Đọc Kinh Thánh: 1 Giăng 3:19-23
19Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài.
20Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự.
21Hỡi kẻ rất yêu dấu, ví bằng lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời:
22và chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài.
23Vả, nầy là điều răn của Ngài: là chúng ta phải tin đến danh Con Ngài, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, và chúng ta phải yêu mến lẫn nhau như Ngài đã truyền dạy ta.
Suy niệm: Trước khi vào bài học hôm nay, xin ghi chú một chi tiết về bài này. Bài Lẽ Thật này đã được phát thanh trên Đài Nguồn Sống và Chúa Nhật 24 tháng 11 năm 2002, và tôi đã dùng bản Kinh Thánh Truyền Thống 1925. Nghĩa là 20 năm trước. Hôm nay xin mời các bạn ôn lại với tôi.
Hai chữ “Bởi đó…” ở đầu câu 19 nhắc cho chúng ta nhớ rằng tác giả tiếp tục trình bày về đề tài đã nói đến trong các phần trước, và ông chưa nói hết về đề tài đó. Tác giả nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của việc thương yêu anh chị em là bằng chứng chúng ta thuộc về Lẽ Thật.
Trong đời sống tâm linh có một số quy luật cần phải tuân giữ, vì trước sau lẽ thật cũng sẽ thôi thúc chúng ta phải đưa vào áp dụng trong cuộc sống.
Kinh Thánh dạy rằng: Tội lỗi của chúng ta sẽ gặp chúng ta. Tội lỗi đây có nghĩa là không làm theo lời dạy của Chúa.
Một cuộc đời biết lý thuyết mà không thực hành có thể kéo dài nhiều năm tháng, nhưng rồi ra ta sẽ gặp hậu quả của nó. Hậu quả mà Giăng nói đến ở đây là sự đáp lời cầu nguyện của Chúa.
Có thể đây là nguyên nhân mà Chúa không trả lời ta những vấn đề quan trọng mà ta cầu xin?
Chủ đề của các câu này có thể là: Vị trí của việc cầu nguyện trên hành trình đời sống người theo Chúa trong thế gian này.
Chúa Giê-xu từng dạy: “Phải cầu nguyện luôn chớ hề mỏi mệt hay chán nản” Lu-ca 18:1
Có thể hiểu câu này là: “Nếu không cầu nguyện thì sẽ mỏi mệt hay chán nản”
Điều làm cho đời sống người tin Chúa tiến bước được, chính là cầu nguyện, nghĩa là thông công, tương giao với Chúa thường xuyên.
Cầu nguyện phải như không khí hay nước cần cho sự sống của thân xác vậy.
Nhưng cầu nguyện là gi?
Khi cầu nguyện ta thực sự làm gì?
Nhiều người lại coi cầu nguyện như đọc kinh nữa.
Cầu nguyện không phải là nhắc đi nhắc lại một số câu nói quen thuộc, cũng không phải là thốt ra một số điều ta ước ao cho ta cảm thấy dễ chịu hơn. Thật ra đó không phải là cầu nguyện như Kinh Thánh dạy.
Một định nghĩa về cầu nguyện được Giăng nêu lên ở câu 19 như sau: 19Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài.
Cầu nguyện là “Đến trước mặt Chúa…”
Cầu nguyện là ra mắt Chúa, trực tiếp gặp gỡ Chúa.
Cầu nguyện là quay lưng lại đối với mọi sự việc hay điều gì khác trong chốc lát để đối diện một mình với Chúa.
Đây là một việc không thể giải thích được, nhưng kinh nghiệm được.
Cầu nguyện hay ra mắt Chúa không dễ vì ta luôn luôn có những tư tưởng ngăn cản, rồi trí tưởng tượng của ta cứ bay bổng khắp nơi. Trong khi đó những ý nghĩ và các đề nghị, những điều ta muốn, những điều ta cần cứ chen vào. Tất cả những điều đó cần phải được loại ra khi ta nhận định rằng mình thật sự đang ở trước mặt Chúa.
Giăng nói toàn bộ vấn đề thương yêu anh chị em hệ trọng là vì ta ở trước mặt Chúa, ta nhận rõ tầm quan trọng của những gì ta sẽ làm trong chuỗi ngày còn lại của mình. Đó là khi ta đến trước mặt Chúa để cầu nguyện.
Nhưng Giăng giải thích rõ tư cách và điều kiện của người cầu nguyện. Ông dạy:
19Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài
20Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự.
Giục lòng vững chắc, nghĩa là không có gì ngăn cách, không có vấn đề gì giữa ta và Chúa cả. Nhưng nếu có điều gì, thì chính lương tâm cáo trách, và chắc chắn Chúa cũng rõ cả, làm sao đứng trước mặt Chúa được? Như thế, điều kiện ra mắt Chúa là được giải thoát, được tự do không có cảm nghĩ bị lên án hay kết tội nữa.
Nguyễn Sinh