Đọc Kinh thánh: Ma-thi-ơ 7:17-20
17Vậy, nếu cây lành thì sinh trái lành; còn cây độc thì sinh trái độc.
18Cây lành không thể sinh trái độc, còn cây độc cũng không sinh trái lành được.
19Bất cứ cây nào không sinh trái lành, thì bị đốn và ném vào lửa.
20Như thế, nhờ bông trái, các con sẽ nhận biết được chúng.
Suy niệm: Những người có thể bị mang nhãn hiệu tiên tri giả là những người không dạy giáo lý trong bài giảng.
Bài giảng nói về nhiều chuyện bâng quơ và tổng quát, không bao giờ đi sâu vào chi tiết giáo lý căn bản. Hay nói đúng hơn, không nói gì đến con đường hẹp. Những người ấy không bao giờ đề cập đến sự thánh khiết, sự công chính, cơn thịnh nộ của Chúa, mà lúc nào cũng nói về tình thương của Chúa.
Nhưng người ấy không bao giờ làm cho người ta run sợ khi nghĩ đến việc đối diện với Đấng toàn thánh, toàn thiện mà mọi người đếu phải gặp. Những người ấy không nói là họ không tin những điều này, nhưng chỉ không đề cập tới mà thôi. Điều mà những người ấy nhấn mạnh về Chúa chỉ là tình thương, không có gì khác nữa.
Những người này không cho rằng các thánh tính của Chúa đều giá trị ngang nhau. Nhiều điều những người ấy không nói là sai, nhưng cũng chẳng bao giờ nói những gì là chân thật và cần tuân giữ. Đó là những tính chất của tiên tri giả. Vì che giấu sự thật cũng nguy hại không khác gì tuyên truyền tà giáo.
Vì vậy nên Chúa mới gọi họ là muông sói dữ tợn trong lốt chiên hiền lành. Những người ấy thật tốt, thật dễ thương, nhưng đưa người ta vào chỗ huỷ diệt vì không bao giờ cho người ta biết về sự thánh khiết, sự công chính và cơn thịnh nộ đoán phạt của Chúa đối với tội nhân.
Một giáo lý khác mà tiên tri giả không bao giờ nhắc tới là cuộc phán xét sau cùng và số phận diệt vong của kẻ có tội. Tiên tri giả không bao giờ đề cập đến các lời dạy trong thư Phi-e-rơ thứ hai. Những người ấy cố tránh vì không hợp với chủ trương của họ.
Nhiều khi những người thuộc tiên tri giả còn cho là các chương sách nói về cuộc đoán phạt của Chúa không nên đưa vào Kinh Thánh nữa. Trong các thư như Giu-đe, thư thứ nhất của Giăng và ngay trong bài giảng trên núi, đều đề cập đến những hạng người gọi là tiên tri giả này.
Tiên tri giả cũng là những người không nhấn mạnh về tình trạng tội lỗi và tính bất lực của con người về số phận của mình. Về một phương diện, những người này không thực sự cho là có tội lỗi, và cũng không nói về bản chất độc hại của tội. Họ không nói rằng chúng ta đếu là những người vô tội, nhưng chỉ nói rằng tội không có gì đáng quan tâm lắm. Nói đúng hơn, họ không nói về tội ác, mà chỉ nói về tội cá nhân hay tội đặc biệt nào đó mà thôi. Họ không nói đến bản chất sa ngã của con người, và con người hoàn toàn bị xa cách với Chúa là Nguồn Sống. Cũng không đề cập đến việc toàn thể nhân loại đồng lòng phạm tội và nhất là tất cả chúng ta đã phạm tội hụt mất vinh quang của Đức Chúa Trời. Họ không nói đến tình trạng phạm tội quá đầy tràn mà Tân Ước nói đến, hay là con người thực sự đã chết trong tội, và hoàn toàn không có phương cách nào giải cứu và tuyệt vọng. Vấn đề là những tiên tri giả không nói đến các việc này, và người tin họ cứ tưởng rằng họ cũng tin như vậy. Thật ra họ không nói ra những điều mà họ không tin. Vì nếu tin, họ bắt buộc đã phải nói ra rồi.
Các tiên tri giả có thể cũng nói về Chúa Giê-xu, về thập giá và cái chết của Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả là quan niệm của họ về cái chết ấy như thế nào? Vì có nhiều quan niệm hoàn toàn sai lạc về cái chết của Chúa và hoàn toàn ngược lại với niềm tin chân chính mà Kinh Tân Ước dạy. Ta có thể trắc nghiệm quan niệm về cái chết của Chúa bằng câu hỏi này:
Quan niệm ấy có công nhận rằng Chúa Giê-xu phải chết trên thập giá vì đó là cách duy nhất để chuộc tội và đền tội cho nhân loại hay không? Người tiên tri giả ấy có tin rằng Chúa hi sinh trên thập giá là để thay thế cho chính ông ta và Ngài chịu treo trên cây gỗ là vì tội phạm và sự trừng phạt tội của chính ông ta hay không? Ông ta có tin rằng nếu Đức Chúa Trời không trừng phạt tội của ông ta trên thân xác Chúa Giê-xu, thì Ngài cũng không tha thứ tội cho ông ta được hay không? Ta thấy rằng nếu chỉ nói không về Chúa Giê-xu, về cái chết của Chúa và về thập giá thì chưa đủ. Người tiên tri giả sẽ không nói về giáo lý chuộc tội như vừa kể trên đây. Người ấy sẽ chỉ nói về thập tự, về những người đứng quanh cây thập tự và tỏ vẻ thương hại Chúa. Người ấy không có tinh thần truyền giảng về thập tự như Phao lô, nghĩa là nói đến sự xúc phạm đến thập giá, lời giảng của người ấy không được người Hi-lạp coi là điên dại và người Do-thái cho là vật cản.
Người tiên tri giả cũng là người không nhấn mạnh về việc ăn năn trong nghĩa chân thật nhất. Ăn năn chân thật nghĩa là nhận mình là một tội nhân xấu xa nhất trước hiện diện của Chúa, chỉ đáng bị trừng phạt và xuống hỏa ngục của Chúa dành cho kẻ phạm tội và ma quỷ. Ăn năn thật là tự nhận thấy có tội trong mình, mong muốn tẩy rửa, từ bỏ, quay lưng lại dưới mọi hình thức. Từ chối trần gian với bất cứ giá nào, từ chối cả chính mình để vác thập giá theo Chúa. Những người thân nhất trong gia đình hay họ hàng có thể chê ta là điên cuồng hay là say đạo. Ta có thể bị nghèo thiếu, mất việc nhưng không màng. Đó chính là ăn năn thật. Tiên tri giả không nhấn mạnh ăn năn như thế, mà chỉ hối thúc đến với Chúa, theo Chúa, tin Chúa đi, một cách rất mơ hồ.
Sau cùng, tiên tri giả không nhấn mạnh về việc cần thiết phải vào cửa hẹp và đường chật cũng không bảo ta phải thực hành Bài Giảng Trên Núi.
Trên đây chỉ là một ít nét về tiên tri giả. Những người này thường nói đến tính cách dễ dàng của một cuộc cứu rỗi, một đời sống thoải mái an bình. Nhưng không nói đến vấn đề tự xét mình, mà chỉ khuyên cứ nhìn lên Chúa.
Nhiều người ngày nay không thích nghe loại bài phân tích về tiên tri giả như thế này, vì nghĩ rằng đạo nào cũng tốt. Những người cùng nói về Chúa phải hòa thuận với nhau và không nên khích bác nhau. Nhưng ta nên nhớ lời Chúa dạy: “Hãy coi chừng các tiên tri giả.” Dĩ nhiên đây là lời căn dặn về những người sai lạc giả dối, chứ không phải để phân biệt các giáo phái với nhau.
Tại sao hội thánh trở thành yếu nhược và kém hiệu năng? Có lẽ chỉ vì người giảng truyền lời Chúa chưa trung thực và người nghe lời Chúa chưa chịu thực hành. Tuy nhiên cũng phần lớn vì hội thánh bị pha trộn nhiều loại người chỉ trục lợi chứ không quan tâm về con đường hẹp và lối sống gương mẫu ở đời.
Mỗi chúng ta cần đến với Chúa hằng ngày, xin Chúa tha tội và ban cho một đời sống an nghỉ trong Chúa, nghĩa là không còn tìm những thức ngon vật lạ nữa, nhưng bằng lòng với lời Chúa dạy và đứng vững trong lời đó luôn luôn.
Cầu xin Chúa cho chúng ta thấu triệt lời Chúa để khỏi bị những tiên tri giả dẫn dụ hay chính mình trở thành tiên tri giả.
Nguyễn Sinh