Ngày xưa, khi Chúa Giê-xu ra đời giảng truyền về vương quốc Trời, thực hiện những phép lạ, nhiều người không hiểu Chúa cậy nhờ sức mạnh hay quyền năng nào mà làm được như thế. Một đạo sĩ Do-thái tên là Ni-cô-đem tìm đến gặp Chúa trong một đêm để đặt câu hỏi đó. Phúc Âm Giăng chương 3 đã tường thuật câu chuyện này.
Chúa Giê-xu đã cho vị đạo sĩ Do-thái biết có hai lĩnh vực là lĩnh vực vật chất, và lĩnh vực tâm linh, tức là vương quốc của Đức Chúa Trời. Từ lĩnh vực vật chất, sang lĩnh vực tâm linh phải qua một biến đổi gọi là tái sinh hay sinh lại. Vị đạo sĩ Do-thái không quan niệm nổi tái sinh nghĩa là gì.
Chúa Giê-xu phải giải thích căn kẽ cho ông ta hiểu bằng câu sau đây:
Phúc Âm Giăng chương 3 câu 16: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”
Phúc Âm Giăng chương 3 câu 36 còn giải thích thêm: “ Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.”
Lĩnh vực vật chất có những định luật chi phối, vi phạm các định luật này có thể gây tác hại cho bản thân cũng như đồng loại. Lĩnh vực tâm linh rất huyền nhiệm, cũng có những nguyên tắc, vi phạm các nguyên tắc này là xúc phạm đến Đức Chúa Trời và sẽ bị trừng phạt.
Con người sinh ra sống trong vật chất, quen thuộc với mọi nguyên tắc trong vật chất, không thể ý niệm được những nguyên tắc trong lĩnh vực tâm linh. Đó là các nguyên tắc tập trung vào thánh khiết, thương yêu, đức tin và hy vọng. Bản sắc của Thiên Chúa chính là những nguyên tắc này. Con người từ Thiên Chúa sinh ra, ban cho sự sống, ý chí tự do và hy vọng.
Hai người đầu tiên được sống trong địa đàng Ê-đen, và sinh hoạt trong lĩnh vực tâm linh. Nhưng hai người đã vi phạm luật của Chúa và bị đuổi ra khỏi khu vườn này. Đó là khi họ không tuân giữ lệ luật của Chúa và với tay hái trái cấm mà ăn. Kết quả là cả dòng dõi loài người đều bị kết tội phản nghịch Thiên Chúa, sẵn sàng chờ đợi bị trừng phạt.
Bản sắc của Thiên Chúa là thánh khiết nên không thể coi thường hành động phản chống Thiên Chúa, nên đã ra án phạt nghiêm trọng, đó là loài người phản nghịch bị đưa vào hỏa ngục đời đời. Án phạt ấy vẫn dành sẵn cho nhân loại nói chung. Nghĩa là trước mắt Thiên Chúa, nhân loại chúng ta, các bạn và chính tôi, đều là tội nhân chờ án tử hình.
Tuy nhiên bản sắc của Thiên Chúa cũng là thương yêu, nên Ngài đã ban cho nhân loại một phương cách để thoát khỏi án tử hình đó. Đây là ý nghĩa của câu Kinh Thánh trong Phúc Âm Giăng Chương 3 câu 16: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”
Câu này cho chúng ta biết năm điều sau đây:
- Thiên Chúa hay Đức Chúa Trời thương yêu nhân loại, nghĩa là các bạn và chính tôi. Ngài không nỡ thấy loài người chúng ta, vì phạm tội mà bị lùa vào hỏa ngục.
- Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một giải pháp, đó là chính Con Ngài, Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng thế làm người để hy sinh đền tội cho mỗi chúng ta.
- “Hễ ai tin Con ấy” trong nhân loại bất cứ ai, kể cả các bạn và tôi tin nhận.
- Thì không bị hư mất, nghĩa là hư vong trong hỏa ngục.
- Mà được sự sống đời đời, nghĩa là vào lĩnh vực tâm linh với Chúa. Đây chính là điều mà đạo sĩ Do-thái Ni-cô-đem ngày xưa không hiểu và Chúa giải thích là sự tái sinh.
Tuy nhiên Phúc Âm Giăng muốn nhân loại chúng ta chỉ nghe biết ân sủng của Thiên Chúa, nhưng phải thực hành, nên Phúc Âm Giăng chương 3 câu 36 còn ghi: “Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.”
Câu này cho chúng ta biết Ba điều sau đây:
- Nhân loại, kể cả các bạn và tôi, nếu tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng hy sinh chết thay, đền tội cho chúng ta, thì được sự sống vĩnh hằng, nghĩa là: được vào lĩnh vực tâm linh.
- Nhân loại, kể cả các bạn và tôi, nếu không tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng hy sinh chết thay đền tội cho chúng ta, thì không kinh nghiệm được sự sống trong lĩnh vực tâm linh.
- Nhưng nếu không tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng hy sinh chết thay đền tội cho mỗi chúng ta, thì chúng ta, các bạn và tôi, vẫn là tử tội chờ đợi bị đưa vào hỏa ngục.
Đề tài chính của bài này là Ban Cho và Tin Nhận
Thiên Chúa, Đức Chúa Trời đã Ban Cho Chúa Cứu Thế Giê-xu hy sinh chết thay đền tội cho mỗi chúng ta, nhưng nhân loại chúng ta, kể cả các bạn và tôi có chịu tin nhận hay không?
Chính vì vậy mà người tin Chúa phải biết rõ hai câu Kinh Thánh quan trọng này, vì Giăng 3:16 là nguyên tắc, nhưng Giăng 3:36 mới là thực hành.
Nguyễn Sinh