Nếu bạn cho rằng Kinh Thánh thật buồn tẻ và nhàm chán, tôi khuyên bạn nên đọc câu chuyện “vượt ngục” của Phi-e-rơ. Câu chuyện chứa nhiều yếu tố phiêu lưu, chiến tranh, lãng mạn, hài kịch – tất cả đều được gói gọn trong Lời Chúa. Chúa sử dụng câu chuyện của con người để thể hiện sự hiện hữu và vinh quang Ngài. Hôm nay chúng ta sẽ đồng hành và tìm hiểu về cuộc đào thoát của Phi-e-rơ.
Phi-e-rơ kinh nghiệm Chúa Jêsus
Câu chuyện Phi-e-rơ vượt ngục xảy ra sau khi Chúa Jêsus thăng thiên, trong Công Vụ Các Sứ Đồ 12. Thời gian Phi-e-rơ ở với Chúa Jêsus trước khi Ngài thăng thiên đã giúp ông trưởng thành, tin cậy nơi quyền năng và công việc Chúa Jêsus. Phi-e-rơ đã:
– Thấy Chúa Jêsus làm phép lạ đánh cá
– Đi theo Chúa Jêsus ngay lập tức
– Trở thành một trong 12 sứ đồ và người gần gũi với Chúa Jêsus
– Đi trên mặt nước với Chúa Jêsus
– Có mặt ở nơi Chúa Jêsus hóa hình
– Được Chúa Jêsus rửa chân cho
– Cầu nguyện cùng với Chúa Jêsus trong Vườn Ghết-sê-ma-nê
– Chối Chúa Jêsus 3 lần trước khi Ngài chịu khổ nạn
– Công bố Danh Chúa Jêsus ba lần sau khi Ngài phục sinh
– …
Những trải nghiệm này đã gây dựng lòng tin sâu sắc vào Đấng Cứu Rỗi của Phi-e-rơ. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 12, chúng ta không hề ngạc nhiên khi Phi-e-rơ thấy công việc kỳ diệu Chúa làm, và trở thành chứng nhân cho Chúa khi ông thoát chốn ngục tù.
Mở đầu chương này, vua Hê-rốt giết Gia-cơ, anh của Giăng, và bắt Phi-e-rơ trong ngày ăn bánh không men, vừa là Lễ Vượt Qua. Đây cũng là thời điểm Chúa Jêsus gặp các môn đồ ở phòng cao, trước khi Ngài bị đóng đinh. Vì đúng dịp Lễ Vượt Qua, nên Hê-rốt sẽ xét xử Phi-e-rơ sau Lễ. Có đến 4 người lính canh gác ông. Phi-e-rơ hoàn toàn bị lấn át về số lượng.
Sức mạnh của lời cầu nguyện
Câu 5 cho thấy tầm quan trọng và sức mạnh của lời cầu nguyện. Công Vụ Các Sứ Đồ 12:5 chép: “Vậy, Phi-e-rơ bị cầm trong khám, còn Hội thánh cứ cầu nguyện Đức Chúa Trời cho người luôn”. Nỗi đau và tuyệt vọng vì mất Gia-cơ không thể ngăn cản họ cầu thay cho Phi-e-rơ.
Công Vụ Các Sứ Đồ 12:6-7 cho biết: “Vả, đêm rạng ngày mà Hê-rốt định bắt Phi-e-rơ ra hầu, người đang mang hai xiềng, ngủ giữa hai tên lính, và trước cửa có quân canh giữ ngục. Thình lình, một thiên sứ của Chúa đến, và có ánh sáng soi trong ngục tối. Thiên sứ đập vào sườn Phi-e-rơ, đánh thức người, mà rằng: Hãy mau chờ dậy. Xiềng bèn rớt ra khỏi tay người”.
Phi-e-rơ đang ở trong tù, bị canh gác và lấn át về lực lượng. Ông bị xiềng xích, có nhiều lính canh bên cạnh và cả nơi cửa ngục. Bỗng nhiên, một Thiên Sứ của Chúa xuất hiện trong phòng giam, đánh thức Phi-e-rơ, hướng dẫn và giải thoát ông khỏi xiềng xích. Chúa đã nghe lời cầu nguyện của Hội Thánh và giải thoát cho Phi-e-rơ.
Sau đó, Thiên Sứ bảo Phi-e-rơ mặc quần áo và đi dép vào. Thiên Sứ muốn Phi-e-rơ được tôn trọng và ăn mặc chỉn chu trước khi giải thoát. Phi-e-rơ nghĩ rằng đây là một khải tượng chứ không phải sự thật (Câu 9).
Sự tự do trong Đấng Christ
Thật tuyệt vời khi đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 12:10: “Khi qua khỏi vọng canh thứ nhứt, rồi vọng thứ nhì, thì đến nơi cửa sắt, là cửa thông vào thành; cửa đó tự mở ra trước mặt hai người, rồi hai người vượt ra khỏi, đi lên đàng cái, tức thì thiên sứ lìa Phi-e-rơ”.
Thiên Sứ cùng đi với Phi-e-rơ ngay trước mặt hai lính canh, và Chúa đã mở cánh cửa sắt. Họ bước qua cánh cửa để được tự do. Cũng như chúng ta từng bị nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Chúa đã tạo ra một con đường thông qua Chúa Jêsus, để đưa chúng ta đến với Ngài. Khi đến gần cánh cửa sắt, liệu Phi-e-rơ có nhớ đến lời Chúa Jêsus trong Giăng 10:9: “Ta là cái cửa: Nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ”?
Chúng ta không thể tự tìm ra lối thoát khỏi tội lỗi. Hy vọng duy nhất của chúng ta là Chúa Jêsus hy sinh trên thập tự giá. Ngài là cánh cửa, và khi tin Ngài, chúng ta có thể bước vào vương quốc Đức Chúa Trời.
Tin cậy nơi Đức Chúa Trời vĩ đại
Phi-e-rơ nhận ra rằng chính Chúa đã đưa ông ra khỏi nhà tù (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:11). Ông đến nhà Ma-ri, mẹ của Mác, tại đó nhiều người đang cầu nguyện cho ông. Một người nữ tên Rô-đơ sửng sốt khi nghe tiếng ông trước cửa.
Công Vụ Các Sứ Đồ 12:14-15 kể lại: “Người gõ cửa nhà ngoài, một con đòi tên là Rô-đơ đến nghe, nhận biết tiếng Phi-e-rơ nên mừng rỡ lắm, đến nỗi chẳng mở cửa, nhưng trở chạy vào báo tin rằng Phi-e-rơ đương đứng trước cửa. Người ta nói rằng: Mầy sảng. Song nàng quyết là quả thật. Họ bèn nói: Ấy là thiên sứ của người”.
Điều hài hước là mọi người đang cầu nguyện cho Phi-e-rơ, nhưng khi Chúa thật sự làm phép lạ thì họ lại không tin. Chúng ta cũng thường cầu nguyện nhiệt thành nhưng lại không hy vọng. Dù biết Chúa có thể đáp lời một cách quyền năng, nhưng chúng ta thường sợ rằng Ngài sẽ nói “không” hoặc yêu cầu chúng ta tiếp tục chờ đợi.
Mặc cho mọi người không tin Rô-đơ, Phi-e-rơ vẫn tiếp tục gõ cửa. Cuối cùng họ mở cửa và kinh ngạc khi thấy ông. “Nhưng người lấy tay ra dấu biểu chúng làm thinh, rồi thuật lại cho biết Chúa đã dùng cách nào cứu mình khỏi ngục; đoạn, người lại dặn rằng: Hãy cho Gia-cơ và anh em biết điều nầy. Rồi đó, người bước ra sang nơi khác” (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:16-18).
Khi đứng về phía kẻ ác
Công Vụ Các Sứ Đồ 12:19 cho biết: “Vua Hê-rốt sai tìm người, nhưng tìm chẳng được, bèn tra hỏi bọn lính, rồi truyền lịnh dẫn chúng nó đi giết”.
Chúng ta đau lòng khi nghĩ đến việc Hê-rốt độc ác đã xử tử các lính canh. Đây là lời nhắc nhở để chúng ta nhìn lại: mình đang đi theo ai. Chúng ta đang theo kẻ thù dẫn đến cái chết, hay theo Chúa Cứu Thế Jêsus dẫn đến sự sống? Cuộc sống trần thế không có gì đảm bảo, nhưng cuộc sống vĩnh hằng thì có. Những lính canh này phục vụ một kẻ ác đang công kích dân Chúa. Lẽ ra họ không nên đi theo con đường đó, và rốt cuộc, Hê-rốt đã giết họ.
Điều này dạy chúng ta suy nghĩ về hành động của mình. Ngay cả khi chúng ta không tiên phong chống Chúa, nhưng chỉ cần đứng sau ủng hộ thì trách nhiệm phải chịu là như nhau.
Cuộc đào thoát kỳ diệu
Phi-e-rơ đào thoát một cách vẻ vang vì đức tin của ông, quyền năng của lời cầu thay và sự giúp đỡ của Thiên Sứ. Câu chuyện của ông nhắc nhở về sự tự do chúng ta có thể trải nghiệm nơi Chúa Jêsus trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta có thể tin cậy tuyệt đối vào quyền tể trị của Ngài. Không phải lúc nào Ngài cũng giải thoát chúng ta khỏi những tai ương trong thế gian, nhưng Ngài là Đấng tốt lành đang kiểm soát và lên kế hoạch cho vương quốc Ngài. Cầu mong câu chuyện Phi-e-rơ thoát khỏi ngục tù sẽ khích lệ bạn: không còn bị xiềng xích bởi tội lỗi nữa, chúng ta được giải thoát nhờ Cứu Chúa Jêsus Christ.
Bài: Emma Danzey; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/bible-study/how-peters-prison-escape-shows-us-the-power-of-prayer.html)