“Ngài bện một cái roi bằng dây, bèn đuổi hết thảy khỏi đền thờ” (Giăng 2:15).
Chúa Jêsus – Đấng hiền lành, dịu dàng và ôn hòa – nay đã vung roi. Giăng viết rằng đó là “một cái roi bằng dây”. Chúng ta không biết chiếc roi ấy có vung trúng con người hay con vật nào không. Chúng ta sợ rằng Ngài đã đánh ai đó rướm máu. Ngài đến Giê-ru-sa-lem để tuôn huyết chính mình, chứ không phải để làm người khác đổ máu. Dù thế nào, chúng ta biết rằng đòn roi đã phát huy hiệu quả. Ngài “đuổi tất cả họ ra khỏi đền thờ”.
Đây là một sự kiện khác thường, nhưng không phải là duy nhất – Ngài lại làm điều tương tự vào đầu Tuần Thương Khó (Ma-thi-ơ 21:12–13). Chúa Jêsus không dùng roi thường xuyên. Ngài không mang theo roi hay vũ khí trên thắt lưng. Nhưng Ngài cũng không ngại thỉnh thoảng bện một chiếc roi. Vì vậy, chúng ta không dám hạ thấp Đấng Thần Nhân xuống thành một người quá dễ dãi – không thể làm gì ngoài việc tỏ ra tử tế và hòa thuận.
Ngài rất dịu dàng. Trong các sách Phúc Âm, lòng thương xót là một đức tính chỉ có ở Đấng Christ, không có nơi bất kỳ ai khác. Ngài đã dịu dàng chữa lành bệnh phong (Lu-ca 17:13–14), giúp cho người mù nhìn thấy (Lu-ca 18:38–42), giúp đỡ một góa phụ đau buồn (Lu-ca 7:13) và người cha đau khổ có con trai bị quỷ ám (Mác 9:22). Ngài động lòng thương xót với đám đông (Mác 6:34). Dù là Đức Chúa Trời bằng xương bằng thịt, không phạm bất cứ tội lỗi nào, đời sống Ngài không bị chi phối bởi sự phẫn nộ chính đáng, mà được tỏa sáng bởi niềm vui. Mọi người biết đến Ngài vì lòng thương xót Ngài.
Tuy nhiên, đức tính dịu dàng tuyệt vời của Ngài không lấn át năng quyền thánh khiết và bản tính cứng rắn. Nếu Ngài thiếu mất sự mạnh dạn, thì chúng ta sẽ không thấy quý trọng khi được biết tấm lòng Ngài.
Lời nói đanh thép của Ngài
Bản tính dịu dàng mà chúng ta yêu mến và rất cần nơi Chúa càng nổi bật hơn khi Ngài có thái độ cứng rắn trước tội lỗi. Lòng thương xót Ngài dành cho những người đau khổ sẽ bị hạ thấp nếu không được chắp cánh bởi sự phẫn nộ chính đáng. Ngài dứt khoát không thương xót những vị vua độc ác, các thầy tế lễ lừa bịp và những người Pha-ri-si tự cho rằng mình công bình – điều đó khiến cho lòng dịu dàng Chúa càng quý giá hơn khi Chúa hướng về bầy chiên tin kính.
“Đôi khi chúng ta lại cần khía cạnh cứng rắn từ Chúa hơn hết” – Mục sư John Piper viết.
Tình yêu Chúa Jêsus được thể hiện một cách cứng rắn, thẳng thừng và khốc liệt sẽ khiến nhiều người tổn thương. Những người đánh đồng tình yêu thương với lời nói dịu dàng và hành động mềm mại sẽ cảm thấy bị xúc phạm bởi ngôn ngữ nhức nhối và gần như bạo lực của Chúa Jêsus.
Trong Chúa Jêsus, đôi khi lòng thương xót sẽ thể hiện qua đòn roi, qua những lời lẽ mạnh mẽ để động chạm đến những con người tội lỗi. Chúng ta nhớ mãi lời Chúa Jêsus bảy lần tuyên bố sự khốn cùng của người Pha-ri-si (Ma-thi-ơ 23:1–36). Ngài nói họ “giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp” (Ma-thi-ơ 23:27), “giống như mả loạn” (Lu-ca 11:44). Chúa Jêsus thấy rằng Ngài đang ở giữa một “dòng dõi chẳng tin” (Mác 9:19), “dòng dõi hung ác gian dâm” (Ma-thi-ơ 16:4), và Ngài không ngại nói ra điều đó. Ngài cho rằng mọi người đều sa ngã, thậm chí xấu xa, và Ngài nói thẳng ra điều đó (Ma-thi-ơ 7:11).
Ngài cũng tuyên bố với kẻ chống đối, cho chúng biết nơi chúng thật sự thuộc về: “Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra” (Giăng 8:44).
Lời khó nghe với bạn hữu
Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn “cách yêu thương cứng rắn, thẳng thừng, khốc liệt của Chúa Jêsus” là chỉ dành riêng cho kẻ thù Ngài. Ngay cả Phi-e-rơ, môn đồ thân cận cũng bị đả kích bằng lời Ngài nói – và đó là ân điển dành cho ông.
Thật kinh hoàng cho Phi-e-rơ, khi ông đem Ngài riêng ra, can ngăn không cho Ngài vâng lời để chịu chết (Ma-thi-ơ 16:22). Nhưng Chúa Jêsus đã cứu chính Ngài và Phi-e-rơ khỏi sự cám dỗ quá mạnh mẽ, với lời lẽ đanh thép: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta!” (Ma-thi-ơ 16:23). Nhìn lại, Phi-e-rơ sẽ thấy đó là tình yêu thương. Tất cả môn đồ Ngài đều có những thời điểm giống như Phi-e-rơ, chúng ta cần được đánh thức trước những đe dọa trong cuộc sống này.
Trong Giăng 6, ngôn từ đả kích của Chúa Jêsus khiến đám đông quay lưng – không phải kẻ thù, mà là những người đã đi theo Ngài đến tận bây giờ. Chúa Jêsus không thân thiện với những người tìm kiếm Ngài. “Các ngươi tìm ta chẳng phải vì đã thấy mấy phép lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh và được no” (Giăng 6:26). Ngài thách thức tính xác thịt của “đức tin” bằng ngôn từ mạnh mẽ, để xua đuổi những người không thật sự đầu phục.
“Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại” (Giăng 6:53–54).
Ngay cả các môn đồ cũng phải thú nhận: “Lời nầy thật khó; ai nghe được?” (Giăng 6:60). Và ngay cả như vậy, Ngài cũng không hề hạ giọng khi nói về một môn đồ khác, không phải Phi-e-rơ: “Mà một người trong các ngươi là quỉ!” (Giăng 6:70).
Những lời khó nghe với gia đình
Hòa bình chân chính, sâu sắc và lâu dài là mục tiêu của Chúa Jêsus, và Ngài biết lời nói cứng rắn rất quan trọng để đạt được mục tiêu này. Khi sa-tan và tội lỗi đã bén rễ, chúng ta không nên giả vờ tỏ ra bình an.
Đầu tiên, Chúa Jêsus đến với tư cách Lẽ Thật trong một thế giới dối trá và chia rẽ. “Ta đã đến quăng lửa xuống đất; nếu cháy lên rồi, ta còn ước ao chi nữa! … Các ngươi tưởng ta đến đem sự bình an cho thế gian sao? Ta nói cùng các ngươi, không, nhưng thà đem sự phân rẽ” (Lu-ca 12:49,51). Ngay cả những ràng buộc cơ bản nhất của chúng ta, ngay cả những ràng buộc thân thiết nhất của hòa bình trần thế, cũng sẽ bị phá vỡ để tiết lộ sự gian ác của tội lỗi và giá trị của Đức Chúa Trời.
“Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta… Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta” (Lu-ca 14:26,33).
“Các ngươi cũng sẽ bị cha, mẹ, anh, em, bà con, bạn hữu mình nộp mình; và họ sẽ làm cho nhiều người trong các ngươi phải chết. Các ngươi sẽ vì cớ danh ta bị mọi người ghen ghét” (Lu-ca 21:16–17).
“Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình” (Ma-thi-ơ 10:35–36).
Ai khác có thể thành tín đến như vậy? Đấng Christ với lòng cứng rắn sẽ thử thách sự bình an tạm thời trong chính gia đình và dòng dõi chúng ta. Và trong tương lai, Ngài hứa sẽ bù đắp cho mọi mất mát, đau đớn. “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chẳng một người nào vì ta và Tin lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy … và sự sống đời đời trong đời sau” (Mác 10:29–30).
Những lời khó nghe với Hội Thánh
Những lời đanh thép của Chúa Jêsus lại xuất hiện trong bảy lá thư gửi cho các Hội Thánh trong Khải Huyền 2–3. Cùng với lời khen ngợi Hội Thánh Ê-phê-sô (Khải Huyền 2:3), Ngài cũng thẳng thừng lên án: “Nhưng điều ta trách ngươi…” (Khải Huyền 2:4; 2:20). Ngài cảnh báo: “Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình; bằng chẳng vậy, ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn năn thì ta sẽ cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó” (Khải Huyền 2:5).
Đối với Hội Thánh Bẹt-găm cũng vậy: “Nhưng ta có điều quở trách ngươi” (Khải Huyền 2:14). Và Ngài khiển trách Hội Thánh Thi-a-ti-rơ vì dung túng cho “Giê-sa-bên, người nữ ấy xưng mình là tiên tri, dạy dỗ và phỉnh phờ tôi tớ ta, đặng rủ chúng nó phạm tà dâm, và ăn thịt cúng thần tượng” (Khải Huyền 2:20). Và Ngài nói thẳng với Hội Thánh Sạt-đe: “ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết” (Khải Huyền 3:1). Và tất nhiên với Hội Thánh Lao-đi-xê: “Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta” (Khải Huyền 3:16). Lời ra từ miệng Đấng Christ chính là tình yêu thương – những lời cứng rắn vì lợi ích của tình yêu: “Phàm những kẻ ta yêu thì ta quở trách sửa phạt” (Khải Huyền 3:19).
Mục sư John Piper viết:
“Ngôn từ khó nghe của Chúa Jêsus là một hình thức yêu thương tương ứng với thế giới hư hoại và cõi lòng u mê, cũng như phơi bày những lựa chọn nguy hiểm của chúng ta. Nếu không có tội lỗi xấu xa, tấm lòng cứng cỏi và chuỗi tội ác liên hoàn, thì có lẽ tình yêu thương sẽ luôn là những gì dễ thương, dịu dàng. Nhưng nếu có thế giới như vậy thì Con Đức Chúa Trời đã không phải chịu đóng đinh trên thập giá và các môn đồ Ngài đã không bị ghét bỏ. Thế giới như vậy không hề tồn tại”.
Cơn phẫn nộ rất lớn sắp đến
Những lời cứng rắn và đòn roi nơi đền thờ vẫn chưa thể hiện toàn bộ tính nghiêm khắc của Đấng Christ. Một ngày nào đó, cơn thịnh nộ Ngài sẽ giáng xuống, không phải bằng lời nói, mà là lửa. Không ai nói về địa ngục như Chúa Jêsus, và cũng không ai nhắc đến địa ngục nhiều như Ngài: “Các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công bình ra, 50 ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng” (Ma-thi-ơ 13:50). “Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt… đó là nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết và là nơi lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:43,48); “… tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng”(Ma-thi-ơ 8:12; 22:13; 25:30). Nếu không tin Đấng Christ, loài người không chỉ chọn địa ngục; mà còn bị ném vào đó: “chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng… đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó” (Ma-thi-ơ 25:30,41,46).
Khải Huyền 6 vẽ nên viễn cảnh phán xét cuối cùng sắp đến. Khi ấn thứ sáu được mở ra, “thì có một cơn động đất lớn; mặt trời bèn trở nên tối tăm như túi lông đen, cả mặt trăng trở nên như huyết. Các vì sao trên trời sa xuống đất… Trời bị dời đi như quyển sách cuốn tròn… các vua ở trên đất, các quan lớn, các tướng quân, các kẻ giàu, các kẻ quyền thế, các kẻ tôi mọi, các người tự chủ đều ẩn mình trong hang hố cùng hòn đá lớn trên núi” (Khải Huyền 6:15). Họ khiếp sợ trước “cơn giận của Chiên Con” đến nỗi “nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con! Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi?” (Khải Huyền 6:16–17). Họ thà bị đá đè chết còn hơn phải đối mặt với cơn thịnh nộ cực lớn của Chúa Jêsus – Đấng hiền lành, dịu dàng nhưng cũng cứng rắn.
Sự cứng rắn phục vụ cho lòng dịu dàng
Lời nói và hành động cứng rắn của Đấng Christ không phải để thay thế lòng dịu dàng, mà là để phục vụ cho lòng thương xót Ngài. Ngài không giải cứu để rồi nghiêm khắc với chúng ta; mà Ngài nghiêm khắc để giải cứu chúng ta. Chúa thể hiện cơn phẫn nộ và bảy tỏ thẩm quyền Ngài để “làm cho biết sự giàu có của vinh hiển Ngài bởi những bình đáng thương xót mà Ngài đã định sẵn cho sự vinh hiển” (Rô-ma 9:22–23). Trong thời đại sắp tới, khi chứng kiến cơn thịnh nộ và sức mạnh Ngài, chúng ta sẽ nhận biết và tận hưởng “sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhân từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Ê-phê-sô 2:7). Thái độ cứng rắn phục vụ cho lòng dịu dàng của Ngài; năng quyền phục vụ cho lòng thương xót Ngài.
Vinh quang của Đấng Christ và Cha Ngài trên ngôi cao, không phải là vinh quang của thịnh nộ và lộng quyền, mà là vinh quang của lòng thương xót và ân điển. Chúng ta cần một Đức Chúa Jêsus như vậy – Chúa Jêsus trọn vẹn, Chúa Jêsus thực sự. Hiền lành, khiêm nhu, lương thiện và vẫn luôn cứng rắn. Chúng ta cần đôi tai để nghe được tình yêu thương và lòng nhân từ Đấng Christ, ngay cả trong những lời nói và hành động nghiêm khắc nhất của Ngài.
Bài: David Mathis; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/when-jesus-doesnt-seem-gentle)