Suy niệm: Một trong những thắc mắc của người thời đại chúng ta là không hiểu rõ Luật Pháp và Lời Tiên Tri là gì?
Luật Pháp đây không phải là luật lệ của một nước nhưng là luật của Chúa. Đây là luật lệ Chúa trực tiếp ban cho dân tộc Israel qua lĩnh tụ Môi-se hay Mai-sen.
Luật này gồm ba phần: Luật đạo Đức, Luật Tư pháp, và Luật Thờ Phượng. Các Luật này được ghi lại trong các sách Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi-ký và Dân Số Ký.
Luật Đạo Đức gồm có 10 Điều Răn và những nguyên tắc đạo đức lớn đã được Chúa ấn định và ban hành, không bao giờ thay đổi.
Luật Tư Pháp là luật để quản trị nước trong các trường hợp đặc biệt của người Israel trong thời đó. Đây là các nguyên tắc hướng dẫn cách sống với nhau và nhiều điều răn cấm hoặc khuyên bảo hữu ích cho đời sống cộng đồng, xã hội.
Sau cùng là Luật Thờ Phượng liên quan tới những tế lễ, sinh tế và những nghi thức thờ phượng trong đền thờ cũng như ở ngoài.
Nhiều người ngày nay khi đọc Kinh-thánh Cựu Ước thấy rất khó hiểu và chán nản, nhất là khi qua các phần về ba thứ Luật vừa kể. Ta nên nhớ rằng toàn bộ các luật này không những áp dụng cho thời xưa mà còn là biểu tượng và lời tiên tri cho thời Tân Ước nữa.
Sách Hê-bơ-rơ của Tân Ước nói rõ các Luật Thờ Phượng thời Cựu Ước là bóng của công cuộc cứu chuộc nhân loại của Chúa Giê-xu trong thời Tân Ước. Hê-bơ-rơ chương 10 ghi:
Vả, luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, không có hình thật của các vật, nên không bao giờ cậy tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy mà khiến kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành được.
Đó là nói về Luật. Còn Lời Tiên Tri thì sao?
Trong Kinh-thánh Cựu Ước có một phần dành riêng cho các sách gọi là tiên tri. Đây là phần ghi lại những mạng lệnh của Chúa truyền qua các sứ giả của Ngài, những người được gọi là Tiên Tri. Các Tiên Tri thực ra là người dạy luật Chúa cho dân tộc, họ cũng áp dụng luật và giải thích nữa. Họ đến với các vua chúa, quan trưởng và dân chúng đương thời để cảnh cáo về các hành động sai trái luật Chúa, và kêu gọi ăn năn. Sứ điệp của tiên tri có khi cho cả dân tộc ngoài Do-thái nữa, đó là những án phạt dành cho các dân vô đạo. Tiên tri còn mang sứ điệp quan trọng về Chúa Cứu thế cho các nước nữa.
Chúng ta đã hiểu như thế nào là Luật và Lời Tiên Tri, còn một chữ phải hiểu nữa là chữ trọn hay làm trọn. Đây không phải là thêm một phần vào một việc nào chưa làm xong. Nghĩa đúng nhất của chữ trọn hay làm trọn là đem ra thực hiện, làm trọn là hoàn toàn vâng theo, làm đúng tất cả những gì đã nói trước trong Luật và các Lời Tiên Tri.
Sau khi đã định nghĩa các từ trên, chúng ta thử tìm hiểu Chúa Giê-xu muốn nói gì trong phần Kinh-thánh này.
Hai câu 17 và 18 nối kết bằng một chữ vì. Ta đọc lại: Các người đừng tưởng ta đến để phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, nhưng để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi….
Trước tiên, Chúa Giê-xu khẳng định rằng Luật của Chúa là tuyệt đối; không thể nào thay đổi, thêm bớt gì được. Luật Chúa tuyệt đối và vĩnh hằng, đó là một điều ta nên nhớ. Đòi hỏi của Luật Chúa là trường tồn, dù trời đất có thay đổi chăng nữa thì Luật Chúa vẫn y nguyên.
Sau đó Chúa tuyên bố rằng Ngài không đến để hủy phá luật, hay thay đổi, thêm bớt gì vào. Chúa đến để thi hành, để làm cho đúng, cho trọn. Nghĩa là Ngài muốn Luật Chúa được tuân hành hoàn toàn.
Nói khác đi, ta phải hiểu rằng: Toàn bộ Luật Pháp và Lời Tiên Tri đều chỉ về Chúa Cứu Thế Giê-xu, và tất cả đều sẽ được làm trọn, cho đến tận chi tiết nào nhỏ nhất, trong vai trò vào đời của Chúa Giê-xu. Cao điểm của cả Luật Pháp và Lời Tiên Tri là Chúa Giê-xu, và Ngài làm trọn tất cả.
Nhiều người ngày nay chủ trương rằng chỉ tin Chúa Giê-xu và không muốn đọc Kinh-thánh Cựu Ước. Có thể nói thái độ của chúng ta đối với Cựu Ước như thế nào cũng xác định thái độ của ta đối với Chúa Giê-xu như vậy.
Cựu Ước và Tân Ước là hai phần bổ sung cho nhau. Chính Chúa Giê-xu đã phán: ta đến để làm trọn, vì vậy không thể chỉ đọc Tân Ước vì Cựu ước chính là căn bản cho Tân Ước.
Người đọc Kinh-thánh cần nhiều thì giờ để đọc tổng quát toàn bộ Kinh-thánh, sau đó nghiên cứu phân tích từng sách, và cuối cùng là đọc Cựu Ước trong cái nhìn về Tân Ước và đọc Tân Ước trong bối cảnh của Cựu Ước có như thế việc học Kinh-thánh mới đạt.
Nguyễn Sinh