CHƯƠNG III CẤP CƠ SỞ

0
4765

ĐIỀU 12: QUYỀN CÔNG NHẬN HỘI THÁNH CƠ SỞ VÀ ĐIỂM NHÓM
– Quyền công nhận Hội thánh cơ sở thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) do Ban Trị sự Tổng hội quyết định.
– Ban Trị sự Tổng hội quyết định công nhận Điểm nhóm, hoặc ủy quyền cho Hội thánh cơ sở quyết định.

ĐIỀU 13: PHÂN HẠNG HỘI THÁNH CƠ SỞ
1. Hội thánh tự lập: Là Hội thánh có khả năng đáp ứng cơ sở vật chất cho Hội thánh, và chỗ ở cho quản nhiệm; có Ban Chấp sự được bầu cử theo Hội đồng của Hội thánh, đủ khả năng chủ động về tài chính.
2. Hội thánh chưa tự lập: Là Hội thánh chưa đủ khả năng về tài chính, cơ sở vật chất.
ĐIỀU 14: NHIỆM VỤ CỦA HỘI THÁNH CƠ SỞ
– Hội thánh vâng theo sứ mạng rao giảng Tin lành và môn đồ hoá của Đức Chúa Giê-xu Christ, tuân thủ Hiến chương của Giáo hội, nghị quyết của Ban Trị sự Tổng hội, và biểu quyết của Hội đồng Hội thánh.
– Gây dựng ngân quỹ cho hoạt động của Hội thánh mình, và dâng hiến ít nhất 1/10 tài chính vào ngân quỹ của Tổng hội.

ĐIỀU 15: QUYỀN HẠN CỦA HỘI THÁNH CƠ SỞ VÀ ĐIỂM NHÓM.
1. Hội thánh tự lập
– Hội thánh thực hiện công việc dưới quyền lãnh đạo của Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm, Ban Chấp sự Hội thánh và Ban Trị sự Tổng hội; chủ động về tài chính, được quyền lưu hoặc mời Quản nhiệm, phó Quản nhiệm, hoặc phụ tá Quản nhiệm, với sự đồng thuận của Ban Trị sự Tổng hội.
– Trường hợp Hội thánh tự lập không tổ chức Hội đồng lưu, mời Quản nhiệm theo nhiệm kỳ. Sau ba (03) tháng kể từ thời gian hết nhiệm kỳ, Ban Trị sự Tổng hội sẽ trực tiếp sắp xếp và bổ nhiệm. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho Hội thánh khuyết Quản nhiệm.
2. Hội thánh chưa tự lập
– Quản nhiệm cùng Ban Chấp sự điều hành công việc của Hội thánh dưới sự lãnh đạo của Ban Trị sự Tổng Hội.
– Hội thánh chưa tự lập nhận sự phân công, bổ nhiệm Quản nhiệm từ Ban Trị sự Tổng hội.
3. Điểm nhóm
Trưởng nhiệm do tín hữu bầu được sự chấp thuận của Ban Trị sự Tổng hội, hoặc do Ban Trị sự Tổng hội phân công.

ĐIỀU 16: TÍN HỮU
– Tín hữu là người tin nhận Đức Chúa Giê-xu Christ, thực hành tín lý và tuân thủ tổ chức của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), theo quy định của Hiến chương, bao gồm tín hữu đã chịu Báp-têm và tín hữu chưa chịu Báp-têm.
– Tín hữu chuyển và nhập Hội thánh: Tín hữu muốn chuyển đi, hoặc nhập vào Hội thánh đều phải có giấy giới thiệu, và phải được Hội thánh mới chấp thuận.
– Trường hợp tín hữu vắng sinh hoạt tại Hội thánh sáu (06) tháng liên tục không có lý do thì không còn là tín hữu chính thức (không được quyền bầu cử).

ĐIỀU 17: BAN CHẤP SỰ HỘI THÁNH
– Chấp sự là một thánh chức, được Hội đồng của Hội thánh bầu cử bằng phiếu kín.
– Chấp sự phải là tín hữu chính thức trên 20 tuổi, đã chịu Báp-têm ít nhất từ ba (03) năm, thường xuyên sinh hoạt trong Hội thánh ít nhất là một (01) năm. Sốt sắng hầu việc Chúa, có đủ phẩm chất như Kinh thánh dạy, trung tín dâng hiến tài lực cho Hội thánh, và có đủ tư cách công dân.
– Số lượng Chấp sự tuỳ theo quy mô của Hội thánh, nhưng Ban Chấp sự có ít nhất năm (05) người trong đó có Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm. Nhiệm kỳ của Ban Chấp sự là bốn (04) năm.

ĐIỀU 18: THÀNH PHẦN BAN CHẤP SỰ HỘI THÁNH
Ban Chấp sự gồm: Thư ký, Thủ quỹ, và các uỷ viên. Trường hợp cần thiết, Ban Chấp sự có thể cử thêm Phó Thư ký và Phó Thủ quỹ.
– Thường trực Ban Chấp sự phải là số lẻ, trong đó phải có chức danh Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm, Thư ký, Thủ quỹ.
– Chức danh Thư ký và Thủ quỹ do Ban Chấp sự bầu cử bằng phiếu kín duới quyền chủ tọa của Quản nhiệm.
– Thành viên Thường trực Ban Chấp sự phải có khả năng phù hợp với nhiệm vụ được giao.

ĐIỀU 19: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN CHẤP SỰ
– Nhiệm vụ Ban Chấp sự là hiệp với Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm hoạch định đường lối phát triển Hội thánh, điều hành công việc trong Hội thánh và chịu trách nhiệm trước Hội đồng của Hội thánh và Ban Trị sự Tổng hội.
– Ban Chấp sự có quyền miễn nhiệm thành viên Ban Chấp sự khi có 2/3 Chấp sự chấp thuận.
– Thường trực Ban Chấp sự đại diện cho Ban Chấp sự giải quyết những công việc thường xuyên của Hội thánh giữa hai kỳ họp của Ban Chấp sự.

ĐIỀU 20: QUYỀN TRIỆU TẬP VÀ CHỦ TỌA CUỘC HỌP BAN CHẤP SỰ
– Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm có quyền triệu tập và chủ toạ cuộc họp Ban Chấp sự.
– Trong trường hợp cần thiết khi có 2/3 Chấp sự yêu cầu họp, thì Quản nhiệm phải triệu tập và chủ toạ cuộc họp Ban Chấp sự.
– Trường hợp khuyết Quản nhiệm thì Phó Quản nhiệm có quyền triệu tập và chủ toạ cuộc họp Ban Chấp sự.
– Trường hợp khuyết Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm thì Thư ký có quyền triệu tập và chủ tọa cuộc họp Ban Chấp sự.
– Ban Chấp sự họp định kỳ ít nhất 3 tháng 1 lần, hoặc khi cần thiết.

ĐIỀU 21: CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA QUẢN NHIỆM,
1. Quản nhiệm
Vai trò: Là người đại diện cho Hội thánh trước Tổng hội và xã hội.
Chức năng: Hiệp với Ban Chấp sự hoạch định đường lối phát triển Hội thánh theo Kinh thánh, thực hiện theo Hiến chương, Nội quy, Giáo luật, Kỷ luật của Giáo hội. Thi hành các nghị quyết của Ban Trị sự Tổng hội.
Trách nhiệm: là người chịu trách nhiệm chính trước Hội đồng Hội thánh và Ban Trị sự Tổng hội.
2. Phó Quản nhiệm
Hiệp với Quản nhiệm và Ban Chấp sự điều hành Hội thánh, thực hiện những công việc được giao. Điều hành công việc Hội thánh khi được Quản nhiệm ủy quyền.
3. Phụ tá Quản nhiệm
Là người trợ lý cho Quản nhiệm, và thi hành các công việc do Quản nhiệm giao.

ĐIỀU 22: HỘI ĐỒNG CỦA HỘI THÁNH
– Hội đồng của Hội thánh do Quản nhiệm triệu tập và chủ toạ, được tổ chức bốn (04) năm một lần vào quý I trong năm, và được thông báo trước Hội thánh ít nhất 2 tuần lễ. Kết quả bầu cử Ban Chấp sự cần báo cáo về Tổng hội bằng văn bản chậm nhất sau mười lăm (15) ngày.
– Trường hợp Quản nhiệm không tổ chức Hội đồng thì Ban Chấp sự gửi đơn trình Ban Trị sự Tổng Hội đề xuất tổ chức Hội Đồng.

ĐIỀU 23: HỘI ĐỒNG BẤT THƯỜNG CỦA HỘI THÁNH
Hội Đồng bất thường của Hội thánh do Quản nhiệm triệu tập và chủ toạ, được tổ chức khi có việc bất thường, quan trọng và cấp bách mà Ban Chấp sự không thể giải quyết được, và phải được thông báo trước Hội thánh một (01) tuần lễ.

ĐIỀU 24: HỘI ĐỒNG LƯU VÀ MỜI QUẢN NHIỆM
– Chỉ Hội thánh tự lập mới có quyền lưu hoặc mời Quản nhiệm.
– Hội đồng lưu và mời Quản nhiệm do Ban Trị sự Tổng hội cử đại diện triệu tập và chủ toạ, được tổ chức sau một nhiệm kỳ của Quản nhiệm, nhằm trưng cầu ý kiến của tín hữu về việc lưu Quản nhiệm hoặc mời Quản nhiệm mới, và phải thông báo trước Hội thánh một (01) tháng.
– Nhiệm kỳ của Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm là bốn năm.
– Nhiệm kỳ Phụ tá theo nhiệm kỳ của Quản nhiệm.

ĐIỀU 25: HỘI ĐỒNG BỒI LINH CỦA HỘI THÁNH CƠ SỞ, ĐIỂM NHÓM
Hội đồng Bồi linh của Hội thánh cơ sở nên tổ chức định kỳ mỗi năm một lần do Quản nhiệm triệu tập và chủ toạ, nhằm bồi linh cho Hội thánh cơ sở và Điểm nhóm trực thuộc Hội thánh cơ sở.

ĐIỀU 26: TRƯỜNG HỢP HỘI THÁNH KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG
Trường hợp Hội thánh không tổ chức các Hội đồng hoặc tổ chức không đúng theo Hiến chương, Ban Trị sự Tổng hội có quyền tìm hiểu lý do để kịp thời can thiệp và giúp đỡ Hội thánh tổ chức các Hội đồng đúng với Hiến chương, Nội quy, Giáo luật, Kỷ luật.