Đọc Kinh thánh: Ma-thi-ơ 7:15-20
15“Hãy đề phòng bọn tiên tri giả, là những kẻ đội lốt chiên đến với các con, nhưng bên trong là muông sói hay cắn xé.
16Các con nhận biết họ nhờ bông trái của họ. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi tật lê bao giờ?
17Vậy, nếu cây lành thì sinh trái lành; còn cây độc thì sinh trái độc.
18Cây lành không thể sinh trái độc, còn cây độc cũng không sinh trái lành được.
19Bất cứ cây nào không sinh trái lành, thì bị đốn và ném vào lửa.
20Như thế, nhờ bông trái, các con sẽ nhận biết được chúng.
Suy niệm: Ta để ý thì thấy rằng Chúa mở đầu và kết thúc bằng câu này: “Các con nhờ quả trái mà biết cây.”
Trước tiên chúng ta phải định nghĩa rõ “xấu” là gì. Chúa dạy: “Cây nào tốt thì sinh trái tốt, nhưng cây nào xấu thì sinh trái xấu.” “Xấu” đây không có nghĩa là hư thối vì một cây đã chết thì không khi nào ra trái được. Điểm này rất quan trọng, vì Chúa lưu ý ta về việc quan sát bề ngoài của cây và quả trái mà cây ấy sinh ra. Cây cối trông bề ngoài đều như nhau cả nhưng cây trông bình thường, không có gì xấu kia, không nhất thiết sinh ra cùng một loại trái. Cây này có thể sinh trái tốt, cây khác sinh trái xấu. Ngay khi nói trái xấu đây cũng không hàm nghĩa trái hư thối, mà chỉ có nghĩa là không ngon, không ngọt mà thôi. Dẫn chứng của Chúa Giê-xu là so sánh hai loại cây khi nhìn bên ngoài dường như giống nhau, nhưng khi xét đến quả trái mà mỗi cây sinh ra mới thấy khác biệt nhiều. Một loại trái ăn được, loại trái kia thì không. Tính chất của trái là biểu tượng của đời sống, hành vi và thái độ.
Tuy nhiên trước khi vào chi tiết, ta phải chú trọng vào nguyên tắc mà Chúa đưa ra ở đây. Đó là, làm một người tin Chúa Giê-xu không phải chỉ là tên gọi, nhưng có liên quan đến cá tính, đến lẽ sống, đến căn bản. Hình ảnh về tính chất, bản sắc của những cây này và quả trái mà nó sinh ra nói lên tư cách của một người tin Chúa thật hay không thật. Đây cũng chính là điểm để xét mình hay xét người.
Chúa muốn ta đừng bị lừa vì hình sắc bề ngoài. Cũng như các tiên tri giả vốn là muông sói mà đội lốt chiên. Nói khác đi, đây là lời cảnh cáo về cái bề ngoài làm ra vẻ người tin Chúa, nhưng thực sự không phải. Ta đã thấy loại người giả hiệu này khi phân tích về giáo lý và cách giảng dạy của họ. Một người có thể trông dường như đang giảng truyền Phúc âm, nhưng khi trắc nghiệm cẩn thận mới thấy là không phải như thế. Trong cách sống và hành vi cũng vậy. Mối nguy ở đây là cố trở thành người tin Chúa bằng cách thêm vào cuộc đời mình một số điều, thay vì trở thành một con người mới hoàn toàn, thay vì nhận được sự sống mới từ bên trong, thay vì bản sắc được đổi thay theo hình ảnh Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Chúa chú trọng vào chính con người ở đây. Một người có thể nói theo đúng cách, có vẻ như sống đúng đường, tuy nhiên, theo Chúa Giê-xu người ấy vẫn có thể là một kẻ giả mạo hay một tiên tri giả. Người ấy có thể có bề ngoài như tín đồ của Chúa, nhưng thực sự thì không. Đây cũng chính là nguồn gốc của mọi khó khăn và nguy hại trong lịch sử dài của Hội Thánh. Chúa Giê-xu cảnh cáo ngay từ ban đầu để chúng ta nắm lấy nguyên tắc này, đó là, trở thành tín đồ của Chúa Giê-xu là một sự thay đổi toàn diện đời sống và bản chất của một con người.
Đây là giáo lý về tái sinh. Nếu không có cuộc thay đổi trong bản sắc, thì dù có làm việc gì đi nữa, con người mạo vẫn là mạo xưng. Vì Chúa Giê-xu nhấn mạnh rằng: “Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? Nhân danh Chúa mà trừ quỷ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?” Ta có thể nhìn thấy một người làm rất nhiều việc trong đời, nhưng chính con người của người ấy không thay đổi. Dù người ấy có nói hay, nói đúng đến đâu vẫn chẳng có giá trị gì.
Điều này có thể xẩy ra đối với đời sống và hành vi. Cơ-đốc-giáo khác hẳn các tôn giáo khác trong điểm này, vì tâm hồn phải được đổi mới. Trong Kinh-thánh, tấm lòng hay tâm hồn không phải chỉ là tình cảm, nhưng là trung tâm của con người.
Một chỗ khác trong Phúc Âm ghi lại câu chuyện người thuộc Do-thái giáo phê bình môn đệ Chúa là không giữ lễ rửa tay trước khi ăn theo truyền thống, Chúa bảo họ: “Điều làm nhơ bẩn người là từ trong lòng mà ra.” Nghĩa là không phải những gì ta làm bên ngoài như rửa tay, rửa chén đĩa, không phải những gì ở ngoài vào làm nhơ bẩn, mà những gì ở trong ra. Tức là con người mới chính là chỗ nên chú trọng. Chúa muốn nói rằng, hễ trong lòng có gì thì hãy phát biểu như thế. Phát biểu đúng điều mình tin, mình sống và dạy.
Giả như về giáo lý, ta có thể phân biệt tiên tri giả khi họ không đề cập đến một số giáo lý căn bản. Trong đời sống và hành vi của một người cũng vậy, ta có thể thấy được một người giả mạo nhờ các nguyên tắc sau đây:
Nguyên tắc thứ nhất là: niềm tin và đời sống phải kết chặt không thể rời bỏ. Khi một người quan niệm như thế nào thì đời sống người ấy cũng như vậy. Nghĩa là con người của mình phải phù hợp với điều mình tin nhận. Đây không phải là một cuộc trình diễn đời sống cho ra vẻ phù hợp với niềm tin, nhưng khi ta tin điều gì thật sự thì ta sẽ tự nhiên sống như thế. Ta không thể nào hái nho trong bụi gai, hay hái trái vả trong bụi tật lê; vì cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Ta không nhìn bên ngoài mà xét vào tận tính chất của đời sống.
Ta có thể bị đánh lừa một thời gian, nhưng không lâu. Người Thanh Giáo ngày xưa rất thích giao dịch với những người mà họ gọi là Tín đồ tạm thời. Đó là những người chịu ảnh hưởng của Phúc Âm, trông ra vẻ chân thật và thay đổi. Những người như thế nói những điều rất đúng và có những thay đổi trong dời sống. Nhưng người Thanh Giáo vẫn gọi họ là Tín đồ tạm thời vì sau đó có các bằng cớ là họ chưa bao giờ thực sự là người tin Chúa. Các trường hợp như thế thường xảy ra trong những cuộc truyền giảng Phúc âm hay phục hưng. Nơi nào có cuộc thức tỉnh hay có những việc Chúa làm, thì cũng thường xuất hiện những người theo dòng nước cuốn đi. Những người ấy không thực sự biết có gì đang xảy ra, nhưng chỉ thấy xúc động nhất thời rồi sau đó tàn lụi đi.
Nhiều khi ta phải đợi mới thấy bằng chứng chân thật. Chúa lại thấy ngay từ ban đầu. Con người thật trước sau cũng lộ nguyên hình. Con người ấy lộ ra khi nói năng, giảng dạy, và cũng lộ ra trong lối sống nữa. Đó là điều không thể tránh được. đó cũng là ý nghĩa của câu: “Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay trái vả nơi bụi tật lê?” Bên trong ra sao thì trước sau cũng lộ ra vẻ ngoài. Chú trọng vào quả trái bao giờ cũng sẽ thấy được sự thật.
Chúng ta hãy xét chi tiết về bản sắc và tính chất của quả tốt. Chúng ta phải tìm quả tốt trong chính mình và trong người khác. Ta cần cẩn thận, vì sẽ có kẻ đứng bên ngoài đường chật và cổng hẹp mà bảo rằng: “Anh không cần làm như thế, Đây là con đường này!” và ta có thể bị họ dẫn đi lạc. Vì vậy ta cần học cách phân biệt. Khi nghiên cứu về trái, ta phải để ý đến chi tiết tế nhị này. Có những mẫu đời sống trông hệt như tin Chúa thật, nhưng rất là nguy hiểm. Kẻ thù nguy hiểm nhất của đạo Chúa không phải là những thế lực bên ngoài, nhưng lại chính là những kẻ giả mạo bên trong.
Trong Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:15-20 Chúa Giê-xu dạy: 17Vậy, nếu cây lành thì sinh trái lành; còn cây độc thì sinh trái độc.
18Cây lành không thể sinh trái độc, còn cây độc cũng không sinh trái lành được.
19Bất cứ cây nào không sinh trái lành, thì bị đốn và ném vào lửa.
20Như thế, nhờ bông trái, các con sẽ nhận biết được chúng.
Nguyễn Sinh