo Tập sự Nguyễn Hữu Đinh đến đây truyền giáo. Ông bà Chấn là người tin Chúa đầu tiên, cho mượn nhà làm chỗ nhóm họp và tự túc đi Đà Nẵng học Trường Kinh Thánh. Tin lành ở đây được phát triển mạnh giống như Đà Nẵng lúc ban đầu. Ở Cần Thơ có Giáo sĩ Jackson và Truyền đạo tập sự Nguyễn Hữu Đinh cộng tác giúp đỡ. Giáo sĩ Grupes và Truyền đạo tập sự Lê Văn Long tập trung truyền giáo ở Châu Đốc. Đối tượng truyền giảng ở đây chủ yếu là người Việt, người Hoa, Miên và Mã-lai.
Năm 1923, tại Mỹ Tho Giáo sĩ Curwen Smith và một Truyền đạo đã mua được trụ sở. Mỹ Tho là nơi mà người tin Chúa đông nhất miền Nam. Còn ở tại Cần Thơ và Sa đéc các giáo sĩ gặp nạn tin đồn rằng tin theo Đạo Huê Kỳ sẽ được cấp 20 đô-la và đi Mỹ.
Việc truyền giáo lan sang Cam-bốt và các Truyền đạo Việt Nam như Dương Nhữ Tiếp và Nguyễn Hữu Khanh cũng tham dư tại Phnom-Penh và Battambang.
Năm 1925, đặc biệt tại Mỹ Tho có 940 người chịu báp tem (một phần vì các truyền đạo đi truyền giáo từng làng; phần khác Truyền đạo Trần Xuân Phan chuyên giảng về Chúa tái lâm gần kề và gây hiểu lầm; dư luận còn đồn rằng theo Đạo Huê Kỳ được Tây miễn thuế…)
Năm 1926 Truyền Đạo Lê Văn Thái đến Mỹ Tho mới hay là người tin Chúa không có căn bản, chỉ về hùa và mơ tưởng về thay đổi chính trị. Hội Thánh phải chia ra làm 5 hội nhánh để dạy đạo căn bản. Tuy nhiên nhiều người tin Chúa chân thành đã về nơi quê hương làm chứng và thành lập các Hội thánh như: Cao Lãnh, Rạch Giá, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Vĩnh Long và Bạc Liêu. Năm 1929, Nam Kỳ có 43 Hội Thánh hay nhóm Tín Hữu và 3820 tín đồ. Tổng số truyền đạo quản nhiệm Hội Thánh lên đến 32 người tại 32 tỉnh trên toàn quốc.
Hội Thánh người Hoa tại Chợ Lớn được thành lập và do một ủy ban Việt Mỹ quản trị.
Về công tác huấn Luyện Thần Ðạo
Năm 1921, Thiết lập lớp Kinh Thánh tại Tourane, trong một nhà chứa xe ngựa do giáo sĩ D. I Jeffrey làm đốc học với 9 học viên. Bản Kinh Thánh của Công giáo được dùng để tham khảo. Học viên được học các môn Kinh Thánh Cượu Ước, Kinh Thánh Tân Ước, các giáo lý, phương giáp giảng Kinh Thánh, sử ký Hội thánh, cổ sử. Có tài liệu ghi lại khung chương trình và tổ chức dựa theo khuôn mẫu của trường Thần đạo Nyack thuộc Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp tại New York, Hoa Kỳ.
Năm 1922, lớp học tại phòng sau của ngôi nhà thờ vừa mới dựng xong.
Trường Kinh Thánh Annam tại Tourane đầu thập niên 20, thế kỳ 19
Giáo sư và các học viên đầu tiên của trường Kinh thánh
Học sinh trường Kinh thánh Đà Nẵng và các giáo sư
Năm 1928, hoàn thành trường Kinh Thánh. Ban Giảng Huấn gồm: 4 Giáo sĩ và 3 Mục sư Việt Nam, thực hiện chương trình thần học 5 năm, trong đó 2 năm học trong trường, 2 năm thực tập cùng với người quản nhiệm nhà thờ, 1 năm cuối về học và tốt nghiệp tại trường. Lớp học thoạt đầu chỉ có nam, về sau có lớp dành riêng cho nữ.
Hội Thánh Bị Bách Hại
Kể từ năm 1926, Tin lành lại bị bách hại. Tín đồ Tin Lành nhiều nơi bị đe dọa và làm khó dễ vì cho rằng họ theo đạo “mới” hay đạo Huê-kỳ. Các nơi bị cấm thờ phượng là: Tam Kỳ, Lạc Thành, Trường An, Ðại An, Quế Sơn.
Năm 1928, nhà cầm quyền thực dân Pháp đã thi hành chính sách kỳ thị tôn giáo và bách hại người truyền đạo Tin Lành.
Mục sư Phan Ðình Liệu bị bắt và giam tù vì giảng đạo. Nhưng khi ở trong tù ông Phan Đình Liệu đã làm chứng đạo cho hơn 10 tù nhân tin Chúa.
Nhiều giáo sĩ bị trục xuất, các vị Mục sư Ông Văn Huyên và Ðặng Ngọc Cầu cũng từng bị tù vì phân phát sách nhỏ và giảng đạo.
Các tín đồ bị bắt bớ vào cuối thập niên 20 thế kỷ 20
Ban trị sự Hội Thánh Tin Lành đệ đơn lên Toàn quyền Pháp
Đến năm 1927, Hội truyền giáo đã thành lập sáu nhà thờ với sáu mục sư quản nhiệm. Trong năm này Lớp Thần Ðạo đầu tiên tốt nghiệp tại Trường Kinh Thánh Tourane.
Các học viên tốt nghiệp đầu tiên của trường Kinh thánh Tourane
CMA thành lập Hội Tin Lành Ðông Pháp (Việt – Miên- Lào) với công thức: Tự quản trị, Tự truyền bá, Tự túc.
Trong giai đoạn này có một số đặc điểm nổi bật sau:
– Các giáo sĩ đầu tiên đến Việt Nam là các thanh niên dưới 30 tuổi, độc thân. Paul Hosler là giáo sĩ đầu tiên.
– Trung tâm đầu tiên của Tin lành đặt tại Tourane Đà Nẵng. Địa điểm chiến lược vì miền Bắc Công Giáo đã chủ trị, miền Nam ảnh hưởng Pháp quá mạnh.
– Người Pháp và người Công giáo đã gây nhiều khó khăn và cản trở cho công tác truyền giáo.
– Trường Kinh Thánh được thành lập từ năm 1921 do Giáo sĩ D.I. Jeffey làm đốc học tại Tourane với 9 học viên.
– Việc Phiên Dịch Kinh Thánh: Quyển Kinh Thánh do hai giáo sĩ là Bà Cadman và ông Olsen dịch từ năm 1916 đến 1924. Có hai học giả Việt Nam là nhà văn Phan Khôi và giáo sư Trần Văn Dõng hỗ trợ. Người đọc lại sau cùng là Hoa Bằng Hòa Thúc Trâm, một học giả từng làm từ điển. Kinh Thánh phát hành đầu tiên năm 1926.
– Hội Thánh được thành lập với chủ trương tự trị và tự lập ngay từ ban đầu.
– Người dạy Việt ngữ cho bà Cadman là bà Võ Thị Thu, một phụ nữ quyền quý có Nho học, sau đã tin Chúa.
– Người dạy Việt ngữ cho ông Irwin là ông Hoàng Trọng Thừa, một nhà Nho, làm nghề Đông Y. Về sau, ông học Kinh Thánh hàm thụ từ trường Kiên Đạo Thánh Kinh Học Viện tại Quảng Tây, tốt nghiệp năm 1924. Đây cũng là vị mục sư đầu tiên và là vị Hội trưởng đầu tiên của Việt Nam.
– Kế hoạch truyền giáo của các giáo sĩ bao gồm: Học tiếng Việt, mua trụ sở, dịch Kinh Thánh, mở nhà in, mở trường Kinh thánh, thành lập Hội Thánh (đồng thời với lớp học Ngày Chúa Nhật)
Từ giữa năm 1911 đến 1927, đức tin Hội thánh Tin Lành đã lan rộng từ Đà Nẵng đến 4 trong 5 xứ Đông Dương. Bên cạnh công trình tại các thành phố Campuchia là Nam vang và Battambang, nơi người dân Việt Nam cũng tới được những Hội thánh mọc lên trong 7 thị trấn lớn ở Nam kỳ, trong 4 tỉnh tại Trung kỳ, và 2 tỉnh ở Bắc kỳ, tổng số lên đến 82 Hội thánh và giảng đường. Với số tín đồ tích cực ít hay nhiều là 4.236, tín đồ Tin Lành tại Việt-nam đã được tổ chức thành một Hội thánh bản xứ và giữ vai trò có ý nghĩa trong đời sống tôn giáo của xứ sở. Tuy nhiên, rất ít người trong giai cấp học giả tin theo đạo Tin Lành, dầu thỉnh thoảng cũng có một cá nhân gia nhập Hội thánh. Đa số những tín đồ là nông dân, thủ công nghiệp, công nhân, buôn bán và học sinh. Những người này với một nhóm nhỏ hơn thư ký, công chức, giáo viên và quân nhân đều là đại diện của từng hàng ngũ liên tiếp trong xã hội Việt Nam.
Từ những bước đi chập chững ban đầu, Tin Lành Việt Nam đang từng bước trỗi dậy và trở thành một tôn giáo lớn tại Việt Nam trong sự dẫn dắt và chúc phước đặc biệt của Đức Chúa Trời. Mời quí vị quay lại để xem tiếp kỳ sau với nhan đề: Hội Thánh Tự Chủ Và Phát Triển Trong Khó Khăn.
Còn tiếp…
Tác giả: Nguyễn Sinh