Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuPhương Pháp Sống ĐạoThánh-Linh Trong Thế Giới Ngày Nay - Bài 1: Thánh-Linh Là Một...

Thánh-Linh Trong Thế Giới Ngày Nay – Bài 1: Thánh-Linh Là Một Thân Vị

Phần Mở Đầu

Bài học này nghiên cứu về công việc của Đức Thánh-linh trong quan điểm của Kinh-thánh. Thánh-linh thật sự không xa lạ gì đối với người tin Chúa trong thời đại chúng ta.  Trên thế giới người ta vẫn chứng kiến hoặc đọc nhiều sách báo nói về hoạt động của Thánh-linh.

Nhưng thường thì quan điểm của các loại sách báo đã viết ra thuộc về kinh nghiệm.  Nhiều lời chứng được kể lại;  nhiều kinh nghiệm được trao đổi; người ta còn lục lọi và phân tích tiểu sử của những người có kinh nghiệm về Thánh-linh nữa.  Đúng là Hội-thánh được tăng thêm đức tin và khơi lên hi vọng trong quyền năng và mục đích của Chúa cho Hội-thánh.

Tuy nhiên,  khi chúng ta bàn về hoạt động của Thánh-linh tức là bàn về Đức Chúa Trời, vì thế không thể nào tìm hiểu căn bản về Thánh-linh mà lại không nghiên cứu Kinh-thánh.  Nếu chỉ đặt hiểu biết về Thánh-linh qua kinh nghiệm mà thôi,  thì chẳng khác gì phát triển một giáo lý về sáng tạo mà chỉ căn cứ vào một cảnh hoàng hôn trên biển hay một chuyến lái xe vào mùa thu xuyên qua một vùng đồi núi.  Kinh nghiệm rất quan trọng, ai cũng biết thế, vì kinh nghiệm xác nhận và minh chứng những gì chúng ta đã học.  Nhưng khi muốn biết về Chúa,  thì chúng ta phải đến với Kinh-thánh là lời của chính Chúa,  vì Kinh-thánh cho chúng ta biết đầy đủ và minh bạch về Ngài.

Kinh-thánh dạy gì về Thánh-linh: đây là một đề tài khá tế nhị.  Trong loạt bài học này chúng ta sẽ không nghiên cứu gì khác hơn là những gì Kinh Thánh Tân Ước dạy về Đức Thánh-linh.

Dĩ nhiên không ai có thể nói được rằng hoàn toàn thấu hiểu về Thánh-linh. Vì khi chủ đề Đức Chúa Trời là Thánh-linh thì không ai dám nghĩ là mình đã biết đầy đủ.  Vì sẽ có những khía cạnh về Chúa và công việc của Ngài mà chúng ta không đề cập đến hoặc là chỉ vạch hướng về vấn đề đó mà thôi.

Chúng tôi cố gắng cô đọng các chủ đề qua các phân đoạn Kinh-thánh để độc giả có thể nắm bắt được kiến thức ngắn gọn về Thánh-linh.

Tuy cô đọng và ngắn gọn, chúng tôi hi vọng rằng các bài nghiên cứu sẽ vẫn làm sáng tỏ các điểm quan trọng nhất.

Trong các Hội-thánh và các nhóm học Kinh-thánh ngày nay đề tài Thánh-linh thường hay tách ra khỏi các giáo lý khác.  Cũng vì vậy mà đôi khi quan hệ giữa Thánh-linh và Đức Chúa Trời cũng như Chúa Giê-xu có khi không chú trọng. Ta nên nhớ rằng vai trò của Thánh-linh trong chương trình cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Trời cần phải quan tâm.  Các mối quan hệ chặt chẽ giữa Thánh-linh và lời Kinh-thánh hay Thánh-linh và Hội-thánh cũng rất là hệ trọng.

Kinh-thánh dạy chúng ta bước đi trên một đường ngăn cách rất hẹp giữa sợ hãi và cuồng tín ở một bên,  và bên kia là quá táo bạo.  Có những người tin Chúa rất tốt nhưng ngại học về ân tứ Thánh-linh và quyền năng, vì sợ trở thành xúc động quá mức như một số người khác có khuynh hướng như thế. Lại cũng có những anh chị em khoe rằng Thánh-linh khiến họ có thể làm những phép lạ vào một giờ khắc nào đó hay là tiên đoán được các việc tương lai trong lịch sử cũng như trong cuộc đời người tin Chúa.

Chúng tôi thấy rằng lời dạy của Kinh-thánh ở khoảng giữa các thái độ cực đoan này. Thánh-linh không phải để cho chúng ta sử dụng, nhưng chúng ta được Ngài sử dụng.  Thánh-linh là Chúa là chủ của Hội-thánh.  Chúng ta phải để cho Thánh-linh hành động theo ý Ngài và trong chương trình của Ngài.  Chúng ta không ai có thể vận dụng quyền năng Thánh-linh hay định chương trình cho hoạt động của Ngài.  Nhưng vì Ngài là Chủ,  chúng ta phải mở rộng những nơi Ngài muốn mở và nhận lãnh bất cứ ân tứ nào Ngài đưa đến, và đáp ứng với bất cứ ưu tiên nào Ngài đặt ra.

Cầu xin Chúa Thánh-linh hướng dẫn chúng ta khi chúng ta nghiên cứu các bài học về Ngài và áp dụng được trong cuộc đời chúng ta.

 

Bài thứ  1.  Thánh-linh là một Thân Vị

Mười một môn đồ, đi qua xứ Ga-li-lê, lên hòn núi mà Đức Chúa Jêsus đã chỉ cho. Khi môn đồ thấy Ngài, thì thờ lạy Ngài; nhưng có một vài người nghi ngờ. Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-linh mà làm phép báp tem cho họ,  và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. (Ma-thi-ơ 28:16-20)

Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Đức Thánh-linh ở với anh em hết thảy! (2 Cô-rinh-tô 13:14).

Nhiều người khi đọc Kinh-thánh thấy có khi nói đến Thần,  rồi khi khác lại nói đến Thánh-linh.  Chữ Thần làm cho người ta nghĩ đến thần linh trong ý nghĩa của người đời,  tức là hồn ma, còn chữ Thánh-linh là danh hiệu dùng cho một trong ba ngôi Đức Chúa Trời.  Có người đề nghị là sao không gọi  đó là ảnh hưởng của Đức Chúa Trời?  Nhưng điều quan trọng cần lưu ý chính là:  Thánh-linh là một thân vị (a person).  Khi chú trọng đến ảnh hưởng hoặc quyền năng hay là sức mạnh của Thánh-linh là đã quên Thánh-linh là một thân vị.  Và như thế là làm giảm uy danh của Thánh-linh,  cho rằng Ngài chỉ là một cái gì đó mà thôi như dụng cụ chẳng hạn.

Trong đời thường,  khi nào ta đối xử với người nào, coi người ấy như đồ vật là làm mất phẩm giá của người ấy.  Đối với Thánh-linh thì cách đối xử như thế còn nguy hại hơn.

Điều khó của chúng ta là khi nói đến thân vị nào,  chúng ta phải liên tưởng đến một gương mặt và một thân hình mà gương mặt ấy thuộc về.  Như khi ta nghĩ đến một người thân hay người bạn,  ta mường tượng ra một hình dáng và một bộ mặt.

Khi nói Thánh-linh là một thân vị,  ta thấy hơi khó.  Vì làm sao hình dung ra Thánh-linh như thế nào?

Kinh-thánh dùng các biểu tượng để mô tả các công việc của Thánh-linh,  các biểu tượng đó là:  chim bồ câu, một cơn gió mạnh, các lưỡi trong dạng lửa cháy, rượu mới, dầu dùng để xoa trên tóc.

Nhưng tất cả các biểu tượng này cho ta thấy Thánh-linh như thế nào chứ không cho biết Thánh-linh là ai?  Nghĩa là những hình ảnh về hoạt động hay là việc Thánh-linh đem lại như an bình, sức mạnh và niềm vui.  Ta nói Thánh-linh là một thân vị nhưng lại không thấy được Ngài như thế nào.  Không ai vẽ ra được Thánh-linh với hình dạng nào.

Nhưng Ngài vẫn là một thân vị!

Nhưng nan đề đó là đối với chúng ta, là do giới hạn của con người với nhận thức rất lờ mờ.  Nếu chúng ta quan sát thật kỹ về những gì liên quan đến thân vị, chúng ta sẽ nhận thấy rằng gương mặt và hình dạng thật ra không phải là trọng tâm.  Có lẽ chiếc máy điện thoại có thể minh chứng điểm này.  Mỗi ngày chúng ta thường có những cuộc đối thoại với nhiều người,  nhất là trong thương mại,  mà chúng ta chưa bao giờ gặp mặt.  Dù cho đi đường gặp những người đó chúng ta cũng không biết là ai.  Có những người giao dịch với nhau lâu trở thành bạn.  Người này có thể mường tượng ra có thân vị như thế nào.  Những gì người ấy ưa thích hay là ghét; những thái độ cơ bản của người ấy; những sở trường và sở đoản v.v.  Như thế chỉ với tiếng nói và sức mạnh của lời nói mà gần như ta biết được nguyên cả thân vị của một người.

Thánh-linh cũng vậy.  Chúng ta không trông thấy hay đụng chạm được vào Ngài;  nhưng do nghe lời Ngài trong Kinh-thánh và lưu ý đến những gì chính Chúa Giê-xu và các môn đệ của Ngài nói về Ngài, chúng ta có thể hiểu được và biết được thân vị đó.

Thánh-linh là một thân vị.

Kinh-thánh nói rõ điểm này bằng nhiều cách:

Trước tiên là chú trọng vào thần tính của Thánh-linh;

Thứ hai, bằng cách liên kết công việc của Thánh-linh với công việc của Chúa Giê-xu;

Và thứ ba, mô tả nhiệm vụ của Thánh-linh trong Hội-thánh.

Thánh-linh là Đức Chúa Trời

Lời Chúa Giê-xu dạy các môn đệ của Ngài giúp ta thấy rõ điểm đầu tiên này:

Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-linh mà làm phép báp tem cho họ,  và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. (Ma-thi-ơ 28:16-20).

Ta lưu ý câu … hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Thánh-linh mà làm phép báp tem cho họ. 

Lúc ấy các tân môn đệ của Chúa Giê-xu vừa xa rời thần tượng,  rũ bỏ quá khứ thờ nhiều tà thần,  rất cảm kích khi được tuyên xưng đức tin qua lễ báp tem.  Vì khi ấy họ công khai tin Chúa là Chân Thần duy nhất.  Nhưng Chúa Giê-xu cũng đã giới thiệu cho các môn đệ một tri thức sâu hơn phong phú hơn về Chân Thần,  đó là Đức Chúa Trời  có Đức Chúa Cha,  Đức Chúa Con  và Thánh-linh – một Đức Chúa Trời nhưng có ba Đấng bậc.

Đức Chúa Cha là Đấng thiêng liêng cao cả thì không cần bàn cãi nhiều.  Chúa Giê-xu đã dạy các môn đệ Ngài cầu nguyện:  Lạy Cha chúng con ở trên trời,  danh Cha được tôn thánh.  Xưng nhận như thế là đủ hiểu Cha rất thiêng liêng và cao cả.

Chúa Giê-xu tự xác nhận thần tính của Ngài.  Đại mạng lệnh là bằng cớ đầy đủ về điểm này: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vì vậy Chúa mới có thẩm quyền sai mọi người đi truyền giáo.  Ngài lại hứa là sẽ cùng đi với họ khắp nơi cho đến khi tận thế.

Lệnh Chúa Giê-xu ban truyền còn nói đến Thánh-linh,  như là mối nối giữa Cha và Con.

Trong câu kể trên,  ta phải hiểu Thánh-linh cũng là Đức Chúa Trời.  Khi Chúa Giê-xu dạy nhân danh Cha Con và Thánh-linh để làm báp tem, ta phải hiểu rằng ba vị nêu danh đều là Đức Chúa Trời cả.  Nhưng vẫn chỉ là một Chân Thần mà có ba ngôi vị.  Thánh-linh như thế là một Đấng bậc,  một ngôi vị xác định,  vì Ngài là Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời trong Kinh-thánh nói đến là Đức Chúa Trời có ngôi vị,  có cá thể.  Nếu Đức Chúa Trời, Đấng đã lựa chọn ông Áp-ra-ham và gia đình ông ta để phục vụ Ngài,  dẫn từng bước họ đi ,  trả lời khi họ cầu xin,  và ban cho họ Lời của Ngài,  không phải là một Đấng bậc,  một ngôi vị,  thì  Đức Chúa Trời ấy không xác thực.  Yêu thương, chọn lựa, cảm xúc, suy nghĩ, hiểu biết, lập kế hoạch, chăm sóc,  nhớ v.v là những phẩm tính của một cá thể,  một ngôi vị.  Đức Chúa Trời có tất cả những phẩm tính này.

Thánh-linh là một ngôi vị, là một cá thể,  vì Ngài là Đức Chúa Trời.

Thánh-linh tiếp tục công nghiệp của Chúa Giê-xu

Những lời sau cùng của Chúa Giê-xu cho các môn đệ Ngài có câu này:  Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.  Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời,  tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi.  (Giăng 14:15-17)

Như thế Thánh-linh là Đấng Yên Ủi mà Chúa Giê-xu đưa đến,  việc làm của Thánh-linh là:

Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Thánh-linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.  (Giăng 14:26).

Dạy bảo và nhắc cho nhớ là công việc của một cá thể,  một ngôi vị như Chúa Giê-xu nhưng không còn giới hạn trong thể xác.  Khi Chúa Giê-xu ở Sê-sa-rê Phi-líp với các môn đệ thì lúc ấy Ngài không thể cùng ở Bê-tha-ni trong nhà Ma-thê và Ma-ri được.  Đây là một phần giới hạn của Chúa Giê-xu khi Ngài bằng lòng vào thế gian làm người,  đó là mỗi lần chỉ có mặt ở một nơi mà thôi.  Thánh-linh thì khác,  dù cũng có ngôi vị như Chúa Giê-xu nhưng không bị giới hạn không gian và thời gian.  Vì thế khi giáo hội tăng trưởng và lan rộng khắp nơi Thánh-linh có thể có mặt mọi nơi cùng một lúc. Như thế Thánh-linh tiếp tục công nghiệp của Chúa Giê-xu và hiệu quả hơn.

Như thế Thánh-linh là một cá thể,  một ngôi vị,  vì Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng tiếp tục công nghiệp trên đất của Chúa Giê-xu.

Thánh-linh phục vụ Hội-thánh

Trong lời chúc phước cho cộng đồng dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô,  Sứ đồ Phaolô đã nói:  Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Thánh-linh ở với anh em hết thảy!  (2 Cô-rinh-tô 13:14).

Ta thấy câu này nói đến từng cá nhân của Ba-ngôi Đức Chúa Trời.  Ai có thể tha thứ và ban ân huệ ngoài ra Chúa Giê-xu?  Ai có thể biểu lộ tình thương của Ngài ngoài một cá thể thần linh như Đức Chúa Cha,  Đấng đã sai Con Ngài xuống thế gian để hoàn thành việc cứu rỗi cho chúng ta?  Và ai có thể thúc đẩy mối tương giao giữa con dân Chúa ngoại trừ Thánh-linh là Đấng làm cho Hội-thánh kết chặt với nhau trong một kinh nghiệm chung về lòng tin và sự tha thứ?

Mối tương giao mà Thánh-linh làm cho phát sinh chính là niềm vui mà anh chị em tin Chúa cùng cảm thấy.  Đây không phải tương giao vì cùng chung văn hóa,  cùng quan điểm chính trị,  hay cùng thỏa thuận trong một cuộc thương mại nào.  Đây cũng không phải một cuộc tương giao vì cùng sở thích và quan niệm về kiểu y phục hay kiểu ăn mặc.  Đây chính là tương giao thân thiết trong niềm tin,  trong việc tôn thờ Chúa,  trong việc tuân hành lời Chúa dạy và trong nhiệm vụ.  Cuộc tương giao như thế chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể tạo ra và duy trì cho mà thôi.  Đây chính là tương giao của Thánh-linh,  cá nhân Thánh-linh, Thánh-linh có ngôi vị và Đấng bậc,  hoạt động trong tâm hồn những người đã tin Đức Chúa Trời nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Để kết thúc,  có ba điều ta cần nói:

1.         Vì Thánh-linh là Đức Chúa Trời,  nên những gì trong Kinh-thánh nói về phẩm tính của Đức Chúa Trời đều có thể áp dụng cho Thánh-linh được.  Những phẩm tính như: tình thương, thánh khiết, quyền năng, thiện lành, thành tín v.v của Đức Chúa Trời chính cũng là của Thánh-linh.  Thánh-linh là Đấng tiếp tục công nghiệp đã được Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu khởi đầu,  cũng có cùng quan tâm và khả năng.

2.         Vì Thánh-linh thực hiện và tiếp tục công nghiệp của Chúa Giê-xu,  chúng ta có thể coi như Chúa Giê-xu hiện diện giữa vòng chúng ta là người tin Chúa để đáp ứng mọi nhu cầu căn bản của chúng ta.  Thánh-linh nhắc nhở chúng ta về tình thương của Chúa Giê-xu,  thực hiện sự tha thứ của Chúa Giê-xu cho chúng ta,  cho chúng ta được tràn đầy quyền năng của Chúa Giê-xu,  sửa dạy chúng ta bằng cái khôn ngoan và chân lý của Chúa Giê-xu,  lấy niềm an ủi của Chúa Giê-xu an ủi chúng ta.  Nghĩa là chính người của Chúa Giê-xu với cùng quyền năng và thương cảm đang có mặt giữa chúng ta.  Ngài dạy chúng ta qua lời Kinh-thánh,  Ngài uốn nắn ý chí của chúng ta cho thuận theo ý chỉ của Đức Chúa Trời.

3.         Vì Thánh-linh phục vụ trong Hội-thánh,  nên chúng ta có thể có mối tương giao với Đức Chúa Trời và với anh em chị em cùng niềm tin.  Thánh-linh nâng chúng ta lên cao hơn những thành kiến,  làm cho quân bình những gì ta thích và không thích,  gắn bó chúng ta bằng tình thương và quan tâm của người tin Chúa.  Chúng ta hãy vui hưởng mối tương giao Thánh-linh đem đến vì Ngài làm cho mọi ngăn cách được san bằng,  và dạy chúng ta rằng chúng ta là một khối qua quyền năng của Ngài.  Vì Thánh-linh là Đức Chúa Trời,  Ngài còn có cá tính riêng còn hơn chúng ta nữa.  Vì Ngài chính là Đức Chúa Trời nên ngày đêm làm việc để biến hóa chúng ta thành những con người mà Đức Chúa Trời muốn thấy.

Nguyễn Sinh biên soạn

 

 

 

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN