Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuPhương Pháp Sống ĐạoThánh-Linh Trong Thế Giới Ngày Nay - Bài thứ 2. Thánh-linh làm...

Thánh-Linh Trong Thế Giới Ngày Nay – Bài thứ 2. Thánh-linh làm Báp-tem cho Hội-thánh

Bài thứ 2.  Thánh-linh làm Báp-tem cho Hội-thánh

Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. Tay Ngài cầm nia mà dê thật sạch sân lúa mình và Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.  Khi ấy, Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-tem.  Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-tem, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng:  Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài.  Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài.  Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng. (Ma-thi-ơ: 3:11-17)

Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy.  Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa. (1 Cô-rinh-tô 12:12-13)

Các phần Kinh-thánh kể trên cho ta thấy hình ảnh những ngày dân chúng đến để nhận báp-tem dưới sông Giô-đanh.  Người ta từ những nơi thuộc miền nam Giu-đê như Hếp-rôn, Bết-lê-hem đông đảo kéo về.  Từ miền Ga-li-lê trở lên phía bắc trong các vùng như Bết-sai-đa, Ca-bê-na-um, Nê-a-po-lít và cả Sa-ma-ri,  người ta cũng rủ nhau đi.  Ngay từ Giê-ru-sa-lem người ta cũng kéo đi từng đoàn, hằng trăm người.

Trên hai bờ sông vùng phía đông của thành Giê-ri-cô xưa,  nhiều người ra đứng xem.  Mọi người đều chăm chú nhìn một người nét mặt nghiêm nghị, râu tóc bơ phờ nhưng mắt sáng như ngọn lửa.  Y phục ông ta trông cũng kỳ dị.  Bên ngoài khoác một cái áo choàng bằng lông lạc đà, ngang lưng có thắt lưng da.  Còn lương thực của ông ta mới khác lạ: chỉ ăn toàn châu chấu với mật ong rừng. Nhưng không phải vì bộ dạng ông ta như thế mà thu hút người đến xem đâu.  Người ta đến để nghe ông ta nói.  Kể từ thời nhà tiên tri Giê-rê-mi tới lúc đó,  nghĩa là 600 năm mới thấy xuất hiện một nhà tiên tri thu hút quần chúng như thế.

Ông Giăng,  người làm báp-tem đó là con trai thầy tế lễ Xa-cha-ri và vợ là Ê-li-sa-bét.  Ông ta xuất hiện như một thiên thể,  đầy quyền năng thuyết phục,  loại quyền năng chắc chắn xuất phát từ Thánh-linh.  Tương tự như lĩnh tụ Môi-se và nhà tiên tri Ê-li ngày xưa, ông cũng từ sa mạc hoang dã trở về,  đúng là:

Tiếng kêu trong đồng hoang: Hãy dọn đường cho Chúa, ban bằng các lối cho Ngài.

Sứ điệp của ông Giăng cũng nghiêm trọng không khác gì hình dáng của ông:

Hãy ăn năn hối cải,  vì nước trời đã đến gần. (Ma-thi-ơ 3:2).

Không ai rõ vì sao đám đông kéo nhau đến.  Tò mò cũng có,  vì con người kỳ quái với lời nói khác thường.  Nhưng cũng có thể là tham vọng về chính trị,  người ta hi vọng ông Giăng là lĩnh tụ đưa dân tộc ra khỏi thống trị La-mã lúc ấy.

Nhưng ngoài các lý do kể trên, một số người đến là vì đói khát trong tâm linh.  Họ đã chán nghe những lệ luật của dòng tu Pha-ri-si, lại càng chán bọn thầy tế lễ chỉ tìm cơ hội trục lợi, và cảm thấy Chúa trở nên quá xa vời,  vì thế họ đã tìm đến Giăng; họ nghe ông nói và tin.  Thế rồi họ bằng lòng xuống sông Giô-đanh,  ăn năn hối lỗi,  từ bỏ nếp sống hư xấu,  được làm báp tem.  Nhiều người theo Giăng làm đệ tử.

Nhưng đây chưa phải là điều ông Giăng mong muốn.  Lễ báp-tem của ông có chỗ đứng của nó, nhưng có việc khác quan trọng hơn theo sau, vì ông bảo:  Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. (Ma-thi-ơ 3:11).

Chuyển đoạn lớn

Ông Giăng là một nhà tiên tri, một sứ giả của Chúa,  nhưng ông cũng là một người rất khiêm nhường hạ mình.  Ông biết chỗ đứng của mình trước Đấng Mê-si-a, con Đức Chúa Trời,  ông cũng hiểu sứ mạng của mình.  Lễ báp-tem ăn năn hối lỗi rất quan trọng.  Vì lễ này nhắc cho đồng bào của ông Giăng lúc ấy biết rằng họ cần phải được thanh tầy;  báp-tem này cũng khiến họ thay đổi những lối sống ích kỷ và tội ác; nó đưa họ đến chỗ nhận ra mình thiếu sót nhiều và cho họ đối diện với việc Chúa phải làm chủ cuộc đời họ.

Nhưng có việc cần hơn thế nữa.  Tội ác của con người nằm thật sâu trong tâm hồn đến nỗi báp-tem của Giăng không thể với tới;  những dấu vết nổi loạn không hòa tan trong nước sông Giô-đan.  Ăn năn và thanh tẩy rất quan trọng,  nhưng việc này phải dẫn đến đức tin và sự sống vĩnh hằng mà Chúa hứa ban cho người tin Ngài.

Lời ông Giăng tuyên bố đã đưa đến một chuyển đoạn lớn trong cuộc đời người tin Chúa.  Vì từ lúc ấy trở đi  ánh sáng sẽ dọi về phía Chúa Giê-xu,  Con Đức Chúa Trời và là Đấng Mê-si-a,  chứ không phải là Giăng,  người chỉ đem tin mở đường cho Chúa Cứu Thế.

Chúa Giê-xu cũng không khước từ lễ báp-tem bằng nước.  Ngược lại,  Chúa bảo ông làm báp-tem cho chính Ngài nữa,  dù Giăng phản đối: Khi ấy, Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-tem.  Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-tem, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng:  Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài. (Ma-thi-ơ 3:13-15).

Chuyển đoạn từ việc Giăng làm sang việc Chúa Giê-xu làm hay từ báp-tem bằng nước sang báp tem bằng Thánh Linh đã xảy ra ngay tại sông Giô-đanh khi ấy: Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng:

Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng. (Ma-thi-ơ 3: 16-17).

Trong nước lúc nhận báp-tem,  Chúa Giê-xu nhận Thánh Linh của Đức Chúa Trời.  Chuyển đoạn bắt đầu.

Trong suốt thời gian làm việc tại thế gian, Chúa Giê-xu đã thực hiện mọi việc nhờ Thánh Linh.

Bạn có thể hỏi rằng:  Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời trong cõi vĩnh hằng;  tại sao Ngài cần đến quyền năng của Thánh Linh?  Câu trả lời tìm được trong ý nghĩa của cuộc nhập thể làm người của Chúa Giê-xu.  Khi con Đức Chúa Trời lấy hình thể một hài nhi vào đời, Ngài để lại quyền năng thiêng liêng của Ngài.  Như Sứ đồ Phao-lô đã nói:  Ngài tự bỏ mình đi,  hay dốc đổ hết. (Phi-líp 2:7)

Vì Ngài tự nguyện làm một con người,  Ngài tạm dời bỏ quyền năng vốn có từ cõi vĩnh hằng.  Nhưng ta nên nhớ rằng,  khi nhập thể,  Chúa Giê-xu vẫn là Đức Chúa Trời.  Vì Đức Chúa Trời có thần tính vĩnh hằng không bao giờ thay đổi. Nhưng Chúa Giê-xu đã tự hạ mình hoàn toàn khi Ngài mang lấy thân xác con người đến nỗi Ngài quyết định phải nương nhờ vào quyền năng của Cha và của Thánh Linh hơn là quyền năng của con người của Ngài.

Việc Chúa Giê-xu phụ thuộc vào Thánh Linh của Đức Chúa Trời được thể hiện rõ trong quang cảnh báp-tem hôm ấy,  một quang cảnh mà ông Giăng mô tả:  Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bò câu, đậu trên mình Ngài. (Giăng 1:32).

Khi Thánh Linh ngự thì mọi việc đổi khác.

Những việc Chúa Giê-xu làm, những lời Ngài nói, tình thương mà Ngài biểu lộ, quyền năng mà Ngài thi thố, nhất nhất đều khả dĩ vì Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở với Ngài.

Một lối sống mới – lối sống vĩnh hằng, đã mở ra cho con người.

Trong ngày có chuyển đoạn quan trọng ấy, trước sự chứng kiến của đám đông, trên bờ sông Giô-đanh, ông Giăng hứa rằng Chúa Giê-xu đem đến một báp-tem lớn hơn,  đó là báp-tem bằng Thánh Linh.  Lời hứa này đã hoàn toàn thực hiện trong ngày lễ Năm Mươi Ngày sau khi Chúa Giê-xu sống lại.  Đó là khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời giáng trên Hội Thánh.  Chính Chúa Giê-xu từng nói, như trong Công vụ ghi: Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời.  Lúc ở với các sứ đồ, Ngài dặn rằng đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các ngươi đã nghe ta nói.  Vì chưng Giăng đã làm phép báp-tem bằng nước, nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh. (Công Vụ Các Sứ-đồ 1:3-5).

Trong bài giảng vào dịp Lễ Năm Mươi Ngày (Ngũ Tuần), Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích:  Vậy, sau khi Ngài đã được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời, và từ nơi Cha đã nhận lấy Đức Thánh Linh mà Cha đã hứa ban cho, thì Ngài đổ Đức Thánh Linh ra, như các ngươi đang thấy và nghe. (Công Vụ 2:33).

Như thế,  Chúa Giê-xu đã sống, chịu hi sinh, chết đi, sống lại đều nhờ quyền năng của Thánh Linh của Đức Chúa Trời, cũng một Thánh Linh đó lại đã được ban xuống cho Hội Thánh ban đầu,  cho 120 người.  Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ bằng lễ báp-tem,  Hội Thánh cũng bắt đầu với báp-tem của Thánh Linh.

Con đường đã mở ra cho quyền năng Thánh Linh.  Không phải chỉ một con người Giê-xu được Thánh Linh báp-tem, nhưng cả Hội Thánh đã chìm trong báp-tem đó.

Lễ Năm Mươi Ngày là một khởi đầu của một quá trình không cần nhắc lại.

Lễ Năm Mươi Ngày với Thánh Linh giáng lâm chỉ xẩy ra một lần và không cần phải tái diễn.  Hội Thánh chỉ có một khởi đầu,  cũng y như việc Chúa nhập thể một lần, chịu thương khó một lần, phục sinh một lần và thăng thiên một lần.  Trong thời biểu của nước Chúa chỉ có một lần Thánh Linh tuôn đổ, một lần báp-tem để đưa con dân Chúa  và gắn bó họ trong một thân thể gọi là Hội Thánh.

Dĩ nhiên là Hội Thánh đã được mở rộng và nhiều người gia nhập vào Hội Thánh.  Nhưng Hội Thánh chỉ có một mà thôi, và chỉ có một khởi đầu.  Mỗi một người tin nhận Chúa là thêm vào cái Hội Thánh đã bắt đầu từ hơn hai nghìn năm xưa ấy.  Sứ đồ Phi-e-rơ đã mở đường cho việc gia nhập Hội Thánh ban đầu khi ông kêu gọi:  Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.  Và kết quả là: Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-tem; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh. (Công Vụ 2:38,41).

Tiếp theo đó và cho đến ngày nay,  qua hơn 20 thế kỷ, vô số người đã tin nhận Chúa Giê-xu và gia nhập cùng một Hội Thánh từ thở ban đầu ấy.  Mỗi một người ăn năn tội,  tin nhận Chúa Giê-xu là Chúa và Đấng Giải Cứu là đã thuộc về thân thể thiêng liêng của Chúa Cứu Thế,  tức là Hội Thánh.  Như Sứ đồ Phao-lô từng viết:  Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi;  chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp tem;chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người. (Ê-phê-sô 4:4-6).

Chính là báp-tem của Chúa Thánh Linh đã khiến tất cả những người tin Chúa đều hợp làm một.  Cuộc hợp nhất của chúng ta không phải về văn hóa hay ngôn ngữ, cũng không phải hình thức nghi lễ hay chi tiết giáo lý, nhưng là vì chỉ có một Thánh Linh và một báp-tem của Thánh Linh đó đã khai sinh Hội Thánh. Đây là những người thực sự tôn xưng Chúa Giê-xu có Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời và do Đức Thánh Linh đó mọi người ràng buộc với nhau, như 1 Cô-rinh-tô 12:12-13 đã dạy:

Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy.  Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.

Sự hợp một của Hội Thánh là kết quả của việc báp-tem trong Thánh Linh. Chính Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh đã đưa mỗi người mới tin Chúa vào trong thân thể của Chúa Cứu-thế, làm cho người ấy trở nên một thành viên trong Hội Thánh của Chúa Cứu Thế.

Như vậy chuyển đoạn lớn khởi đầu từ những ngày trên bờ sông Giô-đan là lúc Chúa Giê-xu chịu báp-tem, khai sinh ra một thời đại mới là khi mọi người biết Chúa Thánh Linh và phục vụ lẫn nhau trong cái tự do mà chỉ người được tha thứ tội mới biết được.

Chuyển đoạn này đã trở thành một áp dụng toàn thế giới sau ngày Lễ Ngũ Tuần (Năm Mươi Ngày) khi nhóm 120 người từ phòng cao xuống, và sau bài giảng của Phi-e-rơ thì có 3000 người từ mọi miền của đế quốc nhập bọn với họ. Rồi từ đó khắp nơi trên thế giới, chỗ nào có người đón mời Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa và chịu báp-tem bằng Thánh Linh để được  nhận vào thân thể của Chúa.

Sự tuôn đổ đặc biệt của Thánh Linh có thể xẩy ra cho những nhóm người hay từng cá nhân, khi người ta nhận được quyền năng lớn lao và phước hạnh.  Chúng ta gọi là sự Xức Dầu đặc biệt, và ai cũng hân hoan khi được Chúa đụng chạm đến theo cách như thế.  Nhưng báp-tem bằng Thánh Linh không phải chỉ là một lần được xức dầu như thế, mà là một bắt đầu huy hoàng, một cuộc gia nhập vào Gia Đình của Chúa, trong gia đình đó chỉ có một Chúa, một đức tin và một báp-tem

Nguyễn Sinh biên soạn

 

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN