Đọc Kinh thánh:Ma-thi-ơ 5:27-30
Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục.
Suy niệm: Chúng ta để ý thì thấy rằng Chúa nói đến con mắt bên hữu và sau đó là cánh tay hữu. Như thế con mắt bên phải và cánh tay phải được coi là quý nhất của thân thể.
Chúa có thể ngụ ý rằng: Nếu điều quý nhất của con, theo một nghĩa, là nguyên nhân xui cho con phạm tội, thì hãy bỏ điều ấy đi. Tội trong đời sống quan trọng như vậy và tầm quan trọng của nó có thể diễn tả như vậy.
Chúa muốn nói rằng, dù một điều nào đối với ta quý giá đến đâu, nhưng nếu điều ấy gài bẫy ta và gây cho ta té nhào, thì hãy bỏ điều ấy đi, ném nó xa đi. Theo cách ấy, Chúa nhấn mạnh về tầm quan trọng của đức thánh khiết, và mối nguy hại kinh khủng đối diện chúng ta vì hậu quả của tội.
Như thế thì thực tế chúng ta phải xử lý như thế nào với vấn đề tội? Ta cần nhớ rõ điều này, căn bản của vấn đề không phải ở chỗ không phạm một số hành động nào đó, nhưng là đối đầu với tình trạng ô nhiễm của tâm hồn. Sức mạnh này có mặt bên trong con người chúng ta, sống ngay trong bản chất vì hậu quả của cuộc sa ngã đầu tiên của con người. Đây mới chính là vấn đề, và nếu chỉ giải quyết bằng thái độ tiêu cực, nghĩa là không làm, không phạm, chưa đủ. Chúng ta cần lưu ý đến tình trạng của tâm hồn mình. Từ đó tìm phương giải quyết. Tại đây Chúa chúng ta nêu lên một vài điểm cho ta xem xét và hiểu cho rõ
Điều đầu tiên là chúng ta phải nhận ra bản chất của tội và các hậu quả của nó.
Chúng ta đã nói đến bản chất và hậu quả của tội, nhưng tại đây, Chúa nhắc lại một lần nữa. Quan điểm cho rằng tội tức là không thánh khiết và không được thánh hóa thực ra chưa đầy đủ. Tất cả những cố gắng của con người qua nhiều thế kỷ, tất cả những thảm kịch đã diễn ra tiếp theo những phong trào cố gắng cho đến chỗ toàn thiện, đã xuất hiện chỉ vì những ý niệm sai lầm về tội. Người ta đã thất bại trong việc chỉ thấy tội là một sức mạnh và một điều gì dẫn đến phạm tội, mà không nhận ra rằng còn có tình trạng ô nhiễm tội nữa. Bản chất chính là con người đầy tội lỗi.
Chúng ta phải nắm vững cái ý niệm về tội, phân biệt hẳn với các thứ tội. Phải thấy tội như là một điều gì đưa đến hành động và tồn tại ở bên ngoài các hành động đó. Có lẽ cách tiện nhất để hiểu rõ vấn đề này là trở về Ngày Chủ Nhật Lễ Lá, một ngày nhắc chúng ta nhớ đến mọi chi tiết về cuộc đời của Con Đức Chúa Trời. Hôm ấy Chúa lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng. Cuộc đi này mang ý nghĩa nào? Tại sao Chúa phải đi đến thập tự giá và rồi đến chỗ chết? Chỉ có một giải đáp cho câu hỏi này. Đó chính là vì Tội. Tội chỉ có thể đối xử bằng cách duy nhất đó, không còn cách nào khác.
Tội là một điều đã tạo nên cả nan đề trên cõi thiên đàng. Vấn đề này rất là sâu sắc, và chúng ta phải nhận thức như thế. Tội trong tôi, trong bạn là điều đã khiến Con Đức Chúa Trời nhỏ từng giọt mồ hôi lớn trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Tội đã khiến Chúa Giê-xu chịu tất cả mọi đau thương và sau cùng phải chết trên thập giá. Đó chính là tội. Tội theo ý nghĩa này thông thường ta không quan tâm.
Tội sẽ không phải là mối nguy của chúng ta, ta phải nhận như vậy, nếu nghĩ tội trong ý niệm về luân lý, liệt kê ra các tội và chia ra tội lớn, tội nhỏ, và xếp thành các loại khác nhau. Dĩ nhiên các ý niệm về tội như thế cũng đúng, nhưng còn một ý nghĩa khác mà phân chia xếp loại như vậy đều là sai lầm và còn nguy hiểm nữa.
Vì tội là tội, và luôn luôn là tội; đó chính là điều Chúa Giê-xu nhấn mạnh. Nghĩa là tội không phải chỉ là hành động gian dâm, nhưng là tư tưởng, và ước muốn tội lỗi. Đây chính là sự kiện chúng ta phải tập trung tư tưởng vào. Phải nhận ra rằng tội là một điều rất kinh khủng. Vì vậy hãy ngưng chú trọng vào việc xếp loại luân lý đạo đức, hãy ngưng suy nghĩ liệt kê ra tội.
Phải nghĩ đến tội trong cái nhìn của Con Đức Chúa Trời và tội có nghĩa gì đối với Ngài, và tại sao tội đã làm gì cho cuộc đời của Chúa và nhiệm vụ của Ngài. Đây chính là cách tư duy về tội.
Dĩ nhiên là ta càng nghĩ về tội chỉ trong ý nghĩa luân lý thì ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng vì mình không làm những việc này, việc nọ là hành vi tội. Nhưng suy nghĩ như thế là hoàn toàn sai lạc. Ta phải hiểu rằng chính vì mỗi chúng ta mà con Đức Đức Chúa Trời đã phải từ trời vào cuộc đời cho đến nỗi phải chết một cách tàn nhẫn trên thập tự. Chính vì bạn và tôi mà Chúa đã chịu hi sinh như thế. Chính vì sự ô nhiễm tội trong mỗi chúng ta. Chúng ta ít khi nhìn tội và hậu quả của tội theo chiều hướng đó. Một trong những con đường trực tiếp đến sự thánh khiết là luôn luôn nghĩ đến Chúa Giê-xu và cuộc hi sinh đau thương của Chúa. Vì không đâu bản chất của tội được trình bày bằng những màu sắc kinh khủng như trong cái chết của Con Đức Chúa Trời.
Nguyễn Sinh