Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 8: Ba điều căn bản (Đức Tin, Hi Vọng Và Tình...

Bài 8: Ba điều căn bản (Đức Tin, Hi Vọng Và Tình Yêu)

Bài 8: Ba Điều Căn Bản: Đức Tin, Hi Vọng Và Tình Yêu

Một trong những câu được xem là hay nhất trong toàn bộ Kinh Thánh là 1 Cô-rinh-tô 13:13

Nên bây giờ còn có ba điều này: đức tin, trông cậy và tình yêu; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình thương.  Câu này theo bản diễn ý là: Vậy, chỉ có ba điều tồn tại: đức tin, hy vọng và tình yêu; nhưng tình yêu vĩ đại hơn cả. Một chữ trong câu này ít khi ta lưu ý trong tiếng Việt, đó là chữ “còn” hay là “tồn tại”.  Chữ này có thể hiểu là còn lại, ở lại. Như trong Lu-ca 24:29 kể lại câu chuyện Chúa đi cùng hai môn đệ về làm Em-ma-út và Ngài định đi xa hơn thì hai người nói rằng: Xin ở lại với chúng tôi; vì trời đã xế chiều hầu tối. Vậy, Ngài vào ở lại cùng họ.

Trong đời này mọi thứ con người tìm kiếm hay sở hữu đều là tạm thời, nếu không bị hư hỏng thì cũng lỗi thời không dùng được nữa. Y phục năm nay dùng, nhưng vài năm nữa đã trở thành sai mốt thời trang.  Kiểu xe hơi cũng trở thành cũ kỹ và của cải sẽ bị ten rét làm hư hay bị trôm cắp lấy mất đi. Thường thì đồ đạc mua về chỉ ít lâu đã thấy chán, chính vì vậy mà niềm vui sở hữu không tồn tại lâu bền. Những phước hạnh ta có trong vật chất một ngày nào đó sẽ hết, ngay đến sức khoẻ cũng suy nhược với thời gian, vẻ đẹp theo năm tháng phai tàn. Ngành nghề nào sáng chói đến đâu cũng có lúc chấm dứt. Những tiếng vỗ tay tán thưởng tài ba sẽ chìm vào dĩ vãng, nhường cho một cái im lặng lạnh lùng. Hôm nay dù quý vị có hoàn toàn thỏa mãn với cuộc đời, nhưng ngày mai quý vị sẽ không còn thỏa mãn nữa đâu.

Nhưng làm sao sở hữu được những gì tồn tại mãi mãi?

Sau khi đã dành cả đời nghiên cứu, những người khôn ngoan nhất, tài giỏi nhất trong nhân loại đã liệt kê ra ba điều ngay tầm tay của chúng ta và tồn tại mãi, đó là Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu. Những điều này không những tồn tại nhưng còn làm cho cuộc đời những người sở hữu chúng được thêm nhiều chất lượng quý giá.

Ta hãy xét đến niềm tin.

Không có niềm tin chúng ta thật sự không chắc chắn về chính mình nữa. Vì rất khó quyết định một việc gì hay làm gì nếu không có lòng tin cậy. Chúng ta sẽ không dám làm, không dám mơ ước và cũng không dám mạo hiểm. Khi không có lòng tin, ta sẽ nhìn mọi người với tia mắt hoài nghi và ngờ vực. Ta sẽ sống thiếu an vui và không có thân tình, có mặc cảm sai là mọi người đều thù ghét mình và mất hứng sống.

Nhưng đức tin hay lòng tin là gì?

Có nhiều định nghĩa, nhưng chính yếu có hai điều:

Thứ nhất, là tiếp tục tin vào một số điều, mặc dù có gì xẩy ra chăng nữa.

Xin dẫn chứng: Thí dụ như ta bị cám dỗ làm một việc dối trá. Ta có thể nghĩ về điều lợi và nói, nói dối một lần đã sao?  Nhưng ta còn tin vào những nguyên tắc về chân thật và sự thật nữa.  Đức tin trong lúc đó là nắm chặt lấy những nguyên tắc chính đáng và trung thành đối với các nguyên tắc này.

Thành tín là giữ vững điều mình đã tin, dù có gì xẩy ra.

Sứ đồ Phao-lô từng tuyên bố: “Tôi đã giữ được đức tin”  Đó là tuyên bố mà mỗi chúng ta phải nói vào lúc cuối cuộc đời. Phao-lô sống một đời khốn khổ và bị đời bạc đãi nhưng đức tin ông không suy chuyển. Trong khi đó có nhiều người vào một lúc nào đó đã chối bỏ những gì họ từng cho là cao nhất và quý nhất, nghĩa là đã bỏ đức tin.

Thứ hai, một phương diện khác đức tin được minh chứng khi một người phải đối diện với sự sống và biết rằng tự mình không thể rút ra được những gì quý nhất, người ấy nương nhờ vào một sự cứu giúp cao hơn. Nói cách khác, đức tin có ba điều liên quan đến Đức Chúa Trời:

  1. Đức Chúa Trời hình thành ra thế giới này. Tin như thế nghĩa là công nhận rằng ở trung tâm của mỗi vấn đề đều có những nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Trong một thời gian dường như tội ác thắng thế, nhưng nên nhớ lời Chúa phán dạy: Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là đầu tiên và cuối cùng. (Khải huyền 1:8). Đức Chúa Trời là Đấng đầu tiên và cuối cùng Chúa sẽ đắc thắng.
  2. Đức tin nghĩa là biết Đức Chúa Trời quan tâm, chăm sóc. Trong đời có nhiều khi người ta cảm thấy bị bỏ quên hay bị khước từ, lúc ấy người ta không thích sống nữa. Nhưng đức tin tin rằng Chúa nhìn thấy ta và săn sóc mỗi người.
  3. Một điểm nữa về đức tin là không phải Chúa chỉ thấy chúng ta từ nơi xa xôi, nhưng Chúa còn làm việc chung với chúng ta nữa. Nói như thế không có nghĩa là mọi việc xẩy ra đều theo ý Chúa. Vì có nhiều sự việc ngăn cản ý Chúa, nhưng Chúa vẫn hoạt động và Ngài sẽ thắng ở lúc cuối cùng.

Sứ đồ Phao-lô nói rằng đức tin sẽ tồn tại, mặc dù hoàn cảnh cuộc đời có ra thế nào.

Điều thứ hai cũng sẽ tồn tại là hi vọng.

Hy vọng là một từ to lớn vĩ đại, nhưng nhiều khi chúng ta nói như thể ước vọng mà thôi. Ta hay nói, Mong là ngày mai không mưa, hoặc là Mong bạn có ngày nghỉ hè vui vẻ, hay Tôi mong mọi việc sẽ trở nên tốt lành cả.

Nhưng hy vọng lớn hơn là ước mong.  Đó là một mong đợi chắc chắn đặt cơ sở trên những điều căn bản với những hoạt động chắc chắn. Hy vọng không bao giờ thay thế cho suy nghĩ chín chắn và làm việc hết lòng. Ngược lại, hy vọng dẫn người ta đến chỗ suy tư và hành động. Căn bản của hy vọng là tin Chúa. Thi Thiên dạy: Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời; ta còn ngợi khen Ngài nữa; vì nhờ mặt Ngài, bèn được cứu rỗi. (Thi-thiên 42:5).

Một vị mục sư từng nói rằng: Một câu xúc phạm nặng nhất, và đáng lên án là nói về một người nào rằng: Kẻ ấy thật vô hy vọng.  Vì khi nói như thế khác nào ta đóng cửa sầm lại ngay trước mặt Chúa vậy.

Khi ta nản lòng, khi cuộc đời thật đen tối, khi kế hoạch của ta thất bại, thì ta có thể có ba cách nhìn.

Thứ nhất là cách nhìn của người dại dột.  Người ấy sẽ nói:

“Việc này vô hy vọng, vì thế tôi bỏ cuộc”;

“Việc tôi làm tôi không thích, kiếm việc khác.”;

“Việc này làm tôi xuống quá, tôi kiếm việc mới.”;

“Hôn nhân của tôi nản quá, tôi phá bỏ.” ;

“Tôi không thể đối đầu với tình trạng này, tôi bỏ chạy.”

Đó là cách nhìn và thái độ của người dại. Người ấy luôn luôn muốn bỏ cuộc và không bao giờ hy vọng.

Thứ hai là cách nhìn của người hay nghi ngờ. Cách nhìn này khá hơn cách của người dại dột, nhưng cũng không tốt hơn. Người này cho rằng mọi thứ đều sẽ hư hỏng.

“Tôi chỉ gặp may đó thôi.”

“Đời tôi không có gì là vui cả, tôi phải hết sức chịu đựng đó thôi.”

Người như thế không hi vọng gì nhiều vì cậy cũng không bao giờ bất mãn hoàn toàn.

Thứ ba là cách nhìn với hy vọng. Hoàn cảnh dĩ nhiên là có thể làm cho bất mãn và khó khăn, nhưng người có hy vọng mong chờ ánh mặt trời sau cơn giông bão.  Chúa ban cho chúng ta đôi tai để nghe vì có âm nhạc để nghe.  Người tin Chúa tin tưởng như vậy. Người ấy cũng tin rằng Chúa tạo ra đôi mắt vì có những cảnh đẹp để ta ngắm nhìn. Chúa cũng tạo ra khả năng hy vọng vì có một cái gì đẹp hơn, tốt hơn ở phía trước kia, và nếu ta cứ đi tới, ta sẽ gặp. Cùng với đức tin, hy vọng cũng sẽ không bao giờ chết cả.

Vậy, chỉ có ba điều tồn tại: đức tin, hy vọng và tình yêu; nhưng tình yêu vĩ đại hơn cả.

Chúng ta đã nói đến đức tin và hy vọng, bây giờ xin nói về tình yêu.

So với đức tin và hy vọng thì tình yêu quan trọng hơn cả. Tình yêu duy trì một đời sống. 1 Cô-rinh-tô 13 là một chương sách định nghĩa đầy đủ về tình yêu. trước tiên ông nói những gì không phải là tình yêu.

Tình yêu không phải là tài nói hùng hồn hay giỏi ngoại ngữ, cũng không phải khôn ngoan tiên đoán cả tương lai, mà cũng không phải là biết đủ loại tri thức. Tình yêu không phải là đức tin có khả năng vận chuyển những việc to lớn, mà cũng không phải ân tứ hi sinh phục vụ nhân loại.

Sau đó tác giả 1 Cô-rinh-tô 13 mới nói đến phẩm tính của tình yêu.  Đó là: Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,  chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ,  chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật….

Có người nói rằng trong Kinh Thánh Tân Ước có ba nhân vật vĩ đại, đó là Chúa Giê-xu, ông Ê-tiên và sứ đồ Phao-lô.

Khi chịu khổ hình trên thập giá, Chúa Giê-xu cầu nguyện rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì…( Lu-ca 23:34).

Khi Ê-tiên bị ném đá, ông cũng cầu rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ! (Công vụ 7:60).

Còn sứ đồ Phao-lô gần đến ngày bị hành quyết, đã nói: Tôi cầu xin Đức Chúa Trời đừng kết tội họ…

Đó là những mẫu mực về thương yêu trong kiên nhẫn chịu đựng và tha thứ.

Khi tình yêu diễn tả bằng kiên nhẫn và tha thứ thì đó là nghĩa cử. Vì trong đời có nhiều người kiên nhẫn nhưng chỉ là cam chịu chứ không biểu lộ thương yêu tha thứ là đức tính thánh thiện. Tình yêu không khép kín thụ động, nhưng lấy thiện lành trả cho ác độc.

Sứ đồ Phao-lô còn dạy thêm về tình yêu.

Tình yêu không ganh tỵ. Khi có ai được điều gì tốt lành thì người có tình yêu chung vui với người ấy.

Tình yêu không khoe khoang nghĩa là không tự phụ và muốn hơn người. Vì những tính khoe khoang hay ganh tỵ biểu lộ tính tự ty mặc cảm. Tình yêu có thể diễn tả là:

Chiụ khổ mà không than trách;

Bị hiểu lầm mà không giải thích;

Cho đi mà không nhận lại;

Bị bỏ quên mà không buồn;

Hỏi mà không đòi;

Thương yêu dù bị hiểu lầm;

Đến với Chúa xin bảo vệ;

Chờ đợi Chúa ban thưởng hơn là người đời.

Tình yêu còn được mô tả là:” chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật.” Đó là những điều tiêu cực.

Tiếp theo là bốn điều tích cực của tình yêu: 7 Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.

Bốn điểm quan trọng là: Khoan dung, tin cậy, hy vọng và chịu đựng.

Thứ tự tác giả sắp xếp các đức tính này rất quan trọng: Khoan dung và chịu đựng gần giống nhau, nhưng giữa hai điều này tác giả xen vào tin cậy và hy vọng. Hai tính này làm cho việc khoan dung và chịu đựng trở thành nghĩa cử của tình yêu.

Tin cậy và hy vọng là những hành động trong tương lai. Tình yêu xác nhận là thực sự có đau khổ, nhưng bên kia đau khổ tình yêu nhìn thấy một cuộc đắc thắng.

Tình yêu là một sức mạnh sáng tạo, có thể phát sinh thiện lành ra từ ác dữ, ngay cả sự sức mạnh cứu chuộc ra từ thập giá tác hại. Tình yêu xét cho cùng vĩ đại hơn đức tin và hy vọng vì tình yêu bao gồm cả hai đức tính kia mà còn thêm vào nhiều đức tính khác nữa.

Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN