Đọc Kinh thánh: Ma-thi-ơ 6:9-13
Lạy Cha chúng con ở trên trời, Danh Cha được tôn thánh. Nước Cha mau đến Ý Cha được nên ở đất như trời! Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày; Xin tha tội lỗi cho chúng con, Như chúng con cũng tha kẻ phạm lỗi nghịch cùng chúng con, Xin chớ để chúng con bị cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi điều ác! Vì ngôi nước, uy quyền và vinh quang đều thuộc về Cha đời đời vô cùng, Amen.
Suy niệm: Chúng ta đã phân tích câu đầu tiên của bài cầu nguyện mẫu: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Nhưng chỉ mới là phần đầu của câu ấy. Bài này chúng ta tiếp tục nói về ý nghĩa: …ở trên trời. Trong nguyên văn Kinh Tân Ước, câu này là: Lạy Cha chúng con là Đấng ở trên trời. Cha trên trời khác hẳn với bất cứ người cha nào ở trần gian.
Chúa Giê-xu dạy ta nói: Cha trên trời. Còn tác giả Phao-lô thường hay viết: Đức Chúa Trời và Cha của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ai như Chúa Giê-xu chắc chắn phải có người Cha huyền diệu. Đức Chúa Trời chính là người Cha ấy. Khi ta cầu nguyện ta nên luôn luôn nhớ rằng đang cầu nguyện với Cha ở trên trời. Cha trên trời nhắc chúng ta về bản sắc vĩ đại, oai nghi và toàn năng của Đức Chúa Trời. Khi bạn đang yếu đuối, tâm tư đang đau thương khốn khổ, hãy nhớ rằng Cha trên trời biết rõ tất cả. Kinh-thánh dạy: Tất cả mọi sự việc đều trần trụi và lộ ra trước mắt Chúa là Đấng chúng ta phải trình thưa. Vì vậy đến với Chúa ta không cần giấu diếm gì cả.
Hơn nữa ta cũng phải ý thức rằng Chúa có toàn quyền trừng phạt nhưng cũng toàn quyền ban ân phúc. Chúa có thể giải cứu hay hủy diệt. Truyền Đạo dạy rằng, khi cầu nguyện phải nên nhớ rằng: Chúa ở trên trời còn ta ở dưới đất. Tác giả thư Hê-bơ-rơ trong Tân Ước cũng dạy, phải đến gần Chúa với kỉnh kiền và kính sợ: vì Đức Chúa Trời của chúng ta là ngọn lửa thiêu cháy.
Một điều khác ta nên nhớ về Cha trên trời nữa, đó là Cha không muốn gì hơn là ban ân lành, ban phước hạnh cho ta. Chúa luôn luôn muốn cho ta được hạnh phúc, niềm vui trọn vẹn và thịnh vượng. Kinh-thánh dạy: Ngài có thể làm trổi hơn vô cùng mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng. Nguồn phước lành của Cha trên trời là vô tận, ta nên nhớ như thế.
Trước khi cầu xin Cha điều gì, hãy tự nhắc mình về Cha trên trời, vì chỉ một mình Cha đáng cho ta quỳ gối kêu xin cứu giúp mà thôi.
Lạy Cha chúng con ở trên trời là một lời xưng tụng, mở đầu cho bài cầu nguyện. Bây giờ chúng ta sang đến phần cầu xin. Xin đọc lại: Danh Cha được tôn thánh. Nước Cha mau đến. Ý Cha được nên ở đất như trời. Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày. Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con. Xin chớ để chúng con bị cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi điều ác.‘
Ta thấy có sáu diều cầu xin tất cả. Có người cho là bẩy cũng đúng, trong phần nghiên cứu này chúng ta tạm chấp nhận là bẩy. Nhưng điều đó không quan trọng cho bằng thứ tự của các điều cầu xin này.
Ba điều cầu xin đầu tiên: Danh Cha được tôn thánh. Nước Cha mau đến. Ý Cha được nên ở đất như trời tương quan đến Chúa và vinh quang của Chúa.
Các điều cầu xin sau đó liên quan đến nhu cầu của chúng ta.
Không những ước muốn và lời xin của chúng ta về Chúa đặt lên hàng ưu tiên, nhưng ta để ý thì thấy một nửa số các lời cầu xin là dành cho Chúa và vinh quang của Chúa. Phần còn lại mới là nhu cầu và nan đề của mình.
Nếu nói về ý nghĩa của các con số trong Kinh-thánh, thì ta thấy số ba thường chỉ về Đức Chúa Trời. Như Ba ngôi Đức Chúa Trời.
Còn số bốn thường chỉ về đất, về con người, về người. Số bảy là ba cộng với bốn, tạo thành số trọn vẹn theo như Kinh-thánh. Đó là quan hệ của Chúa và người.
Thứ tự ở đây là phần của Chúa trước, phần của ta sau. Thứ tự này không nên thay đổi, dù ta có nguy khốn cấp bách đến đâu cũng vậy. Nghĩa là trước khi ta nghĩ đến chính mình và nhu cầu của mình, ngay cả trước khi quan tâm, lo lắng cho người khác, ta phải quan tâm về Chúa, về vinh dự và vinh quang của Chúa.
Trong lĩnh vực tâm linh nhiều khi chúng ta cho rằng mình đã nắm vững các nguyên tắc của Chúa, nhưng chưa chắc đã luôn luôn theo sát. Chúng ta cần nhớ rằng mình phải luôn luôn cầu xin bắt đầu bằng cách xưng tụng Chúa, để tự nhắc mình về các đức tính của Chúa, hiện diện của Chúa. Chúa luôn muốn ra ơn xuống phước chứ không ưa giáng họa.
Cũng may là Chúa biết rõ mọi yếu đuối của chúng ta, Chúa biết chúng ta cần được chỉ bảo hướng dẫn, nên Chúa đã dạy bài cầu nguyện mẫu, và chia ra thành từng phần rõ rệt.
Nguyễn Sinh