Bài 35: Cầu Nguyện Và Thương Yêu
Mác 11:22-26:
22 Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán rằng: Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời. 23 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai sẽ biểu hòn núi nầy rằng: Phải cất mình lên, và quăng xuống biển, nếu người chẳng nghi ngại trong lòng, nhưng tin chắc lời mình nói sẽ ứng nghiệm, thì điều đó sẽ thành cho. 24 Bởi vậy ta nói cùng các ngươi: Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ ban cho các ngươi. 25 Khi các ngươi đứng cầu nguyện, nếu có sự gì bất bình cùng ai, thì hãy tha thứ, để Cha các ngươi ở trên trời cũng tha lỗi cho các ngươi. 26 Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.
Câu 25 nói về một điều kiện để lời cầu xin được Chúa chấp nhận, đó là phải tha lỗi cho người khác. Điều kiện này được nêu lên ngay sau lời hứa rằng: Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ ban cho các ngươi. Trước đó Chúa dạy: Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời, nghĩa là lời cầu nguyện phụ thuộc vào sự thông suốt giữa ta và Chúa. Tóm lại kính yêu Chúa và thương yêu người không thể tách rời mà luôn gắn bó. Lời cầu nguyện xuất phát từ một tấm lòng hoặc là không sòng phẳng với Chúa hoặc là bất hòa với người nào đó, chắc chắn không được chấp nhận.
Việc làm hòa với người khác Chúa Giê-xu rất quan tâm đến mối quan hệ giữa người tin Chúa với người khác. Ngay trong Bài Giảng Trên Núi, khi dạy về điều răn thứ sáu, Chúa nói về việc không thể tôn thờ Chúa Cha khi ta có mối bất hòa nào đó với anh chị em, Chúa bảo: Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ. Ma-thi-ơ 5:23-24
Sau đó khi dạy về cách cầu nguyện, Chúa cũng bảo hãy nói: Xin tha lỗi cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con.
Cuối bài cầu nguyện mẫu Chúa dạy mà chúng ta gọi là bài cầu nguyện chung trong hội thánh ngày nay, Chúa còn dặn: Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.
Ma-thi-ơ 6:14-15
Khi dạy ẩn dụ về người đầy tớ không thương xót, Chúa áp dụng lời dạy của Ngài bằng câu sau đây: Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy. Ma-thi-ơ 18:35.
Trong phần Kinh Thánh chúng ta học hôm nay, bên cạnh cây vả bị khô nhanh chóng vì lời quở của Chúa, Chúa dạy về cầu nguyện bằng đức tin, Ngài lại nhắc vấn đề tha thứ quan hệ như thế nào đối với hiệu nghiệm của lời cầu nguyện.
Bài học đầu tiên là khuynh hướng tha thứ.
Chúng ta cầu nguyện: Xin Cha tha thứ cho chúng con, như chúng con tha thứ cho người khác.
Kinh thánh dạy: Hãy tha thứ cho nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.
Quy luật của Chúa là tha thứ toàn vẹn và vô điều kiện phải trở thành khuôn mẫu cho chúng ta đối với người khác. Mặt khác, nếu chúng ta có thái độ miễn cưỡng hay tha thứ nửa vời, thực ra là không tha thứ gì cả, thì thái độ đó sẽ trở thành quy luật của Chúa đối với chúng ta. Ta nên nhớ rằng mỗi lời cầu nguyện đều nhờ vào đức tin trong ân huệ tha thứ của Đức Chúa Trời cả. Nếu Chúa cư xử với chúng ta theo tội phạm, thì không một lời cầu nguyện nào được Chúa nghe cả.
Tha thứ là chìa khóa mở cánh cửa tình thương và ban phước hạnh của Chúa: Vì Chúa đã tha thứ mọi tội phạm của chúng ta nên lời cầu nguyện của chúng ta mới đạt đến chỗ Chúa trả lời cho mọi điều chúng ta vì nhu cầu mà xin Chúa.
Cơ bản vững chắc nhất cho việc Chúa trả lời cầu nguyện là tình thương tha thứ của Chúa. Khi tình thương ấy chiếm hữu tâm hồn ta thì ta cầu nguyện với đức tin được. Mặt khác khi tình thương ấy chiếm hữu tâm hồn ta thì ta sống trong tình thương. Đức tính tha thứ của Chúa thể hiện trong tình thương của Ngài đối với chúng ta, và trở thành đức tính trong chúng ta là con cái Chúa. Quyền năng của tình thương tha thứ của Chúa tỏa rộng và dầm thấm vào tâm hồn chúng ta, đến lượt chúng ta cũng tha thứ như Chúa vẫn tha thứ. Giả như chúng ta bị người đời gây tổn hại hay đối xử bất công, chúng ta sẽ tự xét và thay vì phản ứng trả thù, chúng ta tự nhiên có khuynh hướng tha thứ như Chúa vậy.
Trong những việc bực dọc nhỏ nhoi hằng ngày chúng ta là người tin Chúa phải cảnh giác, đừng đổ cho là mình nóng tính, hay tự động nói ra những lời cay độc, hiểm ác, hay lên án vội vã, nghĩ rằng những việc ấy không gây tổn hại gì, hoặc là tự cho là mình không căm giận lâu, nhưng phải theo gương Chúa, tha thứ như cách Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu đã tha thứ.
Dòng máu đổ ra làm thanh tẩy lương tâm ta khỏi những công việc tà ác, sẽ thanh tẩy luôn tính ích kỷ nữa. Tình thương thể hiện trong việc tha thứ chiếm hữu chúng ta và tuôn tràn từ chúng ta sang người khác. Tình thương tha thứ người khác là bằng cớ cụ thể về tình thương tha thứ của Chúa trong chúng ta và đó cũng là điều kiện cho việc cầu nguyện bằng đức tin được Chúa nghe.
Bài học thứ hai rút ra từ lời dạy của Chúa trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay mang tính chất tổng quát hơn, đó là: Cuộc sống thường nhật của chúng ta chứng nghiệm sự trao đổi giữa chúng ta và Chúa qua việc cầu nguyện.
Thường thì khi chúng ta cầu nguyện chúng ta cố tạo ra một số khung tư tưởng nghĩ rằng như thế đẹp ý Chúa. Chúng ta không hiểu hay là quên rằng đời sống không chỉ có những mảnh tư tưởng rời rạc đó. Đời sống là một tổng thể và cái khung tư tưởng nghiêm trang kỉnh kiền trong giờ cầu nguyện đó được Chúa phán xét là tổng thể của cuộc sống hằng ngày mà giờ cầu nguyện chỉ là một thành phần nhỏ.
Tiêu chuẩn của Chúa không căn cứ vào cảm nghĩ mà tôi tạo ra nhưng là toàn bộ đời sống tôi trong ngày hôm ấy, nghĩa là con người thật và ước muốn của riêng tôi. Cuộc tiếp xúc của tôi với Chúa là một phần nhỏ của cuộc giao dịch của tôi với mọi người trong trần gian hôm ấy. Nghĩa là nếu tôi không có hòa khí với người thì hòa khí giữa tôi với Chúa cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra không phải chỉ khi thật sự có mối bất hòa nào đó giữa tôi và người khác thì mới tạo ảnh hưởng, ngay cả dòng tư duy thường của tôi với những phán đoán và phê bình, những ý nghĩ và lời nói không thương yêu tôi cho xảy ra mà không quan tâm, cũng có thể gây trở ngại cho lời cầu nguyện.
Cầu nguyện với đức tin hiệu quả xuất phát từ một đời sống được ký thác cho ý chỉ và tình thương của Chúa. Không theo cách mà tôi cố biểu hiện khi cầu nguyện, nhưng là con người của tôi khi không cầu nguyện, đó chính là lời cầu nguyện mà Chúa chấp nhận.
Những ý nghĩ này đưa ta đến lời dạy thứ ba của Chúa trong phân đoạn Kinh Thánh nghiên cứu hôm nay: Trong đời giao tiếp với con người một điều mà mọi sự việc đều phải phụ thuộc vào là tình thương.
Tình thần tha thứ cũng chính là tinh thần thương yêu. Vì Đức Chúa Trời là tình thương nên Ngài tha thứ. Khi nào chúng ta sống trong tình thương thì chúng ta mới có khả năng tha thứ như Chúa tha thứ được. Tình thương đối với anh em là bằng cớ về lòng kính yêu Chúa, đó cũng chính là căn bản khiến ta tự tin trước Chúa và sự bảo đảm là lời cầu nguyện được Chúa nghe. Ta đọc các ý nghĩ này trong 1 Giăng 4:20 và 1 Giăng 3:18-21 và câu 23:
Vì có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được.
Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật. Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài. Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự. Hỡi kẻ rất yêu dấu, ví bằng lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời:
Vả, nầy là điều răn của Ngài: là chúng ta phải tin đến danh Con Ngài, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, và chúng ta phải yêu mến lẫn nhau như Ngài đã truyền dạy ta.
Nếu không có tình thương thì đức tin hay việc làm đều không tạo ảnh hưởng gì cả; vì tình thương nối kết chúng ta với Chúa, chính tình thương chứng nghiệm về đức tin. Trong Mác 11:24 điều cơ bản đi trước lời hứa về cầu nguyện là: “Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời” và ngay sau đó là: “Hãy thương yêu”. Như thế quan hệ sòng phẳng với Chúa trên trời và với người sống chung quanh tôi là những điều kiện cho lời cầu nguyện được hiệu nghiệm.
Tình yêu tạo hiệu quả đặc biệt khi chúng là phục vụ cho người và cầu nguyện cho họ. Đôi khi chúng ta hy sinh phục vụ Chúa, nóng cháy về danh nghĩa của Chúa mà không hi sinh cá nhân cho những người mà chúng ta muốn Chúa cứu. Dĩ nhiên là đức tin chúng ta yếu kém và không đắc thắng được. Hãy nhìn vào mỗi con người đáng được cứu kia, dù con người ấy không đáng thương tới đâu, dưới ánh sáng thương yêu trìu mến của Chúa Giê-xu, Đấng chăn chiên đi tìm chiên lạc; hãy nhìn thấy Chúa Giê-xu trong con người ấy, và hãy nâng đỡ người ấy dậy, nhân danh Chúa Giê-xu với tâm hồn thương yêu thật sự – đó là bí quyết của cầu nguyện với niềm tin và nỗ lực để thành công.
Khi nói đến tha thứ, Chúa Giê-xu dùng tình thương làm gốc rễ. Như trong bài giảng trên núi, Chúa nối kết lời dạy của Ngài và những lời hứa về cầu nguyện với lời kêu gọi nhân từ thương xót, như Cha trên trời hằng thương xót, vì thế tại đây chúng ta thấy: Một đời sống thương yêu là điều kiện cho lời cầu nguyện bằng đức tin.
Nhiều khi chúng ta quên xét mình mà nghĩ rằng sở dĩ Chúa không trả lời cầu nguyện cho mình là vì những lý do mà chỉ Chúa mới biết được thôi. Nhưng Gia-cơ dạy: Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình. Gia-cơ 4:3. Xin lời Chúa tra xét chúng ta. Nhưng trong bài này, chúng ta hãy tự hỏi xem sự cầu nguyện của chúng ta có thực sự phát xuất từ một đời sống hoàn toàn theo ý muốn Chúa và tình thương đối với mọi người hay không? Tình thương là miền đất duy nhất mà đức tin có thể châm rễ và phát triển tốt. Vì thế những ai tiếp nhận tình thương của Chúa vào cuộc đời mình và thực hành thương yêu như Chúa đã thương mỗi ngày, sẽ có quyền tin rằng mỗi lời cầu xin đều sẽ được Chúa nghe. Vì kẻ nhân từ sẽ được thương xót và kẻ nhu mì sẽ hưởng được đất.
Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn