Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeVăn Phẩm Cơ ĐốcGia đình Cơ đốcBài 5: Người Cha Hướng Dẫn Gia Đình

Bài 5: Người Cha Hướng Dẫn Gia Đình

Vào ngày 5 tháng Giêng vừa qua, một em trai 15 tuổi lái một chiếc máy bay nhỏ đâm vào tòa nhà cao 42 tầng của Bank of America tại Tampa, Florida. Người ta tìm thấy trong túi áo em này một mảnh giấy nói rằng em ủng hộ tên đầu não khủng bố Bin Laden. Người chung quanh nói rằng em Charles Bishop hiền lành nhưng có vẻ buồn, cô đơn và không có bạn. Khi điều tra thêm thì được biết em sống với mẹ và chỉ mới dọn đến nơi em đang ở khoảng ba tháng nay. Biến cố này nhắc chúng ta nhớ lại em Andy Williams, em thiếu niên 13 tuổi, đem súng vào trường bắn chết một số người vào khoảng tháng Ba năm 2001. Em Williams cũng ở trong hoàn cảnh tương tự như em Bishop nói trên. Hai em đều cô đơn, không có bạn, sống trong cảnh gia đình đổ vỡ và đời sống không ổn định. Những điều này khiến chúng ta cần nhìn lại những yếu tố cần thiết để xây dựng một gia đình vững mạnh và giúp cho con cái trở nên người trưởng thành về mặt tinh thần, tình cảm và tâm linh. Năm yếu tố quan trọng đó là:

  • Trong gia đình có tình yêu thương
  • Cha mẹ áp dụng kỷ luật
  • Đời sống ổn định, không có nhiều thay đổi
  • Cha mẹ làm gương cho con
  • Có người cha thật sự làm chủ, lãnh đạo gia đình
  • Trong những bài trước đây chúng tôi đã trình bày bốn yếu tố đầu tiên nên hôm nay sẽ nói đến yếu tố thứ năm.

5. Người cha thật sự lãnh đạo, hướng dẫn gia đình

Yếu tố thứ năm cũng là yếu tố quan trọng nhất để con cái nên người trưởng thành, đó là người cha trong gia đình thật sự làm chủ, lãnh đạo gia đình, hướng dẫn vợ con trong mọi sự. Chúng tôi nhấn mạnh chữ “thật sự làm chủ gia đình” vì có nhiều người chồng, người cha không thật sự làm chủ, lãnh đạo gia đình. Kinh Thánh ghi Lời Chúa dạy về bổn phận vợ chồng như sau:

Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Chúa Cứu Thế là đầu hội thánh… Ấy vậy, như hội thánh phục dưới Chúa Cứu Thế thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự. Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Chúa Cứu Thế đã yêu hội thánh, phó chính mình vì hội thánh… Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng (Thư Ê-phê-sô chương 5:22-25, & 33).

Đức Chúa Trời đã định một thứ tự rõ ràng trong gia đình con người. Thứ tự đó là: chồng là chủ gia đình, nhưng là người chủ yêu thương và hy sinh; còn người vợ ở dưới sự lãnh đạo của chồng, vâng phục chồng, như con dân Chúa phục dưới sự lãnh đạo của Ngài. Trong vai trò làm cha, lời Chúa khuyên các ông như sau: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4). Trong gia đình các ông có hai vai trò cao quý, đó là làm chồng và làm cha. Trong hai trách nhiệm đó các ông cần noi theo mẫu mực của Chúa. Là chồng, các ông cần yêu vợ như Chúa yêu hội thánh, là cha các ông phải sửa phạt khuyên bảo con cái như Chúa đối với con dân Ngài. Trách nhiệm của các ông thật quan trọng. Các ông là người lãnh đạo gia đình, nhưng lãnh đạo với lòng thương yêu và hy sinh, như Chúa Cứu Thế đối với hội thánh của Ngài.

Tuy nhiên, để các ông có thể thật sự lãnh đạo gia đình, các bà cần vâng theo mạng lệnh của Chúa, vâng phục chồng và đặt mình dưới sự lãnh đạo của chồng. Nếu các bà không vâng phục, các ông không thể lãnh đạo gia đình. Các nhà tâm lý học sau nhiều năm nghiên cứu cho biết, gia đình nào có người vợ cứng rắn, lấn quyền chồng, điều khiển chồng và có người cha yếu đuối, nhu nhược không lãnh đạo gia đình, con cái trong gia đình đó có nhiều nan đề. Có cha mà cha không lãnh đạo nhiều khi còn tệ hại hơn là không có cha. Khi người cha vắng mặt trong gia đình hoặc có mặt mà không lãnh đạo gia đình, con cái sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Các em không phát triển nghị lực và lòng tự tin; không phát huy những tính tốt căn bản của con người như siêng năng, ham học, lễ độ với người trên, hòa đồng với bạn cùng trang lứa. Nhiều gia đình con cái không nên người không phải vì thiếu tiền nhưng vì thiếu sự dạy bảo, chỉ dẫn của người cha.

Con cái trong gia đình thiếu sự hướng dẫn của người cha trong những trường hợp sau:

1. Những đứa con ngoại hôn, tức là những em sinh ra ngoài vòng lễ giáo, cha mẹ không có cưới hỏi, hoặc cha mẹ ngoại tình. Trong trường hợp này người cha không dám công khai nhận trách nhiệm. Hầu hết những em lớn lên trong hoàn cảnh này có cha mà như không có.

2. Những người cha ham mê công danh sự nghiệp hoặc chạy theo những đam mê riêng của mình nên không có thì giờ cho gia đình hoặc những người vì công ăn việc làm phải đi xa, thường xuyên vắng mặt ở nhà.

3. Những ông cha có mặt trong nhà nhưng thụ động, trốn tránh trách nhiệm, giao việc lãnh đạo gia đình cho vợ hay người khác, cũng là trường hợp những người nghiện ngập, bệnh nặng hay tàn phế. Trong tất cả những trường hợp vừa kể, người cha không lãnh đạo gia đình và vì thế con cái không được cha hướng dẫn, dạy bảo.

Chúng ta thường nghe câu: “Con không cha như nhà không nóc,” hàm ý thiếu cha là một thiếu thốn, một thiệt thòi lớn. Những em lớn lên thiếu sự chăm sóc hướng dẫn của cha phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc đời. Trái lại, khi được cha quan tâm chăm sóc, đời sống con cái sẽ được phong phú trong những phương diện sau:

  • Các em được ở dưới sự bảo bọc, che chở của cha về mặt thể xác. Khi nguy hiểm xảy đến các em biết có người che chở bảo vệ mình.
  • Các em được đầy đủ về mặt vật chất, vì có cha lo liệu và cung ứng nhu cầu cho các em.
  • Cũng là điều quan trọng hơn hết, sự chăm sóc dẫn dắt của cha giúp các em nhìn thấy giá trị của chính mình, nhờ đó dễ dàng phát triển cá tính, ưu điểm và lòng tự tin.
  • Các em được đặc ân có cha gần gũi, chăm sóc, trò chuyện và dạy bảo mỗi ngày. Sự chăm sóc, gần gũi, hướng dẫn của người cha sẽ giúp con cái phát triển quân bình về mọi mặt. Trong xã hội ngày nay bao nhiêu thanh thiếu niên ngã vào cám dỗ, bị ảnh hưởng xấu của bạn bè, phim ảnh, sách báo và ảnh hưởng tội lỗi của xã hội chỉ vì thiếu sự dẫn dắt chỉ dạy của người cha.
  • Nếu muốn gia đình được vững mạnh và xã hội bớt đi tội lỗi, chúng ta cần sống theo tiêu chuẩn và khuôn mẫu mà Chúa đã đặt ra. Đó làcác ông phải chu toàn trách nhiệm làm chủ, lãnh đạo gia đình. Lãnh đạo theo đường lối và tiêu chuẩn của Chúa, tức là lãnh đạo với lòng yêu thương, tinh thần hy sinh, phục vụ; để phúc lợi của vợ con lên trên phúc lợi của chính mình và nhất là làm gương về một đời sống đạo đức, chân thật và thánh sạch.

Sứ đồ Phao-lô nêu cho chúng ta hình ảnh gương mẫu của người giám mục trong hội thánh, đây cũng là gương mẫu của người chủ gia đình. Phao-lô viết: “Người giám mục cần phải không chỗ trách được, là chồng chỉ một vợ mà thôi, có tiết độ, có tài trí, xứng đáng, hay tiếp khách và khéo dạy dỗ. Đừng mê rượu cũng đừng hung bạo nhưng phải mềm mại, hòa nhã, lại đừng ham tiền bạc; phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn” (I Ti-mô-thê 3:2-4). Một ông cha có những đặc điểm như vừa kể sẽ có ảnh hưởng tốt trên con cái. Nếu quý vị được Chúa ban cho con cái nhưng không dành thì giờ đầu tư vào cuộc đời của con, không tạo cơ hội để gần con, dạy dỗ con, tạo mối quan hệ gần gũi đậm đà với con, quý vị không những không làm trọn trách nhiệm Chúa giao nhưng cũng đánh mất đặc ân mà Chúa đã ban cho quý vị. Đặc ân đó là để lại một ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống con và đào tạo nên một thế hệ hữu dụng cho Nhà Chúa.

Sau đây chúng tôi xin đề nghị một vài điều quý vị có thể áp dụng hầu có thể chu toàn trọng trách người cha trong gia đình. Trước hết, hãy xem trách nhiệm làm cha là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời. Không phải công việc làm, công danh sự nghiệp, chức tước địa vị trong xã hội nhưng gia đình phải là ưu tiên hàng đầu của người cha. Khi đã đồng ý đặt gia đình vào ưu tiên hàng đầu, chúng tôi xin đề nghị với quý ông những điều sau đây:

1. Sắp xếp lại thời khóa biểu hay giờ làm việc để có thì giờ với gia đình

Cách ngôn Tây phương có câu: “Muốn là được” Hàm ý rằng bất cứ điều gì ta thích hay muốn làm là ta có thể làm được. Nếu thấy rằng dành thì giờ cho con là điều quan trọng, chúng ta sẽ có thể tìm thì giờ, dành thì giờ, tạo thì giờ hoặc sắp xếp thì giờ để có thể ở gần con. Quý vị có thể đi làm sớm hơn, trễ hơn hoặc bớt giờ làm việc, bớt những giờ gặp gỡ bạn bè, bớt những việc không cần thiết để dành thì giờ cho con. Lớn lên con em quý vị sẽ ghi nhớ mãi những giờ phút ở bên cha, được cha dạy dỗ chăm sóc, trò chuyện.

2. Cố gắng có mặt trong bữa cơm tối của gia đình

Trong đời sống bận rộn này, có những gia đình không bao giờ cùng ngồi ăn chung với nhau. Bữa cơm tối thường là thì giờ duy nhất người trong gia đình gặp nhau vì thế chúng ta nên xem đây là thì giờ quan trọng của gia đình, cố gắng để đừng vắng mặt. Ngoài ra, khi ngồi ăn với chung với con cái, chúng ta tránh mắng mỏ, sửa sai con, nhưng thăm hỏi con, trò chuyện với con, để biết con suy nghĩ gì, có những ưu tư lo lắng gì. Đây cũng là thì giờ chúng ta chia xẻ những điều chúng ta suy nghĩ hay dự tính để con biết. Khi ngồi quây quần bên bàn ăn, trò chuyện thân mật với nhau, người trong gia đình sẽ thấy gần nhau và gắn bó với nhau. Tình thương yêu nhờ đó cũng gia tăng và trở thành sâu đậm hơn (còn tiếp).

Minh Nguyên

 

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN