Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 6: Thực Hành Ý Chúa

Bài 6: Thực Hành Ý Chúa

Bài 6: Thực Hành Ý Chúa

Một trong những nan đề của việc cầu nguyện là tìm ý Chúa.  Trong hai bài trước chúng ta đã có dịp bàn về: Học biết Ý Chúa và Các điều kiện để làm theo ý Chúa, hôm nay chúng ta sẽ nói đến việc tuân hành hay thực hành ý Chúa.

Tìm ra ý Chúa đã khó, nhưng thực hành ý Chúa mới chính là nhiệm vụ của chúng ta. Nan đề không phải là không biết ý Chúa, nhưng là không có quyết tâm làm theo điều mà chúng ta tin rằng Chúa muốn ta thực hiện. Nhiều người không chịu làm theo ý Chúa vì bảo rằng Chúa làm tất cả, vì Ngài là Đấng Chủ Tể, một mình Ngài làm cho sự việc xảy ra được. Hay nói rằng, vì Chúa muốn như thế thì Ngài sẽ thực hiện theo ý Chúa. Dĩ nhiên là nhiều lần trong đời chúng ta phải khoanh tay mà nói rằng: “Việc này tôi phải trao vào tay Chúa thôi!”

Nhưng sự thực là: Làm theo ý Chúa không mấy khi dễ và không phức tạp. Vì nhiều khi chúng ta không hiểu Chúa đưa mình đi đâu và phải thuận theo ý Chúa, nghĩa là bẻ cong ý mình cho hợp ý Chúa. Thường khi chúng ta vật lộn và tranh chấp giữa ý Chúa và ý tôi. Một ngày kia khi chúng ta gặp Chúa thì khác, nhưng bây giờ chúng ta vẫn phải bằng lòng hay chống, đẩy hay kéo.

Tưởng tượng như bạn đang lái xe trên đường phố và đến một xa lộ có bảng chỉ đường ghi:

Đồng Nai và có hai tấm bảng nhỏ hơn, một tấm đề Đông và một tấm đề Tây. Bạn phải quyết định đi về hướng Đông Đồng Nai hay hướng Tây Đồng Nai. Bạn không thể đi cả hai được, vì chỉ có một hướng đưa bạn đến nơi mà bạn định đi mà thôi.

Như trường hợp tiên tri Giô-na.  Chúa truyền cho ông: Hãy đi Ni-ni-ve, hãy rao sứ điệp của ta cho kinh thành ấy. Ni-ni-ve là kinh đô của nước A-si-ri. Giô-na không ưa Ni-ni-ve vì đó là nơi đất lạ, đầy dẫy thần tượng và rất tàn bạo. Giô-na vẫn có thể theo lệnh Chúa đi Ni-ni-ve hay không đi. Sau khi lý luận, Giô-na xoay hướng và đi Ta-rê-si.

Nhưng Chúa không bỏ Giô-na. Chúa đưa đến một số trở ngại trên hải trình của Giô-na như bão biển làm con thuyền gần chìm và Giô-na bị con cá nuốt gần chết. Các khó khăn này cho Giô-na một dịp khác để làm theo ý Chúa. Giô-na được con cá nhả ra trên bờ biển và Chúa lại truyền cho ông đi Ni-ni-ve, lần này ông vâng lời.

Một nhân vật khác cũng vật lộn với ý Chúa và ý mình là bà Sa-ra, vợ ông Áp-ra-ham. Chúa hứa cho ông bà một đứa con, nhưng qua nhiều năm bà vẫn chưa mang thai. Chờ mãi không được bà Sa-ra nghĩ ra một giải pháp, bảo Áp-ra-ham ngủ với người nữ tỳ của bà là A-ga để có con. Đây là một quyết định rất dại dột và trái với ý Chúa. Khổ nỗi là Áp-ra-ham chiều theo ý vợ. Kết quả là Ích-ma-ên ra đời. Từ đó đến nay dòng dõi Ích-ma-ên và dòng chính Israel tiếp tục tranh giành đất đai để sống, và chiến trận giữa hai bên hiện tại cũng giết hại nhiều sinh mạng.

Để giải quyết vấn đề theo ý mình và vâng theo ý Chúa ta phải xét đến chuyện điều chỉnh. Các việc điều chỉnh này quan hệ tới suy tư riêng, hoàn cảnh, quan hệ, những cam kết, hành động và cả niềm tin nữa. Đây là quyết định quan trọng vì ta không thể vẫn ở nơi mình và cùng một lúc lại quyết định đi với Chúa được.

Quyết định thuận theo ý Chúa đòi hỏi nhiều về đức tin.  Hê-bơ-rơ 11:6 nhắc rằng: Vả, không có đức tin, thì chẳng có thế nào ở cho đẹp ý Đức Chúa Trời; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài. Đức tin theo câu Kinh Thánh này là tin Đức Chúa Trời là Đấng đã xưng Ngài là ai, và sẽ làm điều Ngài phán rằng Ngài sẽ làm.  Đức tin là vâng lời Chúa khi ta vẫn không chắc về kết quả.  Đức tin là tin cậy Chúa khi con người của ta đòi hỏi phải có bằng chứng, phải chứng minh rõ, phải thấy cụ thể.

Chúa muốn chúng ta bước đi bằng lòng tin, không do thấy được, trong khi đó thì chúng ta muốn được thấy trước, thấy sau, thấy đầy đủ chung quanh nữa. Chúng ta muốn bảo đảm, muốn bằng chứng.

Chúa ưa khi chúng ta tin cậy nơi Chúa mà không cần một bức tranh toàn diện trước mắt mình. Tin cậy Chúa không đảm bảo là việc sẽ dễ và đơn giản. Nhưng sống ngoài ý Chúa có thể rất khó khăn. Đôi khi chúng ta không rõ ý Chúa như thế nào nhưng biết rằng ở nguyên tình trạng của mình là không đúng chương trình của Chúa. Chúng ta lại trở về cái gọi là huyền nhiệm của ý Chúa.

Rất may, Chúa có cho chúng ta nhiều gương sáng của những người đã sống bởi đức tin, không do mắt thấy. Họ chính là những mẫu người có đức tin và hành động.

Sau đây là một số vấn đề khi ta thực hành sống với ý Chúa. Ta sẽ căn cứ vào bốn trường hợp ghi lại trong thư Hê-bơ-rơ chương 11.

  1. Tuân hành ý Chúa có thể gây khó chịu cho người khác.

Hê-bơ-rơ 11:4 ghi: Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy; lại cũng nhờ đó dầu người chết rồi, hãy còn nói.

Ca-in và A-bên là hai con trai của A-đam và Ê-va. A-bên làm nghề chăn cừu còn Ca-in làm nông. Cả hai đem tế lễ đến dâng Chúa. Ca-in đem quả trái và ngũ cốc còn A-bên lựa những con cừu tốt nhất đem đến dâng. Tương phản của hai lễ vật không ở chỗ một bên là thực vật bên kia là sinh vật, nhưng ở chỗ lễ dâng không chuẩn bị kỹ, không chú ý cẩn thận, còn bên kia lựa chọn và hết lòng. Động cơ thúc đẩy và thái độ dâng rất là quan trọng.  Chúa nhậm lễ vật của A-bên vì đức tin của người này. Nhưng Ca-in giận vì Chúa nhậm lễ vật của người em mà không nhận của anh ta, nên đã đang tay giết A-bên.

Nhiều khi thực hành ý Chúa ta bị gia đình khó chịu, giận dữ. Có khi gia đình sinh ra sức ép hay nói năng những lời cay độc, hoặc có ác ý đối với ta. Nhưng ta phải lựa chọn giữa làm theo ý Chúa và làm vừa ý người. Chúng ta không muốn gây bất hòa, vì vậy phải có thái độ hạ mình và khiêm tốn để tạo niềm vui trong gia đình.

Nếu ta là cha mẹ, thì việc làm theo ý Chúa cho hôn nhân của con cái, ta chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, còn quyết định là của các đương sự. Nhiềm vụ chính của bậc làm cha mẹ đối với con là: Dạy con cẩn thận cho chúng nên người và buông chúng khỏi tay chúng ta hoàn toàn, vì chúng phải tự quyết định cho cuộc đời của chúng. Con cái khi khôn lớn sẽ được cha mẹ trợ giúp nhưng họ phải tự lập. Một thái độ đúng của cha mẹ là luôn cầu xin Chúa hướng dẫn con cái vì chính chúng ta cũng không thể quyết đoán những chuyện đúng sai.

2. Tuân hành ý Chúa có thể đưa đến kết quả bất ngờ.

Nhân vật thứ hai mà ta quan sát là ông Hê-nóc.  Tác giả thư Hê-bơ-rơ viết: Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết; người ta không thấy người nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp người lên. Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi. (Hê-bơ-rơ 11:5).

Trong Sáng Thế Ký 5 chúng ta biết được Hê-nóc 65 tuổi có con trai là Mê-tu-sê-la, và từ đó Hê-nóc “đi với Chúa”. Ông đi với Chúa trong suốt 300 năm, và “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi.” Hê-nóc hưởng thọ được 365 năm. 365 năm kể là lâu đối với hiện đại, nhưng vào cổ thời, chết lúc 365 là chết trẻ, vì con Hê-nóc là Mê-tu-sê-la sống đến 969 năm.  Hê-nóc coi như được Chúa cất đi lúc còn trẻ tuổi.

Trong thế kỷ 20 có nhiều câu chuyện về những người làm theo ý Chúa được Chúa cất đi rất trẻ. Câu chuyện xẩy ra vào thập niên 1950 khi năm thanh niên tên là Jim Elliott, Nate Saint, Roger Youderian, Ed McCully và Peter Fleming theo sự hướng dẫn của Chúa đến truyền giáo cho bộ tộc Da-đỏ người Auca trong rừng thuộc nước Ecuador. Người Auca không hiểu thiện chí của họ đã giết chết cả năm giáo sĩ trẻ tuổi này. Nhiều năm sau bà Elisabeth vợ của anh Elliott và Rachel Saint em của anh Nate Saint đã đến vùng này, sống chung với thổ dân và truyền giáo cho họ, cứu chính những người đã giết chết chồng và anh của họ.

Câu chuyện vừa kể về năm thanh niên truyền giáo bị chết tại vùng bộ tộc Auca đã trở thành gương sáng cho hằng nghìn thanh niên khác trên khắp thế giới vâng lời Chúa đi truyền giáo cho nhiều bộ tộc dã man trên mặt đất này.  Nhưng vào lúc họ bị giết chết, không ai có thể lý giải vì sao.

  1. Tuân hành ý Chúa có thể bị bách hại

Nhân vật thứ ba ta rút ra từ Hê-bơ-rơ 11:7 là Nô-ê, xin đọc: Bởi đức tin, Nô-ê được Chúa mách bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội thế gian, và trở nên kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin vậy.

Nô-ê trước cơn đại hồng thủy là “Thầy giảng đạo công chính” (2 Phi-e-rơ 2:5) và “được ơn trước mắt Đức Giê-hô-va.” (Sáng 6:8).  Từ khi Chúa bảo cho Nô-ê biết là sẽ có cơn nước lụt hủy diệt toàn thế gian đến khi cơn mưa đầu tiên rơi xuống đất là 120 năm (nghĩa là hơn một đời người), Nô-ê đóng tàu và chờ đợi cuộc trừng phạt của Chúa. Sáng thế ký 6:5-8 ghi: Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn; thì tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng. Đức Giê-hô-va phán rằng: Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà ta đã dựng nên, từ loài người cho đến loài súc vật, loài côn trùng, loài chim trời; vì ta tự trách đã dựng nên các loài đó. Nhưng Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va.

Lúc ấy Nô-ê hoàn toàn khác với mọi người và nghe được tiếng gọi từ nơi Chúa và nhận được sứ điệp về cơn đại hồng thuỷ. Nô-ê vâng theo ý Chúa, do đức tin tuân hành đóng tàu trong suốt 120 năm. Đóng một chiếc tàu khổng lồ ngay trên đất khô chắc chắn bị mọi người cho là điên dại. Hơn nữa lúc đó chưa có mưa và nước từ dưới đất ngấm lên. Nô-ê vừa đóng tàu vừa giảng truyền về Chúa cho mọi người và việc Chúa sẽ trừng phạt loài người, nhưng chẳng ai nghe ông, mọi người đều chống đối và chê cười. Bài học tại đây là: Khi làm theo ý Chúa ta đừng mong mọi người đều chấp nhận vì ta đã chọn bước đi với Chúa bằng đức tin, mà mọi người không hiểu.

Vào thế kỷ 14 tại Đại học Oxford nước Anh có một vị giáo sư thần học chỉ vì đức tin, thi hành ý Chúa mà bị coi là dụng cụ của ma quỷ, tác giả của tà đạo. Tên người là John Wycliffe, một học giả lỗi lạc đương thời nhận thấy giáo dân hồi ấy hoàn toàn không biết đến Kinh Thánh mà chỉ nghe lời dạy của các chức sắc trong giáo hội, nên đã quyết tâm phiên dịch Kinh Thánh từ nguyên văn Hê-bơ-rơ và Hi-lạp ra tiếng Anh để phổ biến. Việc làm trong nhiều năm này của người đã bị mọi giới đương thời phản đối và ông bị lên án là tà đạo.  Khi hoàn tất công việc dịch toàn bộ bản Kinh Thánh ra tiếng Anh, John Wycliffe đã viết ở trang giấy phía trước cuốn Kinh Thánh đó rằng: “Quyển Kinh Thánh này đã được phiên dịch và sẵn để sử dụng cho một chính quyền của dân, do dân và vì dân.”

Ba mươi năm sau khi John Wycliffe mất giáo hội vẫn còn tuyên bố ông là tà đạo.  Xác ông bị khai quật, xương bị thiêu cháy và tro bị rải trên sông.  Một sử gia đương thời đã viết về vụ này như sau: Người ta thiêu cháy xương của Wycliffe, tro rải trên dòng suối tên là Swift gần đó. Con suối này đưa tro của Wycliffe ra sông Avon, sông Avon dẫn đến sống Severn, và sông này chảy ra biển. Và như thế tro của John Wicliffe làm biểu tượng cho tín lý của ông, và ngày nay đã thấm dầm toàn thế giới.

  1. Tuân hành ý Chúa là từ bỏ chỗ quen thuộc để đến chỗ không ai biết.

Hê-bơ-rơ chương 11 cho ta hình ảnh Áp-ra-ham là người đã làm việc đó. Chương 11 câu 8-10 ghi: Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu. Bởi đức tin, người kiều ngụ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại quốc, ở trong các trại, cũng như Y-sác và Gia-cốp, là kẻ đồng kế tự một lời hứa với người. Vì người chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập.

Áp-ra-ham cả đời sống ở U-rơ thuộc xứ Canh-đê, như tổ tiên của ông. Thế rồi đến năm 75 tuổi, Đức Chúa Trời bảo ông từ bỏ nơi quê hương đó đi đến một nơi mà Chúa sẽ chỉ cho. (Sáng 12). Ta nên nhớ rằng Áp-ra-ham lúc ấy còn mang tên Áp-ram, đã già và bà vợ Sa-rai kém ông 10 tuổi cũng kể là tuổi cao.  Hai vợ chồng đang sống rất sung túc, không có con, nhưng gia nhân rất đông. Áp-ram vâng lời Chúa và một hôm ra lệnh cho gia đình chuẩn bị lên đường đi xa.  Mọi người tuân lệnh, nhưng không biết đi đâu, vì chính Áp-ram cũng không biết. Áp-ram vì tuân theo ý Chúa mà phải rời khỏi nơi quê hương ấm cúng quen thuộc để đến một nơi chưa biết là phương nào.

Nhiều người đọc Hê-bơ-rơ 11:8 mà chưa hiểu hết ý: Người đi mà không biết mình đi đâu. Nhưng đọc cho đến câu 10 thì ta có thể nói thêm rằng, …nhưng người đi cùng với Chúa.

Như thế làm theo ý Chúa còn có một điều kiện là làm với Chúa.  Bạn không cô đơn khi tuân hành ý Chúa đâu, lúc nào cũng có Chúa đi cùng và cùng làm việc với bạn.

Chúng ta phải tìm ra ý Chúa và tuân hành, nhưng nên nhớ rằng tất cả sẽ đưa chúng ta vào một cuộc khủng hoảng trong niềm tin và chúng ta phải thực hành đức tin trong hành động.

Vâng theo lời dạy của Chúa và vui làm theo ý Chúa đòi hỏi nhiều thay đổi hay điều chỉnh cho phù hợp. Ta phải từ bỏ và chấp nhận liều lĩnh, bỏ nơi dễ dàng êm ấm để buông vào tương lai chưa rõ rệt.  Đó là tuân hành ý Chúa.

Càng đi với Chúa bao lâu ta càng nhận ra rằng chúng ta thực sự không biết ngày mai sẽ có gì xẩy ra.  Một cú điện thoại kêu vào lúc nửa đêm có thể làm tan hết không khí an bình yên lặng của ta.

Nhưng làm theo ý Chúa dù phải tranh đấu, vật lộn, bên trong con người chúng ta, sâu kín trong linh hồn ta, có một ước mong nhìn thấy Chúa đang mỉm cười, ta đón chờ phần thưởng của Chúa ban và niềm vui vâng theo ý Chúa để được đắc thắng. Trong đời không có kinh nghiệm nào quý hơn và thỏa lòng hơn. Vì khi ta làm cho Cha trên trời thỏa mãn, thì đó là hạnh phúc thiên đàng.

Chúng ta là loài người giới hạn.  Chúng ta chỉ thấy hiện tại và nhớ về quá khứ, tương lai hơi làm cho ta sợ. Vì thế ta nên nắm chặt lấy tay Chúa và tin rằng Chúa sẽ ban an bình và ta tiếp tục sống trong tình thương vô cùng huyền nhiệm của Chúa.

Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN