Đọc Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 7:7-11
“Hãy xin sẽ được; hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ cửa sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở.
Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng?
Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng?
Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?
Suy niệm: Đây là một trong những lời hứa quý giá mà con người chỉ có thể tìm được trong Kinh Thánh. Đây là những câu khuyến khích chúng ta khi chúng ta phải đối diện với đời sống đầy bất trắc và biến cố, với tương lai hoàn toàn không biết rõ. Đây là những lời chính Chúa Giê-xu tuyên bố và nhấn mạnh vì vậy ta cần phải tin và nhận lấy cho chính mình không nghi ngờ.
Chúa không bao giờ hứa là sẽ thay đổi cuộc đời, dẹp bỏ những khó khăn, trở lực, nan đề và khổ nạn cho người tin Chúa; Chúa không hứa là sẽ cắt hết mọi thứ gai nhọn và ta chỉ thấy những bông hồng tuyệt đẹp. Không; Chúa đối diện với cuộc đời rất thực tế, và bảo chúng ta những khó khăn trong đời sẽ không ai tránh thoát được. Nhưng Chúa bảo đảm với ta rằng nếu chúng ta biết Chúa và tin nhận Ngài thì không cần phải lo sợ, cũng không phải hãi hùng. Chúa long trọng hứa rằng: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.” Lời hứa này được nhắc lại nhiều lần trong Kinh-thánh, dù với hình thức khác.
Khi học một câu Kinh-thánh, ta nên nhớ đến lời cảnh cáo của các giáo sư Kinh-thánh là đừng lấy một câu ra khỏi bối cảnh của nó, hay là văn cảnh, hoặc là không lưu ý tới những điều kiện hoặc là những lời hứa liên quan.
Như câu Kinh-thánh chúng ta đang học đây cũng có người vội vàng bảo rằng: “Kinh-thánh dạy: ‘Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa, cửa sẽ mở cho.’ Như vậy có phải là hễ tôi xin bất cứ điều gì Chúa cũng ban cho cả phải không?” Vì tin như vậy và quên đi tất cả những lời dạy khác trong Kinh-thánh nên họ cứ đến với Chúa mà xin. Nhưng điều họ xin Chúa không cho, họ đâm ra thất vọng và chán nản. Tình trạng của họ lúc ấy còn tệ hơn khi trước. Họ nói: “Chúa dường như chẳng giữ lời hứa gì cả.” Họ vô cùng bất mãn.
Chúng ta cần tránh thái độ như thế. Kinh-thánh không phải là một công thức tự động. Lời Kinh-thánh đến với chúng ta là những người biết nhận định và Thánh Linh giải bày lời dạy Kinh-thánh cho chúng ta. Kinh-thánh dạy chúng ta phải học toàn bộ lời dạy với tất cả những lời hứa. Vì thế chúng ta sẽ không nghiên cứu riêng hai câu 7 và 8, nhưng xét từ câu 7 đến 11, như thế mới không bị lầm.
Mặt khác, chúng ta cần phải cảm tạ Chúa vì Ngài không chịu đáp ứng tất cả những lời ta cầu xin nữa. Chúng ta thường vội vàng xin Chúa điều này điều nọ, nhưng sau một thời gian, nhìn lại mới thấy rằng, nếu Chúa làm theo đúng lời ta xin thì đời ta thật nguy nan vô cùng. Lúc chúng ta xin, chúng ta không hiểu và không thấy suốt tương lai, nhưng Chúa biết và Ngài không cho, vì việc ấy không tốt cho chúng ta. Chúa ban cho ta những gì tốt nhất, vì vậy nhiều khi ta cầu xin mà Chúa không trả lời, cũng là cách Chúa trả lời. Chúa phủ nhận. Nhưng việc phủ nhận đó là tốt cho chúng ta, nên Ngài lựa chọn phủ nhận.
Chúng ta hãy đặt câu hỏi này: Tại sao Chúa nói những lời này trong phần Bài Giảng Trên Núi đó?
Trong chương 7:1-6 Chúa đã dạy ta không nên phán xét người khác và đừng chứa chấp cay đắng ghét bỏ người khác trong tâm hồn mình. Khi đọc xong các lời dạy này, chúng ta tự hỏi: Ai là người làm được như vậy? Làm sao tôi có thể sống với tiêu chuẩn cao như vậy? Không những thế, chúng ta tự nhận thấy mình thật nhơ bẩn, cần được thanh tẩy.
Câu hỏi là: Làm sao tôi sống theo Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu cho được? Tôi cần ân sủng và sức mạnh của Chúa để làm việc ấy. Làm sao có được ân sủng và sức mạnh cần thiết bây giờ? Câu trả lời là: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, cửa sẽ mở cho.” Chúa muốn cho ta thấy rằng tiêu chuẩn của Chúa tật cao tuyệt vời, nhưng ân sủng của Chúa sẵn ban cho người xin để sống kịp tiêu chuẩn đó. Đứng trước lời dạy của Chúa, ai cũng tuyệt vọng, nhưng cúi đầu xin ân sủng của Chúa, lúc nào Chúa cũng ban, và lời dạy ấy không trở thành lý thuyết, vì ta sẽ làm được với ân sủng của Chúa. Chúa nhắc đi nhắc lại hai lần để nhấn mạnh rằng việc ấy có thể xẩy ra được.
Trên thực tế, chúng ta phải thành thật nói rằng: Tại sao lời Chúa dạy rõ như vậy, mà tôi sống mập mờ như thế này? Mọi việc Chúa đã hứa cả, tại sao người tin Chúa vẫn sống không khác gì người đời mấy?
Thật ra nếu muốn thành công trong việc vâng theo lời Chúa dạy với an bình và vui vẻ trong tâm hồn, sẵn sàng đối diện với những gì xẩy ra trong đời, chúng ta cần phải nhận định một số điều.
- Chúng ta phải biết nhu cầu của mình.
Trung tâm nan đề của nhân loại là chúng ta không nhận ra nhu cầu của mình.
Nhiều người giảng truyền về Chúa Cứu Thế nhưng không mang lại một hiệu quả nào, vì họ không nói về tội lỗi của con người, họ cũng không bao giờ vạch cho người ta biết tội của mình và nhận tội trước mặt Chúa. Họ tưởng rằng chỉ nói về Chúa cho người ta biết là đủ.
Nhưng như vậy thiếu sót rất nhiều, vì tác dụng của tội ác vẫn ở trên chúng ta nếu chúng ta không nhận ra địa vị khốn khổ của mình trong tội và chạy ngay đến với Chúa cho được giải cứu.
Thường thì con người không muốn tự nhận là mình khốn khổ và cần được giải cứu, nhưng chỉ thích nghe nói về Chúa siêu việt như thế nào mà thôi.
Nhiều người lại còn cho là sỉ nhục khi bị tố cáo về tội và nhất là phải nhận tội.
Thật ra mỗi người cần phải đi đến chỗ nhận rằng mình là tội nhân, vì hai điều căn bản cho việc được cứu rỗi và vui hưởng phúc hạnh của Chúa là ý thức được nhu cầu của mình và biết được ân sủng phong phú bao la của Chúa Cứu Thế.
Chúa Giê-xu dạy: xin, tìm và gõ. Chúa muốn dạy ở đây là ta cần có thái độ cầu nguyện bền bỉ, dai dẳng và kèo nài không ngừng. Trong Phúc âm Lu-ca 11 có ghi lại cùng lời dạy này kèm theo câu chuyện về một người bị ông bạn nửa đêm đến nhà, không có gì đãi, phải sang gõ cửa người bạn trong xóm để mượn vài ổ bánh. Người kia dù đã đi ngủ, bị gõ cửa mãi cũng đành lấy bánh cho mượn để khỏi bị quấy rầy. Cũng như trường hợp một goá phụ kêu nài quan án ghi trong Phúc âm Lu-ca 18. Đây chính là hình ảnh Chúa dạy. Cả ba chữ: xin, tìm, gõ đều nói lên tính chất bền bỉ, kiên trì. Có những lúc kiểm điểm lại cuộc sống của mình, chúng ta ngừng lại và hỏi: Cuộc sống vẫn tiếp diễn, tôi cũng tiếp tục sống. Tôi có tiến bộ gì trong cuộc sống này hay không?” Rồi sau đó tự nhận rằng: “Tôi chưa sống cuộc đời môn đệ Chúa như tôi đáng phải sống; tôi không chăm chỉ đọc Kinh-thánh và cầu nguyện, dù tôi biết nên làm như vậy. Tôi phải thay đổi cách tôi sống mới được. Tôi biết có một mức sống cao hơn mà tôi phải đạt tới, và tôi muốn đạt đến đó.” Nếu xét mình và nhận định như vậy là thành thật, và thực tâm muốn hành động, muốn thay đổi. Thế rồi ngày đầu năm bắt đầu thực hiện giờ yên lặng với Chúa. Đọc Kinh-thánh và cầu nguyện mỗi ngày. Nhưng rồi sau đó nguội dần đi và khi quên khi nhớ không thường. Cứ lúc nào muốn đọc Kinh-thánh hay cầu nguyện là hết việc này đến việc nọ xảy ra, không sao giữ đúng chương trình được. Dần dần có khi mấy tuần không đụng đến Kinh-thánh, và quyết định đầu năm quên hẳn đi. Đó chính là điều Chúa quan tâm.
Nếu bạn và tôi muốn nhận được những phúc hạnh Chúa hứa ban cho mình, chúng ta phải tiếp tục xin Chúa. “Tìm” có nghĩa là tiếp tục xin; “gõ” cũng là kiên trì không ngừng xin. Nghĩa là xin và tiếp tục xin không ngừng. Nằn nì như người góa phụ xin với ông quan án. Quấy rầy quan án cho đến khi ông ấy phải xét cho.
Kiên trì cầu xin lại không phải là điều quá đáng. Không những Kinh-thánh dạy như thế mà còn thể hiện qua những đời sống thánh nhân nữa. Điều nguy hại cho người tin Chúa là khi bằng lòng với những gì mình đã có. Nếu ta thật sự muốn trở thành người của Chúa, nếu ta thật sự muốn biết Ngài và đi với Ngài, cũng như kinh nghiệm những phước hạnh vô giá của Ngài, chúng ta phải kiên trì cầu xin mỗi ngày. Chúng ta phải cảm thấy đói khát sự thánh thiện, công chính thì sẽ được no đủ. Nhưng không có nghĩa là chúng ta đầy đủ một lần là đủ hết. Chúng ta tiếp tục đói khát.
Sứ đồ Phao-lô nói rằng: “Tôi nhắm mục đích mà chạy. Tôi không tưởng rằng mình đã đạt đến mức đâu.” Nghĩa là kiên trì, xin, tìm, gõ mãi. Đây chính là điểm mà chúng ta phải thú nhận là mình thường không làm được.
Như vậy nhận ra nhu cầu của mình, nhận ra nguồn cung ứng và kiên trì xin, tìm và gõ cho đến khi được, đó là nguyên tắc thứ nhất.
Nguyễn Sinh