Thứ hai, Tháng năm 12, 2025
No menu items!

Đừng xét đoán (2) 

Đọc Kinh thánh: Ma-thi-ơ 7:1,2 

Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét. Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy. 

Suy niệm:  Chúa dạy: Các ngươi đừng đoán xét… Chúa vẫn theo nguyên tắc giáo dục của Ngài. Đó là đưa ra một lời tuyên bố và sau đó là các lý do hỗ trợ. Chúa đặt ra nguyên tắc trước rồi lý luận tại sao phải làm như vậy. 

Đoán xét hay Phán xét là gì? Chữ nghĩa của từ này không làm sáng tỏ vấn đề chút nào. Vì Chúa không chú trọng vào việc phán xét, nhưng nhấn mạnh vào thái độ kết tội. Phán xét và kết tội khác nhau. Vì phán xét là để tìm ra tội, còn kết tội là bỏ qua giai đoạn nghiên cứu, so sánh, tìm bằng chứng, đi ngay đến chỗ kết án. 

Phán xét hay lên án như vậy có thể xảy ra trong trường hợp người bị lên án không có quan hệ gì với ta cả. Bao nhiêu lần ta chỉ trích xoi mói và phát biểu ý kiến về những người không có trực hệ gì đến mình cả. Chúng ta chỉ lên án chỉ trích vì thích làm như vậy với ác ý mà thôi. 

Một hình thức phán xét khác thuộc tinh thần này là đặt thành kiến thay vào chỗ nguyên tắc. Chúng ta cần phán xét dựa theo nguyên tắc, vì đây cũng là biện pháp kỷ luật chung. Nhưng một khi người nào đem thành kiến riêng của mình áp đặt trên nguyên tắc thì người ấy mắc phải lỗi phán xét như Chúa lên án ở đây. 

Một hình thức phán xét khác nữa là khuynh hướng đặt cá tính lên trên nguyên tắc. Ta thường dễ tham gia vào một cuộc thảo luận không đặt trên nguyên tắc mà vì cá tính của mình hay của người nào khác. Một người bị lên án là khó tính và độc đoán, khi những người khác không nắm vững các nguyên tắc về tín lý căn bản, mà người ấy nắm rất vững. Chỉ vì thế mà người ấy bị loại hay bị làm khó dễ. 

Nhiều khi ta chưa có đủ các dữ kiện về một việc, một người, nhưng vẫn có thói quen phát biểu ý nghĩ về việc hay người đó, và nhất là có thái độ phê phán xấu. Ta không có quyền làm như vậy, vì không căn cứ trên sự thực mà chỉ là võ đoán. Tương tự như thế, nhiều trường hợp xẩy ra ta cần thông cảm hoàn cảnh thay vì lên án gắt gao và vội vã, không chút lòng thương xót. 

Một lần nọ Chúa Giê-xu sai hai người vào các làng người Sa-ma-ri chuẩn bị chỗ cho Chúa trọ, nhưng các làng đó không tiếp, Gia-cơ và Giăng nghe vậy nói với Chúa rằng: Xin Chúa cho chúng tôi truyền lửa từ trời xuống thiêu cháy các làng ấy đi.  

Nghĩa là giết chết những người Sa-ma-ri ấy, nhưng Chúa nói: Các ngươi không biết tâm thần nào xui mình. Vì Con người không đến để hủy diệt, nhưng đến để cứu. 

Ta có quyền phê bình về khuynh hướng và quan điểm của người khác, nhưng khi nào ta lên án người ấy, là ta đã chiếm mất quyền của Chúa. Vì chỉ một mình Chúa là quan án công bằng. Tới đây chúng ta mới nói đến lời giáo huấn, chưa đi sâu vào các lý luận Chúa đưa ra.  

Ta cần nhớ, Chúa dạy: Đừng phán xét. Ba chữ này ngắn gọn, nhưng không nên vi phạm, vì sẽ gặt lấy các hậu quả tai hại không ngờ. Trong Phúc Âm ta được dạy là: Khi ta còn là tội nhân, Chúa đã bằng lòng chết hi sinh cho chúng ta để mỗi chúng ta không đứng trên nếp sống thánh thiện của mình, nhưng đứng trên thánh thiện của Chúa. Không có Chúa, chúng ta hoàn toàn bị kết tội và chờ đợi bị trừng phạt.  

Nhưng Chúa là Quan Án Công Bình, đã cung cấp một phương cách để chúng ta thoát khỏi cuộc phán xét tội mà vào sự sống vĩnh hằng. Chúng ta không hơn một người nào trên đời này, mà chỉ nhờ hồng ân Chúa để được tha thứ, vì vậy lên án kết tội người khác là điều không nên. 

Trong bài học lần sau, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu về các lý do mà Chúa Giê-xu đưa ra nguyên tắc này. 

Phần áp dụng cho bài học hôm nay là: 

  1. Mỗi khi sắp nặng lời chỉ trích, lên án ai, ta hãy tự xét xem mình có thành kiến không, có đủ các dữ kiện chưa, có theo đúng nguyên tắc hay chỉ vì không thích hoặc là ác ý mà hành động như vậy. 
  2. Ta có quyền chỉ trích, phê bình, nhưng đừng lên án, kết tội, vì chỉ một mình Chúa có quyền đó. 
  3. Khi ta không thích một người nào, ta đừng vội lên án, mà hãy đặt vấn đề cầu nguyện cho người ấy, ta sẽ thấy sự việc thay đổi hẳn, vì đó là cách thay đổi quan niệm của ta về một người, dù người ấy chưa thay đổi gì cả. 
  4. Là con của Chúa, ta nên cảm tạ Chúa về được Chúa tha tội cho, và vì vậy, cũng nên sẵn lòng tha thứ cho kẻ khác.

Nguyễn Sinh 

Bài viết trước
RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN