Điều 27: CÁC HỘI ĐỒNG
1. Đại Hội đồng Giáo hội: Tổ chức bốn (04) năm một lần.
2. Hội đồng Bồi linh của Tổng hội: Tổ chức hai (02) năm một lần, do Ban Trị sự Tổng hội triệu tập và chủ toạ, nhằm bồi dưỡng linh vụ cho hàng ngũ Giáo phẩm của các cơ quan Giáo hội, Hội thánh và Điểm Nhóm.
3. Hội đồng Mục sư – Truyền đạo: Tổ chức hai (02) năm một lần do Ban Trị sự Tổng hội triệu tập và chủ tọa, nhằm bồi dưỡng linh vụ cho hàng ngũ Giáo phẩm.
4. Đại Hội đồng bất thường: Được tổ chức khi có việc bất thường, quan trọng và cấp bách mà Ban Trị sự Tổng hội không thể giải quyết được, khi có 2/3 thành viên Ban Trị sự Tổng hội hoặc 1/3 tổng số Hội thánh yêu cầu.
Điều 28: ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI
(xem Hiến chương điều 28).
Điều 29: ĐẠI BIỂU CHÍNH THỨC ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI
1. Thành phần
a. Thành viên Ban Trị sự Tổng hội đương nhiệm.
b. Đại biểu Giáo phẩm đương chức do Văn phòng Tổng Hội lập danh sách gồm Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo, Nữ Truyền đạo. Phu nhân các Mục sư, Mục sư Nhiệm chức có thể được Ban Trị sự Tổng hội mời đến dự Đại Hội đồng với vai trò khách mời, không có quyền bầu cử và ứng cử, trừ trường hợp có vị nào được Hội thánh cơ sở bầu hoặc cử làm đại biểu chính thức của Hội thánh đó đến tham dự Đại hội Tổng hội. Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo, Nữ Truyền đạo đã nghỉ hưu trí, quả phụ Mục sư và Mục sư Nhiệm chức có thể được mời dự Đại hội đồng theo diện khách mời.
c. Các đại biểu tín hữu do Hội thánh cơ sở cử; đại biểu tín hữu do Hội đồng của Hội thánh cơ sở bầu cử, hoặc do Quản nhiệm cùng Ban Chấp sự Hội thánh cử. Quản nhiệm trình danh sách của đại biểu Hội thánh cơ sở cho Ban Trị sự Tổng hội trước 20 ngày để xem xét và gửi thông báo xác nhận. Đại biểu không được tự ý giao quyền đại biểu cho người khác. Trường hợp đại biểu đã được chọn không thể tham dự Đại Hội đồng, Ban Chấp sự Hội thánh cử đại biểu thay thế, và trình giấy xác nhận cho Ban Trị sự Tổng hội trước 15 ngày Đại Hội đồng diễn ra.
2. Tiêu chuẩn
Đại biểu Đại Hội đồng là tín hữu đã chịu lễ Báp-tem từ 03 năm trở lên, được đầy ơn Chúa theo như Kinh Thánh (I Ti-mô-thê 3:8-13), không bị kỷ luật của Giáo hội trong thời gian giữa hai (02) kỳ Đại Hội đồng, có danh tiếng tốt trong Hội thánh, và có quyền công dân.
3. Nhiệm vụ và Quyền hạn
– Được chất vấn Ban Trị sự Tổng hội về công việc liên quan đến Giáo hội.
– Được ứng cử với điều kiện là giáo phẩm, đề cử, bầu cử theo quy định.
– Được thảo luận, biểu quyết, phủ quyết các vấn đề liên quan đến Giáo hội.
– Được khiếu nại tư cách đại biểu của các ứng viên Ban Trị sự Tổng hội khi có bằng chứng cụ thể.
– Tuân thủ kỷ luật Đại Hội đồng.
4. Mất quyền Đại biểu
Đại Hội đồng có thẩm quyền truất quyền đại biểu của đại biểu nào không tôn trọng kỷ luật Đại Hội đồng (theo kỷ luật Hội Đồng).
5. Chi phí dự Đại hội
– Các Hội thánh cơ sở chịu trách nhiệm cung cấp chi phí cho các đại biểu do Hội thánh mình bầu hoặc cử ra.
– Tổng hội chịu trách nhiệm cung cấp chi phí cho các đại biểu trong Ban Trị sự Tổng hội và các cơ quan Tổng hội, và những đại biểu mà Ban Trị sự triệu tập riêng do sự quyết định của Hội đồng Mục sư khi cần thiết.
Điều 30: SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU CHÍNH THỨC ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI
(xem Hiến chương điều 30).
Điều 31: NHỮNG ĐỀ NGHỊ TRÌNH ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI
1. Các đề nghị trình Đại Hội đồng Tổng hội xem xét phải được Ban Chấp sự Hội thánh và Ban Trị sự Tổng hội thông qua một (01) tháng trước khi tổ chức Đại Hội đồng.
2. Những đề nghị nào Ban Trị sự Tổng hội không thông qua để Đại Hội đồng thảo luận, phải được giải trình bằng văn bản.
3. Hội thánh cơ sở tổ chức Hội đồng phải gửi văn bản về Ban Trị sự Tổng hội ít nhất hai (02) tuần trước khi tổ chức Hội đồng.
Điều 32: NHIỆM VỤ ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI
1. Nhiệm vụ chung
– Ban hành các quyết định khi cần thiết.
– Tổng kết nhiệm kỳ và hoạch định đường lối phát triển Giáo hội nhiệm kỳ tiếp theo.
– Kiểm tra việc chấp hành Hiến chương của Giáo hội và tra xét việc điều hành Giáo hội và biên bản của Ban Trị sự Tổng hội để thông qua hoặc bác bỏ.
– Bầu cử Ban Trị sự Tổng Hội.
2. Bầu cử Chủ toạ đoàn
Chủ toạ Đại Hội đồng gồm ba (03) người, gồm: Mục sư Hội trưởng đương nhiệm chủ toạ, điều khiển và là người phát ngôn chính thức của Đại Hội đồng. Hai vị còn lại, một đại biểu là hàng giáo phẩm và một đại biểu là tín hữu được Đại Hội đồng bầu cử bằng phiếu kín theo nguyên tắc chung; có nhiệm vụ giúp Chủ tọa Đại Hội đồng điều khiển, sắp xếp, kiểm soát về hình thức lẫn nội dung tiến trình của Đại Hội đồng, nhận nhiệm vụ do Chủ tọa Đại Hội đồng ủy nhiệm.
3. Bầu cử tiểu ban
Các thành viên của Ban Trị sự Tổng hội không được dự phần vào các tiểu ban. Thành viên các tiểu ban được tiến cử bằng cách biểu quyết.
a. Ban Thư ký
Ban thư ký từ hai người trở lên để ghi chép Biên bản và lo mọi văn kiện khác về Đại Hội đồng.
b. Ban Soát sổ
Để chuẩn bị việc soát sổ, Ban Trị sự Tổng hội cần thực hiện kiểm toán hợp lệ và đầy đủ trước ngày Đại Hội đồng khai mạc. Bốn (04) đại biểu gồm hai vị giáo phẩm và hai tín hữu, hiệp với nhân viên kiểm toán để kiểm tra mọi sổ sách tài chính của Tổng hội. Ban soát sổ có quyền tiếp xúc với các bên liên quan để được giải trình rõ ràng trước khi Đại Hội đồng thông qua.
c. Ban Kỷ luật
Đại Hội đồng cử ban kỷ luật, gồm bốn (04) đại biểu, trong đó hai (02) vị là giáo phẩm và hai (02) vị là tín hữu, để ghi nhận thứ tự đăng ký phát biểu trình chủ toạ đoàn và lưu ý những người thiếu kỷ luật tại Đại Hội đồng.
d. Ban phát, thu và kiểm phiếu
Đại Hội đồng cử ít nhất bảy (07) vị đại biểu phát, thu phiếu và kiểm phiếu.
Điều 33: QUYỀN HẠN ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI
– Đại Hội đồng Tổng hội là Đại hội có thẩm quyền cao nhất của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), giữ quyền lập quy và điều hành Giáo hội.
– Có quyền chấp thuận hoặc phủ quyết các vấn đề liên quan đến toàn Giáo hội.
– Chất vấn, khiển trách các thành viên trong Ban Trị sự Tổng hội.
– Miễn nhiệm tư cách đại biểu theo quy định chung.
– Các quyết định của Đại Hội đồng chỉ có giá trị khi có trên 50% tổng số đại biểu tham dự Đại hội đồng ý.
Điều 34: CÁCH BẦU CỬ BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI
1. Thể thức bầu cử
Tất cả các chức danh trong Ban Trị sự Tổng hội được bầu trực tiếp bằng phiếu kín theo nguyên tắc chung. Đại biểu có đủ điều kiện theo quy định của Nội quy được quyền ứng cử, bầu cử các chức danh tương ứng.
2. Tổ chức bầu cử
a. Danh sách đại biểu
– Trước ngày khai mạc Đại Hội đồng, Văn phòng Tổng hội niêm yết công khai danh sách đại biểu.
– Khi Đại Hội đồng khai mạc, Ban Thư ký thông báo tổng số đại biểu hiện diện.
– Trước giờ bầu cử Ban Trị sự Tổng hội, Ban Thư ký kiểm tra sự hiện diện đại biểu Đại Hội đồng, trình Đại Hội thông qua.
b. Tiến trình bầu cử
Tiến cử: Cách tiến cử ứng viên do Ban Trị sự Tổng hội đề cử 50% ứng viên, Đại Hội đồng tiến cử 50% ứng viên.
Bầu cử: Các ứng viên trình diện Đại Hội đồng, chủ toạ giải quyết các vấn đề khiếu nại về tư cách các ứng viên nếu có. Danh sách các ứng viên được trình chiếu, đại biểu chọn một (01) vị trong số ứng viên này để cử họ vào chức vụ tương ứng. Ứng viên nào có số phiếu trên 50% số đại biểu hiện diện tín nhiệm thì đắc cử vào chức danh ấy. Trường hợp người cao nhất không đạt tỷ lệ nói trên, hai (02) người sẽ được bầu vòng hai, cho đến khi có người đạt được số phiếu quy định để được đắc cử.
Điều 35: THÀNH PHẦN BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI
(xem Hiến chương điều 35).
Điều 36: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI
(xem Hiến chương điều 36).
Điều 37: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN THÀNH VIÊN BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI
Thành viên Ban Trị sự Tổng hội phải là người có linh ân, có năng lực, có nhiều kinh nghiệm phục vụ Chúa, phải chu toàn trách nhiệm mình như một quản gia tốt.
1. Hội trưởng
– Phải là Mục sư đương chức trong Hội thánh cơ sở, từ 45 tuổi trở lên, có ít nhất 15 năm chức vụ kể từ khi bổ nhiệm hoặc kể từ khi được công nhận chức danh.
– Đại diện Hội thánh trước chính quyền và các Giáo hội khác.
– Triệu tập và chủ toạ các Đại Hội đồng của Giáo hội.
– Chủ toạ cuộc họp Ban Trị sự Tổng hội.
– Điều hành công việc Giáo hội, thăm viếng các Hội thánh cơ sở tuỳ nhu cầu và điều kiện.
– Có quyền tham dự cuộc họp các Uỷ ban và cơ quan của Giáo hội.
– Nhắc nhở hành vi của Trưởng Cơ quan, Quản nhiệm Hội thánh và các chức vụ khác thuộc Tổng hội khi cần thiết và khuyến khích họ chu toàn nhiệm vụ.
– Thường xuyên tham khảo ý kiến với thường trực Tổng hội.
– Ký các văn bản bổ nhiệm, khen trưởng hoặc thi hành kỷ luật hàng giáo phẩm, cơ quan và Hội thánh cơ sở khi có sự thống nhất của Ban Trị sự Tổng hội .
– Khi Đại Hội đồng Tổng hội họp lại thì Hội trưởng phải báo cáo về tình hình Hội thánh chung của Giáo hội trên toàn miền Bắc giữa hai kỳ Đại Hội đồng, đồng thời đề ra chương trình làm việc cho Giáo hội trong những năm tới để Đại Hội đồng đóng góp xây dựng.
2. Phó Hội trưởng Nội vụ
– Phải là Mục sư đương chức, từ 37 tuổi trở lên, có ít nhất 10 năm chức vụ kể từ khi bổ nhiệm hoặc từ khi công nhận chức danh.
– Đảm nhiệm những công việc được Ban Trị sự phân công, tham mưu cho Hội trưởng các vấn đề nội vụ, xử lý thường vụ khi được Hội trưởng uỷ quyền.
3. Phó Hội trưởng Ngoại vụ
– Phải là Mục sư đương chức, từ 37 tuổi trở lên, có ít nhất 10 năm chức vụ kể từ khi bổ nhiệm hoặc từ khi công nhận chức danh.
– Đảm nhiệm những công việc được Ban Trị sự phân công, tham mưu cho Hội trưởng các vấn đề ngoại vụ, xử lý thường vụ khi được Hội trưởng uỷ quyền.
4. Phó Hội trưởng Sắc tộc
– Phải là Mục sư đương chức, từ 37 tuổi trở lên, có ít nhất 10 năm chức vụ (kể từ khi bổ nhiệm hoặc từ khi công nhận chức danh).
– Đảm nhiệm những công việc được Ban Trị sự phân công, tham mưu cho Hội trưởng các vấn đề về sắc tộc, xử lý thường vụ khi được Hội trưởng uỷ quyền.
5. Tổng Thư ký
– Phải là Mục sư đương chức, từ 35 tuổi trở lên, có ít nhất 8 năm chức vụ kể từ khi bổ nhiệm hoặc công nhận chức danh.
– Có khả năng phù hợp với nhiệm vụ tổ chức, điều hành Văn phòng Tổng Hội. Soạn thảo văn thư, văn kiện của Ban Trị sự Tổng hội phổ biến đến cơ quan, Hội thánh cơ sở và các cơ quan chính quyền, các tổ chức xã hội.
– Quản thủ văn thư, văn kiện của Giáo hội.
– Thừa uỷ nhiệm Hội trưởng ký các văn thư có tính cách hành chính khi được Hội trưởng uỷ quyền.
– Thay quyền Phó Hội trưởng khi chức vị này vắng mặt.
6. Phó Tổng Thư ký
– Phải là Mục sư đương chức, từ 35 tuổi trở lên, có ít nhất 8 năm chức vụ kể từ khi công nhận chức danh.
– Có khả năng chuyên môn phù hợp với chức vụ, trợ lý cho Tổng Thư ký điều hành công việc của Văn phòng Tổng hội. Thừa ủy quyền của Tổng Thư ký xử lý công việc văn phòng.
7. Tổng Thủ quỹ
– Phải là Mục sư đương chức, từ 35 tuổi trở lên, có ít nhất 8 năm chức vụ kể từ khi công nhận chức danh.
– Có khả năng phù hợp với chức vụ, thu chi ngân sách của Giáo hội.
– Hiệp với Mục sư Hội trưởng, nhân danh Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) đứng tên trên chủ tài khoản.
– Chỉ được giữ một khoản tiền mặt cần thiết (do Ban Trị sự Tổng hội quy định), khoản tiền còn lại phải được gửi vào ngân hàng.
– Ghi nhận số thu và gửi biên nhận chính thức cho các nguồn thu.
– Ngoài các khoản chi đã được Đại Hội đồng và Ban Trị sự Tổng hội quyết định, Tổng thủ quỹ không được tự tiện xuất chi.
– Quản thủ tài chính và lập sổ kế toán thu chi theo quy định chung về tài chính, khai trình thu chi hằng tháng với Thường trực và hàng quý với Ban Trị sự Tổng hội.
– Trình sổ sách thu chi cho Ban Trị sự Tổng hội và cho Đại Hội đồng.
8. Các Uỷ Viên
a. Uỷ viên Mục vụ (số lượng do Ban Trị sự Tổng hội quy định theo nhu cầu)
– Phải là Mục sư, Mục sư Nhiệm chức đương chức, từ 30 tuổi trở lên, có ít nhất 7 năm chức vụ kể từ khi công nhận chức danh, có khả năng phù hợp với chức vụ.
– Phụ trách các lãnh vực liên quan đến công tác mục vụ, lễ và nghi lễ được Ban Trị sự Tổng hội phân công.
b. Uỷ viên Sắc tộc
– Phải là Mục sư, Mục sư Nhiệm chức đương chức, từ 30 tuổi trở lên, có ít nhất 7 năm chức vụ kể từ khi công nhận chức danh, có khả năng phù hợp với chức vụ.
– Phụ trách các lãnh vực liên quan đến công tác mục vụ về sắc tộc.
c. Uỷ viên Cơ đốc Giáo dục
– Phải là Mục sư, Mục sư nhiệm chức đương chức, từ 30 tuổi trở lên, có ít nhất 7 năm chức vụ kể từ khi công nhận chức danh, có khả năng phù hợp với chức vụ.
– Phụ trách các lãnh vực liên quan đến công tác Cơ đốc giáo dục.
d. Uỷ viên Truyền giáo
– Phải là Mục sư, Mục sư Nhiệm chức đương chức, từ 30 tuổi trở lên, có ít nhất 7 năm chức vụ kể từ khi công nhận chức danh, có khả năng phù hợp với chức vụ.
– Phụ trách các lãnh vực liên quan đến công tác truyền giáo và phát triển Hội thánh.
e. Uỷ viên Y tế – Xã hội
– Phải là Mục sư, Mục sư Nhiệm chức đương chức, từ 30 tuổi trở lên, có ít nhất 7 năm chức vụ, có tư cách và có khả năng phù hợp với chức vụ.
– Phụ trách các lãnh vực liên quan đến công tác Y tế và xã hội của Giáo hội.
f. Uỷ viên Nữ giới
– Từ 30 tuổi trở lên, có kinh nghiệm trong công tác phụ nữ, có tư cách và có khả năng phù hợp với chức vụ.
– Phụ trách các lãnh vực liên quan đến công tác Phụ nữ của Giáo hội.
g. Uỷ viên Thanh Thiếu nhi
– Phải là Mục sư, Mục sư Nhiệm chức đương chức từ 30 tuổi trở lên, có ít nhất 7 năm chức vụ, có tư cách và khả năng phù hợp với chức vụ.
– Phụ trách các lãnh vực liên quan đến công tác Thanh Thiếu nhi của Giáo hội.
h. Uỷ viên Tài chính và Kiến thiết
– Phải là Mục sư, Mục sư Nhiệm chức đương chức từ 30 tuổi trở lên, có ít nhất 7 năm chức vụ, có tư cách và khả năng phù hợp với chức vụ.
– Phụ trách các lãnh vực liên quan đến công tác tài chính và kiến thiết của Giáo hội.
i. Ban Truyền thông
– Phải là Mục sư, Mục sư Nhiệm chức đương chức từ 30 tuổi trở lên, có ít nhất 7 năm chức vụ, có tư cách và khả năng phù hợp với chức vụ.
– Phụ trách các lãnh vực liên quan đến công tác truyền thông của Giáo hội.
9. Kế toán Tổng hội
– Do Ban Trị sự Tổng hội tuyển dụng.
– Kết hợp với Tổng thủ quỹ lập sổ sách thu chi theo nguyên tắc tài chính của Giáo hội.
Trường hợp ngoại lệ
Trường hợp Đại Hội đồng không có ứng viên chức vụ Uỷ viên chuyên trách thích hợp, Đại Hội đồng uỷ quyền cho Ban Trị sự Tổng hội mời.
Điều 38: THƯỜNG TRỰC TỔNG HỘI
(xem Hiến chương điều 38).
Điều 39: NHIỆM KỲ CỦA BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI
(xem Hiến chương điều 39).
Điều 40: TRƯỜNG HỢP BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI KHUYẾT THÀNH VIÊN
(xem Hiến chương điều 40).
Điều 41: HỘI ĐỒNG MỤC SƯ – TRUYỀN ĐẠO
(xem Hiến chương điều 41).
Điều 42: HỘI ĐỒNG BỒI LINH
(xem Hiến chương điều 42).
Điều 43: TÀI CHÍNH TỔNG HỘI
(xem Hiến chương điều 43 và quy chế tài chính).