Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 34: Cầu Nguyện Và Kiêng Ăn

Bài 34: Cầu Nguyện Và Kiêng Ăn

Bài 34: Cầu Nguyện Và Kiêng Ăn

Ma-thi-ơ 17:14-21

14 Khi Đức Chúa Jêsus và môn đồ đã trở lại cùng đoàn dân, thì có một người đến gần, quì trước mặt Ngài, 15 mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin Chúa thương đến con trai tôi! vì nó mắc bệnh phong điên, phải chịu đau đớn quá; thường khi té vào lửa, và té xuống nước. 16 Tôi đã đem nó cho môn đồ Chúa, nhưng chữa không được. 17 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi dòng dõi không tin và gian tà kia, ta sẽ ở với các ngươi cho đến chừng nào? Ta sẽ nhịn nhục các ngươi cho đến khi nào? Hãy đem con đến đây cho ta. 18 Rồi Đức Chúa Jêsus quở trách quỉ, quỉ liền ra khỏi đứa trẻ, và từ giờ đó đứa trẻ được lành. 19 Môn đồ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus, mà hỏi riêng rằng: Vì cớ gì chúng tôi không đuổi quỉ ấy được? 20 Ngài đáp rằng: Ấy là tại các ngươi ít đức tin: vì ta nói thật cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được. 21 [Nhưng thứ quỉ nầy nếu không cầu nguyện và không kiêng ăn thì chẳng trừ nó được.]

Khi các môn đệ thấy Chúa đuổi quỷ phong điên ra khỏi một đứa bé, mà trước đó họ không đuổi quỷ được, thì hỏi Chúa vì sao họ không làm được. Vì trước đó Chúa đã ban cho họ “uy quyền trên mọi quỷ dữ và tật bệnh để chữa lành cho mọi người. Mác 6:12-13 ghi rằng: Vậy, các sứ đồ đi ra, giảng cho người ta phải ăn năn; đuổi nhiều ma quỉ, xức dầu cho nhiều kẻ bịnh và chữa cho được lành. Họ từng ra đi và về báo cáo với Chúa rằng: kể cả các quỷ dữ cũng phải tuân lệnh họ, thế mà lần này khi Chúa lên núi hóa hình, họ hoàn toàn thất bại, làm cho mọi người thất vọng, nhất là người cha của đứa bé. Việc chữa bệnh này không có trở ngại nào nơi ý chỉ của Chúa hay là tính chất của cơn bệnh, vì bằng chứng là khi Chúa truyền lệnh thì quỷ tức khắc vâng lời và ra khỏi đứa bé. Các môn đệ thắc mắc, hỏi Chúa rằng: “Vì cớ gì chúng tôi không đuổi quỷ ấy được?” Câu hỏi này chứng tỏ rằng họ đã ao ước và tìm cách đuổi quỷ, họ có thể đã nhân danh Chúa Giê-xu mà ra lệnh cho quỷ phải ra khỏi bệnh nhân. Nhưng cố gắng của họ đã vô hiệu và trước một đám người đông đảo, họ đã thất bại và hổ nhục. Tại sao chúng tôi không đuổi quỷ này được?

Chúa Giê-xu trả lời ngắn gọn: Ấy là tại các ngươi ít đức tin.

Nguyên nhân Chúa thành công và họ thất bại không phải ở chỗ Chúa có một quyền năng đặc biệt mà họ không có được. Không, lý do không khó hiểu gì cả, vì Chúa từng dạy họ rằng chỉ có một bí quyết, đó là đức tin. 

Khi có đức tin thì trần gian tăm tối này phải khuất phục. Khi lĩnh vực tâm linh thất bại thì chỉ có một lý do, đó là thiếu đức tin. Đức tin là một điều kiện mà tất cả quyền năng thiêng liêng có thể nhập vào con người và hành động qua con người. Đó chính là sự tiếp cận với cõi vô hình qua cảm ứng mà ý chí con người phải đầu phục và khuôn rập theo, vì đó là ý chỉ của Chúa. Quyền năng mà họ có để đuổi quỷ họ không có trong họ thường xuyên như một ân tứ hay vật sở hữu; quyền năng đó ở nơi Chúa Giê-xu, họ phải nhận được, phải giữ lấy và sử dụng bằng đức tin mà thôi, đức tin sống động vào Chúa. Họ đã từng có đầy tràn đức tin trong Chúa là Đấng Chủ Tể và Đấng chiến thắng trong thế giới thần linh.  Họ cũng được tràn đầy đức tin trong Ngài vì Ngài ban cho họ uy quyền để trừ quỷ nhân danh Ngài, đức tin đó đáng ra phải đem lại thắng lợi cho họ. “Ấy là tại các ngươi ít đức tin”, đây là lời giải thích của Chúa, vị thầy cao cả, để quở trách sự thiếu quyền năng và thất bại của Hội Thánh từ xưa đến nay.

Nhưng tại sao lại thiếu đức tin là ít đức tin? Nguyên nhân là từ đâu? Câu hỏi các môn đệ chân thành đáng phải hỏi là: Tại sao chúng tôi ít đưc tin hay không tin? Vì đức tin của chúng tôi đã từng đuổi nhiều quỷ trước đây mà?

Vị Thầy của các bực thầy cho họ biết rõ lý do, Chúa bảo, trong câu 21 ghi lại ở cuối trang Kinh Thánh, trong phần phụ chú rằng: Nhưng thứ quỷ này nếu không cầu nguyện và không kiêng ăn thì chẳng trừ nó được.

Đức tin là hoạt động cao nhất của đời sống tâm linh, đó là khi tâm hồn chúng ta thuận phục trong trạng thái hoàn toàn nhất đối với thần linh của Chúa, và như thế đức tin vững mạnh và hoạt động cao nhất. Đức tin như thế phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng của sự sống tâm linh.  Khi tâm linh mạnh mẽ và phong phú tức là khi Thánh Linh Chúa hoàn toàn chế ngự trong đời sống ta, thì quyền năng do đức tin đưa đến những hiệu quả mạnh nhất. Chính vì vậy mà Chúa thêm: Nhưng thứ quỷ này nếu không cầu nguyện và không kiêng ăn thì chẳng trừ nó được.

Loại Đức tin có thể thắng sức kháng cự bướng bỉnh như trong trường hợp quỷ ám này, Chúa Giê-xu bảo, không thể nào làm được, nếu người thi hành không sống tiếp cận thật sát với Chúa và trong trường hợp xa cách hẳn trần gian tầm thường này – đó là cầu nguyện và kiêng ăn.

Như thế Chúa dạy hai bài học về cầu nguyện tại đây. 

Một là, phải có loại đức tin có đời sống cầu nguyện tăng trưởng và vững mạnh luôn luôn. 

Hai là, cầu nguyện cần kiêng ăn cho được phát triển toàn vẹn và hoàn hảo.

Chúng ta nói đến phần thứ nhất: Đức tin cần một đời sống cầu nguyện tăng trưởng vững mạnh. Trong tất cả những thành phần khác nhau của đời sống tâm linh có sự hợp nhất thân cận, không ngừng hoạt động và phản ứng, để cả hai trở thành nguyên nhân và kết quả. Đức tin là như vậy. 

Không thể nào có cầu nguyện đúng mà không có đức tin, theo một mức độ thì đức tin phải đi trước cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện làm cho tăng thêm đức tin. Không thể nào có đức tin cao mà không qua cầu nguyện. Đó là bài học Chúa dạy tại đây. Không có gì cần nhiều yếu tố để tăng trưởng cho bằng đức tin. 

Phao-lô viết cho Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca ngày xưa, khen “Đức tin anh em rất tấn tới” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:2). Chúa Giê-xu có lần nói với hai người mù rằng: “Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy. Mắt hai người liền mở ra.” 

Theo đó Chúa đã tuyên bố một quy luật của nước Chúa, đó là không phải tất cả mọi người đều có một trình độ đức tin như nhau, và một cá nhân không phải lúc nào đức tin cũng luôn luôn ở một mức độ nào đó, và ngay cả một mức độ đức tin nào đó cũng không thể xác định được mức độ quyền năng và phước hạnh ban cho. Nếu chúng ta muốn biết đức tin tăng trưởng đến đâu và làm thế nào tăng trưởng thì vị Thầy của các vị thầy chỉ chúng ta tìm đến ngôi ân phúc của Đức Chúa Trời. Chính là trong việc cầu nguyện, tức là thực hành đức tin mà tôi có, trong tương giao với Chúa hằng sống, mà đức tin ấy gia tăng. Đức tin như thế chỉ sống mạnh nhờ được nuôi dưỡng bằng những gì thiêng liêng tức là bằng chính Đức Chúa Trời.

Chính là trong việc tôn thờ Đức Chúa Trời, chờ đợi và phục vụ Chúa, để cõi yên lặng sâu kín của linh hồn đã thuận phục Chúa để mặc khải Ngài, nhờ đó khả năng hiểu biết và tin cậy Chúa mới phát triển. Khi ta lấy lời Chúa trong Kinh Thánh đem đến cho Chúa, cầu xin Chúa phán dạy bằng lời hằng sống, mà quyền năng sẽ đến đầy đủ để chúng ta tin và nhận lời ấy như chính lời phán của Chúa cho chúng ta. Chính trong việc cầu nguyện, trong mối quan hệ với Chúa bằng đức tin, mà đức tin, là sức mạnh tin cậy Chúa, chấp nhận mọi lời Chúa phán dạy, và đức tin đó sẽ mạnh hơn lên trong chúng ta.

Nhiều người tin Chúa nhưng không thể hiểu được như thế nào là cầu nguyện nhiều mà họ thường nghe nói, những người ấy không có quan niệm, cũng không cảm thấy nhu cầu về việc để nhiều thời gian với Chúa. Nhưng lời Chúa dạy cũng như kinh nghiệm của dân Chúa xác nhận rằng: Người có đức tin mạnh là người cầu nguyện nhiều.

Chúa Giê-xu trước khi bảo chúng ta tin rằng chúng ta sẽ nhận được điều mình xin, đã nói: “Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời” (Mác 11:22). Chính là Chúa. Đức Chúa Trời hằng sống, Đấng mà đức tin phải đâm rễ sâu và rộng, rồi mới mong có khả năng dời núi và trừ quỷ được. “Nếu các ngươi có đức tin thì không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được.” (Ma-thi-ơ 11:20). Nếu chúng ta đảm nhiệm những việc mà Chúa giao cho làm trên trần gian này, tiếp xúc với những việc lớn lao như núi và phải đuổi những thứ quỷ chung quanh mình, chúng ta sẽ hiểu việc cần có đức tin mạnh, và phải cầu nguyện nhiều, vì biết rằng có những vùng đất mà chỉ đức tin mới vun xới được thôi.  

Chúa là sự sống của chúng ta, là sự sống của đức tin chúng ta nữa. Sự sống của Chúa làm cho chúng ta vững mạnh, khiến chúng ta có thể tin.  Đức tin cần sự cầu nguyện để tăng trưởng vững mạnh.

Cầu nguyện thì cần kiêng ăn để tăng trưởng vững mạnh: đó là bài học thứ hai.

Cầu nguyện là một tay chúng ta nắm lấy cái vô hình; kiêng ăn là tay kia chúng ta buông ra và ném đi cái hữu hình

Không có gì con người gắn bó thân gần trong thế giới cảm giác cho bằng nhu cầu về thức ăn, và người rất thích thú. Ngay trong vườn Ê-đen ngày xưa, cũng chỉ vì miếng ăn, mà người bị sa ngã. Chúa Giê-xu khi Ngài đói thì bị cám dỗ hóa đá ra bánh mà ăn, Chúa đã kiêng ăn mà đắc thắng. Thân thể đã được cứu chuộc để trở thành đền thờ cho Thánh Linh và Kinh Thánh dạy chúng ta dù ăn hay uống cũng phải làm vinh danh Chúa cả. 

Người ta có thể hiểu ý nghĩa về việc kiêng ăn liên quan đến cầu nguyện như là chỉ những người sống đời chuẩn mực và tiết độ trong việc ăn uống và từ bỏ những thú vui mới giúp cho việc cầu nguyện được tăng trưởng vững mạnh. Ngoài ra người buồn rầu hay lo lắng thường không thiết đến ăn uống, nhưng niềm vui thường đưa đến những bữa tiệc liên hoan có ăn và uống. Nhiều khi những thú vui ấy, dù không có gì tội lỗi, cũng có thể ngăn cản tinh thần trong cuộc chiến chống các quyền lực của tội ác tăm tối, và sức mạnh giảm đi nhiều. 

Chúng ta sống với cảm xúc rất nhiều, việc kiêng ăn giúp biểu lộ, đi sâu và xác nhận quyết tâm rằng chúng ta sẵn sàng hi sinh mọi thứ, hi sinh chính mình, để đạt đến những gì chúng ta tìm đến cho vương quốc thiên đàng. Đấng đã từng kiêng ăn và hi sinh Con một của Ngài, biết rõ giá trị và chấp nhận cùng ban quyền năng cho linh hồn đã sẵn sàng bỏ tất cả vì Chúa Cứu Thế và vương quốc của Ngài. 

Cũng có thể hiểu việc kiêng ăn theo nghĩa này nữa. Cầu nguyện là vươn lên đến Chúa và cõi vô hình; trong khi đó kiêng ăn là từ bỏ tất cả những gì thấy được và tạm thời

Người tín đồ thường quan niệm rằng tất cả những gì ta làm không phải là bất hợp lệ, và cố giữ lấy nhiều thứ trong đời, như của cải, thú vui; nhưng người tin Chúa cũng như người lính đánh giặc, không thể ôm đồm nhiều thứ không dùng vào chiến tranh được, mà phải bỏ lại. Kinh Thánh dạy ta bỏ đi những thứ vụn vặt dễ vấn vương ta, như thế là kiêng khem vì mục đích và nhiệm vụ của ta đối với Chúa. Nếu không chịu bỏ bớt, mặc dù không phải là bất hợp pháp, việc cầu nguyện sẽ không mấy hiệu quả. Nhiều trở ngại trong đời phải nói rằng: Không trừ bỏ được vì thiếu cầu nguyện và kiêng ăn.

Thưa quý độc giả, quý vị từng đến xin Chúa dạy cho cầu nguyện, xin hãy nhận lấy bài học hôm nay. Chúa dạy chúng ta rằng cầu nguyện là con đường đức tin, đức tin phải mạnh mới đuổi quỷ được. Chúa bảo: Nếu có đức tin thì không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được. Xin lời hứa  này khuyến khích quý vị cầu nguyện nhiều hơn. Nhưng giá phải trả có đáng không? Chúng ta có sẵn sàng bỏ lại tất cả mà theo Chúa Giê-xu vào con đường mà Chúa đã mở ra; chúng ta có sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện dù rằng phải kiêng ăn không?

Lạy Chúa Giê-xu! Chúa vẫn phải trách chúng con vì thiếu lòng tin. Thật là lạ, vì chúng con không có khả năng tin cậy Chúa Cha trong lời Ngài đã hứa! Xin dạy chúng con để đức tin chúng con được đào luyện và tăng trưởng – ngay dù việc cầu nguyện và kiêng ăn đưa chúng con vào mối tương giao bền vững với Cha.

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN