Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 39: Cầu Nguyện Và Lời Chúa

Bài 39: Cầu Nguyện Và Lời Chúa

Bài 39: Cầu Nguyện Và Lời Chúa

Giăng 15:1-7

1 Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. 2 Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn. 3 Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho. 4 Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được. 5 Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. 6 Nếu ai chẳng cứ trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy. 7 Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.

Xin đọc lại câu 7: Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.

Trong bài thứ 38 chúng ta đã phân tích phần đầu của câu Kinh Thánh này, hôm nay xin sang phần thứ hai, nói về Lời Chúa. Quan hệ cần thiết giữa cầu nguyện và lời Chúa là những bài học đơn giản nhất và sớm nhất đối với đời sống người tin Chúa. Quan niệm đơn giản nhất của người mới tin Chúa về cầu nguyện là: Tôi cầu nguyện là thưa chuyện với Cha, và tôi đọc Kinh Thánh là Cha nói với tôi. 

Nghĩa là trước khi cầu nguyện, chính là lời Chúa chuẩn bị cho tôi bằng cách cho thấy những gì Cha cho phép tôi kêu cầu. Trong lúc cầu nguyện thì chính lời Chúa tăng sức mạnh cho tôi bằng cách cho tôi lòng tin và đảm bảo rằng được đáp lời. Còn sau khi cầu nguyện thì lời Chúa cho tôi câu giải đáp về những gì tôi đã cầu xin, vì chính Thánh Linh làm cho tôi nghe được tiếng nói của Cha.

Cầu nguyện không phải độc thoại mà là đối thoại; tiếng Chúa trả lời cho tôi là phần chính yếu. Lắng nghe tiếng Chúa là bí quyết đảm bảo rằng Chúa nghe lời cầu xin của tôi. 

Lời Chúa trong Kinh Thánh thường nhắc nhở: 

“Hãy nghiêng tai và đến cùng ta; hãy nghe ta thì linh hồn các ngươi sẽ sống” Ê-sai 55:3. 

“Ai có tai mà nghe hãy nghe” Ma-thi-ơ 11:15.

“Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các hội thánh”. Khải huyền 2:7.

Trên đây là những lời nhắc nhở người tin Chúa phải dành thời gian lắng nghe lời Chúa. Nhưng nói như thế cũng có nghĩa là: Nếu ta nghe lời Chúa phán thì ta cũng có thể thưa chuyện cùng Chúa được, vì Chúa mong mỏi con cái Ngài cầu xin và trao đổi. Nói khác đi, trong một cuộc đối thoại, nếu chỉ một bên nói, còn bên kia yên lặng thì sẽ không có ảnh hưởng nào, không biết bên yên lặng có nghe hay không. Khi ta bằng lòng nghe lời Chúa, ta sẽ biết cầu xin để Chúa có thể nghe.  Nghĩa là ta phải thuận phục Chúa bằng cách nghe lời Chúa trước, thì mới mong Chúa nghe lời ta cầu xin. Khi nghe lời Chúa, ta có thái độ thuận phục và công nhận Chúa thuộc về phía mình và Chúa nghe lời minh.

Chúa Giê-xu đã nói: Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều ấy. Trong Phúc Âm Giăng 15, Chúa Giê-xu nói mấy lần: Hãy cứ ở trong ta, và ta ở trong các ngươi. Nhưng trong câu này Chúa nói: Các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi. Lời Chúa ở trong chúng ta cũng tương đương như chính Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta vậy. Vì lời Chúa cho chúng ta biết về chính Chúa. Chúng ta tôn quý lời Chúa vì Chúa vô hình, không mang ảnh tượng nào cả. Chính lời Chúa khải thị về Chúa cho chúng ta. Vì vậy đọc và nghe lời Chúa làm cho chúng ta biết về Chúa sâu sắc và chi tiết hơn.

Lời Chúa trước tiên là những lời hứa. Trong những lời hứa Chúa ràng buộc Ngài với những ai nhận lời hứa.

Trong những mệnh lệnh, Chúa đưa ra ý của Ngài và muốn làm chủ những ai tuân phục Ngài để hướng dẫn và sử dụng người đó như thuộc về riêng Ngài. Chúng ta biết rằng qua lời nói tâm hồn này có tương giao với tâm hồn khác. Qua lời nói của một người, người nghe và nhận, nắm bắt và tuân hành, nhận được chính người đó, nhưng tất cả những điều này chỉ có nghĩa tương đối và giới hạn.

Nhưng khi Chúa là Đấng vô cùng, nguồn cội của sự sống và năng lực, tinh thần và chân thật, phát biểu thì thật sự Chúa trao cho con người chính Ngài, tình thương của Ngài, ý chỉ và quyền năng của Ngài cho những ai nhận những lời đó và hiểu biết Ngài.

Trong mỗi lời hứa Chúa đặt Ngài vào uy quyền để nắm bắt và sở hữu; trong mỗi mệnh lệnh Chúa đặt chính Ngài vào khả năng của chúng ta để cùng chia sẻ với Ngài ý chỉ, sự thánh khiết, sự toàn vẹn của Ngài. Tóm lại trong lời Chúa, Chúa cho chúng ta chính Ngài, hơn nữa, theo Kinh Thánh, lời Chúa chính là Chúa Giê-xu, Con Đời Đời của Ngài. Tất cả những lời của Chúa Giê-xu là lời của Đức Chúa Trời, lời sự sống và quyền năng, vì Chúa Giê-xu từng nói rằng: Những lời ta nói cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống. (Giăng 6:63).

Những người nghiên cứu về người điếc và câm cho hay rằng khả năng nói phụ thuộc nhiều vào khả năng nghe, và sự khiếm thính ở trẻ em đưa đến tật câm, không nói được. Nghĩa là chúng ta nghe được thì mới nói được. Trong cuộc trao đổi với Chúa cũng vậy. Dâng lên lời cầu nguyện – tức là phát biểu về những gì mình mong ước và kêu gọi một hứa hẹn – là việc dễ, người nào cũng có thể học và làm được. Nhưng cầu nguyện trong Thánh Linh, nghĩa là nói những lời có thể với lên và đụng đến Chúa, nghĩa là gây tác dụng và ảnh hưởng đến quyền năng của cõi vô hình, lời cầu nguyện ấy phụ thuộc hoàn toàn vào việc nghe lời Chúa. 

Chừng nào chúng ta còn nghe tiếng Chúa và ngôn ngữ của Ngài để biết tư tưởng, ý nghĩ, sự sống của Ngài thấm vào tâm hồn chúng ta, chúng ta sẽ học biết cách nói năng và sử dụng ngôn ngữ mà Chúa nghe.

Việc nghe tiếng Chúa là một điều khác hẳn việc học lời Chúa. Có thể lắm học và hiểu biết lời Chúa, nhưng vẫn không có mối tương giao thật sự với Chúa. Nhưng có việc đọc lời Chúa ngay trong hiện diện của Cha, dưới sự chỉ đạo của Thánh Linh, khi đó lời Chúa đến với chúng ta đầy quyền năng sống từ chính Chúa. Lúc ấy chúng ta như nghe tiếng của Cha và được tương giao với Ngài. Chính tiếng nói sống động của Cha đem đến phước hạnh và sức mạnh, đánh thức sự đáp ứng của một đức tin sống có thể với lên đến tâm hồn của Chúa.

Quyền năng của sự tin và vâng lời phụ thuộc vào việc nghe tiếng nói này.  Điều chính yếu không phải là biết Chúa đã bảo chúng ta phải làm gì, nhưng là chính Chúa trực tiếp phán bảo chúng ta. Đây không phải là luật lệ, không phải sách vở, không phải tri thức về điều phải, khiến ta vâng phục, mà chính là ảnh hưởng riêng của Chúa và mối tương giao sống động với Ngài. Cũng không căn cứ vào những gì Chúa đã hứa, nhưng là sự hiện diện của chính Ngài, là Đấng ban lời hứa đã đánh thức đức tin và sự tin cậy trong người dâng lời cầu nguyện. Vì chỉ trước hiện diện đầy đủ của Chúa mà sự bất tuân lệnh với vô tín trở thành bất năng mà thôi.

Nếu các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được các điều ấy.

Lời Chúa là chính Chúa. Chúng ta phải có lời Chúa trong ý chí và sự sống của mình, lời Chúa phải chỉ đạo lập trường và hành vi của chúng ta. Chúng ta phải có lời Chúa ở với mình. Đời sống chúng ta phải chứng minh rằng có lời Chúa bên trong và tràn ngập chúng ta. Vì lời Chúa mặc khải Chúa cho nội tâm và đời sống chúng ta mặc khải Chúa ra bên ngoài. Như lời Chúa vào tâm hồn chúng ta, trở thành sự sống và ảnh hưởng tâm hồn, thì lời cầu nguyện của chúng ta cũng sẽ dâng lên tận tâm hồn và ảnh hưởng đến Chúa như thế. Lời cầu nguyện của tôi phụ thuộc vào sự sống, những gì lời Chúa làm gì trong tôi cho tôi, và lời cầu nguyện của tôi cũng với lên đến Chúa như thế. Nếu tôi hành động như Chúa dạy, Chúa cũng sẽ thực hiện việc tôi cầu xin.

Các bậc thánh trong thời Cựu Ước rất am hiểu quan hệ giữa lời Chúa và lời cầu xin của chúng ta, và lời cầu nguyện của họ là phúc đáp đối với những gì họ từng nghe Chúa phán bảo. Nếu lời Chúa là một lời hứa, thì họ sẽ tin rằng Chúa sẽ hành động như Ngài phán. 

Những câu như: 

“Xin làm như Chúa đã phán”; 

“Vì lạy Chúa, Chúa đã phán như thế”; 

“Theo như lời Chúa đã hứa”;

”Theo như Chúa phán”. 

Các câu trích dẫn này minh chứng rằng: Những gì Chúa đã phán trong lời hứa chính là gốc rễ và sự sống của lời cầu nguyện dâng lên đến Chúa.

Nếu lời Chúa là lời hứa, thì họ cứ làm như Chúa dạy. “Vậy Áp-ram ra đi theo như Chúa phán dạy.” Sự sống của họ trong tương giao luôn với Chúa, trong trao đổi lời nói và tư tưởng. Những gì Chúa dạy, họ vâng theo và thực hiện, những gì họ cầu xin Chúa nghe và làm cho.

“Nếu những lời ta ở trong các ngươi”: điều kiện đơn giản và rõ ràng. Ý chỉ và lời Chúa đã mặc khải. Khi lời Chúa ở trong tôi thì ý chỉ của Chúa quản trị tôi, ý chí của tôi trở thành chiếc bình trống để cho ý chỉ của Chúa ngập tràn. Chúa làm đầy tâm hồn tôi. Trong việc thực hành tuân phục và đức tin, ý chí của tôi trở nên mạnh hơn, và được đưa vào sự hài hòa sâu xa hơn trong nội tâm với Chúa.

Thưa quý độc giả là những môn đồ của Chúa ! Không có gì làm cho chúng ta cường tráng cho bằng lời từ môi miệng Chúa phán ra, và đó là lời làm cho chúng ta sống. Vì chính là lời Chúa, được yêu mến, ngự trị trong chúng ta, khiến chúng ta kết hợp làm một với Chúa, để chúng ta mới tiếp cận đến Chúa Cha được. Tất cả những gì thuộc về trần gian này sẽ qua đi, nhưng ai làm theo ý chỉ của Chúa thì còn lại đời đời.

Hãy ghi nhớ lời Chúa dạy hôm nay: Giăng 15:7 Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.

Lạy Chúa!

Bài học hôm nay khiến chúng con thấy mình thật dại dột. Vì chúng con bận rộn nói với Chúa hơn là để Chúa phán dạy chúng con. Chúng con không biết bí quyết của đức tin là: Lời hằng sống của Chúa càng ở trong tâm hồn chúng con bao nhiêu thì đức tin chúng con sẽ phong phú bấy nhiêu.

Lời dạy của Chúa thật cao minh: Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói. 

Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi khá ít lời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhớ rằng khi nào lời Chúa thấm nhuần trong tâm hồn chúng con, thì lời cầu nguyện của chúng con mới đến được tâm hồn của Chúa. Vì lời Chúa khi trở thành sức mạnh trong chúng con sẽ ảnh hưởng đến Chúa vì khi Chúa phán dạy thì tay Ngài hành động.  Amen.

Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN