Đọc Kinh Thánh: Gia-cơ 3:13-16
13Trong anh em, ai là người khôn ngoan, hiểu biết? Hãy dùng lối sống tốt đẹp của mình mà bày tỏ những việc mình làm xuất phát từ sự khiêm nhu của lòng khôn ngoan.
14Nhưng nếu anh em ghen ghét một cách đắng cay và tranh cạnh trong lòng, thì chớ khoe khoang hay dùng lời dối trá chống lại chân lý.
15Sự khôn ngoan đó không đến từ thiên thượng, nhưng thuộc về thế gian, xác thịt và ma quỷ.
16Vì ở đâu có sự ghen ghét và tranh cạnh thì ở đó có sự xáo trộn và đủ mọi việc ác.
Suy niệm: Trong đời, khôn ngoan thường đi đôi với kiêu ngạo lên mình. Nhưng tại đây tác giả Gia-cơ nói về một thứ khôn ngoan khiêm nhu. Khôn ngoan theo kiểu này biểu lộ qua cách ăn ở tốt, nghĩa là hiền hoà, thân thiết. Cách sống tốt lành và khiêm nhu chứng tỏ khôn ngoan thật.
Tương phản với loại khôn ngoan này là một loại khôn ngoan gây ra: ghen tương, cay đắng và tranh cạnh. Loại khôn ngoan theo đời này còn mang tính chất khoe khoang giả dối nữa.
Ai cũng thấy rõ hai loại khôn ngoan hay hai lối sống này, nhưng tác giả Gia-cơ kết luận ngắn gọn: “Sự khôn ngoan đó không đến từ thiên thượng, nhưng thuộc về thế gian, xác thịt và ma quỷ.” Câu 15
Một sự thật mà người tin Chúa cần nhận ra để phân biệt và lựa chọn thái độ là:”Vì ở đâu có sự ghen ghét và tranh cạnh thì ở đó có sự xáo trộn và đủ mọi việc ác.” C16
Dĩ nhiên khi nhận xét rõ như thế rồi, người tin Chúa phải tránh xa và không nên tham dự vào. Đặc tính của khôn ngoan theo trần gian này là: dối trá, thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỷ. Chủ yếu chỉ sinh ra ghen tương, tranh cạnh và mọi thứ hỗn tạp khác. Ngày mai chúng ta sẽ học biết một loại khôn ngoan thiên thượng, khác hẳn.
Tuy nhiên bài học của các câu Kinh Thánh này là tiêu chuẩn để đánh giá một sự cố hay một nan đề mà chúng ta gặp trong đời thường.
Nguyễn Sinh