Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhChúng Ta Có Nên Làm Phim Về Cuộc Đời Chúa Jêsus?

Chúng Ta Có Nên Làm Phim Về Cuộc Đời Chúa Jêsus?

Một thính giả không đồng tình với các bộ phim truyền hình về cuộc đời Đấng Christ. Khi đọc Châm ngôn 30:6 và Khải huyền 22:18, cô tự hỏi liệu những bộ phim truyền hình này có “thêm bớt hay thay đổi Kinh Thánh” không, có phải là tà giáo hay không?

Trong suốt 25 năm qua, vào mỗi mùa Giáng Sinh, tôi luôn sáng tác và đọc cho các tín hữu nghe “bài thơ Mùa Vọng”, mỗi sáng Chúa Nhật là một bài khác nhau. Mỗi bài thơ dựng nên một câu chuyện xoay quanh một nhân vật hoặc tình huống trong Kinh Thánh. Tôi sáng tạo ra những con người, những cuộc đối thoại và hoàn cảnh không có trong Kinh Thánh, nhằm mục đích bày tỏ, xác nhận và củng cố những sự thật trong Kinh Thánh.

Vì vậy, câu hỏi này không quá xa lạ với tôi. Liệu việc tôi làm có phải là tội? Tôi có sai không khi kể câu chuyện của Chúa theo cách thơ mộng và giàu trí tưởng tượng?

Biện pháp chống bóp méo

Có một số biện pháp tôi áp dụng để tránh bóp méo, thay đổi hoặc làm giảm uy quyền Thánh Kinh. Sau đó, tôi sẽ giải thích lý do những hình ảnh minh họa giàu trí tưởng tượng nhằm  mô tả lẽ thật Kinh Thánh không chỉ phù hợp, mà thậm chí còn được chính Kinh Thánh khuyến khích.

Không thêm bớt Kinh Thánh

Đầu tiên, tôi có vi phạm Châm ngôn 30:6 hoặc Khải huyền 22:18, rằng chúng ta không nên thêm vào Lời Chúa hoặc các lời tiên tri trong Kinh Thánh không? Không, tôi không có tội. Vì Kinh Thánh chỉ ngăn cấm chúng ta thêm bớt Lời Chúa, chứ không lên án việc giải thích, làm rõ, minh họa và trình bày về Kinh Thánh, chỉ cần chúng ta không khẳng định thẩm quyền Kinh Thánh trên những câu chuyện đó. 

Châm ngôn 30:6 và Khải huyền 22:18 lên án việc cố ý sử dụng từ ngữ, hình ảnh hoặc cách diễn đạt khác và cho rằng điều đó ngang hàng với Kinh Thánh. Ví dụ, Giáo hội Công giáo La mã đã phạm tội này khi nâng các tuyên bố của giáo hoàng lên ngang hàng với thẩm quyền không thể sai lầm của Kinh thánh. Đây là biện pháp an toàn đầu tiên của tôi.

Nói rõ đó chỉ là tưởng tượng   

Thứ hai, tôi nói rõ những bài thơ này không phải là Kinh Thánh, không được Thánh Linh soi dẫn, và vẫn có thể mắc sai lầm. Đó là những hình ảnh minh họa, giải thích và trình bày chân lý giàu trí tưởng tượng dựa trên những gì tôi học được trong Kinh Thánh.

Tôi làm rõ điều này không chỉ khi đọc thơ mà còn là khi giảng luận. Lời tôi rao giảng không phải là Kinh Thánh; đó là lời dựa trên Kinh Thánh. Bài giảng của tôi sử dụng những ngôn ngữ không có trong Kinh Thánh – lời giảng nào cũng vậy. Lời giảng có năng quyền khi phản ánh trung thực những lẽ thật Kinh Thánh. Vì vậy, hãy làm rõ rằng bài thơ hoặc vở kịch của bạn là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Phù hợp với Kinh Thánh

Thứ ba, tôi không bao giờ sáng tạo ra bất kỳ cuộc đối thoại, hoặc nhân vật, hoặc tình huống không thể xảy ra theo lời Kinh Thánh. Nói cách khác, mặc dù đã tạo ra những câu chuyện không có trong Kinh Thánh, nhưng tôi không bịa ra những thứ mâu thuẫn với câu chuyện Kinh Thánh. Mọi việc phải khả thi và hợp lý theo lời sẵn có trong Kinh Thánh. Không được tạo ra những câu chuyện khiến người ta ngờ vực về Lời Chúa. 

Tập trung vào Kinh Thánh

Thứ tư, tôi cố gắng dồn hết sự chú ý và cảm xúc vào lẽ thật trong chính Kinh Thánh. Và thứ năm, tôi không bao giờ thay thế việc giảng luận bằng những bài thơ giàu trí tưởng tượng.

Chúa đã phán bảo rõ ràng rằng việc rao giảng Lời không thể sai lầm của Ngài là trọng tâm trong đời sống Hội Thánh, và là phương tiện chính để Lời Chúa không bị bóp méo. Dù có nhiều hình thức truyền đạt khác, việc rao giảng Lời Chúa vẫn đứng vững, chiếm ưu thế và là công việc thiết yếu. Trong suốt 33 năm, tôi chưa bao giờ lẫn lộn bài giảng của mình với bất kỳ loại phương tiện hình ảnh nào. Tôi cho rằng đó là một thói quen xấu trong việc rao giảng, và thường là do không tin rằng chỉ riêng lời giảng thôi cũng đủ để thực hiện công việc tuyệt vời.

Được Kinh Thánh bảo đảm

Đó là những biện pháp tôi đặt ra để tránh làm giảm năng quyền, bóp méo hoặc thay đổi Kinh thánh, nhưng điều quan trọng hơn là: những câu chuyện sáng tạo về Kinh Thánh phải được chính Kinh Thánh đảm bảo.

Tất nhiên, trong thời Kinh Thánh, phim ảnh vẫn chưa xuất hiện, vì vậy Lời Chúa không nói trực tiếp về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy các hướng dẫn liên quan ở mọi nơi trong Kinh Thánh.

Ngôn từ giàu trí tưởng tượng 

Đầu tiên, bản thân Kinh Thánh sử dụng ngôn ngữ giàu trí tưởng tượng để tạo ra những bức tranh sống động trong tâm trí chúng ta. Điều đó làm sáng tỏ thực tế bởi bản thân nó không phải là thực tế. Chúng ta gọi đó là những ẩn dụ, mô phỏng, hình bóng, hoặc dụ ngôn. Ví dụ, Giu-đe 12–13 mô tả về các giáo sư giả và kẻ gây rối trong Hội Thánh:

“Những kẻ đó là dấu vít trong đám tiệc anh em, như người chăn chiên chỉ tưởng nuôi mình cho no nê, không lo sợ gì; như đám mây không nước, theo gió đưa đi đây đi đó, như cây tàn mùa thu, không có trái, hai lần chết, trốc lên bựt rễ; như sóng cuồng dưới biển, sôi bọt ô uế của mình; như sao đi lạc, sự tối tăm mù mịt đã dành cho chúng nó đời đời!”

Thật ngạc nhiên! Giu-đe đang nói về những người xấu phá hoại Hội Thánh, nhưng ông lại tạo ra bức tranh sống động trong tâm trí chúng ta với những từ ngữ như “đám mây không nước”, “cây tàn mùa thu”, “sóng cuồng dưới biển”, “sao đi lạc”. Nói cách khác, Giu-đe cố gắng làm rõ một sự thật bằng cách so sánh với một hình ảnh rất khác.

Chúa Jêsus cũng làm điều qua các dụ ngôn. “Nước thiên đàng giống như…”: hạt cải, men, kho báu, người lái buôn, một tay lưới, chủ nhà, vân vân. Hoặc hãy xem tiên tri Xa-cha-ri. Ông nhìn thấy một sự thật, và truyền đạt cho chúng ta bằng cách mô tả: “một người cầm dây đo trong tay” (Xa-cha-ri 2:1–5), “một cái chân đèn bằng vàng cả” (Xa-cha-ri 4:1–3), “một cuốn sách bay” (Xa-cha-ri 5:1–4), “một người đàn bà ngồi giữa ê-pha” (Xa-cha-ri 5:5–11).

Và còn vô số trường hợp khác trong Kinh Thánh. Bản chất ngôn ngữ là khác biệt với thực tế nó hướng tới. Từ ngữ “tình yêu” không giống như tình yêu thực tế. Từ “Chúa” không giống với chính Chúa. Từ “cứu rỗi” không giống với sự cứu rỗi thực tế. Một khi bạn hiểu rằng mọi ngôn từ đều hướng đến thực tế, rằng mục đích của mọi diễn giả, nhà thơ, giáo viên, phụ huynh là giúp mọi người nhìn thấy và tận hưởng sự thật, thì bạn sẽ nhận ra toàn bộ tiềm năng tuyệt vời, đa dạng của ngôn từ.

Hành động giàu trí tưởng tượng 

Không chỉ ngôn từ, Kinh Thánh còn có những hành động giàu trí tưởng tượng – những “bộ phim hành động” để phản ánh thực tế. Chúa phán bảo Giê-rê-mi “làm lấy xiềng và ách cho mình, rồi để trên cổ” để lột cả cái ách mà Nê-bu-cát-nết-sa đè nặng trên dân sự (Giê-rê-mi 27:1–22). Chúa phán bảo Ê-xê-chi-ên nằm nghiêng bên tả trong 390 ngày để lột tả những năm tháng Y-sơ-ra-ên bị trừng phạt (Ê-xê-chi-ên 4:4–8). Trường hợp của Ê-sai còn kịch tính hơn. Đức Chúa Trời phán: “Như đầy tớ ta là Ê-sai đã đi trần và chân không trong ba năm, làm dấu và điềm chỉ về Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi” (Ê-sai 20:3).

Theo đuổi hiện thực 

Kết luận của tôi là: nếu dừng lại và suy ngẫm tại sao chính Kinh Thánh lại sử dụng nhiều phương tiện giàu trí tưởng tượng để giải thích, minh họa và đại diện cho thực tế, thì chúng ta sẽ thấy rằng chính Kinh Thánh:

  • Cung cấp các ví dụ về kịch, thơ, ngôn từ nhằm làm sáng tỏ và nhấn mạnh sự thật
  • Khuyến khích chúng ta sử dụng ngôn từ theo cách này
  • Nhắc nhở chúng ta để không làm sai lệch, thay đổi hoặc làm giảm thẩm quyền Kinh Thánh.

Bài: John Piper; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/interviews/should-we-dramatize-jesuss-life-for-television)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN