Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhNhìn Lại Bản Thân Qua Câu Chuyện Của Gióp

Nhìn Lại Bản Thân Qua Câu Chuyện Của Gióp

NHÌN LẠI BẢN THÂN QUA CÂU CHUYỆN CỦA GIÓP


Nhìn thấy chính mình trong Kinh thánh

Một câu hỏi quan trọng khi đọc Kinh thánh: bạn là ai trong phân đoạn này. Chúng ta là ai trong sách Gióp? Đời sống tâm linh và phước hạnh của Gióp quá ấn tượng (Gióp 1:1–4) đến nỗi ít độc giả nào dám nghĩ mình ngang hàng với Gióp – và nỗi đau khổ cực độ, đáng sợ của ông cũng là điều mà ít ai mong muốn. Mặt khác, những người bạn của Gióp lại quá khoa trương, phiền hà và vội vã đổ tội cho Gióp, nên hầu hết chúng ta đều mong rằng bản thân mình không như vậy!

Nghe có vẻ lạ, nhưng chúng ta vừa là Gióp, vừa là những người bạn của ông. Chương đầu tiên miêu tả nỗi đau của Gióp – điều mà một lúc nào đó mỗi thánh đồ sẽ phải trải qua. Có thể thấy điều này qua cuộc nói chuyện giữa Đấng Toàn Năng và Kẻ Kiện Cáo trong Gióp 1:6–12; Gióp 2: 1–6. Khi so sánh những phân đoạn này với 1 Các Vua 22, Ê-sai 6 và Khải Huyền 4–5, chúng ta thấy Kinh Thánh miêu tả Đấng ngự nơi ngai vàng trên trời, nhận báo cáo từ các thiên sứ, và đưa ra quyết định cai trị công trình sáng tạo của Ngài (đó là nền tảng của việc “các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va” trong Gióp 1:6). 

Quyết định Đức Chúa Trời dành cho Gióp: cho phép Kẻ Kiện Cáo hủy hoại cuộc đời ông, mặc dù ông không đáng bị như vậy – phản ánh đường lối cai trị của Ngài trên toàn thế giới. Chương đầu tiên của sách Gióp cho thấy Đức Chúa Trời rộng lượng với các thánh đồ cả về phước hạnh thuộc linh và phước lành trên đất (Gióp 1:1–4) – nhưng Ngài có quyền cắt ngang để chứng minh thực trạng lòng trung thành của chúng ta với Ngài.

Khi tỉnh táo xem xét, chúng ta thấy rằng điều này thật sự cần thiết. Liệu một Cơ Đốc nhân có yêu Chúa vì chính Chúa, bất kể còn hay mất những phước lành trong cuộc sống trên đất (Gióp 1:9)? Câu hỏi này đặt ra cho mọi Cơ Đốc nhân. Nếu bạn yêu mến Đức Chúa Trời vì lý do khác chứ không phải chính Ngài, bạn sẽ cảm thấy rất buồn chán khi ở thiên đàng. 

Sách Gióp không ngụ ý rằng chúng ta phải trải qua nỗi đau cùng cực như Gióp (chôn cất tất cả con cái mình, mắc bệnh hiểm nghèo, phá sản, tất cả ập đến chỉ trong một ngày). Nhưng đôi khi Chúa sẽ cho phép những thử thách tương tự như Gióp xảy đến với chúng ta. Bởi vì Chúa yêu thương và mong muốn uốn nắn linh hồn chúng ta cho xứng hợp với thiên đàng, nên đôi khi Ngài sẽ đặt chúng ta vào tình thế có đủ mọi lý do để từ bỏ Ngài. Đây là cách để thanh lọc động cơ khiến chúng ta trở thành Cơ Đốc nhân ngay từ đầu. 

Một lúc nào đó, chúng ta sẽ lặp lại câu hỏi của vợ Gióp: Tại sao phải giữ lòng trung kiên với Chúa trong khi tôi chỉ nhận được toàn là đau đớn? (Gióp 2:9) Qua sự hiện diện đầy quyền năng của Thánh Linh, câu trả lời duy nhất trong tình huống đó là: Vì Đức Chúa Trời, và chỉ vì một mình Chúa mà thôi. Ngài là lý do duy nhất để chúng ta tiếp tục trung thành. Và một mình Ngài là quá đủ, ngay cả khi chúng ta đau khổ.

Không chỉ trong nỗi đau, chúng ta phải học theo cách thờ phượng của Gióp. Ông vẫn thờ phượng Đức Chúa Trời bất kể Ngài ban cho hay lấy lại (Gióp 1:21). Đức Chúa Trời có quyền ban phước tràn ngập cuộc đời Gióp, và Gióp sẽ thờ phượng; Đức Chúa Trời có quyền lấy đi tất cả, và Gióp vẫn thờ phượng, bởi vì Ngài xứng đáng được thờ phượng. Khi Chúa cho phép nỗi đau xảy đến, chúng ta tự hỏi liệu Chúa có xứng đáng để chúng ta tiếp tục trung thành hay không. Cũng chính khi ấy, chúng ta có khả năng nhìn nhận và khẳng định giá trị cao trọng vượt trên mọi sự của Ngài, điều chúng ta khó mà nhận ra khi hạnh phúc. 

Các chương mở đầu sách Gióp cho thấy hoàn cảnh đau khổ mà mỗi môn đồ cần trải qua, cũng như tinh thần thờ phượng vững vàng phát sinh từ đó. Chúa sẽ cho phép mỗi chúng ta chịu đau khổ theo cách ta không hiểu, và điều này sẽ buộc chúng ta khóc lóc và mặc bao gai quỳ gối bên cạnh Gióp. Độc giả đồng cảm với Gióp trong nỗi đau của ông, nhưng cũng tìm thấy niềm yên ủi tuyệt vời trong mối quan hệ thân mật sâu sắc với Đức Chúa Trời (Gióp 42: 5–6).

Nhìn thấy chính mình nơi bạn bè Gióp

Trong một phương diện nào đó, chúng ta cũng chính là những người bạn của Gióp. Trong Cựu Ước, các phân đoạn về sự khôn ngoan thường tập trung vào lời nói khéo léo và chữa lành, hoặc lời nói dại dột và sát thương. Những người bạn của Gióp (với động cơ tốt) (Gióp 2:11) liên tục tra tấn Gióp bằng việc kết tội ông hết chương này đến chương khác. 

Chắc chắn chúng ta sẽ quyết tâm không bao giờ giống như họ: đổ lỗi cho một người rất công bình như Gióp và bôi nhọ ông như một tội nhân xấu xa (Gióp 22:5). Nói cách khác, bạn bè càng đau khổ, chúng ta càng phải kiên nhẫn lắng nghe thay vì đổ lỗi cho họ. Ở cuối sách Gióp, Cơn thịnh nộ Đức Chúa Trời đổ lên những người bạn này không phải là vô cớ (Gióp 42: 7).

Con người thường có xu hướng “đổ lỗi cho nạn nhân”, và tác giả sách Gióp thật khôn ngoan khi đặt ra vấn đề này. Chắc chắn chúng ta đều đã gặp nhiều “phiên bản hiện đại” của Ê-li-pha, Binh-đát và Sô-pha – những tín đồ có ý muốn tốt (Gióp 2:11), một số còn có nền tảng thần học tốt (Gióp 5: 8–18), nhưng họ cũng nghĩ mình biết mọi thứ, nhanh miệng dạy người khác nên làm gì khi cuộc sống không suôn sẻ, và ngay lập tức đổ lỗi khi người kia không nhận lời khuyên của họ với lòng biết ơn. Và rất có thể đó là chính chúng ta! Khi đổ lỗi cho “Gióp thời hiện đại”, chúng ta cảm thấy thỏa mãn với “luật nhân quả”: người đó chỉ đang nhận những thứ mà họ đáng phải nhận. Chúng ta cho rằng mình sẽ không bao giờ gặp chuyện đau khổ như vậy, vì mình không phạm bất cứ lỗi lầm nào như các anh chị em tín đồ khác. 

Mặt khác, nếu chỉ ngồi lặng lẽ và đồng cảm với nỗi đau của họ, không trách móc hay dạy dỗ, mà chỉ chờ đợi Chúa đến gần yên ủi, thì chúng ta lại cảm thấy chính mình rồi cũng sẽ bị như vậy. Chúng ta khó chịu với suy nghĩ đó. Nhưng sách Gióp liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của tình bạn khôn ngoan khi đối diện với “Gióp thời hiện đại”. Có lẽ bước đầu của một tình bạn như vậy là đừng nói gì nhiều, thế là nhẹ nhõm lắm rồi! 

Sách Gióp rất khó hiểu và căng thẳng, nhưng lại mang đến những bài học sâu sắc. Khi đặt mình vào hoàn cảnh của Gióp, chúng ta biết rằng Chúa chỉ muốn ta trung kiên với Ngài qua mọi thử thách, và không bao giờ từ bỏ Ngài. Chúa không giận chúng ta, hay cố dạy chúng ta một bài học. Hãy cứ chờ đợi sự hiện diện yên ủi (Gióp 42:5) và ơn thương xót phục hồi của Ngài (Gióp 42:10). Thử thách sẽ tự thực hiện công việc thanh tẩy của nó. 

Và trong vai trò bạn bè, chúng ta phải ăn năn khi có xu hướng muốn “dạy dỗ” người khác, cho rằng mình có khả năng giải quyết vấn đề của họ, đổ lỗi cho họ khi cuộc sống họ sụp đổ. Xin Chúa ban cho chúng ta tình bạn khôn ngoan, kiên nhẫn, đồng hành với nhau trong nỗi đau. 

Bài: Eric Ortlund; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crossway.org/articles/we-are-both-job-and-jobs-friends/

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN