Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

CHƯƠNG III CẤP CƠ SỞ

Điều 12: QUYỀN CÔNG NHẬN HỘI THÁNH CƠ SỞ VÀ ĐIỂM NHÓM (xem Hiến chương điều 12)

Điều 13: PHÂN HẠNG HỘI THÁNH CƠ SỞ
1. Hội thánh tự lập
Cơ sở vật chất: Có nhà thờ hoặc cơ sở thờ tự, hỗ trợ chỗ ở cho Quản nhiệm.
Về nhân sự: Có Quản nhiệm, có Ban Chấp sự và có từ bẩy mươi (70) tín hữu trở lên.
Về hành chính và tài chính: Có đủ sổ sách, văn kiện, hồ sơ danh sách tín hữu và có khả năng tài chính, chi phí hàng tháng cho tất cả các hoạt động của Hội thánh. Cung lương cho Quản nhiệm tối thiểu: 3.000.000 VND (ba triệu đồng) đối với vùng nông thôn; 5.000.000 VND (năm triệu đồng) đối với thị xã, thành phố.
2. Hội thánh chưa tự lập
Cơ sở vật chất: Có nhà thờ hoặc cơ sở thờ tự, hỗ trợ chỗ ở cho Quản nhiệm.
Về nhân sự: Có Quản nhiệm và Ban Chấp sự.
Về tài chính: Chủ động trong việc thu chi tài chính và phụ cấp cho Quản nhiệm.

Điều 14: NHIỆM VỤ CỦA HỘI THÁNH CƠ SỞ
(xem Hiến chương điều 14)

Điều 15: QUYỀN HẠN CỦA HỘI THÁNH CƠ SỞ VÀ ĐIỂM NHÓM
1. Quyền hạn của Hội thánh tự lập
– Được quyền điều hành công việc nội bộ, nhưng không trái với Hiến chương của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc).
– Được quyền lưu, mời Quản nhiệm, phó Quản nhiệm hoặc phụ tá Quản nhiệm.
– Được quyền đề nghị Ban Trị sự Tổng hội phong chức Mục sư thực thụ cho Quản nhiệm Hội thánh mình.
– Được quyền cử đại biểu tín hữu tham dự Đại Hội đồng. Số lượng đại biểu theo Hiến chương quy định.
– Mở các lớp bồi dưỡng cho nhân sự và tín hữu.
– Bãi nhiễm và đề nghị Ban Trị sự Tổng hội cách chức Quản nhiệm, phó Quản nhiệm hoặc Phụ tá.
2. Quyền hạn của Hội thánh chưa tự lập
– Được quyền điều hành công việc nội bộ, nhưng không trái với Hiến chương của Hội thánh Tin lành Việt Nam (MB).
– Nhận Quản nhiệm theo sự bổ nhiệm của Ban Trị sự Tổng hội.
– Được quyền cử đại biểu tín hữu tham dự Đại Hội đồng. Số lượng đại biểu do Ban Trị sự Tổng hội quy định.
– Được công nhận và hưởng quyền Hội thánh tự lập khi đủ điều kiện.
– Mở các lớp bồi dưỡng cho nhân sự và tín hữu.
3. Điểm nhóm
Trực thuộc sự hướng dẫn của Hội thánh cơ sở hoặc Tổng hội được cử đại biểu tham sự Đại Hội đồng theo sự phân bổ của Tổng hội. (xem thêm điều 15 khoản 3 Hiến chương).
4. Các Quy định khác
– Trường hợp gặp những vấn đề vượt thẩm quyền và nhiệm vụ của Điểm nhóm, thì Điểm nhóm cơ sở đó phải trình xin và chờ quyết định của Ban Trị sự Tổng hội.
– Khi Điểm nhóm không thi hành các quyết định của Đại Hội đồng Tổng hội, Ban Trị sự Tổng hội đã khuyến cáo mà và Điểm nhóm vẫn không chấp hành, thì Điểm nhóm đó sẽ mất quyền cử đại biểu tham dự Đại Hội đồng và chịu các biện pháp thích nghi theo Nội qui của Giáo hội.

Điều 16: TÍN HỮU
1. Tín hữu chính thức
a. Điều kiện
Là tín hữu đã nhận Báp-têm, tâm tình phục vụ Chúa, thực hành tín lý, cộng tác với Hội thánh, vâng phục Chúa và thuận phục tổ chức của Giáo hội.
b. Quyền hạn
– Được quyền bầu cử. (từ 18 tuổi trở lên).
– Được quyền ứng cử. (từ 21 tuổi trở lên, nếu hội đủ các điều kiện theo quy định chung).
– Được quyền thảo luận, kiến nghị, chất vấn Ban Chấp sự và các chức viên khác của Hội thánh tại các Hội Đồng.
2. Tín hữu chưa chính thức
Là tín hữu đã ăn năn, tin nhận Đức Chúa Giê-xu Christ, đang chờ đợi nhận Báp-têm.
3. Tín hữu chuyển Hội thánh cơ sở.
– Tín Hữu muốn gia nhập Hội thánh cơ sở khác, phải xin giấy giới thiệu chuyển Hội thánh cơ sở.
– Trường hợp không có giấy giới thiệu, tín hữu đó phải được sự chứng nhận ít nhất (02) Chấp sự biết rõ đương sự.
– Ngoài trường hợp nêu trên, một tín hữu sinh hoạt ít nhất sáu (06) tháng tại một Hội thánh cơ sở phải làm đơn xin Ban Chấp sự Hội thánh đó xét cho chính thức gia nhập.
4. Tín hữu từ hệ phái khác gia nhập
– Tín hữu từ hệ phái khác muốn gia nhập Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), cần có đơn gia nhập gửi cho Quản nhiệm Hội thánh cơ sở.
– Tín hữu từ hệ phái khác không đồng tín lý hoặc hệ phái khác muốn gia nhập vào Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) cần học Giáo lý để nhận Báp-têm theo nghi thức của Giáo hội.
– Thuận phục tổ chức của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) như Hiến chương đã quy định.
– Tín hữu Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) đã ra khỏi tổ chức Giáo hội muốn thật lòng trở lại với Giáo hội phải có đơn cam kết; Giáo hội sẵn sàng tiếp nhận với tình yêu thương hiệp một.
– Trường hợp tín hữu vắng sinh hoạt sáu (06) tháng liên tục không có lý do thì không còn là tín hữu chính thức (không được quyền bầu cử).

Điều 17: BAN CHẤP SỰ HỘI THÁNH
Chấp sự là thánh chức theo Kinh Thánh, được tín nhiệm để phục vụ Hội thánh. Chấp sự do Hội đồng của Hội thánh cơ sở bầu chọn.
1. Số lượng chấp sự
Số chấp sự tuỳ nhu cầu của Hội thánh cơ sở, song ít nhất phải có năm (05) người. Thành phần chấp sự có nam, có nữ không có quan hệ trực hệ.
2. Phẩm hạnh của chấp sự
Chấp sự phải là tín hữu chính thức, có phẩm hạnh hợp với Kinh thánh (I Ti-mô-thê 3:8-13).
3. Điều kiện ứng cử và đề cử
Tín hữu chính thức (đã chịu Báp-têm) từ 21 tuổi trở lên, đã nhận Báp-têm ít nhất ba (03) năm, thường xuyên sinh hoạt tại Hội thánh cơ sở ít nhất một năm (01) tính đến ngày Hội Đồng, biết dâng hiến tài lực cho Hội thánh.
Danh sách đại biểu chính thức (đại biểu là tín hữu đã chịu Báp-têm) phải được công khai hai (02) tuần trước ngày bầu cử. Các tín hữu chính thức (chịu Báp-têm) có thể tự ứng cử hoặc đề cử người khác, và nộp danh sách ứng viên cho Ban Chấp sự Hội thánh thẩm định. Danh sách ứng viên phải được niêm yết trước Hội thánh ít nhất một (01) tuần trước ngày bầu cử để tín hữu khiếu nại tư cách ứng viên (nếu có). Sau đó Ban Chấp sự trình Hội thánh danh sách ứng viên đủ điều kiện.
4. Số lượng Ứng viên
Số ứng viên phải nhiều hơn số Chấp sự được bầu ít nhất hai (02) người. Thứ tự trong danh sách ứng cử viên được xếp tên theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt.
5. Nhiệm vụ Chấp sự
Tích cực cộng tác với Quản nhiệm Hội thánh và trung tín dâng hiến, tham gia các công tác chứng đạo, môn đồ hoá, và chăm sóc tín hữu, phụ lễ các chương trình thờ phượng.
6. Nhiệm kỳ
Nhiệm kỳ ban Chấp sự là bốn (04) năm.

Điều 18: THÀNH PHẦN BAN CHẤP SỰ HỘI THÁNH CƠ SỞ
1. Quản nhiệm Hội thánh
Mục sư, Mục sư nhiệm chức, Truyền đạo có trách nhiệm lãnh đạo Hội thánh cơ sở, giảng dạy, cử hành các lễ theo Giáo nghi và chủ toạ các cuộc họp Ban Chấp sự, các Đại hội của Hội thánh theo quy định chung.
2. Thư ký
Chịu trách nhiệm về tất cả các văn thư, văn kiện của Hội thánh cơ sở. Thừa ủy quyền của Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm để giải quyết những công việc được giao. Chịu trách nhiệm công tác hành chính của Hội thánh.
3. Thủ quỹ
– Có trách nhiệm thu, chi, quản lý các tài khoản, tài vật của Hội thánh.
– Các khoản thu, chi phải ghi sổ sách rõ ràng, cấp biên nhận chính thức và các chứng từ hợp lệ.
– Không được tự ý chi ngoài những khoản đã quy định.
– Các khoản chi bất thường phải được sự đồng ý của Ban chấp sự Hội thánh.
– Các phiếu chi phải được Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm duyệt chi.
– Thủ quỹ chỉ được giữ số tiền mặt chi dùng do Ban Chấp sự quy định, số còn lại phải cùng với Quản nhiệm gửi vào ngân hàng.
– Tiền dâng ngày Chúa nhật hàng tuần; Thủ quỹ cùng với hai (02) chức viên Ban Chấp sự kiểm nhận.
– Hợp với toàn Ban Chấp sự kiểm kê tài chính và tài sản của Hội thánh cách minh bạch.
– Trường hợp thu, chi các khoản tài chính lớn như: xây dựng cơ sở vật chất, sổ sách thu, chi phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về kế toán tài chính.
– Khi bàn giao nhiệm vụ cho người khác phải có biên bản đầy đủ.
4. Các Uỷ viên
Tuỳ vào nhu cầu, Hội thánh cơ sở cử các uỷ viên phụ trách các công tác như kế toán, Trường Chúa nhật, Truyền giảng, Thanh Thiếu nhi, thăm viếng, tương trợ xã hội.

Điều 19: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN CHẤP SỰ
Ban Chấp sự có trách nhiệm và quyền hạn sau:
– Ban Chấp sự hiệp với Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm hoạch định đường lối phát triển Hội thánh, điều hành công việc trong Hội thánh và chịu trách nhiệm trước Hội đồng của Hội thánh và Ban Trị sự Tổng hội , phù hợp với Hiến chương và Nội quy Giáo luật – Kỷ luật của Giáo hội.
– Hỗ trợ Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm (nếu có) trong công tác thuộc linh.
– Có quyền miễn nhiệm một thành viên Ban Chấp sự khi có 2/3 số Chấp sự chấp thuận.
– Có quyền đề xuất Hội đồng Hội thánh bãi nhiệm Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm với 2/3 thành viên chấp sự chấp thuận và trên 50% Hội đồng Hội thánh chấp thuận.
– Thường trực Ban Chấp sự đại diện cho Ban Chấp sự giải quyết những công việc thường xuyên của Hội thánh giữa hai kỳ họp của Ban Chấp sự.
Điều 20: QUYỀN TRIỆU TẬP VÀ CHỦ TOẠ CUỘC HỌP BAN CHẤP SỰ HỘI THÁNH
1. Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm Hội thánh có quyền triệu tập và chủ toạ cuộc họp của Ban Chấp sự Hội thánh. Mọi cuộc họp không do Quản nhiệm triệu tập hoặc uỷ quyền đều không có giá trị.
2. Khi Quản nhiệm triệu tập họp Ban Chấp sự, nên thông báo trước một (01) tuần; nếu có quá bán số thành viên, cuộc họp được kể là chính thức. Trường hợp thành viên triệu tập mà vắng mặt ba (03) lần liên tiếp không có lý do chính đáng, thì Quản nhiệm phải triệu tập Ban Chấp sự họp lại để cử người khác thay thế và trình Hội thánh thông qua.
3. Trường hợp có 2/3 thành viên Ban Chấp sự yêu cầu Quản nhiệm triệu tập cuộc họp mà Quản nhiệm từ chối, các thành viên Ban Chấp sự có quyền đề nghị Ban Trị sự Tổng hội can thiệp.
4. Khi khuyết Quản nhiệm: Trong thời hạn một (01) tuần, Thư ký Ban Chấp sự triệu tập và chủ toạ cuộc họp Ban Chấp sự để bầu người xử lý thường vụ công việc của Hội thánh. Ngay sau đó trình lên Ban Trị sự Tổng hội để giải quyết theo qui định của Hiến chương, Nội qui, Giáo luật, Kỷ luật.

Điều 21: CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA QUẢN NHIỆM, PHÓ QUẢN NHIỆM, PHỤ TÁ
1. Quản nhiệm
– Là người chịu trách nhiệm trước Hội đồng Hội thánh và Ban Trị sự Tổng hội về thuộc linh của Hội thánh và các vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội thánh trong thẩm quyền được giao.
– Là cầu nối giữa Giáo hội và Hội thánh trong việc phổ biến các công văn, nghị quyết của Ban Trị sự Tổng hội có liên quan tới hoạt động của Hội thánh và cập nhật tình hình của Giáo hội.
– Là người đại diện là pháp lý của Hội thánh trước Giáo hội và xã hội.
– Hướng dẫn thuộc linh cho Ban Chấp sự trong việc hoạch định đường lối phát triển và điều hành hoạt động của Hội thánh theo Kinh thánh, phù hợp với Hiến chương và Nội quy Giáo luật – Kỷ luật của Giáo hội.
– Chịu trách nhiệm quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến thuộc linh của Hội thánh.
– Có quyền đề cử Phó Quản nhiệm, phụ tá với Ban Chấp sự, để đưa ra Hội đồng Hội thánh mời, lưu nhiệm Phó Quản nhiệm, phụ tá.
– Có quyền đề xuất bãi nhiệm Phó Quản nhiệm, phụ tá với Ban Chấp sự, để đưa ra Hội đồng Hội thánh bãi nhiệm Phó Quản nhiệm, phụ tá.
2. Phó Quản nhiệm
– Là người chịu trách nhiệm thực hiện các công việc về thuộc linh của Hội thánh và các vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội thánh trong thẩm quyền được Quản nhiệm giao.
– Là người đại diện cho Hội thánh trước Giáo hội và xã hội, là đại diện pháp lý của Hội thánh trong trường hợp Quản nhiệm uỷ quyền.
– Có quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến thuộc linh của Hội thánh và các vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội thánh trong trường hợp Quản nhiệm uỷ quyền.
3. Phụ tá Quản nhiệm
– Là người chịu trách nhiệm thực hiện các công việc về thuộc linh của Hội thánh và các vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội thánh trong thẩm quyền được Quản nhiệm giao.
– Là người đại diện cho Hội thánh trước Giáo hội và xã hội trong trường hợp Quản nhiệm uỷ quyền.
– Có quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến thuộc linh của Hội thánh và các vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội thánh theo sự phân công của Quản nhiệm.

Điều 22: HỘI ĐỒNG CỦA HỘI THÁNH CƠ SỞ
1. Danh sách tín hữu tham gia Hội Đồng
– Ban Chấp sự Hội thánh lập danh sách các tín hữu đã chịu Báp-têm, đủ điều kiện như Nội quy, điều 16.
– Niêm yết danh sách hai tuần trước Hội Đồng.
– Tín hữu có quyền khiếu nại danh sách này trước Hội đồng một tuần (01), sau đó Ban Chấp sự sẽ niêm yết công khai danh sách chính thức.
2. Chuẩn Bị Hội Đồng
a. Đề cử ứng viên bằng phiếu
(xem Nội quy, điều 17, khoản 3, 4).
b. Đề cử soát sổ viên
– Hai soát sổ viên được Hội thánh tiến cử hai (02) tuần trước ngày Hội đồng của Hội thánh.
– Phải là người ngoài Ban Chấp sự, có uy tín, có nghiệp vụ kế toán tài chính để kiểm tra các khoản thu chi trong ngân sách Hội thánh và khai trình trước Hội đồng.
– Soát sổ viên được quyền yêu cầu Ban Chấp sự cung cấp các chứng từ và giải trình các công viện liên quan.
– Kết luận của việc soát sổ phải lập biên bản rõ ràng với các khoản đồng ý hay không đồng ý về việc thu chi (không có quyền phê phán cá nhân), và thông qua trước Hội đồng.
– Nếu có sai phạm nghiêm trọng (thâm lạm, lạm quyền, cố ý làm sai nguyên tắc) chưa giải quyết ổn thoả với Ban Chấp sự, soát sổ viên có trách nhiệm trình Hội đồng quyết định.
– Nhiệm vụ của soát sổ viên chấm dứt sau khi Hội đồng thông qua biên bản soát sổ.
c. Các đề nghị
Những đề nghị thảo luận tại Hội đồng phải lập thành văn bản trình Ban Chấp sự Hội thánh trước Hội đồng ít nhất một (01) tuần để thông qua và trình cho Hội đồng.
3. Nội dung Hội đồng
a. Hội đồng của Hội thánh cơ sở được tổ chức bốn (04) năm một lần, vào quý I, và phải được thông báo trước Hội thánh ít nhất hai (02) tuần lễ, để nghe khai trình công việc Chúa của Hội thánh trong nhiệm kỳ qua, thông qua biên bản soát sổ, bầu cử Ban Chấp sự, thảo luận các đề nghị đã trình cho Hội đồng và hoạch định chương trình sinh hoạt hằng năm của Hội thánh.
b. Khi ngày Hội đồng đã được thông báo, bất luận tín hữu chính thức đến dự là bao nhiêu, Hội đồng ấy vẫn hợp lệ. Hội đồng cử ban thư ký, người viết bảng, người phát, thu và kiểm phiếu.
c. Trước khi Hội đồng kết thúc, thư ký Hội đồng đọc lại biên bản để Hội đồng thông qua. Quản nhiệm trình bản sao biên bản Hội đồng cho Ban Trị sự Tổng Hội.
4. Bầu Ban Chấp sự
a. Hội đồng Hội thánh cơ sở bầu Ban Chấp sự theo nguyên tắc chung. (xem Nội Quy, điều 11).
b. Số Chấp sự được bầu tuỳ theo nhu cầu của từng Hội thánh (không được ít hơn năm (05) người). Người trúng cử phải đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm tại Hội đồng.
c. Sau khi có kết quả bầu Ban Chấp sự, Quản nhiệm Hội thánh phải triệu tập cuộc họp Chấp sự để bầu ra Thư ký, Thủ quỹ, các uỷ viên đặc trách, và trình diện Hội thánh vào Chúa nhật kế tiếp Hội đồng.
5. Bàn giao Ban Chấp sự cũ và mới
a. Sau khi Ban Chấp sự trình diện trước Hội thánh, Quản nhiệm triệu tập cuộc họp bàn giao Ban Chấp sự cũ và mới. Biên bản bàn giao phải cụ thể, rõ ràng. Những điều chưa rõ ràng và chưa thống nhất, phải ghi lại cụ thể làm cơ sở cho các lần giải quyết kế tiếp.
b. Quản nhiệm trình các biên bản có liên quan cho Ban Trị sự Tổng hội.
Điều 23: HỘI ĐỒNG BẤT THƯỜNG CỦA HỘI THÁNH CƠ SỞ
Khi có việc bất thường xảy ra phải giải quyết, thì Ban Chấp sự phải định ngày họp Hội đồng bất thường và thông báo cho Hội thánh trước một (01) tuần lễ. Hội đồng bất thường do Quản nhiệm hoặc phó Quản nhiệm được Quản nhiệm ủy quyền triệu tập và chủ toạ theo nguyên tắc chung.

Điều 24: HỘI ĐỒNG LƯU HOẶC MỜI QUẢN NHIỆM
Hội đồng lưu hoặc mời Quản nhiệm Hội thánh được tổ chức sau mỗi nhiệm kỳ của Quản nhiệm hoặc trường hợp Hội thánh khuyết Quản nhiệm, nhằm trưng cầu ý kiến tín hữu về việc lưu nhiệm hoặc không lưu Quản nhiệm, hoặc mời Quản nhiệm mới. Hội Đồng lưu hoặc mời Quản nhiệm phải được Ban Trị sự Tổng hội báo cho Hội thánh cơ sở biết trước một (01) tháng để chuẩn bị và cầu nguyện. Chủ toạ Hội Đồng lưu, mời Quản nhiệm sẽ do Ban Trị sự Tổng hội chỉ định.
1. Thể thức lưu Quản nhiệm
a. Khi Quản nhiệm sắp kết thúc nhiệm kỳ, Ban Chấp sự Hội thánh trình lên Ban Trị sự Tổng hội biết trước hai (02) tháng để chuẩn bị Hội đồng lưu hoặc không lưu nhiệm. Đại diện Ban Trị sự Tổng hội chủ toạ Hội đồng.
b. Nhiệm kỳ của Quản nhiệm là bốn (04) năm. Quản nhiệm được lưu lại nhiệm kỳ thứ hai phải được tín nhiệm bằng phiếu kín với 70% đại biểu tín hữu chính thức hiện diện trở lên. Nếu vị nào được đặc ân ở lại nhiệm kỳ thứ ba trở lên thì phải được tín nhiệm với ít nhất 80% phiếu đại biểu tín hữu.
c. Trường hợp ngoại lệ do Ban Trị sự Tổng hội quyết định và phải được 70% đại biểu tín hữu chính thức trở lên tín nhiệm.
d. Trường hợp Quản nhiệm không hội đủ điều kiện lưu như quy định, thì Ban Trị sự Tổng hội sắp xếp nhiệm sở cho vị đó theo quy định chung, đồng thời tổ chức Hội đồng mời Quản nhiệm Hội thánh.
e. Phiếu lưu nhiệm và mẫu biên bản do Ban Trị sự Tổng hội quy định.
2. Thể thức mời Quản nhiệm
a. Hội đồng mời Quản nhiệm do đại diện Ban Trị sự Tổng hội chủ toạ và giới thiệu ít nhất hai (02) ứng viên là Mục sư hoặc Mục sư nhiệm chức đến Hội thánh cơ sở. Trước hết, Ban Chấp sự chọn ứng viên bằng phiếu kín, danh sách các ứng viên được sắp xếp theo số phiếu từ cao đến thấp. Hội đồng lưu, mời tín nhiệm bằng phiếu kín từng vị một.
b. Trường hợp vị đắc cử cao phiếu nhất không nhận lời mời, Hội thánh sẽ mời vị kế tiếp theo thứ tự.
c. Trường hợp Hội thánh tự lập không đồng ý mời Quản nhiệm Hội thánh, Ban Trị sự Tổng hội trực tiếp bổ nhiệm Quản nhiệm.
d. Mục sư hoặc Mục sư Nhiệm chức được mời và bổ nhiệm không giới hạn địa giới hành chính. Với những Mục sư, Mục sư Nhiệm chức đang trong nhiệm kỳ của Hội thánh tự lập được quyền ứng cử sau khi đã hoàn tất 1/2 nhiệm kỳ và được Hội thánh sở tại chấp thuận.
e. Phiếu mời và mẫu biên bản do Ban Trị sự Tổng hội quy định.
3. Chi Phí
a. Chi phí Hội đồng lưu và mời Quản nhiệm do Hội thánh cơ sở tổ chức và chi trả.
b. Chi phí tiếp đón Quản nhiệm do Hội thánh cơ sở mời chi trả.

Điều 25: HỘI ĐỒNG BỒI LINH CỦA HỘI THÁNH CƠ SỞ
(xem Hiến chương điều 25).

Điều 26: TRƯỜNG HỢP KHÔNG TỔ CHỨC CÁC HỘI ĐỒNG CƠ SỞ (xem Hiến chương điều 26).

Bài viết trước
Bài tiếp theo
RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN