Thứ sáu, Tháng Một 3, 2025
No menu items!
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 231 - Cứu Chúa vô tội

Bài 231 – Cứu Chúa vô tội

Đọc Kinh Thánh: 1 Giăng 3:5

5Nhưng anh em biết rằng Ngài đã hiện ra để cất tội lỗi đi; trong Ngài không có tội lỗi nào cả.

Suy niệm: Để hiểu rõ ý định của tác giả trong câu Kinh Thánh này, chúng ta cần đọc các câu trước và sau đó, tức là từ câu 4 đến câu 10:

4Còn ai phạm tội là hành động trái luật pháp; vì tội lỗi là trái luật pháp.

5Nhưng anh em biết rằng Ngài đã hiện ra để cất tội lỗi đi; trong Ngài không có tội lỗi nào cả.

6Ai ở trong Ngài thì không phạm tội; còn ai phạm tội thì không hề thấy hoặc biết Ngài.

7Hỡi các con bé nhỏ, đừng để ai lừa dối các con. Ai làm điều công chính là người công chính, như chính Ngài là Đấng công chính.

8Ai phạm tội thì thuộc về ma quỷ; vì ma quỷ đã phạm tội từ lúc ban đầu.

Sở dĩ Con Đức Chúa Trời đã hiện ra là để hủy phá công việc của ma quỷ.

9Ai do Đức Chúa Trời sinh ra thì không phạm tội, vì hạt giống của Đức Chúa Trời ở trong người ấy; người ấy không thể cứ phạm tội, vì đã được Đức Chúa Trời sinh ra.

10Điều nầy cho biết ai là con cái Đức Chúa Trời, và ai là con cái ma quỷ: Ai không làm điều công chính thì không thuộc về Đức Chúa Trời, ai không yêu thương anh em mình cũng vậy.

Trong hai chương đầu tiên, tác giả đã viết về niềm vui đầy trọn của người tin Chúa, về tương giao với Chúa và phương cách duy trì mối tương giao đó. Đó là đề tài lớn thứ nhất của ông.

Riêng trong chương 3, tác giả nói về địa vị làm con Thiên Chúa của người tin Chúa. Ông cho biết bí quyết sống thành công trong đời tin Chúa là nhận ra chỗ đứng của mình trước mặt Chúa.  Đó là đề tài lớn thứ hai.

Trong câu 7 ông nhắc: 7Hỡi các con bé nhỏ, đừng để ai lừa dối các con.

Ông cho biết có những lý thuyết dẫn người tin Chúa hiểu sai về thân vị của Chúa Giê-xu và công nghiệp của Ngài. Có những lý thuyết sai lạc về tội lỗi, vì vậy ông dành phần này để nói về Tội.

Điểm tác giả Giăng đề cập đến trong khúc này là quan niệm sai về tính chất của tội lỗi.

Có nhiều khuynh hướng sai lạc về đề tài này. Giăng đã nói đến một khuynh hướng trong chương thứ nhất, đó là các quan niệm sai về sự toàn thiện.  Người ta cứ nghĩ rằng mình không phạm tội này tội kia tức là mình thánh thiện hoàn toàn.  Thực ra, tội là một sức mạnh ở trong tâm hồn con người.

Trong phần này sứ đồ Giăng đưa ra một nguy cơ hoàn toàn khác liên quan đến tội.  Đó là coi nhẹ tội.  Quan niệm này cho rằng tội thực sự không đáng quan tâm lắm khi mình đã là người tin Chúa rồi. Tác giả cảnh cáo: 4Còn ai phạm tội là hành động trái luật pháp; vì tội lỗi là trái luật pháp.

Thật ra, Giăng có ý muốn bảo rằng:  “Các con phải hiểu cho rõ vấn đề bản chất của tội, vì nếu quan niệm sai, các con có thể sai về giáo lý cứu rỗi và rồi còn sai nhiều lĩnh vực khác nữa.”

Như thế tội là vi phạm luật, luật của Chúa.  Nổi loạn chống Chúa và ý chỉ thánh thiện của Ngài. Bất tuân luật Chúa, không sống cuộc đời như Chúa muốn ta sống.

Đó chính là căn bản của tội.

Đừng ai nghĩ tội chỉ là một loại yếu đuối hay thất bại về phía con người chúng ta; cũng đừng cho rằng tội là phần của thú vật mà chúng ta chưa trút hết trong cuộc tiến hóa thành người. (thuyết tiến hóa)

Giăng nói rõ: Tội không thụ động mà là tiến công, vi phạm luật Chúa, chống lại Chúa và ý chỉ thánh thiện của Ngài.

Thuở ban đầu ma quỷ đã đến cám dỗ con người chống lại Thiên Chúa. Khi phạm tội, chúng ta ở dưới cơn giận của Chúa và chờ đợi án phạt. Giăng nói đến hai điều liên quan đến việc vào đời của Chúa Giê-xu:

  1. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hiện ra để cất bỏ tội lỗi đi.
  2. Con Đức Chúa Trơi đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỷ.

Chúng ta sẽ lần lượt phân tích hai điều đó.

Nguyễn Sinh

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN