Ca-in là con người đầu tiên đã giết người.
Ca-in là người như thế nào mà lại phạm tội sát nhân ?
Hậu quả của tội sát nhân này ra sao?
Trong Sáng Thế Ký chương 4 ta thấy Ca-in và A-bên đều tôn thờ Chúa bằng cách dâng lễ vật. Nhưng tại sao lễ vật của A-bên thì Chúa nhận mà của Ca-in Ngài lại phủ nhận ? Vì cả hai đều là lễ vật tạ ơn Chúa cả. Mỗi lễ vật cũng đều là sản phẩm của họ thu hoạch được. Có thể lắm A-bên đã ý thức rằng cần phải dâng lễ vật trong ý nghĩa thanh tẩy tội lỗi nên A-bên mới dâng sinh tế đổ máu. Lễ vật của Ca-in không có máu, mà chỉ là ngũ cốc, nên có thể là Ca-in không thấy cần phải được tha thứ tội. Ta không hiểu từ đâu A-bên có ý thức về việc phải dâng sinh tế đổ máu để chuộc tội, vì hệ thống tế lễ bằng giết sinh tế mãi về sau mới có. Tuy nhiên có thể hiểu ngay trong bản văn của Sáng Thế Ký khi mô tả hai lễ vật.
Sáng Thế Ký 4:3-4 ghi rằng:
“Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người;”
Ta để ý thì thấy A-bên dâng chiên đầu lòng trong bầy, chứng tỏ lòng biết ơn của chàng. Trong khi đó lễ vật của Ca-in bị khước từ là vì không phản ánh lòng biết ơn thật sự.
Hê-bơ-rơ 11:4 giải thích việc dâng tế lễ này như sau:
“Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy; lại cũng nhờ đó dầu người chết rồi, hãy còn nói.”
Khác biệt giữa hai anh em là đức tin. A-bên có lòng tin nơi Chúa và dâng tế lễ theo như Chúa muốn nên được Chúa tiếp nhận.
Vấn đề ở đây là động cơ thúc đẩy.
Thái độ của Ca-in được bày tỏ rõ ràng qua nét mặt và cách anh ta đối đáp với Chúa khi bị Chúa quở trách. Chúa nhấn mạnh cho Ca-in biết rõ việc nguy hại khi không chịu xưng nhận tội cho được tha thứ và kêu gọi Ca-in ăn năn hối lỗi. (câu 6-7).
Tuy nhiên thay vì ăn năn xưng tội, Ca-in đã nổi giận và ghen tức đến nỗi sát hại em mình là A-bên.
Tính chất tàn bạo kinh khủng của tội ác của Ca-in được nêu rõ qua sáu lần chữ “em” được nhắc đến trong các câu từ 8-11 như sau:
“8 Ca-in thuật lại cùng A-bên là em mình. Vả, khi hai người đương ở ngoài đồng, thì Ca-in xông đến A-bên là em mình, và giết đi.
9 Đức Giê-hô-va hỏi Ca-in rằng: A-bên, em ngươi, ở đâu? Thưa rằng: Tôi không biết; tôi là người giữ em tôi sao?
10 Đức Giê-hô-va hỏi: Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta.
11 Bây giờ, ngươi sẽ bị đất rủa sả, là đất đã hả miệng chịu hút máu của em ngươi bởi chính tay ngươi làm đổ ra.”
Ca-in không thuận thảo với Chúa, nên cũng không thuận thảo với đứa em của mình. Sứ đồ Giăng giải thích tại sao Ca-in giết chết em là A-bên như sau:
“Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỉ, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình. Hỡi anh em, nếu thế gian ghen ghét anh em, thì chớ lấy làm lạ. Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết. Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình..” 1 Giăng 3:12-14
Giăng cho Ca-in là tiêu biểu cho những kẻ thuộc về ma quỷ, về đời này, nên luôn luôn chống lại người tin Chúa. Một bên là thánh, bên kia là phàm, không thể nào hòa hợp được. Bên tội ác không thể nào chấp nhận bên thánh thiện nên tìm đủ cách đàn áp và thủ tiêu.
Ngày nay cũng vậy, những người tin Chúa đừng bao giờ mong rằng người đời sẽ trọng vọng mình, nhưng phải trông chờ những chống đối và có khi bách hại.
Khi Chúa hỏi A-bên đâu? Ca-in đã phạm thêm tội vì nói dối và chối tội. Sau khi cho Ca-in hay rằng Chúa biết rất rõ về vụ giết người này, Chúa vừa tuyên án Ca-in, vừa cho anh ta biết phương pháp Chúa bảo vệ.
Chúa trừng phạt Ca-in bằng những lời nguyền rủa từ đất, đất không còn sinh hoa lợi cho Ca-in, Ca-in phải lưu lạc và trốn tránh.
Ca-in buồn lắm, nhưng không hề ăn năn hối lỗi, chỉ tỏ vẻ tuyệt vọng mà thôi, anh ta nói: “Sự hình phạt tôi nặng quá mang không nổi. Nầy, ngày nay, Chúa đã đuổi tôi ra khỏi đất nầy, tôi sẽ lánh mặt Chúa, sẽ đi lưu lạc trốn tránh trên đất; rồi, xảy có ai gặp tôi, họ sẽ giết đi.”
Vì thương xót, Chúa đã bảo vệ Ca-in bằng cách đánh dấu trên Ca-in để không bị loài người báo thù, cho anh ta có cơ hội làm lại cuộc đời. Chúa bảo:
“Bởi cớ ấy, nếu ai giết Ca-in, thì sẽ bị báo thù bảy lần. Đức Giê-hô-va bèn đánh đấu trên mình Ca-in, hầu cho ai gặp Ca-in thì chẳng giết.”
Ca-in từ đó không gặp Chúa nữa.
Mặc dù các tiến bộ kỹ thuật được xuất phát từ dòng dõi Ca-in, lịch sử của dòng họ này có thể dùng để cảnh cáo những ai có thái độ cố chấp, không ăn năn và chống lại Chúa.
Lịch sử của dòng họ này chấm dứt ở bài thơ do Lê-méc làm. Lời thơ ấy cho biết Lê-méc là một kẻ đa thê, hai vợ, giết hai người vì những người này đánh đập ông ta, một người lớn, một thiếu niên. Lê-méc cho rằng Chúa đã bảo vệ Ca-in trong vụ sát nhân đầu tiên, thì La-méc cũng được thừa trừ, dù là giết chết hai kẻ thù. Dòng dõi Ca-in tiếp tục lối sống vô đạo, không ăn năn hối lỗi và thường xuyên trả thù. Đó cũng là một trong những sắc thái tội lỗi của loài người.
Một đứa con khác của A-đam ra đời, đó là Sết, bắt đầu một dòng dõi mới thay thế cho dòng A-bên.
Trong thư của Giu-đe câu 11 ghi tên Ca-in một lần cuối cùng:
Khốn nạn thay cho chúng nó, vì đã theo đường của Ca-in, lấy lòng tham lợi mà gieo mình vào sự sai lạc của Ba-la-am; và bị hư mất về sự phản nghịch của Cơ-rê.
Giu-đe đang nói về các giáo sư dạy đạo giả dối, và so sánh họ như Ca-in, là kẻ ganh tỵ sinh ra hại người, Ba-la-am, kẻ tham lợi và Cô-rê, kẻ nổi loạn. Như Ca-in, các giáo sư giả kể họ trong gia đình của Chúa, nhưng như Ca-in, họ gieo hiềm khích trong Hội Thánh và phá hoại công việc của Chúa.
Ca-in làm biểu tượng cho những người thuộc phe ma quỷ, nhưng trà trộn vào Hội Thánh để làm hại, vì thế rất dễ hướng dẫn người khác đi vào con đường lầm lạc.
Nguyễn Sinh