Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài Thứ Nhất: Giới Thiệu Thư Cô-lô-se

Bài Thứ Nhất: Giới Thiệu Thư Cô-lô-se

Bài thứ nhất

Phần giới thiệu lá thư Cô-lô-se, chương 1:1-8

Lời  chào thăm:

1Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, cùng Ti-mô-thê là anh em,

2gởi cho các anh em chúng ta ở thành Cô-lô-se, là những người thánh và trung tín trong Đấng Christ: nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta!

Cô-lô-se 1:1-2

Trong lời chào thăm đầu thư này chúng ta thấy sứ đồ Phao-lô dùng đúng kiểu viết thư thuộc thế kỷ thứ nhất, nhưng đưa những yếu tố Cơ-đốc-giáo vào đó. Sứ đồ Phao-lô xác nhận ai là người gởi thư, ai là người nhận thư, sau đó là những lời cầu chúc thông lệ.

Trước tiên ông tự xưng là sứ đồ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sứ đồ là một người được  sai đi làm một nhiệm vụ nào, nhưng tại đây là người phát ngôn có thẩm quyền của Chúa, là người được Chúa ủy thác và ban cho quyền năng để đại diện cho Chúa.  Người cùng viết thư này với ông Phao-lô là ông Ti-mô-thê.

Tại đây Phao-lô gọi Ti-mô-thê là người anh em. Tuy nhiên trong thư Phao-lô thường dùng ngôi thứ nhất số ít tức là “tôi” chứ không dùng “chúng tôi”.

Thứ hai, sứ đồ Phao-lô gọi những người nhận thư của ông là:  ‘Những người thánh và trung tín trong Chúa Cứu Thế’. Chữ  ‘thánh’ được dùng để chỉ về một người hay vật hoặc nơi chốn được dành riêng ra để tôn thờ và phục  vụ Chúa. ‘Trung tín’ đây chỉ có nghĩa là người tin Chúa. Nhưng cũng có nghĩa là người trung thành với Chúa nữa.  Phao-lô còn gọi họ là các anh em.  Đây là cách xưng hô của sứ đồ Phao-lô với các tín hữu ngày xưa nhận các thư ông gởi cho họ. Họ là anh em của ông, mặc dù khác về văn hóa, xã hội và chủng tộc. Nhưng cùng chia sẻ một tình thương và cùng thuộc về một đại gia đình của Chúa. Tất cả các tín hữu thờ Chúa đều là anh em chị em, vì cùng có một Cha chung là Đức Chúa Trời, trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.  Đây là nói về vị thế của người tin Chúa.  Trong Chúa Cứu Thế nghĩa là được hợp làm một cùng với Chúa Cứu Thế, như chi thể trong một thân. Người tin Chúa là được hợp làm một với Chúa Giê-xu trong một nhiệm thể mà Chúa là Đầu.  Nói như thế, những ai đã tin nhận Chúa cũng là độc giả của lá thư này.

Thứ ba là lời cầu chúc:  Nguyền xin anh em được ân điển, bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời là Cha chúng ta.  Ân điển tức là ân huệ Chúa ban cho.  Cũng có thể hiểu là năng lực hay sức mạnh. Bình an trong lời chúc không có nghĩa là không chiến tranh hay xung khắc, nhưng là tình trạng tốt lành, thịnh vượng, thỏa lòng, liên hệ tốt với mọi người.

Bài học ta có thể rút ra từ hai câu mở đầu này là:

Những người tin nhận Chúa Giê-xu đều là anh em chị em với nhau, vì cùng chung một Cha là Đức Chúa Trời và cùng được biệt riêng ra để tôn thờ Chúa.  Người ta thường chúc nhau nhiều điều, nhưng ân điển và bình an từ Chúa ban cho là hai điều quan trọng hơn hết, vì giúp ta sống vui, vững mạnh và thành công trong đời.

Ta sang đến các câu kế tiếp cũng nằm trong phần giới thiệu. Đây là các câu nói về cầu nguyện và cảm tạ:

3Trong khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em không thôi, thì cảm tạ Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.

4Vì chúng tôi đã nghe về đức tin của anh em nơi Đức Chúa Jêsus Christ và về sự yêu thương của anh em đối với mọi thánh đồ,

5vì cớ sự trông cậy để dành cho anh em ở trên trời, là sự trước kia anh em đã nhờ đạo Tin lành chân thật mà biết đến.

6Đạo Tin lành đó ở giữa anh em cũng như ở trong cả thế gian; lại kết quả và tấn bộ cũng như trong anh em, từ ngày mà anh em đã nghe rao truyền ơn Đức Chúa Trời và đã học cho thật biết ơn đó,

7y như Ê-pháp-ra là bạn đồng sự thiết nghĩa với chúng tôi đã dạy anh em; người giúp đỡ chúng tôi như một kẻ giúp việc trung thành của Đấng Christ,

8và đã tỏ ra cho chúng tôi biết lòng yêu thương mà anh em cảm chịu bởi Đức Thánh Linh.

Cô-lô-se 1:3-8.

Điểm đầu tiên sứ đồ Phao-lô nói đến trong lá thư này sau lời chào thăm là lời cảm tạ Chúa, ông cũng nhấn mạnh là ông luôn luôn cầu nguyện cho anh em tín hữu tại Cô-lô-se.

Ở đây ta học được từ nơi Phao-lô một điều, đó là nhớ đến anh em chị em trong Chúa và cầu nguyện cho nhau thường xuyên, cùng cảm tạ Chúa về những gì họ đạt được trong đức tin. Ta thường dùng nhiều thì giờ cầu nguyện cho gia đình và bạn thân, nhưng ít khi cầu nguyện cho người khác. Việc cầu nguyện của ta sẽ phấn khởi hơn, nếu ta cầu thay cho người khác nhiều hơn là cầu nguyện cho chính mình và thân thích của mình.  Muốn vậy, ta cần có một chương trình cầu nguyện cẩn thận, thế mới mong bao gồm hết các anh em chị em mà mình muốn cầu thay. Ta không những chỉ cầu nguyện về nhu cầu của anh em chị em, nhưng còn dâng lời cảm tạ Chúa về những gì Chúa ban cho họ.

Thứ hai, sứ đồ Phao-lô có ghi ra mấy lý do mà ông cảm tạ Chúa về các anh em chị em tín hữu trong Hội thánh tại Cô-lô-se.  Ông  thường hay nói đến ba điểm quan trọng trong đời sống người tin Chúa, đó là: Đức tin, Tình yêu và Hy vọng.

Đức tin là hành động cam kết tin cậy vào một đối tượng. Tại đây đức tin đặt vững nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.  Đức tin đặt nơi Chúa Giê-xu coi là cao quý nhất, chính đáng nhất, vì không có đối tượng nào xứng đáng cho ta đặt đức tin hơn là Chúa Cứu Thế Giê-xu.  Như vậy, nếu ta đã tin Chúa Cứu Thế Giê-xu rồi thì càng nên củng cố đức tin của mình và không bao giờ dao động hay đi tìm một thần linh nào khác để tôn thờ.

Điểm thứ hai là Tình yêu.  Tình yêu là quả trái của đức tin, và là bằng cớ của đức tin thật. Đây là loại tình yêu hy sinh, không quan ngại bất cứ điều gì. Loại tình yêu vô điều kiện.  Các tín hữu tại Cô-lô-se đã dùng tình yêu loại này để đối đãi với các người tin Chúa. Đây là loại tình yêu của những anh em chị em trong cùng một gia đình tin kính Chúa và chăm sóc về quyền lợi cho nhau.  Quả trái của đức tin trong Chúa Giê-xu đưa đến loại tình yêu hy sinh, thân tình, và thông công này.  Ta là người tin Chúa, thử hỏi đã có tình yêu như thế để chứng nghiệm đức tin của mình hay chưa?

Điểm thứ ba là Hy vọng. Sứ đồ Phao-lô nói đến hai điểm về hy vọng của anh chị em Cô-lô-se:

Thứ nhất là Hy vọng của họ đặt vào cõi trời cao như một kho báu mà chắc chắn họ sẽ nhận được hay bước vào.

Thứ hai, hy vọng ấy là do họ nghe tin mừng về ân huệ và đức nhân từ của Chúa. Trong bản Kinh thánh cũ đã dùng từ Tin Lành (viết hoa) trong các câu này. Tuy nhiên đây không phải là tôn giáo Tin Lành mà chỉ là tin mừng hay phúc âm cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ai nghe và tin nhận Chúa Giê-xu thì có tình yêu và hy vọng cũng như các tín hữu tại Cô-lô-se ngày xưa vậy.

Chúng ta đọc tiếp câu sáu:

Đạo Tin lành đó ở giữa anh em cũng như ở trong cả thế gian; lại kết quả và tấn bộ cũng như trong anh em, từ ngày mà anh em đã nghe rao truyền ơn Đức Chúa Trời và đã học cho thật biết ơn đó,

Bản Kinh thánh Truyền Thống Hiệu Đính dịch lại câu này như sau

6Tin lành nầy đang kết quả và phát triển trên khắp thế giới cũng như giữa anh em, từ ngày anh em đã nghe và hiểu ân điển thực sự của Đức Chúa Trời.

Sau khi nói về tin mừng là nguồn gốc tạo ra hy vọng cho các tín hữa Cô-lô-se, Phao-lô cho biết tác dụng của tin mừng đó trong thế gian như thế nào.

Ông nêu lên hai điểm: Tin mừng về ơn cứu rỗi của Chúa Giê-xu khi giảng truyền nơi nào cũng gây tác động trong lòng người và phát sinh quả trái cũng như trong lòng các tín hữu tại Cô-lô-se.

Thứ hai, tin mừng về ơn  cứu rỗi của Chúa đưa đến hiểu biết về ân sủng của Chúa một cách đầy đủ và chân xác.

Trong nguyên văn, câu sáu cần dịch lại như sau: Tin mừng đã đến với anh em và trên thế giới bất cứ nơi nào tin mừng này được giới thiệu thì phát sinh quả trái và tiến bộ như quả trái và tiến bộ nơi anh chị em kể từ ngày anh chị em nghe tin mừng và am hiểu rất đầy đủ và chân chính về ơn cứu rỗi của Chúa.

Tại đây ta học được một vài đặc tính của Tin mừng hay tin lành về ơn Cứu Rỗi của Chúa Giê-xu:

Tin mừng khi được truyền rao và tiếp nhận sẽ làm cho con người có niềm tin nơi Chúa,  phát sinh ra tình thương đối với người khác và hiểu biết Chúa một cách chân xác và đầy đủ.  Đây là một điều mà các tôn giáo khác không thể có được.

Chính vì lý do này mà tín đồ Tin Lành luôn luôn chú trọng vào việc truyền giảng Tin Lành. Không phải để chiêu mộ người vào đạo, nhưng chỉ muốn giới thiệu người vào một niềm tin chân chính, một tình thương nhân loại và hy vọng về cõi vinh quang vĩnh hằng.

Không có những quả trái này dù có theo đạo bao lâu cũng không đáng kể.

Nguyễn Sinh

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN