Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 5: Các Điều Kiện Để Theo Ý Chỉ Của Chúa

Bài 5: Các Điều Kiện Để Theo Ý Chỉ Của Chúa

PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN

Bài 5: Các Điều Kiện Để Theo Ý Chỉ Của Chúa

Một trong những câu hỏi thường nghe trong vòng các tín hữu là: Làm sao tôi tìm được ý chỉ của Chúa cho cuộc đời của tôi? Câu hỏi này làm cho nhiều người nghĩ ra nhiều phương pháp để đưa đến những kết luận rất khác thường.

Thí dụ như một sinh viên thần học sắp ra trường và không biết sẽ làm gì, một hôm anh ta lái xe ngang qua tòa đại sứ Phi-líp-tin thì bị kẹt xe dừng lại khá lâu, anh ta liền cho rằng đó là dấu hiệu Chúa bảo anh ta phải đi làm giáo sĩ cho Phi-líp-pin.

Một phụ nữ đang do dự không biết có nên tham gia một chuyến thăm viếng xứ thánh Israel hay không.  Bà ấy đọc kỹ tập quảng cáo về cuộc du hành Israel và thấy rằng du khách sẽ bay bằng máy bay 747. Sáng hôm sau khi thức dậy, nhìn thấy đồng hồ hiện số đề 7:47, bà cám ơn Chúa và cho rằng đó là Chúa cho bà đi Israel.

Nhiều người còn có những sáng kiến rất mê tín dị đoan khác nữa rồi cứ gán cho là Chúa mặc khải hay ý Chúa.

Sau đây là một số điều có thể giúp cho quý độc giả hiểu ý Chúa và làm theo ý Chúa:

  1. Muốn biết ý Chúa thì đầu tiên bạn phải là một người tin Chúa. Rô-ma 8:14 dạy rằng: “Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời.”

Khi bạn tin nhận Chúa Giê-xu là Chúa và chủ của đời bạn thì Thánh Linh đến ngự trong tâm hồn. Thánh Linh có nhiều nhiệm vụ nhưng một trong các việc Thánh Linh làm là giải bày ý chỉ của Đức Chúa Trời cho bạn. Người nào thật sự tin nhận Chúa mới có Thánh Linh hiện diện trong tâm hồn và chúng ta phải có Thánh Linh hướng dẫn để có thể biết ý Chúa và làm theo.

  1. Muốn biết ý Chúa cũng cần phải khôn ngoan. Ê-phê-sô 5:15-17 dạy: Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu.  Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào.

Trên đây chúng ta đã nói đến vài trường hợp có thể gọi là dại dột xẩy ra khi người ta giải mã ý chỉ của Chúa theo ý mình và sai lạc. Chúa dạy chúng ta phải khôn ngoan, sử dụng thời gian cho đúng và không sai lạc. Tuy nhiên phải dùng khôn ngoan, lý luận vững chãi để hiểu cho rõ ý muốn của Chúa sao cho không trái tự nhiên mà đúng lương tri.

  1. Muốn biết ý Chúa phải xét kỹ xem có thực sự muốn làm theo ý Chúa hay không? Giăng 7:17 dạy: Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta. Từ khứng trong câu này nghĩa là muốn. Khi muốn biết ý Chúa thì cũng phải có ngay quyết định tuân hành.

Trong Ê-phê-sô 6:5-6 sứ đồ Phao-lô dạy: Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy run sợ, lấy lòng thật thà mà vâng phục kẻ làm chủ mình theo phần xác, như vâng phục Đấng Christ, không phải vâng phục trước mặt người mà thôi, như các ngươi kiếm cách làm đẹp lòng người ta, nhưng phải như tôi tớ của Đấng Christ, lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Trong phần Kinh Thánh này sứ đồ Phao-lô đang dạy về bổn phận của tôi tớ đối với chủ, nhưng ông cũng nhân đó nói về bổn phận của tín đồ của Chúa. Phần cuối của câu 6 dạy rằng: Lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời hay là hết lòng làm theo ý muốn Chúa là điều rất quan trọng. Chúng ta muốn biết ý Chúa, nhưng cũng phải có quyết tâm làm theo ý muốn Chúa thì mới mong thành công được.

  1. Muốn biết ý Chúa còn phải sẵn sàng cầu nguyện và chờ đợi nữa. Ma-thi-ơ 7:7-8 dạy: Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở. Mặt khác thư 1 Giăng 5:14-15 dạy thêm: Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.

Biết được ý Chúa và tuân hành theo nhiều khi đòi hỏi quá trình dài và đau đớn nữa. Nhiều khi ta làm điều trái ý Chúa vì lý luận theo ý mình, lúc đó phải hạ mình để Thánh Linh dẫn dắt và bằng lòng thuận phục, Nên nhớ rằng khi Chúa đã có định ý thì dù ta không muốn hay không chịu tuân hành, Chúa cũng sẽ thực hiện chương trình của Ngài. Cầu nguyện nhưng đừng vội quyết định, phải biết lắng nghe và chờ đợi Chúa.  Nhiều người bằng lòng cầu nguyện và chờ đợi đã chứng nghiệm rằng Chúa thương và cho tuân hành theo ý Chúa.

  1. Làm theo ý Chúa nghĩa là phải quyết tâm từ bỏ những gì theo ý mình. Công Vụ 20:22-24 ghi lại câu chuyện của sứ đồ Phao-lô như sau: Kìa, nay bị Đức Thánh Linh ràng buộc, tôi đi đến thành Giê-ru-sa-lem, chẳng biết điều chi sẽ xảy đến cho tôi ở đó; duy Đức Thánh Linh đã bảo trước cho tôi rằng từ thành nầy sang thành khác dây xích và sự hoạn nạn đương đợi tôi đó.  nhưng tôi chẳng kể sự sống mình là quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Jêsus, để mà làm chứng về Tin Lành của ơn Đức Chúa Trời.

Trong các câu Kinh Thánh này sứ đồ Phao-lô nói về việc Thánh Linh truyền lệnh cho ông là ràng buộc. Nghĩa là bắt buộc phải theo chứ không có ý kiến. Chúng ta thấy ý muốn của Chúa dành cho Phao-lô là ông sẽ gặp nhiều hoạn nạn chống đối, nhưng Phao-lô đã quyết tâm coi mạng sống mình không quan trọng bằng việc tuân hành ý chỉ của Chúa.

Chúng ta cũng phải có tinh thần như Phao-lô.  Chúng ta đang tham gia vào một cuộc đua, chúng ta là khách bộ hành. Mục đích của chúng ta là phải chạy cho đến đích, đi cho trọn hành trình, dù cho gặp nhiều thử thách và khó khăn. Có khi phải từ bỏ nhiều thứ và điều chỉnh cuộc sống cho thích hợp với ý Chúa.

Như thế chúng ta thấy rằng cần có những điều kiện trước khi chúng ta biết ý Chúa và làm theo. Nhưng dù cho chuẩn bị đầy đủ tất cả, vẫn phải nhớ rằng Chúa có đường lối của Ngài và nhiều khi ta cần phải hiểu rõ. Câu hỏi đặt ra là: Ngày nay Chúa dẫn dắt người của Chúa như thế nào?  Đây là phần mà nhiều độc giả sẽ chú ý vì có thể áp dụng thực tế được.

Chúng tôi xin vắn tắt liệt kê ra bốn phương cách căn bản mà Chúa thường áp dụng:

  1. Trước tiên và căn bản nhất là Chúa hướng dẫn chúng ta qua Lời Kinh Thánh.

Vì như tác giả Thi Thiên đã nói: Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi. (Thi Thiên 119:105). Lời Chúa trong Kinh Thánh nhiều khi khuyên dạy, ra lệnh và cảnh cáo chúng ta.

Các câu như: Mọi người phải tôn trọng hôn nhân, đừng làm ô uế chốn loan phòng, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ gian dâm và kẻ ngoại tình (Hê-bơ-rơ 13:4). Hay là: Hãy tránh phạm tội tà dâm, tương đương như tấm bảng ghi tốc độ giới hạn cho xe chạy trên đường trường.

Có khi lời dạy tổng quát như Phi-líp 4:7: Bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Câu này như tấm bảng cảnh cáo tài xế trên đường trường là “Lái xe cẩn thận”

Có nhiều lời cảnh cáo trong Kinh Thánh nhưng Chúa thường đưa ra những nguyên tắc cho ta theo. Các nguyên tắc này đòi hỏi phải khôn ngoan và biết phân biệt kỹ lưỡng.

Thường thì khi bạn bí không biết hỏi ý kiến nơi nào, hãy tìm vào Lời Kinh Thánh, chắc chắn bạn sẽ được chỉ đạo tốt. Kinh Thánh không bao giờ dẫn bạn đi lạc. Tuy nhiên bạn cũng đừng sử dụng Kinh Thánh như kiểu ngày xưa người Việt hay bói Kiều.  Tức là lấy quyền Kiều ra rồi mở đại một trang, rồi đọc những câu nào đó đã nói trước và nhờ đó mà cho là ứng vào việc mình đang tìm.  Đó là phương pháp mê tín dị đoan và không trung thực.

  1. Chúa hướng dẫn chúng ta qua Thánh Linh ngự trong tâm hồn.

Phi-líp 2:12-13 ghi: Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.

Câu “làm nên sự cứu chuộc mình” không có nghĩa là ta phải làm gì cho được cứu, vì Chúa đã làm tất cả rồi, ta chỉ cần tin mà thôi.  Trong câu này có nghĩa là ta cần suy nghĩ, biện biệt thật rõ khi tuân hành ý chỉ của Chúa, vì Đức Thánh Linh cảm động lòng chúng ta để có ý muốn và năng lực làm theo ý Chúa. Câu 14 còn thêm: Phàm làm việc gì chớ nên lằm bằm và lưỡng lự, Khi ý thức rằng Thánh Linh thôi thúc ta hành động, thì đừng ngần ngại chần chờ mà phải quyết định dứt khoát, mặc dù có thách thức và giá phải trả. Khi được Chúa hướng dẫn như thế không được phàn nàn hay oán thán, mà hoàn toàn vâng phục cũng như sứ đồ Phao-lô vậy.

Khi Thánh Linh cảm động thì ta có được một ý thức về sự dẫn dắt của Chúa khác hẳn với cái mà người ta thường nói là cảm thấy tốt.

Dĩ nhiên là ta không thể cầu nguyện mà không hoạch định chương trình. Ta vẫn phải đặt kế hoạch, suy nghĩ cân nhắc, nghiên cứu tìm hiểu mọi khía cạnh của vấn đề.  Nhưng khi làm việc như vậy phải biết lắng nghe tiếng Chúa phán dạy qua Thánh Linh. Nghĩa là xem thử Chúa đang hoạt động ở đâu và tiếp tay với Ngài.

Thi Thiên 32:8 dạy rằng: Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; Mắt ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi.

Châm ngôn 20:24 cũng ghi: Các bước của loài người do nơi Đức Giê-hô-va nhứt định; Vậy, loài người hiểu đường lối mình sao được?

Sự hướng dẫn của Chúa rất huyền nhiệm, và nhiều khi ta không hiểu, nhưng có thể kinh nghiệm.

  1. Chúa hướng dẫn chúng ta qua sự cố vấn của những người khôn ngoan, có khả năng và đáng tin cậy.

Đây không phải là những người thuộc giới ngoại cảm hay chuyên môn tiên tri bói toán, nhưng là những người tin Chúa, trưởng thành, có khôn ngoan, đáng tin cậy, và đủ tư cách làm cố vấn về một vấn đề nào đó. Những người này cho ý kiến nhưng không có thành kiến và không phải là những người có quan hệ gia đình với ta. Những người cố vấn tốt là người cho ý kiến có lợi cho ta và vinh danh Chúa. Những người như thế thường khách quan, lắng nghe ta nói, và trả lời chậm trãi. Thường thì những người ấy không trả lời khi ta hỏi, vì phải suy nghĩ đắn đo trước khi trả lời.

  1. Sau cùng, Chúa đưa chúng ta vào ý Chúa bằng cách ban cho một đảm bảo an bình trong tâm hồn.

Cô-lô-se 3:15 ghi: Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn. Chính sự an bình này là trọng tài trong tâm hồn ta. Khi nào ta cảm thấy an bình đó thay vì những chướng ngại, những khó khăn thì ta biết ý Chúa đã được nên.

Nhiều khi ta nghĩ rằng ý Chúa rất xa vời trong lý thuyết, nhưng ý Chúa rất hiện thực. Nghĩa là chúng ta phải thực hiện ý Chúa ngay trong đời thường.

Làm theo ý Chúa tức là đến chỗ vật lộn với đức tin, là khi ta phải quyết định. Làm theo ý Chúa là đi đến một quyết định.  Quyết định đó đòi hỏi đức tin và hành động. Nghĩa là ta không thấy cái kế thúc mà chỉ tin cậy và tiến bước. Nghĩa là ta phải tin và làm.

Tưởng tượng Môi-se gặp khó biết mấy khi phải bước bước chân đầu tiên xuống biển Đỏ. Ông có đức tin nhưng phải bước xuống biển Đỏ, phải hành động.  Khi ông đụng chân xuống biển thì Chúa mới mở đường dưới biển như đất khô cho ông và toàn dân Israel đi qua.

Xin nêu lên hai câu hỏi mà người tìm ý Chúa phải trả lời:

Nếu phải theo ý Chúa thì:

  1. Bạn phải bị thiệt hại gì hay khó khăn nào hơn cả?
  2. Bạn có bằng lòng thay đổi cuộc đời, vì biết đó chính là ý Chúa cho mình hay chăng?

Trả lời dứt khoát hai câu hỏi này là có thể tiến bước được.

Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN