Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhÂn Điển Dưới Đáy Biển Sâu

Ân Điển Dưới Đáy Biển Sâu

Giô-na là câu chuyện điển hình bày tỏ lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Giô-na là nhà tiên tri bất tuân, oán giận Đức Chúa Trời vì Chúa quá nhân từ. Giô-na thà nhìn kẻ thù bị tiêu diệt chứ không muốn họ được tha thứ.

Lời cầu nguyện của Giô-na trong chương thứ hai thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm sâu sắc, và đóng một phần không nhỏ trong quá trình phát triển câu chuyện. Lời cầu nguyện này đã bày tỏ nhiều điều về Đức Chúa Trời. Hãy chậm lại để xem chúng ta học được gì từ tiếng kêu cầu của Giô-na trong bụng con cá lớn.

Lời cầu nguyện bất đắc dĩ 

Đức Chúa Trời sai tiên tri Giô-na công bố sự phán xét với một dân tộc gian ác. Thay vì đến Ni-ni-ve, Giô-na né tránh Chúa trên một chiếc thuyền đi theo hướng ngược lại. Giô-na – công cụ được Chúa chọn – là một chiếc bình nứt. Dù biết là vô ích, ông vẫn tìm cách “lánh khỏi mặt Đức Giê-hô-va” (Giô-na 1:3). Rõ ràng, ông không muốn can hệ gì đến Ni-ni-ve, nhưng chúng ta vẫn chưa rõ lý do.

Một cơn bão hoành hành và các thủy thủ bất đắc dĩ phải ném Giô-na xuống biển. Những thủy thủ ngoại đạo còn kêu cầu Thượng Đế thương xót, vậy mà Giô-na không hề mở miệng trong suốt cơn bão. Ông không nói một lời. Có vẻ như Giô-na thà chết còn hơn phải làm đường dẫn cho lòng thương xót Chúa (dù là cho người khác hay cho chính mình). Giô-na không phải là người hùng trong câu chuyện, nói thẳng ra, ông là một tín đồ sa ngã. Tuy nhiên, vẫn có những điều tốt đẹp giữa vô vàn khiếm khuyết trong tính cách của Giô-na. Và thật yên ủi khi biết Đức Chúa Trời vẫn lắng nghe lời cầu nguyện của ông – tiếng kêu tuyệt vọng của một tiên tri ương ngạnh.

Chương 2 ghi lại lời cầu nguyện của Giô-na trong bụng cá. Khi Giô-na phải cố gắng níu lấy từng hơi thở, trong bóng tối bao trùm và cái chết ngay trước mắt, ông cũng đã chịu mở miệng kêu cứu.

Điều sáng rõ trong bóng tối

Chúng ta rút ra điều gì từ lời cầu nguyện của Giô-na? Có 3 điều hữu ích có thể áp dụng cách cá nhân để khích lệ đời sống cầu nguyện của mình.

CHÚA VẪN LẮNG NGHE

Trước tiên, Giô-na trấn tỉnh lại và cầu nguyện với Chúa. Tiếng kêu cứu của Giô-na-than vút bay lên không trung khi ông lao xuống biển tối đen như mực. Có thể đó chỉ là một tiếng kêu, hoặc một ý nghĩ “Chúa ơi cứu con”, chỉ như vậy thôi.

Giô-na tỉnh dậy giữa mùi cá thối rữa nồng nặc, ông nghĩ rằng đây chính là địa ngục. Nhưng sau đó ông định thần lại và nhận ra mình vẫn còn sống dù trong bụng một con cá. Trong cảnh khốn cùng và tuyệt vọng, Giô-na cầu nguyện: “Tôi gặp hoạn nạn, kêu cầu Đức Giê-hô-va, Thì Ngài đã trả lời cho tôi. Từ trong bụng Âm phủ, tôi kêu la, Thì Ngài đã nghe tiếng tôi” (Giô-na 2:2). Dù bất tuân và ngoan cố, ông vẫn kêu cầu Đấng Tạo Hóa. Mặc dù đã cố gắng chạy trốn Chúa, giờ đây ông vẫn hướng về Ngài để được giải cứu. Chúa luôn sẵn sàng đón nhận những tiếng khóc tuyệt vọng của con cái Ngài.

CHÚA VẪN NGỰ TRỊ 

Giô-na thừa nhận quyền kiểm soát của Đức Chúa Trời. Ông không nói: “Ôi bọn thủy thủ xấu xa, không thể tin được họ đã ném tôi xuống biển!”. Thay vào đó, ông nhận biết quyền năng tối thượng của Đức Chúa Trời đang hoạt động giữa hoàn cảnh nguy biến của mình. Ông thú nhận: “Ngài đã quăng tôi trong vực sâu, nơi đáy biển, Và dòng nước lớn bao bọc lấy tôi. Hết thảy những sóng lượn và những ba đào của Ngài đều trải qua trên tôi” (Giô-na 2:4).

Lâm vào cảnh tuyệt vọng không có nghĩa Chúa lãng quên bạn. Giô-na công nhận Đức Chúa Trời nắm quyền kiểm soát, và chúng ta có thể tin cậy Ngài ngay cả trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Đức Chúa Trời vẫn nắm quyền tối cao khi chúng ta gặp nguy biến.

CHÚA VẪN HÀNH ĐỘNG 

Cuối cùng, Giô-na kết luận rằng Đức Chúa Trời có mục đích thiêng liêng cho ông. Vì dường như ông không còn cơ hội sống sót, nhưng giờ đây ông vẫn sống.

Ông cầu nguyện: “Tôi đã xuống đến chân nền các núi … Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi, nhưng Ngài đã đem mạng sống tôi lên khỏi hầm hố! … Và lời cầu nguyện của tôi đạt đến Ngài, vào đền thánh Ngài” (Giô-na 2: 6-8). Đức Chúa Trời không để Giô-na mất mạng (Giô-na 1:12). Ông được tha thứ để nhận biết lẽ thật và có cơ hội thờ phượng Đức Chúa Trời trong đền thánh Ngài. Việc Giô-na được giải cứu có ý nghĩa sâu sắc, và ông bắt đầu tuyên bố sự vĩ đại của Đức Chúa Trời: “Sự cứu đến từ Đức Giê-hô-va!” (Giô-na 2:10).

Cơn giận xấu xa nhất 

Chúa đã lắng nghe và đáp lời cầu nguyện của Giô-na, cuối cùng ông cũng dạt vào bờ. Giô-na thích thú, đi đến Ni-ni-ve, rao giảng, mọi người lắng nghe thông điệp của ông và ăn năn. Sau đó, điều bất ngờ xảy đến.

Giô-na “rất không đẹp lòng, và giận dữ” khi họ ăn năn (Giô-na 4:1). Có thể thấy, ông chẳng hề lo rằng người dân Ni-ni-ve sẽ không chịu lắng nghe, hay sợ họ giết sứ giả là ông. Lạ lùng thay, ông lại lo rằng họ sẽ ăn năn! Ông biết Chúa vốn nhân từ và thương xót – và khi Ngài thật sự thể hiện điều đó, ông vô cùng buồn giận.

Qua vị tiên tri “hờn dỗi”, bản tính nhân từ của Đức Chúa Trời tỏa sáng chói lòa:

“Người cầu nguyện Đức Giê-hô-va rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi cầu xin Ngài, ấy há chẳng phải là điều tôi đã nói khi tôi còn ở trong xứ tôi sao? Vì đó nên tôi lật đật trốn qua Ta-rê-si vậy. Bởi tôi biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai vạ. Hỡi Đức Giê-hô-va, vậy bây giờ, tôi nài xin Ngài hãy cất sự sống tôi; vì về phần tôi, chết còn hơn sống!” (Giô-na 4: 2–3).

Giô-na kiên định trước mọi tội lỗi mình. Ông thà chết chứ không đi rao giảng, thà chết chứ không cầu nguyện trong bão tố; thà chết chứ không muốn thấy kẻ thù mình được tha thứ. Tuy nhiên, Giô-na không sai lầm về mọi thứ. Ông không nói sai về Chúa. Ông biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ và thương xót, Ngài không muốn giáng tai họa. Vấn đề là Giô-na không đồng tâm tình với Chúa. Ông quá háo hức trông chờ sự trừng phạt, trả thù, và phán xét. Ông muốn thấy người dân Ni-ni-ve bị hủy diệt vì họ đã áp bức Y-sơ-ra-ên.

Liệu cuối cùng Giô-na có trở thành nhà tiên tri trung tín không? Ông có bao giờ sống đúng với nhiệm vụ và sứ mệnh của mình không? Chiếc bình nứt có bao giờ lành lại? Tác giả để lại một kết thúc mở, để chúng ta tự vấn bản thân mình: Chúng ta giống Giô-na hay giống Chúa?

Hai bài học cho sự đầu phục

Lời cầu nguyện của Giô-na truyền cảm hứng cho chúng ta ngày nay ra sao? Chúng ta học được gì từ tiếng kêu dưới đáy biển hiểm nguy?

LÒNG NHÂN TỪ VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN CỦA CHÚA

Đức Chúa Trời vẫn luôn lắng nghe. Đó là sự thật giản đơn mà chúng ta thường bỏ qua. Ngay cả khi bạn vừa phạm một tội ác tày đình – như chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời hằng sống – thì Ngài vẫn không ngừng lắng nghe bạn. Ngay sau khi phạm tội, chúng ta thường nghĩ rằng Chúa sẽ rất tức giận. Chúng ta tưởng tượng Ngài sẽ phản ứng như con người. 

Tuy nhiên, câu chuyện về Giô-na cho thấy Đức Chúa Trời vẫn chờ đợi những tiếng kêu tuyệt vọng và đau đớn, ngay cả từ những người bất tuân nhất. Ngài chờ đón những lời cầu nguyện khiêm nhu và vụn vỡ, để giúp đỡ chúng ta. Như Rô-ma 2:4 cho biết lòng nhân từ Chúa dẫn chúng ta đến chỗ ăn năn. Đức Chúa Trời bày tỏ lòng thương xót và tha thứ với cả Giô-na và người dân Ni-ni-ve.

Hãy cứ tin cậy, ngay cả khi chúng ta là những tội nhân thấp kém, bẩn thỉu, thối nát. Hãy đến cùng Chúa Jêsus và cầu xin được tha thứ, dù là lần đầu hay hàng nghìn lần cũng được – chỉ cần chúng ta hạ mình chạy đến với Chúa, thay vì chạy trốn khỏi Ngài.

ĐỪNG ĐỂ BỊ CÁM DỖ RỒI TRỐN CHẠY  

Cho dù bạn đang trong hoàn cảnh nào kể cả bất tuân với Chúa, hãy chạy đến với Ngài trong lời cầu nguyện. Hãy kiên trì cầu xin, vì biết Đức Chúa Trời luôn nhân từ và nhẫn nại.

Chắc hẳn Giô-na chẳng dám mong được Chúa nhậm lời cầu nguyện. Ông công khai bất tuân với Chúa. Khi Chúa kêu gọi, ông cố ý chạy trốn theo hướng ngược lại. Ông nhảy lên một con tàu để trốn khỏi Đấng Chủ tể biển cả! Ngay cả khi cơn bão hoành hành, ông vẫn không chịu kêu cứu. Ông thà chết đuối còn hơn ăn năn. Tuy nhiên, giữa lòng biển đen tuyệt vọng, ông đã trấn tỉnh và kêu cầu – kỳ diệu thay, Chúa đã lắng nghe và trả lời!

Nếu đang trong thời kỳ nổi loạn như Giô-na, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện. Ngay cả khi đã chạy trốn khỏi Chúa hàng thập kỷ, bất tuân lời Ngài kêu gọi, chúng ta vẫn được mời đến để Chúa dẹp yên cuộc nổi loạn, và đắm chìm trong tình yêu, chứ không phải vùi dập trong sự phán xét. Đức Chúa Trời muốn tuôn đổ lòng thương xót trên bạn, biến bạn thành đường dẫn tình yêu đến những tội nhân khác, để họ cũng ăn năn và được cứu.

Chúng ta nhanh nóng giận, chậm tha thứ, dễ bực tức và hận thù, còn Chúa thì không. Câu chuyện về Giô-na dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời nhân từ hơn, kiên nhẫn hơn và giàu ơn tha thứ hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng. Tin Lành từ Phúc Âm tuyệt vời hơn nhiều so với những gì chúng ta mong đợi. Qua Đấng Christ, chúng ta được quyền kêu cầu Đức Chúa Trời, tin rằng Ngài sẽ tuôn đổ lòng thương xót trên những con người xấu xa, mục nát – và tin rằng sự nhân từ Chúa sẽ biến đổi tấm lòng chúng ta trở nên giống Ngài.Bài: Steven Lee; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/mercy-at-the-bottom)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN