Thiên Chúa phán, “Ngươi chớ làm chứng dối để hại người lân cận ngươi. Ngươi chớ tham nhà của người lân cận ngươi. Ngươi chớ tham muốn vợ của người lân cận ngươi, hoặc tôi trai, tớ gái, bò, lừa, hay bất cứ vật chi thuộc về người lân cận ngươi” (Xuất Hành 20:16-17).
Mới đây tôi suy gẫm về 10 điều răn của Thiên Chúa. Trong lúc suy gẫm thì tôi lại nhớ lúc còn ở đại học tôi có theo học một số môn tâm lý như: gia đình, giáo dục, phụ huynh, phát triển thanh niên và nhi đồng, tâm bệnh, tâm vấn và tâm lý trị liệu vv. Tôi tự nói với mình nếu không nhờ Lời Chúa, chân lý cao đẹp ghi khắc trong lòng, tâm trí, và linh hồn thì tôi đã bị nhồi sọ đi theo con đường của chủ nghĩa nhân bản thế tục hay chủ nghĩa tự do và thuyết tiến hóa vô thần rồi. Ấy cũng nhờ Chúa Thánh Linh giúp tôi tin vào quyền uy tối hậu của Thánh Kinh. Ngài đã dẫn tôi vào mạc khải của chân lý sâu nhiệm của Thiên Chúa qua Lời Hằng Sống của Ngài.
Giáo sư khoa học tâm lý của tôi là một nhà vô thần, ông biết tôi là một Kytô hữu hay Cơ đốc nhân tin theo Chúa Giêsu và ông ta thỉnh thoảng chế nhạo cách mỉa mai, tinh vi, nhẹ nhàng về 10 điều răn của Thiên Chúa mà tôi không hề đề cập hoặc bình luận với ông ta. Tôi nói Thiên Chúa ban cho chúng ta 10 điều răn không phải muốn làm khó dể với loài người, cấm cái này, cấm cái kia như ông chủ khó tính hay Ngài là Đấng khắt khe bày đặt đưa ra những luật này luật nọ luật kia để kỷ luật với loài người. Thiên Chúa ban cho loài người 10 điều răn cao đẹp là vì lợi ích tốt và lành mạnh cho loài người và xã hội nói chung. Chúa ban cho chúng ta 10 điều răn là vì Ngài yêu thương chúng ta và Ngài không muốn chúng ta sống trong đau khổ. Thiên Chúa ban cho chúng ta 10 điều răn để chúng ta vâng theo lời răn bảo, chân lý vĩnh hằng, nguyên tắc sống cao đẹp lành mạnh để con người sống hài hòa trong tình yêu của Ngài và sống biết kính sợ Ngài để rồi không phạm tội cùng Ngài và người lân cận và gây ra tội ác.
Thật ra, một quốc gia muốn trên thuận dưới hòa thì họ cần phải có luật lệ để điều hành trong cơ chế Hành pháp và Tư pháp, rồi còn có luật Hình sự và Dân sự nữa. Tuy là có các bộ luật do con người đặt ra được soạn thảo rất công phu và phức tạp để mong điều hành quốc gia được tốt và ổn định xã hội. Nhưng thực tế khi áp dụng thì mới thấy không thể hoàn hảo và có rất nhiều kẽ hở trong luật pháp. Trong khi đó, Thiên Chúa là Đấng tạo ra muôn loài vạn vật và loài người chúng ta một cách hài hòa và kỳ diệu. Chương trình ban đầu của Ngài là muốn cho loài người có mối tương giao mật thiết với Ngài và được sống của ‘Luật Tự Do Trong Sự Vâng Lời.’ Nhưng con người đã dùng sự tự do đó mà bất tuân ‘Mạng lệnh’ của Thiên Chúa và đã “ăn trái cây cấm ở trong vườn Êđen” (Sáng Thế 3:3) nên con người phải sống trong luật của ‘Lương tâm.’ Nhưng vì tội lỗi đã đi vào trong lòng người nên luật của lương tâm cũng không làm cuộc sống tốt đẹp hơn, tội lỗi loài người càng gia tăng. Thiên Chúa đã phải đặt loài người vào ‘Luật pháp’ qua 10 Điều răn của Ngài được ban qua nhà tiên tri Môse (Xuất Hành 20:1-17).
Mặc dầu chúng ta đang sống trong thời kỳ ‘Ân sủng’ hay ‘Ân điển’ nhưng vẫn phải bước theo 10 điều răn của Thiên Chúa vì điều răn là ân sủng và ý muốn thánh của Thiên Chúa dành cho mọi người trên mặt đất này. Chúa Giêsu khẳng định và phán dạy rằng: “Các ngươi đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ Luật pháp hay Các Tiên tri. Ta đến không phải để hủy bỏ nhưng để làm trọn” (Mathiơ 5:17). Vì vậy, nếu ai nói điều răn của Chúa lỗi thời rồi, không cần áp dụng cho con người thời đại này nữa thì người ấy phải xét lại đức tin của mình. Điều răn của Thiên Chúa không phức tạp như luật của con người, chỉ có 10 điều (4 điều đầu đối với Thiên Chúa, 6 điều sau đối với loài người) còn được gọi là: “Kính Chúa, Yêu Người” như Chúa dạy bảo, “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, và hết trí mà yêu kính Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi, và ngươi phải yêu người lân cận như mình” (Luca 10:27). Mới xem qua các điều răn này, chúng ta sẽ thấy đơn giản hơn luật pháp của loài người nhưng điều răn của Chúa rất ‘sâu sắc và cao siêu.’ Thật ra những điều răn thánh sâu sắc cao siêu của Thiên Chúa có quyền năng tiêu diệt căn nguyên của tội lỗi và tội ác từ lúc đầu.
Có người sùng đạo than rằng, “Là con người, làm sao tôi có thể sống, giữ và làm theo 10 điều răn của Thiên Chúa, tôi biết tôi không thể làm được?” Trong tâm trí họ, giữ điều răn Chúa là mục tiêu không thể đạt được. Cảm nhận này là một sự hiểu lầm lớn về đặc tính và mục đích 10 điều răn của Thiên Chúa. Những người thường có thể vâng theo các điều răn này cho dù họ chưa nhận được Đức Thánh Linh. Giả sử, con người có khả năng không thờ lạy hình tượng, đối xử với cha mẹ mình với sự kính trọng, không giết người khác, không phạm tội ngoại tình hay không trộm cướp những điều không thuộc về mình. Đây là mức độ vâng lời mà Chúa mong từ dân Do Thái xưa kia và bây giờ Ngài mong con người ăn năn ngay cả trước khi họ được làm báptem và nhận Thánh Linh.
Nhưng từ ban đầu, Thiên Chúa đòi hỏi nhiều hơn từ loài người. Ngài quan tâm đến những điều ra từ lòng hơn là hành động bên ngoài. Vì trong lòng và tâm trí là điều mà Ngài muốn viết đầy đủ ý định và ý nghĩa của Luật pháp Ngài.
Chúa Giêsu có lần đề cập đến trong ngụ ngôn về đầy tớ chỉ làm những điều Ngài yêu cầu (Luca 17:-7-8). Đức Giêsu đặt ra câu hỏi cho môn đệ Ngài: “Chủ không cần phải cám ơn, vì đó là bổn phận đầy tớ. Cũng thế, khi các con vâng lời Ta, làm xong những việc Đức Chúa Trời, các con hãy nói: ‘Chúng con là đầy tớ vô dụng chỉ làm theo bổn phận của chúng con” (Luca 17:9-10). Chúa chỉ cho chúng ta thấy mức độ công chính cao hơn vượt xa hơn đòi hỏi giới hạn được viết trong 10 điều răn – ý định tâm linh của Luật pháp đi xa hơn chỉ là bức thư của Luật pháp (II Cô 3:5-6).
Chúa đã vắn tắt tiêu chuẩn ấy như sau, “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, và hết trí mà yêu kính Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi. Đó là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất. Điều răn thứ hai cũng giống như thế: “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình.” Hai điều răn ấy làm nền tảng cho tất cả luật pháp và lời tiên tri. Ai giữ hai điều răn ấy là giữ được toàn bộ luật pháp” (Mathiơ 22:37-40). Hai điều răn lớn này vắn tắt sự công chính tối hậu mà Thiên Chúa đang tạo nên trong các con yêu dấu của Ngài.
Mức độ tình yêu dành cho Thiên Chúa và đồng loại trội hơn những điều mà mỗi con người có thể có và bày tỏ đầy đủ mà không có sự giúp đỡ từ trên mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua năng quyền Thánh Linh. Đây là mức độ tình yêu trực tiếp chống lại khuynh hướng vị kỷ của xác thịt chúng ta (Giacơ 1:13-15; 4:1-3). Để nhận Thánh Linh, mỗi chúng ta trước hết phải ăn năn tội vi phạm 10 điều răn của Thiên Chúa mà chúng ta đã và đang cố gắng vâng theo.
Độc giả yêu dấu! Đất nước nào, quốc gia nào, xã hội nào, chế độ nào mà không có 10 Điều răn, Luật pháp, Mạng lệnh hay Nguyên tắc sống của Thiên Chúa trong Thánh Kinh thì đất nước ấy sẽ có nhiều nổi loạn, khổ đau, bất công, bạo động, tàn bạo, và tội ác. Nhiều năm trước đây tôi có xem cuốn phim 10 Điều Răn – The Tenth Commandments do tài tử Charlton Heston đóng vai Môse. Thật ra tôi xem cuốn phim này gần 5 đến 6 lần trong vài năm qua vì cuốn phim này rất hay, rất ý nghĩa, rất quyền năng. Cuốn phim này truyền cảm và thần cảm tôi một cách mãnh liệt. Cuốn phim này nhắc tôi phải biết kính sợ Thiên Chúa, yêu mến điều răn thánh của Ngài, và vâng giữ điều răn vĩnh cửu bất diệt của Ngài.
Tại sao 10 Điều răn lại cần thiết cho dân sự mới của Thiên Chúa? Tại chân núi Sinai, Thiên Chúa bày tỏ cho dân sự Ngài trách nhiệm thật và vẻ đẹp của luật pháp Ngài. Những điều răn này được ban hành để hướng dẫn dân Do Thái đến với lối sống mới thực tiển và thánh khiết. Vì trong điều răn, dân sự có thể thấy bản tính Thiên Chúa và chương trình của Ngài để họ sống sao cho đẹp lòng Ngài để có sự bình an đời đời.
Những điều răn và nguyên tắc được dùng để hướng dẫn cộng đồng Thiên Chúa để đáp ứng nhu cầu của mỗi cá nhân trong tình yêu của Ngài. Vào thời của Chúa Giêsu, tuy nhiên, đa số người nhìn đến luật pháp cách sai lầm. Họ thấy luật pháp như phương tiện để được thịnh vượng trong đời này và đời tới. Và họ nghĩ rằng vâng theo mọi luật pháp là cách mà nhận được sự bảo vệ từ Thiên Chúa khỏi sự xâm chiếm của kẻ thù nước ngoài và thảm họa. Giữ luật pháp trở nên sự cuối cùng chứ không phải là phương tiện để làm trọn luật pháp tối hậu của tình yêu Thiên Chúa.
Giavê Thiên Chúa công bố phán dạy dân sự Ngài rằng:
Điều răn thứ (1) ‘Ta là CHÚA, Đức Chúa Trời của các ngươi, đã đem các ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi đất nô lệ. Ngoài Ta ra, các ngươi không được thờ các thần khác.’ Thật ra không phải các thần khác nghĩa là thuộc về tâm linh, mà chúng ta chú trọng vào: Danh vọng, địa vị, quyền thế, tiền bạc hay một cái gì đó mà chúng ta xem nó quan trọng hơn Chúa thì chúng ta đã phạm điều răn này rồi.
Điều răn thứ (2) là ‘Không được làm hình tượng cho mình để thờ, bất kể hình tượng của vật gì trên trời, hoặc vật gì dưới đất, hoặc vật gì trong nước dưới mặt đất.’ Chỉ tôn thờ một mình CHÚA Đức Chúa Trời mà thôi.
Nhìn xung quanh cộng đồng người Việt trong cũng như ngoài nước, quý vị có thể thấy đây là cái tội mà rất nhiều người đã và đang vi phạm. Họ đã làm ra hình tượng bằng đá, bằng sắt, bằng đồng, bằng vàng, bằng gỗ rồi họ quỳ xuống mà thờ lạy chính hình tượng mà họ làm ra, thay vì thờ lạy Ông Thiên, Ông Trời hay Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên họ. Đây là điều thật ngu dại. Ma quỷ là chúa của đời này đã làm cho lòng họ mù lòa không thấy vinh quang Thiên Chúa và sự vĩ đại oai nghi của Ngài là Đấng hằng sống đáng được thờ lạy hơn bất cứ giáo chủ nào trên đời này còn sống hay đã chết.
Dân Do Thái được Thiên Chúa giải cứu họ khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Ai Cập là một đất nước có rất nhiều thần tượng, hình tượng, và chúa. Vì mỗi thần tượng hay chúa đại diện những khía cạnh của đời sống khác nhau. Thông thường người Do Thái thờ lạy nhiều chúa vì họ tin rằng họ sẽ nhận được nhiều ơn phước từ các chúa. Khi Thiên Chúa nói với dân sự để thờ lạy và tin vào Ngài, thì điều này không khó đối với họ – vì Ngài chỉ là thêm một chúa nữa vào danh sách của họ mà thôi. Nhưng khi Ngài khẳng định phán với họ, “Ngoài Ta ra, các ngươi không được thờ các thần khác” thì họ thấy khó để chấp nhận. Nhưng nếu họ không học biết Thiên Chúa là Đấng dẫn họ ra khỏi nước Ai Cập là Giavê Đức Chúa Trời là Chân Thần duy nhất – độc nhất vô nhị, thì họ không thể nào làm dân sự Ngài được – dầu họ có trung tín giữ chín điều răn khác đi nữa.
Vậy, Thiên Chúa ban hành điều răn thứ nhất này là điều răn quan trọng nhất. Ngày nay chúng ta để cho những điều khác trở thành thần tượng hay chúa của chúng ta. Tiền bạc, danh vọng, công ăn việc làm hay lạc thú có thể trở thành chúa khi chúng ta tập trung quá nhiều vào chúng vì đặc tính, ý nghĩa, và sự an ninh cá nhân. Không ai bắt đầu có ý định thờ phượng những điều này. Nhưng thì giờ mà chúng ta đầu tư hay dành cho chúng, nó có thể trở nên những thần tượng hay chúa mà hầu hết điều khiển tư tưởng và sinh lực chúng ta. Vì thế hay để Thiên Chúa làm trung tâm điểm của đời sống chúng ta để rồi những điều này không trở nên những thần tượng hay chúa của chúng ta.Điều răn thứ (3) là, ‘Không được dùng tên của Thiên Chúa một cách bất kính, vì Chúa sẽ không tha người làm điều ấy.’ Thiên Chúa muốn chúng ta nói đến Danh Ngài một cách tôn kính và đừng thề thốt, lời nói cần phải trong sạch xuất phát từ một tấm lòng trong sạch.
Điều răn thứ (4) là ‘Phải giữ ngày Sabát làm ngày thánh.’ Chúng ta làm việc trong sáu ngày và nghỉ ngơi ngày thứ bảy để thờ phượng phụng sự Chúa.
Điều răn thứ (5) là, ‘Phải hiếu kính cha mẹ, như vậy chúng ta mới được sống lâu trên đất mà Thiên Chúa ban cho.’
Điều răn thứ (6) là, ‘Không được sát nhân hay giết người.’ Chúa dạy chúng ta cần phải bảo vệ và tôn trọng mạng sống con người. Thật ra Chúa Giêsu nói, “Chỉ cần giận anh chị em mình cũng là giết người rồi.”
Điều răn thứ (7) là, ‘Không được tà dâm hay ngoại tình.’ Chúa muốn chúng ta sống chân thật và chung thủy với vợ với chồng với người yêu của mình. Nếu bạn không có được sự chú ý hay ảnh hưởng mà bạn cảm thấy mình đáng nhận được ở nhà thì thông thường bạn sẽ tìm kiếm điều ấy trong nơi khác, nơi làm việc chẳng hạn. Hãy tôn trọng lời thề ước hôn nhân bằng cách tránh xa các mối quan hệ lãng mạn trong công việc! Đây là những điều rất thực tế, rất cám dỗ và rất thường xảy ra, nhưng cũng rất sai trái và có sức hủy hoại gia đình và hôn nhân. Chúa cũng nói, “Nhìn người khác phái mà động lòng tham muốn là đã phạm tội tà dâm rồi.”
Điều răn thứ (8) là, ‘Không được trộm cướp.’ Chúa không muốn chúng ta giành lấy điều thuộc về người khác. Có nhiều hình thức ăn cắp khác nhau. Chúng ta có thể lấy đi các tài liệu, tiền bạc, thời gian, và niềm vui từ người khác. Chúa nhắc chúng ta đừng để cho những việc ấy làm mất đi lòng liêm chính ngay thẳng của chúng ta.
Điều răn thứ (9) Chúa phán dạy là ‘Không được làm chứng dối.’
Điều răn thứ (10) là ‘Không được tham muốn nhà cửa, vợ, tôi trai, tớ gái, bò, lừa, hoặc vật gì khác của người lân cận.’
Điều răn thứ 9 và thứ 10, “Làm chứng dối’ và ‘lòng tham muốn” là hai điều răn mà tôi thấy nhiều người trong xã hội thường vi phạm. Có người ‘làm chứng dối’ để hại người lân cận, bạn bè, đồng nghiệp, kể cả anh chị em trong Chúa mình bằng nhiều cách, cũng vì lòng oán hận, ganh tị ghen ghét ở trong lòng. Có lúc họ bịa đặt những câu chuyện mà không có sự thật chút nào rồi nói xấu sau lưng, đâm thọc nhau, vạch lá tìm sâu, thổi lông tìm vết, thêm dầu vào lửa và gây nên bao đau thương đổ vỡ trong mối quan hệ, khiến cho người khác phải chết dần chết mòn, làm cho họ phải mất danh dự, mất hết cả ý chí để sống trên đời này.
Có người ‘Làm chứng dối’ đã gây ra biết bao tổn thương và đau khổ, giết hại nhau trong tù, phản bội và phá đổ một tương lai tươi sáng của người khác, tình bạn, tình yêu đổ vỡ. Rất nhiều trường hợp, con người không cần dùng dao, súng đạn để hại nhau và giết nhau mà chỉ cần dùng cái lưỡi lời chứng dối mà thôi. Lời Chúa phán, ‘Lòng người ta thật dối trá hơn mọi vật, vô phương cứu chữa! Ai có thể biết được lòng dạ loài người? Ta, Chúa, Đấng thử nghiệm trong trí và dò xét trong lòng, sẽ báo trả mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả việc họ làm (Giêrêmi 17:9-10). Bạn có bao giờ làm chứng dối để hại người lân cận và anh chị em trong Chúa trong cuộc đời mình không?
Điều răn thứ 10 Chúa phán dạy, ‘Ngươi chớ tham nhà của người lân cận ngươi. Ngươi chớ tham muốn vợ của người lân cận ngươi, hoặc tôi trai, tớ gái, bò, lừa, hay bất cứ vật chi thuộc về người lân cận ngươi.’ Gần đây có một người thanh niên nọ nhờ tôi tâm vấn giúp anh vì anh có lòng mê tham tiền bạc và những vật thuộc về người khác và đã cờ bạc mất rất nhiều tiền. Thật ra, tiền bạc không gì là xấu cả, nhưng lòng mê tham tiền bạc mới là điều xấu vì lòng mê tham tiền bạc là cội rễ hay căn nguyên của mọi tội ác. Thánh Kinh dạy, ‘Nhưng sự tin kính và sự thỏa lòng là một lợi lớn, vì khi ra đời chúng ta chẳng đem gì theo, khi qua đời chúng ta cũng không thể đem gì theo. Vậy hễ đủ ăn đủ mặc, chúng ta hãy thỏa lòng với những điều ấy. Còn những ai ham muốn giàu sang ắt sa vào chước cám dỗ, dính vào cạm bẫy, rơi vào những ham muốn điên rồ và nguy hại, đó là những thứ khiến người ta lao mình vào sự hủy hoại và diệt vong. Thật vậy, sự mê tham tiền bạc là căn nguyên của mọi điều ác. Một số người vì ham mê tiền bạc đã mất đức tin và chuốc lấy cho mình biết bao điều đau khổ’ (ITimôthê 6:6-10).
Chúng ta thật dễ bị vướng phải trong cuộc sống mỗi ngày: Chúng ta thường nghe “nói dối trắng” nghĩa là chẳng hại đến ai, nhưng đối với Chúa: “Có thì nói có, không thì nói không” hoặc trong đầu óc mình có những tư tưởng “tham” một cái gì của người khác đang có, dẫu biết rằng không phải của mình mà mình muốn chiếm đoạt bằng mọi cách cho bằng được. Qua những điều trình bày trên, chúng ta thấy đối với Luật pháp loài người thì không hoặc chưa thể kết tội họ được, nhưng đối với Luật Thiên Chúa thì chúng ta là người coi như đã phạm tội.
Tôi khích lệ anh trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài và anh cố gắng làm điều ấy là để Thiên Chúa làm Chúa làm Chủ của đời mình. Trong nhưng câu chuyện quan hệ mà tôi đọc qua báo chí về đời sống gia đình, tôi thường nghe những cặp vợ chồng và tình nhân bị đổ vỡ vì có người thứ ba đã lén lút, xen vào tìm cách chiếm đoạt vợ hoặc chồng của người khác làm cho nhiều người phải chịu đau khổ về mặt tâm thần và thể xác. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta thực sự là người kính sợ Chúa thì chúng ta phải ghớm ghiếc cái tội ngoại tình và bội tình. Và xin Chúa ban cho chúng ta năng quyền của Ngài giúp chúng ta không phạm tội cùng Chúa và người lân cận mình.
Thí dụ bạn nhìn thấy vợ hay bạn gái hay người hôn thê sắp cưới của người bạn cùng quê hay người cùng tâm tình hầu việc Chúa, và đã động lòng ham muốn nàng và bạn đã phạm tội ngoại tình trong tư tưởng và bạn tìm cách tranh giành cướp đoạt. Đồng thời bạn cũng dùng mọi lý sự, mọi lý luận trong đầu, mọi tài ăn nói kể cả tài hùng biện tâm linh và lời cầu nguyện giả dối của bạn để cho nàng biết bạn là con người thiêng liêng cao siêu để thuyết phục và làm cho nàng mê bạn để chiếm đoạt nàng bằng bất cứ giá nào để nàng không còn trung thành, chung thủy và bỏ chồng, bỏ bạn trai, bỏ người hôn thê dấu yêu của mình để đi theo bạn, lấy bạn hoặc ngoại tình với bạn trong danh nghĩa là ‘anh yêu em.’
Trước mặt Thiên Chúa là Đấng thánh khiết, Ngài thấy hết lòng dạ ý tưởng hiểm độc xấu xa của bạn, lòng tham muốn của bạn. Lương tâm của bạn ở đâu? Lòng ngay thẳng liêm chính của bạn ở đâu? Lòng kính sợ Chúa của bạn ở đâu?
Một trong những cám dỗ thông thường của con người đến từ cái đẹp chúng ta thích nhìn kể cả hình ảnh phụ nữ trong Facebook và Instagram. Vua Đavít là một vị vua có nhiều quyền thế. Ông cũng có nhiều vợ và cung phi mỹ nữ trong cung điện, nhưng ông vẫn bị cám dỗ ham muốn khi tình cờ thấy một người nữ đang tắm với thân hình hấp dẩn quyến rũ. Nếu ông không tiếp tục nhìn, thì lòng ham muốn chiếm đoạt người phụ nữ Basiba đã không nổi lên, đưa đến hành động gian dâm tội lỗi. Nhưng vì cứ tiếp tục nhìn đã khiến Đavít có lòng ham muốn vợ người ta, người yêu người ta và đã làm điều gian ác trước mặt Thiên Chúa. Vì không có lòng kính sợ Chúa, Đavít đã tìm mọi cách để cướp đoạt vợ người ta, người yêu người ta và đã âm mưu tìm cách giết chồng bà ấy để lấy bà làm vợ.
Khi Đavít phạm tội ngoại tình và giết chồng của Basiba thì ông đã rơi xuống vực thẳm của cuộc đời. Tội ác Đavít gây ra thật ghê ghớm trước mặt Giavê Thiên Chúa. Chắc bạn biết hậu quả của tội lỗi đã đến với Đavít, gia đình, và các con của ông mà họ phải gánh chịu suốt cả cuộc đời. Bạn có bao giờ tham sự giàu sang, tham của cải, tham nhà, tham chồng, tham vợ, tham bạn gái, tham bạn trai, tham người yêu, tham người hôn thê của người khác không? Hãy kính sợ Chúa, bạn ơi! Đừng bao giờ làm điều ác ghớm ghiếc trước mặt Chúa!
Người nào thực sự kính sợ Chúa, yêu mến Chúa thì phải yêu mến Luật pháp Ngài. Người nào thực sự kính sợ Chúa thì phải kính sợ và vâng giữ điều răn Ngài. Trong Chúa việc xen vào mối quan hệ của người khác, bất kể là đang yêu hay đã cưới, thì đều là tội lỗi và phạm vào điều răn của Ngài. Chúa không dạy và cũng không cho phép chúng ta làm điều đó. Một người nắm giữ chức vụ thì lại càng phải yêu mến và kính sợ Luật pháp Chúa. Lời Chúa trong Sách Galati có nói đến những việc làm của xác thịt (Galati 5:19-21). Sự tranh giành tranh đấu chính là một trong số những việc làm của xác thịt, những điều đó là sự hư không trước mặt Thiên Chúa, không thuộc về Thiên Chúa, không đến từ Thiên Chúa. Vả, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt. Cầu xin Chúa khiến cho những điều đó phải bị diệt đi trong vòng dân sự Ngài.
Anh chị em ơi! Đừng để lòng ham muốn xác thịt thống trị, điều khiển, chế ngự để rồi gây ra tội ác như Đavít đã từng làm, làm cho người khác phải đau khổ, mất vợ, mất chồng, mất người yêu cũng vì hành động độc ác, nhục nhã, ích kỷ, ham muốn xác thịt của bạn. Lời Chúa phán dạy, ‘Còn nếu chúng ta không làm điều tốt thì tội lỗi rình rập trước cửa chờ đợi hủy diệt chúng ta. Nó thèm chúng ta, nhưng chúng ta phải quản trị chế ngự nó (Sáng Thế 4:7). Cầu xin Chúa giúp chúng ta bước đi trong Thánh Linh, trong năng quyền Thánh Linh, trong ánh sáng của Lời Chúa và Chân lý Ngài hầu chúng ta biết kính sợ Chúa bất cứ giá nào để không phạm tội cùng Ngài và người khác.
Có người giảng dạy Lời Chúa cách sai trật, coi nhẹ khinh thường Luật pháp thánh của Chúa, quá nhấn mạnh ân sủng Chúa, nhưng không hề đề cập đến sự ăn năn thống hối và sống cuộc đời liêm chính ngay thẳng thánh khiết như Chúa đòi hỏi con cái của Ngài – là con cái của sự sáng là người sống trong chân lý và bởi chân lý của Lời Ngài. Họ nói rằng vì Chúa đã tha tội cho họ hết rồi ở cây thập tự. Khi phạm tội, họ không cần phải ăn năn nữa vì Chúa đã tha tội cho họ rồi. Đây là giáo lý của ác quỷ. Đây là sự dạy dỗ đến từ quỷ vương, chứ không đến từ Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa. Giáo lý và sự dạy dỗ sai trật này đã và sẽ đưa nhiều linh hồn vào hỏa ngục.
Nếu quý vị độc giả khinh bỉ coi thường 10 Điều răn thánh và Luật pháp thánh của Thiên Chúa, thì tôi muốn để chính Chúa Cứu Thế Giêsu phán với quý vị thêm một lần nữa qua Lời hằng sống đầy thẩm quyền của Ngài, “Các ngươi đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ ‘Luật pháp và Các Tiên tri.’ Ta đến không phải để hủy bỏ nhưng để làm trọn. Vì quả thật, Ta nói với các ngươi, trước khi trời đất qua đi, một chấm, một nét trong Luật pháp cũng không được bỏ qua, cho đến khi mọi sự được làm trọn” (Mathiơ 5:17-18).
Lời Chúa cũng phán dạy chúng ta rằng, “Thật vậy, luật pháp được ban hành qua Môse, còn ân sủng và chân lý được hình thành qua Chúa Cứu Thế Giêsu (Giăng 1:17). Luật pháp và ân sủng (hay ân điển) là sự kết hợp tình yêu vô tận và lòng thành tín của Thiên Chúa. Môse nhấn mạnh luật pháp và công lý của Thiên Chúa, trong khi Chúa Cứu Thế Giêsu làm nổi bật sự thương xót, tình yêu, lòng thành tín, và sự tha thứ của Thiên Chúa. Qua Thiên Chúa, Môse có thể chỉ là người ban cho luật pháp, trong khi Đấng Christ đến để làm trọn luật pháp (Mathiơ 5:17). Bản tính và ý muốn của Thiên Chúa được mạc khải trong luật pháp, nhưng bây giờ bản tính và ý muốn của Thiên Chúa được mạc khải trong Chúa Cứu Thế Giêsu Christ. Thà đến từ bảng đá lạnh lẽo thì hơn, sự mạc khải của Thiên Chúa bây giờ đến qua cuộc đời của Chúa Cứu Thế Giêsu. Khi chúng ta tìm hiểu để nhận biết Đấng Christ nhiều hơn thì sự hiểu biết về Thiên Chúa của chúng ta sẽ tăng lên thêm.
Tác giả Thi Thiên đã thốt lên những lời ca tụng Điều răn và Luật pháp Thiên Chúa như sau:
Ôi, con yêu mến Luật pháp Chúa biết bao. Suốt ngày con suy gẫm luật ấy. Các điều răn Chúa giúp con khôn ngoan hơn kẻ thù của con. Các điều răn ấy luôn luôn ở với con. Con trở nên khôn sáng hơn các giáo sư của con. Vì con suy gẫm chiêm nghiệm các lời chứng của Chúa. Con hiểu biết hơn các bậc lão thành. Vì con gìn giữ các mạng lệnh và nguyên tắc của Chúa. Con đã giữ chân con khỏi mọi đường ác và gian tà để gìn giữ lời thánh Chúa. Lời Chúa ngọt ngào trong miệng con dường bao, ngọt hơn mật ong trong miệng con. Nhờ Lời Chúa và mạng lệnh của Ngài làm cho con được thông minh sáng suốt. Vì thế con ghét mọi đường lối giả dối. Lời Chúa là ngọn đèn cho chân con, là ánh sáng cho đường lối con (Thi Thiên 119:97-105).
Cầu xin Thiên Chúa dùng Điều răn thánh và Luật pháp thánh của Ngài để tiếp tục phán dạy chúng ta biết ‘kính Chúa yêu người.’ Khi chúng ta kính sợ Chúa, yêu mến Chúa và yêu thương người thì chúng ta làm trọn Luật pháp và chúng ta không muốn làm những điều tội ác xấu xa hại người và làm tổn thương người lân cận chúng ta.
Ai có thể lên núi của CHÚA? Ai có thể đứng nổi trong nơi thánh Ngài? Ấy là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết. Ấy là người chẳng hướng lòng mình về thần tượng hư không, và chẳng thốt ra những lời thề nguyện giả dối. Người ấy sẽ nhận được phước hạnh từ Chúa và sự công chính từ Đức Chúa Trời, là Đấng cứu rỗi người. Ấy là dòng dõi của những người thờ phượng tìm kiếm Đức Chúa Trời của Isơraen (Thi Thiên 24:3-6).
Cầu xin Thánh Linh ban cho chúng ta năng quyền của Ngài để chúng ta yêu mến và vâng giữ 10 điều răn thánh và đời đời của Thiên Chúa và chúng ta cũng đừng quên điều răn mới mà Chúa ban cho chúng ta nữa: “Ta truyền cho các con một điều răn mới: ‘Các con hãy yêu thương nhau. Ta đã yêu thương các con thể nào, các con cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì nhờ đó mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Ta” (Giăng 13:34-35).
Cầu xin Chúa ban cho anh chị em và độc giả sự khôn ngoan sáng suốt của Ngài để sống sao cho đẹp lòng Chúa, sống kính sợ Chúa ở trong cộng đồng xã hội và Hội Thánh Ngài nơi chúng ta đang sinh sống để không ai khinh bỉ coi thường chúng ta là con cái Thiên Chúa, trong Danh Chúa Giêsu. Amen!
Kính lạy Chúa Giêsu, xin Ngài mau đến!
MS Tiến sĩ Christian Le PhD