Đọc Kinh Thánh: Phi-líp 4:4-7
4Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn, tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng đi!
5Hãy cho mọi người biết tính nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi!
6Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời.
7Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus.
Câu căn bản: 6Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời.
7Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus.
Suy niệm: Hãy đọc mấy câu trên đây mỗi buổi sáng khi bạn bắt đầu một ngày mới và mỗi buổi tối khi bạn sắp đi ngủ. Những câu Kinh Thánh này sẽ thay đổi cuộc đời của bạn.
Hãy thấy cuộc thay đổi đó rất rõ ràng. Mời bạn cam kết như thế ngay từ ngày mai.
Bắt đầu nhá:
Chúng ta phải vui mừng. Vì sao? Vì Chúa đang ở gần.
Đó chính là lý do chúng ta được thoát khỏi sự lo lắng.
Mỗi vấn đề, mỗi thách thức, chính là cơ hội để chúng ta quỳ gối cầu nguyện, xin Chúa hướng dẫn và ban sức mạnh.
Đến lúc ấy sự bình an của Chúa sẽ tràn ngập trí óc và tâm hồn của chúng ta.
Sứ đồ Phao-lô dạy rằng đó chính là sự bình an vượt xa mọi tri thức, mọi hiểu biết.
Sự bình an này không có nghĩa là không thể cảm nhận được, nhưng vì chiều rộng và chiều sâu của bình an đó vượt quá hiểu biết của con người.
Chúng ta không thể sản sinh ra loại bình an của Chúa.
Cũng khó mà nắm bắt được.
Chúng ta cũng không xứng đáng được hưởng bình an đó.
Vì bình an này là một ân tứ Chúa ban cho.
Chúa đã phải lên Gô-gô-tha để có bình an này và chính Thánh Linh đưa vào tâm hồn chúng ta.
Bình an là Thánh Linh của Chúa trong Chúa Giê-xu phát sinh ra đức tính của Ngài trong chúng ta.
Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta là bằng chứng của bình an đó.
Chúa Cứu Thế Giê-xu đã lên thập tự giá tại Gô-gô-tha để giải quyết vấn đề mất bình an trong chúng ta. Ngài chịu đau thương trên thập giá để tha tội cho chúng ta và cho chúng ta được làm hòa lại với Đức Chúa Trời. Làm sao cái chết của Ngài chuộc tội ác của chúng ta?
Đó là một huyền nhiệm mà trí óc con người không hiểu được.
Chỉ khi nào chúng ta tin nhận rằng Chúa Giê-xu hi sinh để đem chúng ta trở lại với Thiên Chúa thì chúng ta mới hiểu được tình thương ấy.
Khi nào chúng ta chấp nhận tình thương của Ngài qua sự đau khổ của Ngài trên thập tự giá thì chính là lúc chúng ta kinh nghiệm sự bình an mà Chúa mang đến cho chúng ta. Chúng ta phải đem cả cuộc đời để kinh nghiệm chiều sâu của tình thương này.
Sự bình an của Đức Chúa Trời cho chúng ta được trở về với Thiên Chúa và thấm nhuần trong tâm trí, trong tình cảm cho đến khi cả cuộc đời chúng ta xoay hướng về Ngài và chúng ta trở nên giống như Ngài.
Sự bình an vì là ân sủng Chúa ban cho nên không tranh đấu mà được, cũng không thể hiểu nổi.
Đây là loại bình an mà chúng ta được hưởng trong Chúa ngay giữa trần gian rối loạn này.
Nguyễn Sinh