Dưới đại chủ đề: Thầy Tế Lễ Cao Cả tác giả viết từ chương 7 câu 1 đến chương 10 câu 18
Đây là phần cuối của bài luận thuyết lý luận về sự cao cả của chức vụ thầy tế lễ của Chúa Giê-xu, vì Ngài là thầy tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc, khác với chức tế lễ theo truyền thống Lê-vi.
Từ chương 8 câu 1 đến chương 10 câu 18 ông lý luận rằng tính chất cao cả của chức vụ tư tế của Chúa Giê-xu đặt cơ sở trên một giao ước mới (8:7-9:15) cộng chung với một cuộc hi sinh cao cả (9:16-28). Trong phần này tác giả nói rằng sinh tế cao cả làm cho người thờ phượng Chúa trong Giao-ước Mới được thánh hóa.
Đọc Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 10:1-18
Hôm nay chúng ta vào phần cuối cùng của bài luận thuyết về Thầy Tế Lễ Cao Cả. Đó là chương 10 từ câu 1 đến 18.
Câu 1. Vả, luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, không có hình thật của các vật, nên không bao giờ cậy tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy, mà khiến kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành được. Luật pháp của Chúa ban truyền không thể nào thánh hóa được người đến gần tôn thờ Chúa. Câu “khiến kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành” không mang nghĩa là trọn lành vô tội đâu.
Câu 2-4. Nếu được, thì những kẻ thờ phượng đã một lần được sạch rồi, lương tâm họ không còn biết tội nữa, nhơn đó, há chẳng thôi dâng tế lễ hay sao?
Câu 3 Trái lại, những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi. 4 Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được. Bằng chứng là việc dâng sinh tế liên tiếp mỗi năm chứng tỏ rằng luật pháp không có khả năng thánh hóa người tôn thờ Chúa, mà chỉ là để nhắc nhớ về tội của người đó. Đơn giản là máu sinh vật không có thể bôi xóa tội bao giờ.
Câu 5-7. Bởi vậy cho nên, Đấng Christ khi vào thế gian, phán rằng: Chúa chẳng muốn hy sinh, cũng chẳng muốn lễ vật, Nhưng Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi. 6 Chúa chẳng nhậm của lễ thiêu, cũng chẳng nhậm của lễ chuộc tội. 7 Tôi bèn nói: Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến Trong sách có chép về tôi Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa. Chính vì lý do này mà Thi Thiên là sách chứa đựng nhiều lời tiên tri đã ghi lại lời của Sinh Tế mà Đức Chúa Trời thực sự mong muốn.
Đó là Thi Thiên 40:6-8. Thi thiên ghi lại lời của Chúa Cứu Thế. Câu ” Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi. Chúa chẳng nhậm của lễ thiêu, cũng chẳng nhậm của lễ chuộc tội. Tôi bèn nói: Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến Trong sách có chép về tôi Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa.” Ám chỉ cuộc ra đời và hi sinh làm sinh tế của Chúa Cứu Thế đã làm cho việc dâng sinh tế đạt đến tiêu chuẩn mà lễ dâng thời Cựu Ước chưa thực hiện được, đó là người tôn thờ Chúa trong Giao Ước mới được thánh hóa. Chính vì vậy mà Chúa Giê-xu đến để làm theo ý Đức Chúa Trời muốn.
Câu 8-10. Trước đã nói: Chúa chẳng muốn, chẳng nhậm những hi sinh, lễ vật, của lễ thiêu, của lễ chuộc tội, đó là theo luật pháp dạy; sau lại nói: Đây nầy, tôi đến để làm theo ý muốn Chúa.9 Vậy thì, Chúa đã bỏ điều trước, đặng lập điều sau. 10 Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả Tác giả bình luận về câu Thi Thiên trích dẫn. Chủ yếu là sinh tế Giê-xu vừa lòng Đức Chúa Trời và chỉ cần dâng một lần là hoàn hảo. Cũng nhờ đó mà người tôn thờ Chúa được thánh hóa nhờ cuộc hi sinh làm sinh tế đó.
Câu 11- 14. Phàm thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội lỗi được, 12 còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời. 13 từ rày về sau đương đợi những kẻ thù nghịch Ngài bị để làm bệ dưới chơn Ngài vậy. 14 Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời. Việc Chúa Giê-xu tự dâng mình làm sinh tế hoàn toàn khác với truyền thống đời xưa, đó là dâng ngay lên Đức Chúa Trời, và hiệu quả là thánh hóa được trọn vẹn đời đời. Việc còn chờ đợi là khi kẻ thù hoàn toàn bị thua và bị thống trị.
Câu 15 – 18. Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy; vì đã phán rằng: 16 Chúa phán: Nầy là giao ước ta lập với chúng nó Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp ta vào lòng chúng nó Và ghi tạc nơi trí khôn, 17 Lại phán: Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa. 18 Bởi hễ có sự tha thứ thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa.
Khúc này tác giả lặp lại phần đã trích dẫn trong tiên tri Giê-rê-mi ghi trong chương 8 câu 8-12, và bảo rằng đó là Lời Thánh Linh xác nhận. Câu 26 bên dưới giúp ta hiểu rõ hơn: Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa.
Tiếp theo, chương 10:19-39 là một phần cảnh cáo cho con dân Chúa, đây là phần cảnh báo sau khi đã dài dòng giải thích về thầy tế lễ thượng phẩm trong sinh tế mới và giao ước mới. Lời nhắc nhở là “Hãy đến gần Chúa” sau khi đã hiểu rõ vai trò làm thấy tế lễ và đồng thời làm sinh tế chuộc tội hoàn hảo của Chúa Giê-xu.
Câu 19-22. Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, 20 bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, 21 lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời, 22 nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.
“Đến gần Chúa” là một lời kêu gọi chính. Tác giả cho hay rằng qua cái chết hi sinh làm sinh tế của Chúa Giê-xu thì bức màn ngăn cách giữa chúng ta và Đức Chúa Trời toàn thánh đã tung mở lại với thầy tế lễ thượng phẩm ở ngay bên cạnh Đức Chúa Trời nên chúng ta cần xét mình mà sẵn sàng chuẩn bị đến gần Chúa. Phương cách là: hết lòng tin, xưng nhận tội lỗi cho được tha thứ, như tắm gội trong ân sủng của Chúa và máu hi sinh chuộc tội của Ngài.
Câu 23-25. Hãy cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta chẳng chuyển lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín. 24 Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; 25 chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.
Sau khi đã nghe giảng giải về các lẽ đạo cứu rỗi, người nghe có thể đặt câu hỏi: Như vậy tác giả muốn chúng tôi phải hành động ra sao? Câu 23 đến 25 là phần trả lời thực tế. Tác giả luôn nghĩ rằng dù tin Chúa nhưng chắc nhiều người có lúc cũng không nóng cháy lắm như lúc ban đầu, vì thế nên nhắc nhở nhau về hy vọng trong Chúa, thông công, thương yêu, cứu giúp nhau là bổn phận của mỗi người. Nên thuờng xuyên gặp gỡ để xây dựng đức tin, ngày Chúa càng gần bao nhiêu thì ta càng sốt sắng bấy nhiêu chứ không nên nguội lạnh. Vì Chúa rất thành tín và lời hứa của Chúa luôn luôn chắc chắn.
Câu 26 – 27. Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27 nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi. Đây là lời cảnh cáo rất nghiêm mà mỗi người tin Chúa phải tự nhắc nhở để không cố ý phạm tội nữa. Trên kia đã nhắc rằng, Chúa Giê-xu dâng sinh tế là chính Ngài một lần đầy đủ, nên người tin Chúa không thể phạm tội rồi đòi hỏi Chúa phải hi sinh nữa hay sao? Chúng ta cần cảnh giác để không bao giờ cố ý phạm tội, vì như vậy là chờ đi vào cuộc trừng phạt nơi hỏa ngục đời đời mà thôi.
Câu 28-29. Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, 29 huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao?
Việc đã tin nhận Chúa, nghĩa là nhờ máu hi sinh của Ngài mà được thánh hóa, nếu cố ý trở lại phạm tội là đã coi việc hi sinh của Chúa Giê-xu ra vô ích, coi thường ân sủng do Thánh Linh ban, thì chỉ còn chờ đợi án phạt rất nghiêm mà thôi.
Câu 30-31. Vì chúng ta biết Đấng đã phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta; ta sẽ báo ứng, ấy là lời Chúa phán. Lại rằng: Chúa sẽ xét đoán dân mình. 31 Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay!
Các câu trên đây trích dẫn từ Phục Truyền chương 32 nói về việc khi dân Chúa bị hãm hại thì Chúa ra tay trả thù, khi dân Chúa làm điều sai trái thì Chúa phán xét họ. Câu 31 là câu đáng cho những ai dễ bị cám dỗ và phạm tội phải suy nghĩ.
Nhưng sau khi đã có những lời răn đe nghiêm khắc, tác giả lại khuyến khích để người đọc khỏi ngã lòng:
Câu 32-34. Hãy nhớ lại những lúc ban đầu đó, anh em đã được soi sáng rồi, bèn chịu cơn chiến trận lớn về những sự đau đớn: 33 phần thì chịu sỉ nhục, gặp gian nan, như làm trò cho thiên hạ xem, phần thì chia khổ với những kẻ bị đối đãi đồng một cách. 34 Vì anh em đã thương xót kẻ bị tù, và vui lòng chịu của cải mình bị cướp, bởi biết mình có của cải quí hơn hằng còn luôn.
Người tin Chúa sau khi được Chúa thay đổi, thường gặp thử thách đức tin rất lớn, tuy nhiên vì “đã được soi sáng rồi nên chịu nổi mọi khó khăn”. Câu 33 không áp dụng cho mọi người, nhưng là kinh nghiệm của nhiều anh em chị em lúc mới tin Chúa. Nhưng những người đó đã thắng hoàn cảnh, không của riêng mình mà còn an ủi cứu giúp những người đồng cảnh ngộ, đó là những phước hạnh cần ghi nhớ để không nản lòng. Cảm ơn Chúa vì trên thực tế, nhiều anh em chị em đang nghe những lời này, thực tế gặp khó khăn như thế. Chúng ta hãy nhớ mà cầu nguyện cho họ.
Câu 35-36. Vậy chớ bỏ lòng dạn dĩ mình, vốn có một phần thưởng lớn đã để dành cho. 36 Vì anh em cần phải nhịn nhục, hầu cho khi đã làm theo ý muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình.
Tiếp tục với ý khuyến khích người đọc, tác giả bảo nên có thái độ dạn dĩ như đã có và nhịn nhục vì khi sống theo ý Chúa thì chắc chắn có phần thưởng Chúa dành cho. Chúng ta cũng nhận lời khuyên này cho chính mình để sống mà không nản lòng, vì biết rằng Chúa thấy mọi hoàn cảnh và Ngài không quên ta bao giờ.
Câu 37-38. Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm trễ đâu. 38 Người công bình của ta sẽ cậy đức tin mà sống, Nhưng nếu lui đi thì linh hồn ta chẳng lấy làm đẹp chút nào.
Hai câu này trích dẫn từ tiên tri Ha-ba-cúc 2:3,4 nhắc nhở hết lòng tin Chúa và kiên nhẫn đợi chờ.
Câu 39. Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư mất đâu, bèn là kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi.
Đây là một câu đáng ghi nhớ, vì người tin Chúa tiến lên mỗi ngày cho đến khi gặp Chúa, nên không thể vì bất cứ lý do nào mà “lui đi”, vì mục đích phải đặt rõ: Phải giữ đức tin đến cuối cùng cho linh hồn được cứu rỗi. Đây có phải là mục tiêu cho mỗi người tin Chúa hay không?
Nguyễn Sinh