Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 310 - Chúa Giê-xu Cao Trọng Hơn Thiên Sứ

Bài 310 – Chúa Giê-xu Cao Trọng Hơn Thiên Sứ

10 Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm.   11 Vì Đấng làm nên thánh và kẻ được nên thánh, đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em, 12 khi Ngài có phán: Tôi sẽ truyền danh Chúa cho anh em tôi; Và ngợi khen Chúa ở giữa hội.   13 Ngài lại phán: Ta sẽ phó thác ta cho Chúa. Lại phán: Ta đây, ta với các con cái mà Đức Chúa Trời đã ban cho ta.   14 Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ,  15 lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.   16 Vì quả thật không phải Ngài đến vùa giúp các thiên sứ, bèn là vùa giúp dòng dõi của Áp-Áp-ra-ham.   17 Nhơn đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân.  18 Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy.

Tác giả thư Hê-bơ-rơ đang lý luận rằng Chúa Giê-xu cao trọng hơn thiên sứ và sự cao trọng đó thể hiện qua cuộc cứu chuộc nhân loại mà Chúa thực hiện được cho chúng ta. Nhưng Chúa Giê-xu đã sống trên đất như một người.

Câu 10, theo một bản dịch khác, như sau: Vì muôn vật hiện hữu là do Đức Chúa Trời và vì Đức Chúa Trời, nên khi muốn đem nhiều con cái đến vinh quang, thì Ngài đã khiến Đấng làm cội nguồn ơn cứu rỗi của họ phải trải qua đau khổ để được hoàn hảo là điều thích hợp.

“Điều thích hợp” trong bản cũ dịch là “là phải lắm” Ít khi người ta dám nói về những điều gì hay việc gì gọi là thích hợp đối với Đức Chúa Trời, nhưng riêng trong câu này thì rất đúng.

Phương cách cứu rỗi phải thích hợp với bản chất của Đức Chúa Trời vì vì Ngài và nhờ Ngài mà muôn loài vạn vật hiện hữu. Nghĩa là Chúa vừa là mục đích lại vừa là tác giả của tất cả. Vì vậy chữ “thích hợp” có nghĩa là việc Chúa Giê-xu chịu khổ không phải là ngẫu nhiên, nhưng nằm trong kế hoạch vĩnh hằng của Đức Chúa Trời.

Câu 11 và 12:

11 Vì Đấng làm nên thánh và kẻ được nên thánh, đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em, 12 khi Ngài có phán: Tôi sẽ truyền danh Chúa cho anh em tôi; Và ngợi khen Chúa ở giữa hội chúng..

Hai câu này tác giả có dụng ý nhấn mạnh quan hệ giữa Chúa Giê-xu và người mà Chúa cứu.  Đấng làm nên thánh hay là Đấng thánh hóa đây chính là Chúa Giê-xu. Kẻ được nên thánh hay kẻ được thánh hóa là những người được Chúa cứu. Khi Chúa Giê-xu tuyên xưng những người được thánh hóa là anh em, đây là anh em trong cùng một Cha và anh em trong thánh khiết. Đây là một gương chứng hạ mình của Chúa Giê-xu, vì chúng ta là tội nhân không đáng được thương xót, thế mà nhờ ân sủng và tình thương mà được gọi là anh em với Chúa Giê-xu. Câu 12 là trích dẫn Thi Thiên 22, lời tiên tri về hội thánh đầu tiên, môn đệ của Chúa Giê-xu.

Câu 13-15. 13 Ngài lại phán: Ta đây, ta với các con cái mà Đức Chúa Trời đã ban cho ta.   14 Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ, 15 lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.

Câu 13 phản ánh Giăng 17:6 trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu:

6 Con đã tỏ danh Cha ra cho những người Cha giao cho Con từ giữa thế gian; họ vốn thuộc về Cha, Cha giao họ cho Con, và họ đã giữ lời Cha.

Trong câu 14 ta thấy việc hi sinh cứu chuộc nhân loại của Chúa Giê-xu, vì Ngài đã trở thành nhục thể như mọi người. Ngài đã bước vào cái chết và đã phục sinh, đắc thắng tử thần mở đường cho nhân loại thoát khỏi cái chết kinh hoàng do ma quỷ thống trị mà được làm con Đức Chúa Trời, thoát khỏi cảnh làm nô lệ cho ma quỷ và sự chết.

Căn cứ vào câu 15 ta thấy rằng tin Chúa Giê-xu phục sinh là giải trừ nỗi sợ về cái chết, vì ai tin Chúa, sẽ phục sinh và sống trong cõi vĩnh hằng với Ngài. Chính vì vậy mà người tin Chúa không sợ chết, vì cái chết không phải là cuối cùng của cuộc đời, mà chỉ là chuyển đoạn từ đời tạm sang đời vĩnh hằng mà thôi.

Câu 16-18 :

16 Vì quả thật không phải Ngài đến vùa giúp các thiên sứ, bèn là vùa giúp dòng dõi của Áp-Áp-ra-ham.   17 Nhơn đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân.  18 Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy.

Các câu vừa đọc cho thấy rõ hơn việc vào đời của Chúa Giê-xu với cả phương cách, mục đích và nhiệm vụ của Ngài.

Chúa Giê-xu qua dân tộc Israel, dòng dõi Áp-ra-ham mà sinh ra trong đời. Trong dòng dõi đó Ngài đóng vai thầy tế lễ dâng sinh tế giải tội cho dân.  Nhiệm vụ của Ngài là qua kinh nghiệm làm người, Ngài biết sự khó khăn của cám dỗ và thử thách nên Ngài có thể thương xót và cứu những ai tin nhận Ngài khỏi bị cám dỗ thử thách.

Những câu này giúp chúng ta hiểu vai trò của Chúa Giê-xu trong hiện tại và chúng ta hết lòng tin Ngài để không bị cám dỗ, không sợ chết và hi vọng vào ngày hội ngộ với Chúa.

Nguyễn Sinh

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN