Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhChúa Giê-xu giáng trần để cứu mọi người ra khỏi tội. 

Chúa Giê-xu giáng trần để cứu mọi người ra khỏi tội. 

Đây là tin mừng cho những người tù được tự do, những kẻ mù được sáng mắt, người sống trong đêm tối lần đầu thấy ánh sáng, những kẻ sống trong tội được tha tội và tái tạo.

Vì Thượng đế thương nhân loại, đã ban cho con trai duy nhất của Ngài là Chúa Giê-xu xuống trần gian, để hễ ai tin nhận người Con ấy, không bị diệt vong mà được hưởng đời sống vĩnh hằng.”

Chúa Giáng sinh là một việc làm đầy tình thương của Thượng Đế để cứu vớt toàn thể nhân loại, để không ai bị Ngài trừng phạt, mà tất cả đều được cứu.  Đó là định nghĩa đơn giản nhất về từ cứu rỗi.

Giáng sinh là Thượng đế đã làm công việc của Ngài để cứu nhân loại, vì nhân loại sống trong tội bất lực không thể tự cứu mình.

Thiên sứ loan báo tin mừng, loài người từ đó mở liên hoan ăn mừng, nhưng ăn mừng trong tù, trong cảnh mù loà, trong đêm dài đời người hoàn toàn vô nghĩa.

Vì chỉ những ai được tự do, được sáng mắt, được ra khỏi vùng đêm tối mới xứng đáng liên hoan mà thôi.  Những người khác, chưa biết tin mừng là gì, chưa hiểu Giáng sinh mang ý nghĩa nào, chưa mời Chúa Giáng sinh vào tâm hồn mình, khi mừng Giáng sinh sẽ không mảy may xúc động về việc Chúa vào đời, mà chỉ liên hoan ăn theo và vui về những giá trị tạm thời của một đêm liên hoan.

Cứu rỗi là điều mà mỗi người kỉ niệm Chúa Giáng sinh phải hiểu, như thế việc tham dự mới có ý nghĩa là niềm vui mới chân thật và giá trị.

Cứu rỗi là gì?

Người tin Chúa Giê-xu Giáng sinh, hi sinh chuộc tội cho mình thì được tha tội, xưng là công chính vô tội và được Thánh Linh tái tạo, bảo vệ, ban an bình và bông trái thiện lành trong đức tính để sống xứng đáng là một người con của Chúa.  Từ đó tiếp tục đắc thắng tội và chờ đợi ngày Chúa Giê-xu hoàn thành cuộc cứu rỗi toàn vẹn cho mình, là khi ở với Chúa vĩnh viễn.

Cứu rỗi trong ý nghĩa Việt ngữ:

Có người nói rằng: Mỗi người trên đời đều có một nhu cầu quan trọng nhất, đó là được Chúa cứu.

Nói như thế ngụ ý rằng: nếu chưa được Chúa cứu ra khỏi hoàn cảnh tội lỗi, nghĩa là chưa được Chúa tha thứ tội ác, chưa được tái tạo để làm một người trong nhân loại mới, thì dù người ấy là ai, sở hữu những gì, cũng không đáng kể.

Trong ngôn ngữ Việt Nam có một từ diễn tả tình trạng được Chúa cứu đầy đủ nhất, đó là Cứu Rỗi.

Trong các ngôn ngữ việc được Chúa ban ân điển, tha thứ tội phạm, cho từ cõi chết sang cõi vĩnh hằng đều gọi là: Cứu.

Người ta có thể thêm:  Cứu độ, Cứu chuộc, Cứu vớt. Nhưng chủ yếu vẫn chỉ là Cứu.

Như cứu một người khỏi đám lửa cháy; cứu vớt một người chết đuối trong nước, cứu một người khỏi tai nạn hay khỏi một hoàn cảnh khó khăn.

Riêng trong Việt Ngữ, chữ Cứu được thêm chữ Rỗi.

Rỗi nghĩa là gì?

Căn cứ vào những định nghĩa của các Bộ Từ Điển, ta có thể hiểu Cứu Rỗi trong Tiếng Việt là: Được cứu từ tối qua sáng, từ chết qua sống, được giải thoát khỏi cảnh lầm than, được an nghỉ trong an bình và không bao giờ phải rơi lại vào tình trạng cũ nữa.

Như thế từ Cứu Rỗi của Việt ngữ mang ý nghĩa được cứu hoàn toàn và dứt khoát ra khỏi một hoàn cảnh và được an nghỉ không còn lo sợ phải bị rơi trở lại hoàn cảnh đó.

Cứu Rỗi không phải chỉ là được giải thoát hay giải phóng khỏi một hoàn cảnh hay tình huống, nhưng còn là được đưa vào một hoàn cảnh mới, sung sướng hạnh phúc và được thỏa lòng.

Người tin Chúa là được Chúa cứu vớt từ cõi tối tăm, cõi chết, để vào cõi ánh sáng, cõi sống, cõi vĩnh hằng.

Rô-ma 6:22 ghi rằng:

Nhưng bây giờ anh em đã được giải phóng khỏi tội lỗi (đó là được cứu) và trở nên nô lệ của Đức Chúa Trời, thì kết quả mà anh em được là sự thánh hóa, và cuối cùng được sự sống đời đời (đó là được rỗi).

Sứ đồ Phao-lô trong Rô-ma chương 8 nói đến sự sống mới trong Thánh Linh, đó là phần Rỗi của những người đã tin Chúa và được cứu. Câu 4 đến 8 ghi:

“…để sự công chính mà luật pháp đòi hỏi được thực hiện đầy đủ trong chúng ta, là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh. Thật thế, những ai sống theo xác thịt thì chú tâm vào những việc thuộc về xác thịt; còn những ai sống theo Thánh Linh thì chú tâm vào những việc thuộc Thánh Linh, Chú tâm vào xác thịt thì sinh ra sự chết, còn chú tâm về Thánh Linh sinh ra sự sống và bình an; vì tâm trí hướng về xác thịt thì thù nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không thuận phục luật pháp của Đức Chúa Trời; thực ra nó không có khả năng để thuận phục. Người nào sống theo xác thịt thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời.”

Thưa quý vị và các bạn,

Giáng sinh chỉ có ý nghĩa đối với người tham dự kỉ niệm, khi người ấy biết cứu rỗi là gì và bằng lòng hạ mình tin nhận Chúa Giê-xu để được cứu rỗi.  Nếu không, việc kỉ niệm dù linh đình đến đâu cũng vô nghĩa đối với người không bao giờ mời Chúa Giê-xu vào làm chủ tâm hồn và cuộc đời mình.

Nguyễn Sinh

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN