Đọc Phi-líp 3:4-16
Câu căn bản: để tôi được biết Chúa, quyền năng phục sinh của Ngài, được chia sẻ sự thương khó của Ngài, và trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài; hi vọng rằng tôi có thể đạt được sự sống lại từ cõi chết. Câu 10-11.
Suy niệm: Câu 4-6. Sứ đồ Phao-lô là một người Do-thái chân chính, xuất thân từ tộc họ Bên-gia-min; về tôn giáo thì là bậc cao trọng trong dòng Pha-ri-si. Nhưng trên hành trình từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mách để truy nã người tin theo Chúa Giê-xu, Chúa đã hiện ra gặp Phao-lô và cuộc thay đổi đã bắt đầu. (câu 7).
Sứ đồ Phao-lô đã kinh nghiệm một cuộc trả giá quan trọng khi từ bỏ tất cả danh vọng trong đời để theo Chúa, làm môn đệ của Ngài. Ông không những từ bỏ tất cả nhưng còn coi những danh vọng ở đời là bã rác.
Câu 9. Sứ đồ Phao-lô không phải chỉ tin Chúa, nhưng ở trong Chúa, nghĩa là được tái tạo và thánh hóa.
Câu 10. Câu này giải thích từ “nhận biết” trong câu 8: Tin Chúa là bước vào một cuộc giao tiếp với sự chết và sự sống lại. Khi một người tham gia vào một chính nghĩa thì thường thề sống chết với chính nghĩa đó. Tin Chúa còn hơn thế nữa vì đây là một kinh nghiệm gồm thương khó, chết và sống lại. Đây không phải chỉ là lý thuyết, nhưng thật sự tham gia vào: cùng chết với Chúa với các thói hư tật xấu và con người xưa cũ của mình, và tin Chúa để nhờ quyền năng sống lại của Chúa cho được phục sinh, tái tạo và sau khi chết về thân xác được cùng Chúa sống lại vinh quang.
Bài học cho chúng ta ngày nay:
- Tin Chúa là một quá trình lý luận và quyết định.
- Tin Chúa có lợi gi? Chúa là Chân Thần, nguồn cội của tất cả kể cả khôn ngoan và hạnh phúc. Như thế tin Chúa là ta có tất cả. Chúa cũng như mặt trời, ta không nhìn thẳng vào được, nhưng không có mặt trời thì không thấy gì được cả.
- Biết Chúa không phải qua tôn giáo hay Kinh Thánh mà thôi, nhưng chính là biết bằng kinh nghiệm, trong đó khởi đầu là nhận, tin, thuận phục và vâng lời. Biết Chúa là cuộc đầu tư lớn nhất mà ai cũng có thể làm được và không bao giờ thất bại hay tuyệt vọng
- Tin Chúa là một quyết định sống chết, định hướng cho cả một đời người. Ta không thể cam kết rồi bỏ, nhưng phải chuyên tâm và tích cực sống theo gương Chúa Giê-xu.
Nguyễn Sinh