Thứ ba, Tháng mười hai 17, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhTìm Hiểu Kinh Thánh - Chúc Phước

Tìm Hiểu Kinh Thánh – Chúc Phước

Chúc Phước – Sáng Thế Ký 27

“1 Bởi Y-sác đã già, mắt làng chẳng thấy được nữa, bèn gọi Ê-sau, con trưởng nam, mà rằng: Hỡi con! Ê-sau thưa rằng: Có con đây.
 2 Người nói: Nầy, cha đã già, chẳng biết ngày nào phải chết;
 3 vậy bây giờ, con hãy lấy khí giới, ống tên và cung, săn thịt rừng cho cha,
 4 dọn một món ngon theo cha sở thích; rồi dâng lên cho cha ăn, để linh hồn cha chúc phước cho con trước khi chết.
 5 Vả, đương khi Y-sác nói cùng Ê-sau con trai mình, thì Rê-be-ca nghe. Vâng lệnh cha, Ê-sau đi săn thịt rừng đặng đem về cho cha.
 6 Rê-be-ca nói cùng Gia-cốp, con trai mình, rằng: Nầy, mẹ có nghe cha nói cùng Ê-sau, anh con, và dặn rằng:
 7 Hãy đem thịt rừng về cho cha, dọn một món ngon cha ăn; đặng trước khi qua đời, cha sẽ chúc phước cho con trước mặt Đức Giê-hô-va.
 8 Vậy, con ơi! bây giờ, hãy nghe mẹ và làm theo lời mẹ dặn:
 9 Hãy ra ngoài bầy, bắt hai dê con tốt, rồi mẹ sẽ dọn cho cha con một món ngon, ý cha thích;
10 con sẽ đem cho cha ăn, để người chúc phước con trước khi qua đời.

Chúng ta sống là sống với người khác.  Ai cũng muốn được người khác chấp nhận, mặc dù có người từng bảo: “Tôi không quan tâm đến những gì người khác nghĩ về tôi.”  Trong thâm tâm mỗi người chúng ta ai cũng muốn được quý mến trọng vọng.  Điều này không những đối với mọi người nhưng còn đặc biệt đối với cha mẹ nữa.  Được cha mẹ chấp thuận hay ban phúc lành cho hoặc bị chống đối, khước từ đều ảnh hưởng sâu đậm trên cuộc đời mỗi người, dù nhiều năm về sau ít liên lạc với cha mẹ.  Những quan hệ của chúng ta với cha mẹ có tác động rất nhiều đối với chúng ta trong hiện tại cũng như tương lai, và còn ảnh hưởng đến quan hệ với Chúa nữa.

Thông thường, hễ khi nào cha mẹ bằng lòng việc làm hay cử chỉ của người con, người ấy rất là hãnh diện.  Tương tự như thế nếu con vâng theo đúng lời cha mẹ dạy bảo, cha mẹ cũng rất là thỏa lòng.  Chính vì vậy mà đôi bên tìm đủ cách để phía bên kia bằng lòng và chấp nhận, coi đó như một hạnh phúc của mình.

Việc tìm đến sự chấp thuận hay bằng lòng của cha mẹ ở dân tộc nào cũng có.  Có những truyền thống tôn kính cha mẹ đến nỗi cha mẹ có thể ban cả phúc lành cho con.

Trong Kinh Thánh Cựu-ước có đề cập đến việc chúc phước lành này, và câu chuyện Gia-cốp, con thứ của Y-sác lập mưu chiếm mất phúc lành của người anh là Ê-sau là điển hình hơn cả.  Ê-sau đã chờ đợi phúc lành của cha có lẽ trong nhiều năm, nhất là chàng là con cả.  Người cha già mù loà Y-sác cũng mong chờ giây phút thiêng liêng đó để chúc phước cho con và an nghỉ với tổ phụ.

Nhưng Ê-sau là con cưng của Y-sác, Gia-cốp, đứa con thứ lại là con cưng của bà mẹ là Rê-bê-ca.  Rê-bê-ca biết được ý định của Y-sác trong việc chọn ngày giờ chúc phước lành cho Ê-sau, nên đã lập mưu chiếm lấy các lời chúc lành này cho Gia-cốp.  Ê-sau là tay săn thịt rừng và Y-sác mong ước được ăn một bữa thịt rừng cuối cùng trước khi nhắm mắt, ông cũng mong đó là giây phút ông cầu phúc lành cho đứa con đầu lòng.  Không may, bà Rê-bê-ka nghe được câu chuyện.  Bà lập tức bảo Gia cốp bắt hai con dê đưa cho bà để nấu một món thịt rừng giả, dâng lên cho cha để nhận phước lành trước khi Ê-sau đi săn về.

Gia-cốp làm theo lời mẹ và thịt rừng được dâng lên cho Y-sác.  Y-sác không nhìn rõ vì bị làng mắt,  nhưng cũng nêu lên hai nghi vấn:  thứ nhất là săn thịt rừng sao mà nhanh như vậy được?  Gia-cốp nói dối là gặp may mắn, bắn ngay được thú béo.  Nghi ngờ thứ hai là về tiếng nói.  Người cha mù mắt nhưng tai vẫn thính, vẫn nhận ra đó là tiếng nói của Gia-cốp.  Bà mẹ khôn ngoan đã chuẩn bị sẵn cho Gia-cốp bằng cách quấn lông dê vào cổ tay Gia-cốp và mặc áo quần của Ê-sau, nên cha già Y-sác cầm tay con, nói rằng:  Tay thì tay Ê-sau, mà tiếng nói thì tiếng Gia-cốp.

Trước khi ăn và chúc phước, Y-sác còn gặng hỏi một lần nữa:  Con có phải là Ê-sau thật không?  Gia-cốp quả quyết:  chính con đây.

Y-sác ăn món thịt rừng mà ông tin rằng Ê-sau đã đi săn được và nấu dâng lên cho mình.  Ăn xong, ông bảo Gia-cốp lại gần ôm hôn cha.  Vì áo quần của Ê-sau gia-cốp mặc, nên Y-sác đinh ninh đó là con trai trưởng của mình.  Ông chúc phước như sau:  Sáng Thế Ký 27 ghi:

Gia-cốp bèn lại gần và hôn người. Y-sác đánh mùi thơm của áo con, liền chúc phước cho, và nói rằng: “Nầy, mùi của con ta khác nào mùi của cánh đồng mà Đức Giê-hô-va ban phước cho.  28 Cầu xin Đức Chúa Trời cho con sương móc trên trời xuống, Được màu mỡ của đất, và dư dật lúa mì cùng rượu.  29 Muôn dân phải phục con, Các nước phải quì lạy trước mặt con! Hãy được quyền chủ các anh em, Các con trai của mẹ con phải quì lạy trước mặt con! Ai nguyền rủa con sẽ bị nguyền rủa lại, Ai cầu phước cho con, sẽ được ban phước lại!”

Việc chúc phước quan trọng vừa xong, Gia-cốp bước ra, đem theo khay chén đĩa cha vừa ăn xong, thì Ê-sau cũng về tới nơi.  Chàng cũng vội vàng làm thịt thú hoang, nấu món sở trường của cha, rồi dâng lên cho cha.

Ê-sau trịnh trọng thưa với cha, mời cha ngồi dậy ăn rồi chúc phước cho mình.  Lúc ấy Y-sác mới ngạc nhiên và xúc động hỏi:  Con là đứa nào?  Ê-sau thưa:  Con là Ê-sau, trưởng nam của cha đây!  Y-sác bàng hoàng nói: Như thế đứa nào đã săn thịt rừng, và đã dâng lên cho cha, cha ăn xong và chúc phước rồi?

Ê-sau khóc thảm thiết, xin cha cũng chúc phước cho mình.  Nhưng phước lành dành cho đứa con trưởng đã chúc cho Gia-cốp, vì vậy Ê-sau chỉ còn những phứơc lành cho đứa con thứ mà thôi.  Hơn thế nữa, Ê-sau phải thuận phục Gia-cốp.

Đó là câu chuyện phước lành mà người con thứ chiếm được, nhưng cũng là khởi đầu của một dân tộc Chúa lựa chọn.

Chúc phước trở thành một tục lệ trong dân Chúa.  Ta để ý thì thấy rằng người cha, người mẹ chỉ cầu phúc cho con, chứ thật sự họ không có quyền ban phúc lành nào cả.  Trên đời cũng không ai có thể ban phúc lành cho ai ngoài ra cầu xin nơi Chúa.  Chỉ có Chúa mới ban phúc lành cho con người.  Như vậy, nhưng lời cầu nguyện của chúng ta cho cha mẹ, con cái chính là cầu phúc lành cả.

Khi Chúa Giê-xu ở thế gian, Ngài hay bồng ãm con trẻ và ban phúc lành cho.  Chính vì vậy mà người ta hay đưa con trẻ đến xin phúc lành từ nơi Chúa.  Cha mẹ ngày nay cũng vẫn có thể làm như thế khi ta đưa con cái ta đến nhà Chúa, tin nhận Chúa và được làm con của Ngài.

Chúc phúc lành là điều Chúa dạy khi Ngài sai 70 môn đệ đi truyền giáo.  Người tin Chúa ngày nay cũng có thể giữ tục lệ này để đi thăm nhau và chúc phúc lành cho nhau.

Chúng tôi cũng cầu xin Chúa ban phúc lành cho quý độc giả để nghe được lời Chúa và tin nhận Ngài cho được cứu rỗi.

Nguyễn Sinh

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN