Đọc Kinh Thánh: 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5-6
5Đây là chứng cớ về sự phán xét công minh của Đức Chúa Trời, để anh em trở nên xứng đáng với vương quốc Đức Chúa Trời, chính vì vương quốc đó mà anh em chịu khổ.
6Theo sự công minh của Đức Chúa Trời, Ngài hẳn sẽ lấy hoạn nạn báo trả những kẻ gây hoạn nạn cho anh em;
7và cho anh em là những người chịu hoạn nạn được an nghỉ với chúng tôi, trong ngày Chúa là Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến giữa ngọn lửa hừng, với các thiên sứ đầy uy lực của Ngài.
8Ngài sẽ trừng phạt những kẻ không chịu nhận biết Đức Chúa Trời và không vâng phục Tin Lành của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus.
9Họ sẽ chịu hình phạt hủy diệt đời đời, phân cách khỏi sự hiện diện của Chúa và vinh quang của quyền năng Ngài
10khi Ngài đến trong Ngày ấy, để được tôn vinh giữa các thánh đồ và được chiêm ngưỡng bởi tất cả những người tin, trong đó có anh em, vì anh em đã tin lời chứng của chúng tôi trước mặt anh em.
Suy niệm: Khúc Kinh Thánh này đem đến khích lệ lớn cho tâm hồn chúng ta, vì chịu khổ là điều làm cho tất cả chúng ta đều đau đớn. Những bất mãn, tuyệt vọng, chán nản và ngã lòng thường đến với mỗi một chúng ta. Trong nhiều trường hợp, đức tin ta bị đánh ngã, vì thế những lời của sứ đồ Phao-lô cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca cũng hữu ích cho chúng ta ngày nay.
Ngay câu 5 sứ đồ Phao-lô đã cho chúng ta thấy khác biệt giữa quan điểm của chúng ta và quan điểm của Chúa về sự chịu khổ.
Đối với chúng ta thì mỗi khi gặp bất mãn, hoặc bách hại hay khó khăn, chúng ta tức khắc coi đó là xấu và tìm đủ cách tránh xa. Nhưng lời Chúa dạy rằng: khó khăn không nhất thiết là xấu cả đâu. Không phải những lúc ấy là Sa-tan thắng đâu.
Sứ đồ Phao-lô tuyên bố rằng: đau khổ ấy là cách Chúa chuẩn bị chúng ta để vào vương quốc của Ngài:
5Đây là chứng cớ về sự phán xét công minh của Đức Chúa Trời, để anh em trở nên xứng đáng với vương quốc Đức Chúa Trời, chính vì vương quốc đó mà anh em chịu khổ.
Chứng cớ trong câu 5 mục đích bảo rằng Chúa rất công bằng và công chính. Ngay giữa những khó khăn của cuộc đời chúng ta, nếu nương cậy nơi Chúa, chúng ta sẽ thấy có sức mạnh để đắc thắng bất mãn, khó chịu và tuyệt vọng. Đó chính là bằng chứng là Chúa hành động trong đời sống ta, Chúa cho phép những áp lực đến trong đời ta để Ngài có thể hành động trong tâm hồn chúng ta.
Sự phán xét công chính của Chúa trong câu 5 có nghĩa là Chúa luôn luôn hành động rất đúng. Chúng ta không bao giờ cần lo rằng Chúa bất công hay thiên vị. Phán xét của Chúa bao giờ cũng công chính. Phán xét của Chúa có hai diện: Một là bênh vực cho người thánh thiện và hai là báo trả xứng đáng đối với kẻ tội phạm.
Khi chúng ta chịu khổ chúng ta có thể nghĩ rằng không ai thấu hiểu được những điều tan vỡ trong lòng mình. Chúng ta cô đơn trong nỗi đau thương. Nhưng Chúa không bao giờ quên chúng ta, Ngài nhìn thấy cũng như hiểu rất rõ hoàn cảnh của chúng ta. Đau khổ nhiều khi không phải là trừng phạt của Chúa vì ta phạm tội, nhưng là phương pháp Chúa chuẩn bị cho ta xứng đáng vào nước của Ngài.
Đức tin của chúng ta không mong manh và chỉ chống lại được vài cuộc va chạm, hay quá nhạy cảm đến nỗi không chịu nổi những bất mãn. Đức tin chân chính trong Chúa phải đương đầu được với những trận tiến công ghê gớm của nghi ngờ và cám dỗ.
Câu 5 nói về phán xét của Chúa trong việc bênh vực những người chịu khổ.
Câu 6 nói về phán xét của Chúa trong việc báo trả đối với những tác nhân gây ra đau khổ cho con dân Chúa: 6Theo sự công minh của Đức Chúa Trời, Ngài hẳn sẽ lấy hoạn nạn báo trả những kẻ gây hoạn nạn cho anh em;
Chúa sẽ lấy điều hoạn nạn báo trả những kẻ gây hoạn nạn cho con dân Chúa. Chúa rất công minh, chúng ta không cần phải tức giận và tìm cách trả thù. Chúa đã dạy: 19Thưa anh em yêu dấu, đừng tự tay mình báo thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có lời Chúa phán: “Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng.”Rô-ma 12:19.
Nguyễn Sinh