Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

Yếu đuối

Đọc Rô-ma 5:6-11

6Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội.

7Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện.

8Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.

9Vậy bây giờ chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công chính rồi, thì hẳn chúng ta sẽ càng nhờ Ngài mà được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời càng hơn.

10Vì nếu khi chúng ta là kẻ thù nghịch mà nhờ sự chết của Con Ngài, chúng ta còn được hòa giải với Đức Chúa Trời thì huống chi nay đã được hòa giải rồi, chúng ta lại càng được cứu nhờ sự sống của Con Ngài là dường nào.

11Không những thế, chúng ta lại còn vui mừng trong Đức Chúa Trời bởi Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, nhờ Ngài mà bây giờ chúng ta nhận được sự hòa giải.

Câu căn bản: Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội. (Câu 6).

Suy niệm: “yếu đuối” nghĩa là gì? Nguyên văn tiếng Hi-lạp mà sứ đồ Phao-lô dùng trong câu này có nghĩa không có một nguồn sức lực nào, cảm thấy hoàn toàn bất lực, kiệt lực, yếu sức. Đó chính là tình trạng của con người chúng ta khi Chúa Giê-xu đến trần gian này. Chúa đến để cứu vớt những người yếu đuối không tự mình giải thoát được.

Tuy nhiên trong cuộc sống chúng ta nhiều khi quên rằng mình rất yếu đuối. Chúng ta cần đặt niềm tin vào đúng nguồn sức mạnh và khả năng. Kinh nghiệm tương giao quan hệ với Chúa và nương nhờ vào đắc thắng của Ngài nơi thế gian. Nhưng chúng ta biết rằng hoàn cảnh có thể làm thay đổi niềm tin nơi Chúa một đôi chút, như khi một thiên tai xẩy ra, một cơn bệnh. Một trận bão hay một khủng hoảng về kinh tế hay tài chính.

Kinh Thánh nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Khi chúng ta hoàn toàn nương cậy vào Đức Chúa Trời thì chúng ta mạnh mẽ nhất.  Sứ đồ Phao-lô viết: “Khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cô-rinh-tô 12:10). Câu này phải hiểu là: Khi chúng ta nhận định rằng mình yếu đuối, bất lực, không tự mình giải quyết được nan đề, thì lúc ấy mới hết lòng nương nhờ vào sức Chúa, và được mạnh mẽ. Chúng ta mạnh mẽ khi nương nhờ một sức mạnh vô biên.

Tình thương của Chúa vô cùng huyền nhiệm và khó hiểu vì khác hẳn với ý niệm thông thường. Vì Chúa đụng chạm đến con người chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân xấu xa. Nghĩa là khi chúng ta còn thuộc phe thù nghịch chống lại Chúa. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chịu hi sinh chết thay cho chúng ta…. Khi chúng ta không có gì xứng đáng để được Ngài cứu giúp. Ngày nay, nhờ ơn Chúa, chúng ta được làm hòa với Đức Chúa Trời. Vì: “Vậy bây giờ chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công chính rồi, thì hẳn chúng ta sẽ càng nhờ Ngài mà được cứu khỏi cơn thịnh nộ của đức Chúa Trời càng hơn.” (Câu 9).

Điều chúng ta luôn luôn nhớ là “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào.”  (Ê-phê-sô 2:8-9).

Chúa hứa rằng: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.”  (2 Cô-rinh-tô 12:9).

Sứ đồ Phao-lô nghe vậy, đã nói rằng: “Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Cứu Thế ở trong tôi.” (2 Cô-rinh-tô 12:9).

Và rằng: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng Ban năng lực cho tôi.” (Phi-líp 4:13).

Bạn thân mến, hãy hết lòng tin cậy nơi Chúa, hãy tràn đầy đức tin, vì những lời hứa của Chúa sẽ thực hiện cho bạn, đừng nản lòng. Bạn có nhận ra là mình đang yếu đuối chăng? Nguyện Chúa là sức mạnh của bạn hôm nay.

Lời cầu nguyện đề nghị:

Lạy Cha Thánh, cảm ơn Cha về sự thành tín của Ngài trong việc cung ứng nhu cầu cho con. Cảm tạ Chúa về những ân phúc phong phú và tuyệt vời dành cho con. Con không dám nản lòng nhưng hết lòng tin Ngài.  A-men

 Nguyễn Sinh

Bài viết trước
Bài tiếp theo
RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN