Thứ tư, Tháng mười 30, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

Mục sư LÊ VĂN THÁI

Mục sư LÊ VĂN THÁI

(1890 – 1985)

Tóm tắt

-Mục sư Lê Văn Thái sinh năm 1890 tại làng Văn La, huyện Phú Lộc, tỉnh Quảng Bình.

-1919, tin nhận Chúa tại nhà thờ Hải Châu – Đà Nẵng.

-1922, vào học tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng.

-30/5/1924, lập gia đình với cô CôngTôn Nữ Tú Oanh.

-6/1924, Truyền đạo, hầu việc Chúa tại Hội Thánh Hội An, Quảng Nam.

-9/1925, về học tiếp tục tại Trường Kinh Thánh tại Đà Nẵng.

-5/1926, hầu việc Chúa tại Hội Thánh Mỹ Tho.

-8/1927, tiếp tục học trường Kinh Thánh tại Đà Nẵng

-8/1928, hầu việc Chúa tại Hội Thánh Hà Nội (Hội Thánh đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam).

-28/11/1928, thụ phong Mục sư tại Hà Nội.

-6/1929, kiêm nhiệm chức Phái viên địa hạt Trung – Bắc Việt Nam.

-5/1931, đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Địa hạt Miền Bắc.

-1933, hầu việc chúa tại Bắc Giang.

-1935, hầu việc Chúa tại Hội Thánh Hà Nội.

-1941, chuyển đến Thanh Hóa, chuyên trách công việc Địa hạt miền Bắc.

-1942, chuyển về Hội Thánh Hà Nội.

-19/8/1942, đắc cử chức vụ Hội trưởng Hội Thánh Tin lành Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm địa hạt miền Bắc. Tổng Liên hội bao gồm các Hội Thánh Tin lành ở Cao Miên và Ai Lao (tức Campuchia và Lào hiện nay).

-1945, dẫn đầu Phái bộ Tin Lành Việt Nam hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại miền Bắc.

-1951, chuyển vào Đà Lạt, tiếp tục giữ chức vụ Hội trưởng, phụ trách công việc Chúa chung của Việt Nam.

-1953, đứng ra thành lập Cô Nhi Viện Tin Lành và Trường Trung Tiểu Học Bết-lê-hem ở Hòn chồng Nha trang. Cô nhi viện Nha Trang hoạt động đến năm 1975.

-Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1957, tham gia và là diễn giả của Hội đồng Thường niên của Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp tại New York (Hoa Kỳ).

-1960, thôi giữ chức vụ Hội trưởng tại Hội đồng Tổng liên ở Vĩnh Long.

-1960 – 1968, giám đốc Cô nhi viện Tin Lành Nha Trang.

-7/1968, hưu trí và sống tại Nha Trang.

-1970, xuất bản cuốn Hồi ký “Bốn mươi sáu năm chức vụ”.

-Năm 1985, ông về nước Chúa.

 

Thời niên thiếu

Mục sư Lê Văn Thái gọi thời chưa biết và chưa tin nhận Chúa của đời mình là “khoảng tối”. Chính từ “khoảng tối”, Thiên Chúa đã giúp ông nhận ra một “khoảng sáng” rất khác, một con đường đến với Chúa Giê-xu, tin nhận Chúa và đầu phục Ngài đề rồi trở thành một con người trọn đời hiến dâng cho công việc truyền giảng Tin Lành trên đất nước Việt Nam. Sự kiện tin nhận Chúa của ông xảy ra vào mùa Xuân năm 1919 tại nhà thờ Hải Châu, Đà Nẵng.

Xã hội Việt Nam vào những thập niên đầu thế kỷ XX vẫn còn bao rối ren, đầy biến động. Trước cảnh bị ngoại xâm thống trị, nhiều sĩ phu yêu nước đã đứng lên đấu tranh nhằm hướng đến một cuộc sống tự do. Người dân cũng đau đáu về một cuộc sống không còn cảnh cơ hàn, lầm than. Chàng thanh niên Lê Văn Thái với nguồn gốc của dòng họ thuộc kinh thành Huế với qua bao biến cố đã khắc ghi trong lòng niềm căm hận đối với những gì được gọi là “ngoại bang”. Vì vậy, khi nghe đến đạo Tin Lành, lúc bấy giờ gọi là Gia tô, nhìn thấy những con người truyền giảng đạo ấy từ một đất nước xa lạ đến, chàng thanh niên Lê Văn Thái đã không từ những hành động chống đối. Những việc làm thuở ấy theo chính ông cho biết là để “bảo vệ những truyền thống tinh thần của dân tộc”. Ông đã không ngần ngại “làm ồn ào giữa đám đông, khuấy rối bằng mọi cách không cho người khác vào nghe giảng hoặc cãi vã la lối làm mất trật tự” khi có buổi rao giảng Tin Lành. Thậm chí, có những lúc ông đã chuẩn bị “tay lăm le những đá” để sẵn sàng ném vào các giáo sĩ đang truyền đạo. Không những thế, ông còn trang bị, thủ sẵn cho mình những kiến thức, triết lý nhằm bắt bẻ, hạ bệ những người truyền đạo.

Thế nhưng, quyền năng của Đức Chúa Trời đã bắt phục chàng thanh niên đầy cá tính Lê Văn Thái trong kế hoạch của Ngài để gieo hạt Tin Lành trên nước Việt thân yêu. Lê Văn Thái trở thành một tín đồ Tin Lành – người của “Gia tô Cơ đốc” trước những thử thách, bắt bớ, khinh miệt của gia đình, dòng họ, bạn bè và của làng xóm lúc bấy giờ. Ông đã chứng kiến người bạn cùng niềm tin Cơ đốc của mình chấp nhận những trận đòn thừa chết thiếu sống, bị nghe nguyền rủa thà chết đi còn hơn để sống của thân sinh người ấy. Ông lẳng lặng chịu đựng tội bất hiếu với “cảnh gia đình như có tang” khi bao người thân không tin nhận Chúa ai oán trách móc khi trong nhà có tổ chức cúng tế. Trong hoàn cảnh như thế, thanh niên Lê Văn Thái “cương quyết chỉ nhờ cậy sự giúp đỡ và theo sự dẫn dắt của Ngài mà thôi”. Đức tin của ông được Chúa bù đắp. Trong thử thách gian nan, Ngài luôn che chở và gìn giữ ông trên các bước đường theo Chúa. Trước tình yêu và sự quan phòng của Ngài, ông đã thốt lên “Cám ơn Chúa – Đức Giê hô va đã chỉ dẫn các bước của tôi”.

Những năm tháng hầu việc Chúa

·Tại Hội An – miền Trung

Năm 1922, đánh dấu một bước chuyển lớn trong tín đồ Lê Văn Thái. Cơn bão thiêng liêng đã đánh động trong lòng ông về những đồng bào đang chìm trong biển đời tội lỗi, chưa nhận thấy ánh sáng cứu rỗi từ Thiên thượng. Năm đó, ông vào học trường Kinh Thánh tại Đà Nẵng.

30.5.1924, ông lập gia đình với người vợ yêu quý của ông là bà Công Tôn Nữ Tú Oanh, một nữ sinh của trường Kinh Thánh. Trước khi vào chức vụ, ông đã thổ lộ: “Cám ơn Chúa đã chọn cho tôi người vợ quý, đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong chức vụ, yên lặng một cách vững vàng trên đường tin kính và tận tụy hầu việc Chúa”.

Tháng 6.1924, ông được bổ nhiệm chức vụ truyền đạo tại Hội Thánh Hội An, lúc bấy giờ là tỉnh lỵ Quảng Nam. Tại Hội An –, truyền đạo Lê Văn Thái sốt sắng trong việc chăn bầy của mình; đặc biệt quan tâm đến công tác truyền giáo. Ông đã đẩy mạnh công tác chứng đạo trên khắp địa bàn chung quanh Hội An. Bằng xe đạp, bằng thuyền, ông đã đến các vùng Phong Thử, Ái Nghĩa, Lạc Thành, Đại An, Trường An… để làm chứng cho nhiều người tin nhận Chúa, mở thêm những những Hội Thánh nhánh. Những lớp người đầu tiên tin nhận Chúa tại địa phương không chỉ là người dân bình thường mà còn có cả những ông giáo, điền chủ, chánh tổng… của xã hội thời bấy giờ. Nhiều người sau này trở thành mục sư, truyền đạo tiếp bước theo con đường rao giảng Tin Lành.

Tháng 9.1925, ông lại về trường Kinh Thánh học tiếp.

·Tại Mỹ Tho – miền Nam

Tháng 5.1926, sau một thời gian về trường Kinh Thánh, truyền đạo Lê Văn Thái được bổ nhiệm hầu việc Chúa tại Hội Thánh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), một nơi thật xa xôi khác lạ so với miền Trung thân quen. Nhưng thuận phục ý Chúa, ông sẵn sàng đến nơi Chúa kêu gọi. Dẫu rằng, những ngày đầu ở Mỹ Tho đầy cám cảnh và không ít những bộn bề của tình thế xã hội. Hội Thánh Mỹ Tho đang đối diện với tình hình số tín hữu tăng vọt do có nhiều người theo đạo vì hiếu kỳ và theo đạo để quan sát, theo dõi. Thế nhưng, cậy vào sức Chúa, đặt niềm tin nơi Ngài, ông “ngay thẳng trình bày Sứ điệp đơn sơ như thấy trongKinh Thánh, chối bỏ những lời ám chỉ chính trị mà người đến trước ông đã khôn khéo gợi ý trong bài giảng mình.” Ông cùng con cái Chúa cấp tốc mở các lớp học Kinh Thánh, duy trì sinh hoạt của Hội Thánh với hàng ngàn tín đồ từ các nơi: Kinh Ông Lớn (Gò Công), Long Hựu, Qưới Sơn, An Hữu, Lộc Thuận,  Bình Đại, An Hóa, Phú Thành, Giao Long, Giao Hòa, Rạch Miễu, Tân An, Bến Tranh, Cai Lậy, Chợ Gạo. Tinh thần nhóm lại của tín đồ ở Mỹ Tho với hình ảnh “từng gia đình, từng đoàn, từng nhóm như đi trẩy hội”, đi từ thứ bảy, ở lại nhóm Chúa nhật, sáng thứ hai mới về đã khích lệ ông rất nhiều trong chức vụ hầu việc Chúa. Từ nhà giảng thuê ban đầu, Hội Thánh Mỹ Tho xây được nhà giảng mới – đây là nhà giảng đầu tiên tại miền Nam, xây bằng gạch do tiền của con cái Chúa trong Hội Thánh dâng. Sau đó là nhà thờ bằng gạch thứ hai, nhà thờ Bến Tre.Nhiều địa bàn lúc ban đầu tổ chức nhóm tại nhà tín đồ lần hồi cũng xây được nhà giảng riêng, thuận lợi cho công việc truyền giảng đạo của Chúa. Chỉ sau một năm hầu việc Chúa tại Mỹ Tho đã có 565 người lớn chịu lễ Báp-têm, Hội Thánh tách thành 3 Hội Thánh tự lập là Mỹ Tho, Bến Tre và Gò Công.

Tháng 8.1927, do phải về học tiếp tại trường Kinh Thánh, truyền đạo Lê Văn Thái rời Mỹ Tho, chia tay con cái Chúa trong tình thương yêu, quyến luyến đầy cảm động. Hội Thánh Mỹ Tho ghi dấu trong truyền đạo Lê Văn Thái “nhiều kỷ niệm đẹp”.

·Tại Hà Nội – miền Bắc

1928, Hội đồng Tổng Liên chia xứ làm 2 địa hạt: Bắc Trung bộ (bao gồm Bắc kỳ và Trung kỳ) và Nam bộ (bao gồm Nam kỳ và các Hội Thánh người Việt ở Campuchia).

Tháng 8 cùng năm đó, sau khi tốt nghiệp trường Kinh Thánh, truyền đạo Lê Văn Thái nhận lãnh trách nhiệm hầu việc Chúa tại Hội Thánh Hà Nội. Đây là Hội Thánh đầu tiên tự trị tự lập và là Hội Thánh duy nhất tại miền Bắc lúc bấy giờ. Lúc ông đến, Hội Thánh nhóm lại chưa đến 30 tín hữu. Ông đã được Chúa khải tượng biệt riêng cho công việc rao giảng Tin Lành cho đồng bào toàn miền Bắc và mở nhiều Hội Thánh mới. Tại đây, ông đã miệt mài làm công tác chứng đạo mỗi ngày. Ông đã dùng “xe đạp đi khắp thành phố làm chứng và phân phát sách về Tin Lành cho những người trên đường trong các cửa hàng, trong quán ăn, nơi bến xe đò, ga xe lửa, các phòng sở và ngay cả trong khách sạn”. Hiệp cùng với con cái Chúa, được sự hỗ trợ từ các giáo sĩ của Hội Truyền giáo, công tác làm chứng về Chúa mỗi ngày được đẩy mạnh. Hàng tuần có đến 27 buổi nhóm được tổ chức tại nhà thờ chính, 8 giảng đường và 2 phòng đọc sách ở các vùng phụ cận. Hội thánh Chúa tại Hà Nội phát triển thêm. Nhiều địa bàn tại Hà Nội và các vùng ngoại vi mở được các điểm nhóm mặc dầu có không ít sự ngăn cấm xảy ra.

Ngày 28.11.1928, ông được thụ phong Mục sư tại Hà Nội.

Tháng 6.1929, ông nhận lãnh thêm chức vụ Phái viên đặc trách địa hạt Bắc Trung bộ.

Hội đồng Tổng Liên năm 1931 thành lập 2 Địa hạt riêng rẽ là Bắc kỳ và Trung kỳ. Tháng 5.1931 Mục sư Lê Văn Thái được cử làm Chủ nhiệm Bắc Hạt kiêm nhiệm Chủ tọa Hội Thánh Hà Nội. Công việc truyền giảng được Chúa ban phước phát triển bội phần.

Năm 1933, để toàn tâm toàn ý cho chức vụ Chủ nhiệm, ông xin từ chức chủ tọa Hội Thánh Hà Nội và lên Bắc Giang, với sự hợp tác của các giáo sĩ, ông bắt đầu một chiến dịch Tin Lành mạnh mẽ. Trong vòng 3 tháng, có 72 người trở lại cùng Chúa và ông lập Hội Thánh mới. Sau khi xây được nhà thờ cho Hội Thánh, ông tiếp tục đi ra giảng Tin Lành cho 4 tỉnh lân cận, cứ mỗi tỉnh 1 tuần. Sau mấy năm truyền đạo lưu động, nhiều nơi như Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Thường Tín, Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Đông, Sơn La, Lai Châu … thuộc địa phận miền Bắc đều có tín đồ, hình thành các nhà giảng Tin Lành. Tính đến cuối năm 1934, đã có 38 Hội Thánh và giảng đường.

Năm 1935 ông trở về Hội Thánh Hà Nội hầu việc Chúa. Từ giữa năm 1935 đến năm 1936, tại miền Bắc nổi lên phong trào sôi động được mệnh danh là Phong trào Phục hưng.

Năm 1941, ông dời vào Thanh Hóa chuyên trách công việc Địa Hạt miền Bắc.

Năm 1942, ông lại trở về Hội Thánh Hà Nội.

Ngày 19.8.1942, ông đắc cử chức vụ Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm Địa hạt miền Bắc.

Năm 1945, ông dẫn đầu Phái bộ Tin Lành Việt Nam hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại miền Bắc để tỏ rõ Hội Thánh và đường lối của Hội Thánh.

·Tại Đà Lạt và Nha Trang

Tháng 5 năm 1951, Văn phòng Tổng liên hội từ Hà Nội chuyển vào Đà Lạt. Gia đình mục sư Lê Văn Thái cũng giã từ Hà Nội sau một thời gian dài gắn bó để vào Đà Lạt. Hiệp với các đầy tớ Chúa, ông chuyên trách công việc Chúa chung của cả nước. Ông tiếp tục được Chúa khải tượng về phát triển những cơ sở giáo dục, công tác văn hóa xã hội chung của giáo hội trên đất nước Việt Nam trong tình hình mới.

Từ năm 1952, mặc dù gặp không ít khó khăn, ngăn trở lúc ban đầu nhưng ông đã cùng các đầy tớ Chúa trong Tổng Liên hội và Hội Truyền giáo cậy sức từ nơi Chúa thành lập cơ sở xã hội, giáo dục đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành là Cô nhi viện Tin Lành và Trường Trung Tiểu học Bết-lê-hem tại Nha Trang, thành lập Đoàn Tuyên úy Tin Lành để lo cho tín hữu trong quân đội lưu động đây đó, thực hiện các chương trình truyền giảng trên sóng phát thanh.

Ngay từ năm 1958 ông đã cùng với các đầy tớ Chúa và các Giáo sĩ khởi động việc xây dựng cơ sở Thánh Kinh Thần học viện khang trang và rộng rãi hơn. Đến tháng 7.1960, Trường Kinh Thánh Đà Nẵng được dời vào Nha Trang và tiếp tục khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 9 năm 1960. Từ cơ sở này, công việc Chúa được đẩy mạnh phát triển.

Năm 1960, Mục sư Lê Văn Thái thôi giữ chức vụ Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại kỳ Hội đồng Toàn quốc tổ chức tại Vĩnh Long. Chúa vẫn đại dụng ông trong công tác chăm lo cho Cô Nhi viện Tin Lành tại Nha Trang trên cương vị giám đốc cho đến khi hưu hạ vào tháng 7 năm 1968.

Khi hưu hạ, Mục sư Lê Văn Thái cùng gia đình sống tại Nha Trang.

Ngày 24 tháng 02 năm 1969, bà Mục sư Lê Văn Thái về nước Chúa. Ông mất đi một nguồn an ủi lớn mà Chúa đã ban tặng cho ông “Nhà tôi – một người đàn bà mảnh khảnh, hiền  hòa và chân thật, luôn luôn lấy sự mình có làm đủ, kiên nhẫn, trung tín với Chúa và trung tín với mọi người” trên cuộc đời tận hiến hầu việc Ngài.

Năm 1975, ông yếu nhiều và được con cháu đón sang Mỹ để chăm sóc. Sau đó, Chúa đón ông về nước Ngài ngày 21.01.1985 tại San Gabriel, California, chấm dứt 95 năm gian khó trên đất.

Những trải nghiệm trong chức vụ

Khải tượng sống động và niềm tin nơi Chúa

Trên suốt con đường theo Chúa, mở mang vương quốc của Đức Chúa Trời trên nước Việt, Mục sư Lê Văn Thái đã nếm trải cả niềm vui lẫn buồn khổ. Ông vui vì công việc Chúa phát triển, đem lại nhiều linh hồn cho Chúa và trải nghiệm những dấu kỳ, phép lạ mà Chúa ban  cho. Thế nhưng, có những giai đoạn, thời khắc, ông lâm cảnh buồn đau, đối diện với những khó khăn, thử thách, bắt bớ với những hiểm nguy rình rập, phủ vây, cận kề cái chết.

Năm 1928, khi chuẩn bị kết thúc khóa học tại trường Kinh Thánh, ông đã “buồn và hết sức chán nản, muốn bỏ trường Kinh Thánh để trở về gây dựng một sự nghiệp mới” trước những biến cố chung quanh. Nhưng trong phút giây bi quan, với tấm lòng “Quyết noi theo Cứu Chúa, sống chết với Ngài”, ông đã vượt qua được nỗi tuyệt vọng để theo chân Cứu Chúa mà ông đã chọn cho cuộc đời mình.

Khi được điều động đến hầu việc Chúa tại Hà Nội, một nơi quá xa và lạ lẫm, ban đầu, ông đã “cầu nguyện nhiều lần, nài xin, giải thích, thảo luận, trình bày duyên cớ” để được ở lại. Rồi Chúa đã dạy dỗ, chỉ cho ông nhận biết ý chỉ cao cả trong kế hoạch của Ngài. Ông vâng phục Chúa “đi con đường mà chính mình không muốn đi”. Và, ông đã cầu xin Chúa cho bản thân “có đủ khả năng, thích hợp với Hội Thánh Hà Nội, với miền Bắc thân yêu theo ý muốn Ngài”. Trên cánh đồng xa lạ này, ông mới hiểu được kế hoạch cao cả mà Ngài giao cho ông. Ông không chỉ mang trên mình trọng trách công việc nhà Chúa của Hà Nội mà cả miền Bắc rộng lớn với bao linh hồn chưa nhận thấy chân lý, chưa nhận được sự cứ rỗi từ nơi Thiên thượng.

Năm 1942, lúc còn ở miền Bắc, đang chuẩn bị vào Nam tham dự Hội đồng tại Cần Thơ, một khải tượng từ nơi Chúa đến với ông trong giấc chiêm bao về những tín hữu dâng của cải cho việc phát triển nhà Ngài tại miền Bắc. Tại Hội đồng ở Cần Thơ và cả miền Trung khi ông đến chia xẻ, làm chứng về công việc Chúa, đã dấy lên một tinh thần dâng hiến cho công việc Chúa ở miền Bắc.

Trong bóng cánh của Đấng Toàn Năng

Bao nhiêu lần đối diện với bắt bớ, nhưng Chúa luôn ở bên và gìn giữ ông diệu kỳ. Trước cảnh chỉ huy người Pháp, những lính khố xanh, dân làng với gậy gộc, dây trói tại làng Gia Thượng, Hà Nội chực chờ trước nhà giảng, sẵn sàng xông vào bắt trói người giảng Tin Lành, Chúa dự phòng cho ông một giáo sĩ “thay thế” để bảo đảm sự bình yên cho con cái Ngài ngày đầu tin theo Chúa. Tại đây, Mục sư Lê Văn Thái cũng từng chứng kiến những cảnh tượng đến nao lòng khi người tín hữu giữ chức Lý trưởng ở làng Gia Thượng, Gia Lâm (Hà Nội) đã đầu phục Ngài lại quay gót chối bỏ đạo khi bị cường quyền đe dọa.

Trên đường đê Thọ Lão – Hạ Mỗ của vùng Sơn Tây, nhiều người vì thành kiến và cái lợi riêng đã cầm dao, mác phục sẵn trên đường đê đợi cơ hội hạ sát Mục sư Lê Văn Thái. Chúa đã khiến một cơn mưa kéo dài ở vùng Sơn Tây khiến ông đổi lộ trình đi theo một con đường khác để âm mưu sát hại tôi tớ Ngài bất thành. Nanh vuốt của kẻ dữ giương ra, gài bẫy nhưng Chúa đã giải cứu đầy tớ Ngài một cách diệu kỳ.

Năm 1936, khi công việc Chúa tại Hà Nội đang phát triển nhiều mặt, một cơn bạo bệnh đã làm ông suy sụp sức khỏe. Ông bị bệnh phổi nặng đến nỗi bác sĩ Paterson cho rằng ông sẽ qua đời trong vòng ba tháng. Thế nhưng, Chúa đã chữa bệnh ông cách lạ kỳ đến mức y học hiện đại lúc đó không thể lý giải. Đó là một trong những phép lạ của Chúa dành cho ông.

Năm 1945, với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Tin lành, Mục sư Lê Văn Thái đã nương cậy Lời Thánh Kinh và sự soi sáng của Thánh Linh để ngăn chặn những tuyên bố về sự kiện đoán định được thời gian “Chúa tái lâm”. Tà thuyết này do ông Trần Như Tuân khởi xướng đi ngược với Kinh Thánh, gây nên hậu quả khá nghiêm trọng đối với những tín hữu không nắm vững Lời Chúa, làm ảnh hưởng nhiều đến đạo của Ngài ở miền Trung. Sau khi đã dùng Lời Chúa để khuyên can, ông chứng kiến được hậu quả là những cảnh trạng đau lòng của Hội Thánh.

Lo công việc Chúa, Mục sư Lê Văn Thái đã thực hiện chuyển hành trình Bắc – Nam vào thời điểm đầy biến động ở Việt Nam sau biến cố lịch sử tháng Tám năm 1945. Đây là thời điểm đầy khó khăn đối với công việc Chúa. Khi thì đối diện với chính quyền, các lực lượng vũ trang trong và ngoài nước trên chặng đường đầy thử thách, ông đã nhờ cậy Chúa ban cho sự khôn ngoan để gặp gỡ các bậc cầm quyền, đối đáp bày tỏ cách khôn ngoan về công việc của đạo để quy vinh hiển cho danh Ngài. Khi thì mất giấy tờ tuỳ thân, giấy thông hành tại Nha Trang nhưng Chúa dự bị cho người tìm lại được. Chúa dự liệu những điều mà chính ông không hề nghĩ tới khi đưa ông đến Biên Hòa hay Mỹ Tho một cách an toàn. Lúc ông bị hiến binh Nhật bắt tại Mỹ Tho, tưởng chừng như cái chết chực chờ nhưng Chúa giải cứu ông ra khỏi một cách bất ngờ, bình an. Chúa đã đem ông về với gia đình, với Hội Thánh tại Hà Nội sau “Chuyến đi lịch sử” kéo dài 5 tháng, khi mà mọi người tưởng chừng như tuyệt vọng vì không nhận được một tin tức mảy may nào.

Khi công việc Chúa đang phát triển ở miền Nam, trên cương vị chức vụ Hội trưởng, ông cũng trải qua bao lần bị vu oan, giá họa. Thế nhưng, Chúa cũng đã đưa ông ra khỏi những đám mây u ám, bao quanh vì những sự không thông hiểu kỹ càng. Đó là những câu chuyện mà ông gọi là “Cười ra nước mắt” và “Án không thành án”. Trước những tình cảnh ấy, ông đã “Không biết phải làm cách nào khác hơn là cầu nguyện xin Chúa làm sáng tỏ mọi việc để cho những đám mây mù tan đi. Đồng thời cũng cầu xin Chúa cho nhân viên công quyền biết nhiều hơn về Hội Thánh Ngài và cho những người lầm lạc được trở lại con đường sáng”.

*

Khi đọc Hồi ký “Bốn mươi sáu năm chức vụ” của cố Mục sư Lê Văn Thái, tôi bỗng nhớ đến hình ảnh của Sau-lơ, một con người hung hăng từng bắt bớ những ai tin Chúa, trấn áp đạo Cứu rỗi của Đấng Chirst đã bị Đức Chúa Trời bắt phục, trở nên một sứ đồ tận tụy rao giảng Phúc âm của Thiên thượng. Thời niên thiếu của chàng thanh niên Lê Văn Thái cũng có những việc làm giống như vậy trong thời còn bầu nhiệt huyết chống đạo Cứu rỗi, khi được truyền bá đến Việt Nam. Nhưng, Đức Chúa Trời của Tin Lành cứu rỗi có kế hoạch của Ngài. Người đã “bắt phục” chàng thanh niên Lê Văn Thái trở thành một tín hữu trung tín, một người truyền đạo được ơn và một mục sư cần mẫn trên con đường hầu việc Chúa tại Việt Nam.

Trên đất nước Việt Nam của thế kỷ XX, Chúa đã đưa dấu chân Mục sư Lê Văn Thái – người hầu việc Ngài trải khắp từ miền Trung, miền Nam, miền Bắc thân yêu. Đó là những cánh đồng thuở ban đầu mà những giáo sĩ truyền giáo, các tín hữu đầu tiên, các truyền đạo, mục sư khi Tin Lành mới truyền đến Việt Nam đi “khai khẩn, vỡ hoang và gieo hạt” trong nước mắt. Ngài đã tôi luyện ông trong mọi hoàn cảnh để rồi trao cho ông những trọng trách lớn thực hiện kế hoạch gây dựng vương quốc của Ngài tại Việt Nam.

Ông và gia đình đã trọn đời dâng hiến cho công việc của Chúa, cùng góp phần để Tin Lành có những mùa gặt lớn trên những cánh đồng thuộc linh ở Việt Nam. Chính sách của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đối với quốc gia có sự đóng góp vô cùng quan trọng của Mục sư Lê Văn Thái. Khi đối diện với bao vấn đề nan giải, đầy biến động nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn của tinh thần truyền giảng thuần túy đạo Cứu rỗi của Đấng Chirst, không can dự vào chính trị. Trên hành trình của chức vụ, mục sư Lê Văn Thái đã “Vâng lời Chúa dạy và chỉ nương nơi Ngài” và ông “Đi với Chúa và Chúa đồng sống” với ông.

Nguồn: TUYỂN TẬP TIỂU SỬ NGƯỜI PHỤC VỤ CHÚA, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) phát hành.

 

 

 

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN