Bài 17 Cầu Nguyện Khi Thất Vọng
Thi Thiên 42 và 43 ghi rằng:
Đức Chúa Trời ôi! linh hồn tôi mơ ước Chúa, Như con nai cái thèm khát khe nước. 2 Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống: Tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng nào? 3 Đương khi người ta hằng hỏi tôi: Đức Chúa Trời ngươi đâu? Thì nước mắt làm đồ ăn tôi ngày và đêm. 4 Xưa tôi đi cùng đoàn chúng, Dẫn họ đến nhà Đức Chúa Trời, Có tiếng reo mừng và khen ngợi. Một đoàn đông giữ lễ; Rày tôi nhớ lại điều ấy, và lòng buồn thảm. 5 Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời; ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa; Vì nhờ mặt Ngài, bèn được cứu rỗi. 6 Đức Chúa Trời tôi ôi! linh hồn tôi bị sờn ngã trong mình tôi; Nên từ xứ Giô-đanh, Từ núi Hẹt-môn, và từ gò Mít-sê -a, tôi nhớ đến Chúa. 7 Vực gọi vực theo tiếng ào ào của thác nước Chúa; Các lượn sóng và nước lớn của Chúa đã ngập tôi. 8 Dầu vậy, ban ngày Đức Giê-hô-va sẽ sai khiến sự nhơn từ Ngài; Còn ban đêm bài hát Ngài ở cùng tôi, Tức là bài cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời của mạng sống tôi. 9 Tôi sẽ thưa cùng Đức Chúa Trời, là hòn đá tôi, rằng: Cớ sao Chúa quên tôi? Nhơn sao tôi phải buồn thảm Vì cớ kẻ thù nghịch hà hiếp tôi? 10 Trong khi những cừu địch tôi hằng ngày hỏi rằng: Đức Chúa Trời ngươi đâu? Thì chúng nó sỉ nhục tôi khác nào làm gãy xương cốt tôi. 11 Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời; ta sẽ còn khen ngợi Ngài nữa: Ngài là sự cứu rỗi của mặt ta, và là Đức Chúa Trời ta.
Thi Thiên 43
Đức Chúa Trời ôi! xin hãy đoán xét tôi, và binh vực duyên cớ tôi đối cùng một dân vô đạo; Hãy giải cứu tôi khỏi ngươi dối gạt chẳng công bình. 2 Vì, Đức Chúa Trời ôi! Chúa là sức lực tôi; cớ sao Chúa đã từ bỏ tôi? Nhơn sao tôi phải ở buồn thảm Vì cớ kẻ thù nghịch hà hiếp tôi? 3 Cầu Chúa phát ánh sáng và sự chơn thật của Chúa ra: Nó sẽ dẫn tôi, đưa tôi đến núi thánh và nơi ở của Chúa. 4 Bấy giờ tôi sẽ đi đến bàn thờ Đức Chúa Trời, Tức đến cùng Đức Chúa Trời, là sự rất vui mừng của tôi: Hỡi Chúa, là Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ lấy đờn cầm mà ngợi khen Chúa. 5 Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời; ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa: Ngài là sự cứu rỗi của mặt ta, và là Đức Chúa Trời ta.
Câu được nhắc đi nhắc lại trong hai Thi Thiên vừa đọc là câu hỏi: Hỡi linh hồn ta, cớ sao người sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Bản Kinh Thánh Công giáo dịch là: Hồn ta hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi? Thường thì người Việt chúng ta không tự đặt câu hỏi như thế trong tư tưởng của mình, nhưng cảm biết linh hồn bất an và cần làm cái gì hay cần được cứu giúp. Đời thường gọi là than thân trách phận.
Các nhà tâm lý cho hay rằng người ta than thân trách phận là vì tự ty mặc cảm, một tâm lý hổ thẹn, thu mình lại khiến cho đương sự cho rằng mình không đủ tư cách hay khả năng. Thường thi người như thế nghi ngờ chính mình và vật lộn với ý nghĩ, với mặc cảm đó mãi cho đến khi suy yếu và tuyệt vọng. Một cậu trai kia có lần chơi dưới sông, bị hụt chân và nước xoáy gần chết đuối, may có người lớn kéo lên được. Từ đó rất sợ nước, và không bao giờ xuống sông, hồ hay biển nữa. Khi lớn lên vẫn giữ như vậy. Nếu có ai rủ xuống nước, anh ta viện cớ là không muốn vì nước sâu, và sợ nguy hiểm. Thật ra là vì mặc cảm tự ty. Nhiều người sống trên đời với nhiều mặc cảm như thế, không phải chỉ sợ nước, nhưng sợ rất nhiều thứ, kể cả dư luận của người ta. Cũng vì vậy mà có thái độ tuyệt vọng và chán nản.
Tâm lý gia gọi những trường hợp bất an và chán nản như thế là những cơn sóng hay là thủy triều lên xuống trong đời. Thuỷ triều là hiện tượng thiên nhiên lên xuống theo quy luật của tạo hóa. Những cơn sóng chán nản hay tuyệt vọng trong tâm hồn con người nhiều khi cũng theo chu kỳ nào đó tùy theo tính khí của mỗi người. Không ai lúc nào cũng vui vẻ an bình cả đâu. Vì vậy người ta hay than: tôi có lúc thế này, lúc thế khác.
Những người đi câu ngoài biển thường theo những thời khóa biểu mà các chuyên gia đưa ra để biết phải câu lúc nào cá mới hay cắn. Có người bảo rằng, có thể lập ra một thời khóa biểu cho con người chúng ta nữa, vì có khi chúng ta cảm thấy thích hoạt động thì mới nên đưa vào những kế hoạch lợi dụng những giờ giấc đó. Một mục sư nhận thấy rằng một số tín hữu thích tham gia vào một số chương trình trong nhà thờ chỉ vì thích hợp với tâm lý hoạt động của họ trong giờ giấc đó. Thế rồi mục sư phải hoạch định các buổi học hay huấn luyện đúng vào những giờ mà nhiều người đáp ứng hơn, như vậy mới có hiệu quả.
Nhưng vấn đề không phải là những cơn sóng lên xuống bình thường trong tâm linh con người. Vì nan đề xẩy ra là khi chúng ta lâm vào những giai đoạn chán nản tuyệt vọng thật sâu, và dường như không bao giờ trở lại bình thường được nữa.
Người lái máy bay cho hay rằng, việc nguy hiểm nhất trong lúc bay là mất hẳn hướng, vì vậy phải biết rút lui khi vào chỗ nguy hiểm.
Khi lâm vào tình trạng chán nản tuyệt vọng, phải giữ sao cho đừng mất phương hướng của cuộc đời. Muốn tránh mất phương hướng ta phải lưu ý về bốn điểm sau đây:
- Đừng bao giờ quên rằng bạn rất là quan trọng.
Vì không có người nào được tạo nên theo hình ảnh của Chúa mà lại vô dụng cả. Có thể là bạn chưa tìm ra nơi nào trong đời sống mà mình thích nhất, cuộc đời của bạn dường như không có gì đặc biệt. Nhưng nên nhớ rằng Chúa đã phú cho bạn một cá tính riêng mà không ai trùng lặp. Bạn được sinh ra để sống trong hai thế giới, một thế giới hiện tại, và một thế giới tương lai. Thi thiên chuơng 8 ghi rằng: Bạn được tạo nên kém thiên sứ một bậc, nhưng đã được đội cho vương miện vinh quang và danh dự.
Vì bạn là ai và bạn làm gì, bạn có thể tự tin và nương cậy vào chính mình. Bạn dễ bất mãn khi nương dựa vào người khác, nhưng khi nào bạn sống quân bình trên đôi chân của mình, thì bạn cảm thấy mình độc lập. Nếu Chúa muốn bạn bắt chước người nào đó, thì chắc hẳn Chúa đã không tạo nên bạn. Đừng bao giờ quên rằng bạn là người Chúa tạo nên và Ngài cần đến bạn.
2. Nhiều lần trong đời sống, linh hồn bạn sờn ngã và chán nản, nghĩ rằng mình đã mất tất cả, xin nhớ rằng, người ta vẫn cần đến bạn.
Ít ra cũng có một công việc nào đó không thể hoàn tất được, nếu không có sự tham gia của bạn. Mỗi chúng ta đều có thể đóng góp vào một công việc nào đó. Nhiều người hiện đóng góp vào những việc kém cỏi ngoài khả năng của mình, và cho là nhỏ nhoi không đáng. Nên nhớ, Chúa Giê-xu nói rằng: ….các ngươi quý trọng hơn những con chim sẻ nhiều. Ma-thi-ơ 10:31. Thảm kịch là có nhiều người chưa đóng góp vào đời, vào công việc Chúa bằng con chim sẻ. Vì họ chỉ ăn, ngủ, và làm những chuyện bình thường để sống. Trong những lúc chán nản, xin hãy nghĩ đến những điều mà đời sống ta có thể làm nổi.
3. Khi bạn buồn chán, nên nhớ rằng trong bạn dường như có mấy con người vậy.
Bạn là người thiện lành, nhưng bạn cũng là người xấu. Bạn rút lui vào nơi ẩn náu, nhưng bạn cũng đối đầu với tình huống khó khăn với bình tĩnh và can đảm. Bạn vừa bị cám dỗ để vùi lấp vào vũng bùn tuyệt vọng, nhưng bạn vẫn có thể với lên tận những ngôi sao xa vời. Bên trong bạn có con người vô tâm vô tình, nhưng lại có một con người khác đầy tham vọng và ích kỷ. Rồi lại có con người sống theo cảm xúc, và còn vài con người khác nữa. Nhưng nên nhớ rằng bên trong bạn luôn luôn có một cái tôi mà bạn cho là tốt nhất. Trên tất cả, bạn là người cầm nắm tất cả những con người phức tạp ấy. Như một ông vua cai quản một nước vậy. Nhưng đôi khi ta để cho một trong những con người này cầm quyền và ta mất quyền kiểm soát. Châm ngôn có câu: “Người chậm nóng giận thắng hơn người dũng sĩ, và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành.” Châm ngôn 16:32
Như thế khi nào bạn bất ngờ sinh ra chán nản và tuyệt vọng có nghĩa là bạn buông thả một con người bên trong bạn, để cho nó kiểm soát bạn. Bạn cần phải chỗi dậy xác nhận quyền làm chủ của mình. Đừng bỏ cuộc, bạn có thể làm được điều hữu ích cho chính mình mà.
4. Tác giả Thi Thiên bảo làm cách nào thoát ra khỏi tình trạng cảm xúc chán nản tuyệt vọng. Đó là đặt hy vọng nơi Chúa. Khi bạn tin Chúa, bạn hy vọng nơi Chúa. Như mặt trời đẩy những đám mây đen đi, hy vọng cũng dẹp tan những nỗi buồn thảm trong tâm hồn.
Khi Chúa Giê-xu ở trần gian, Ngài có người bạn thân là Giăng, người làm báp tem. Hai người thật ra là bà con với nhau và sinh ra trước sau vài tháng, nên rất là thân tình. Một hôm nọ Chúa hay tin Giăng bị chém đầu trong tù vì ngăn cản vua Hê-rốt làm điều ô nhục. Dĩ nhiên là một tin tức như thế làm cho Chúa buồn và chán nản biết mấy. Chúa làm gì? Ma-thi-ơ 14:23 viết: “…Ngài lên núi để cầu nguyện riêng; đến chiều tối Ngài ở đó một mình.”
Trên một chuyến máy bay vượt biển. Đang yên lặng bỗng tiếng người phi công trưởng vang lên trên hệ thống phóng thanh: “Xin chú ý, máy bay chúng ta đang vào một vùng có nhiều dao động, xin quý vị cài dây an toàn. Chúng ta đang bay ở cao độ 15 nghìn thước. Chúng ta sẽ lên cao đến 21 nghìn thước cho được an toàn hơn.” Thế rồi chiếc máy bay 747 bay vượt qua chỗ không khí dao động và lên cao, thoát cơn bão và an toàn. Khi chúng ta gặp những cơn bão dao động trong đời, điều nên làm là ngưng tất cả và hướng lên Chúa trên trời đề cầu nguyện, đừng chôn vùi trong những khó khăn của trần gian này. Đó chính là việc Chúa Giê-xu làm khi nghe tin người bạn của mình bị thảm sát. Chúa cũng làm như thế khi chính sự sống của Ngài bị đe dọa và khó khăn ngập đến. Chúa vào vườn Ghết-sê-ma-nê quỳ gối một mình cầu nguyện cùng Cha. Khi một người đã nắm chặt được tay của Cha trên trời, thì người ấy có sức mạnh và năng lực tuôn đổ từ trời và giữ người ấy đứng thẳng lên được.
Một kim loại tên là permaloy, là một kim loại có từ tính rất cao, nhưng lại rất lạ. Khi đặt miếng kim loại đó ở một hướng nào đó, sẽ không thấy nó có từ tính gì cả. Nhưng khi đặt kim loại permaloy ngay trên dòng từ lực của trái đất thì từ lực trong kim loại ấy rất mạnh. Tương tự như thế, khi ta ở bên ngoài sức hút của quyền năng siêu việt từ trời, ta sẽ không có sức mạnh, ta sẽ bị xa rời và tuyệt vọng. Đó chính là lúc mà ta chán nản và ngã lòng. Nhưng khi cuộc sống của ta đặt vào đúng chỗ tương giao với Chúa quyền năng, ta sẽ có khả năng vươn tới, nắm bắt và chiến thắng.
Chúa quyền năng muốn chúng ta bước đi trên trần gian này như những con người không co rút, không rụt rè sợ hãi cuộc đời bao giờ. Nhưng ta nên nhớ rằng đức tin phải xác nhận bằng hành động. Nhiều khi hình thức cầu nguyện cao nhất là lấy đức tin mà hành động.
Khi nào bạn cảm thấy hiện diện của Chúa và linh hồn bạn được đảm bảo, đó chính là lúc hành động. Có thể lắm bạn chỉ thấy một bước phía trước mặt, nhưng nếu bạn bước đi bước thứ nhất đó, bạn sẽ thấy tâm hồn bạn khác hẳn và có sức tiến tới.
Linh hồn sờn ngã và bồn chồn không thể nào sống trong một con người đã thưa trình chuyện mình với Chúa và đã bắt tay vào việc. Những sức mạnh sẽ tuôn đổ từ trời cho những ai can đảm dám nắm vào tay Chúa mà tiến bước.
Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn