Thứ ba, Tháng Một 14, 2025
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhTrông Mong Nơi Chúa Thôi

Trông Mong Nơi Chúa Thôi

Trông Mong Nơi Chúa Thôi

Bạn đã bao giờ ở trong hoàn cảnh chỉ có Chúa là niềm hy vọng duy nhất? Đó là một trải nghiệm đầy lòng thương xót. Tôi không nói điều này cách khinh suất đâu, vì hầu như những trải nghiệm ấy bao giờ cũng thật tuyệt vọng. Hoàn cảnh bên ngoài hoặc khủng hoảng trong lòng đã biến mọi niềm an ủi và hy vọng trở nên vô nghĩa, thất vọng. Trong những khoảnh khắc này, chúng ta trở nên yếu đuối, dễ tổn thương, và thường sẽ khao khát, cầu xin Chúa giải thoát cho mình.

Nhưng chính trong những thời điểm như vậy, đức tin bền đỗ lại càng được trui rèn. Khi nhìn lại những lúc Chúa là nơi bám víu duy nhất, khi hy vọng thật sự chỉ có thể đến từ Ngài, chúng ta sẽ thấy rằng đó là khoảnh khắc ngọt ngào nhất trong cuộc đời mình. Và ta gọi đó là lòng thương xót.

“Linh hồn tôi nghỉ an nơi một mình Đức Chúa Trời;

 Sự cứu rỗi tôi từ Ngài mà đến.

 Một mình Ngài là hòn đá tôi, sự cứu rỗi tôi,

 Và là nơi ẩn náu cao của tôi; tôi sẽ chẳng bị rúng động nhiều” (Thi thiên 62:1–2).

Đa-vít đã trải qua nhiều nỗi tuyệt vọng trong suốt cuộc đời mình. Ông sống trong thời đại tàn bạo và phải chịu đựng những áp lực to lớn. Phần lớn cuộc đời, cái chết lăm le đe dọa như bóng đêm bao trùm lấy ông. Nhiều năm ông sống như một kẻ trốn chạy khỏi những hoang tưởng của vua Sau-lơ. Nhiều năm ông lãnh đạo quân đội chống lại các quốc gia thù địch hung hãn. Và tệ nhất là, nhiều năm ông phải sống trong thống khổ khi chứng kiến ​​những người bạn đáng tin (Thi-thiên 55:13–14), và thậm chí chính con trai mình (2 Sa-mu-ên 15:10) trở thành kẻ thù phản bội, vui thích khi ông gặp hoạn nạn và âm mưu tước đoạt mạng sống ông.

Nhưng ngay từ đầu, Đa-vít đã để lòng tin cậy nơi Chúa (Thi thiên 40:4). Ông không động vào Sau-lơ, người mà Chúa đã xức dầu làm vua (1 Sa-mu-ên 24:6). Ông tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa khi bước vào trận chiến (2 Sa-mu-ên 5:19). Và khi có người âm mưu hại ông, ông sẽ không đích thân trả thù (2 Sa-mu-ên 16: 5–14). Mọi người đều biết Đa-vít tuyên xưng rằng ông tin cậy Đức Chúa Trời. Do vậy, việc ông làm sẽ ảnh hưởng đến danh Ngài. Nếu việc báo thù thuộc về Đức Chúa Trời (Phục truyền luật lệ ký 32:35), thì Đa-vít phải tin rằng Chúa sẽ bảo vệ và minh oan cho ông, chứ không phải tự tìm cách đòi lại công bằng cho chính mình. 

Và Đức Chúa Trời đã làm gì cho Đa-vít? Ngài để nhiều tình huống xảy ra buộc Đa-vít phải tôn Ngài là Đấng đáng tin cậy nhất, là vầng đá duy nhất, nguồn cứu rỗi duy nhất của ông. Ngài buộc Đa-vít phải trông đợi nơi chỉ mình Ngài mà thôi.

Hàng rào ngả nghiêng 

Nhưng Đa-vít cảm thấy gì giữa những trải nghiệm tuyệt vọng đó? Ông mô tả: 

    “Các ngươi xông vào một người cho đến chừng nào,

 Đặng chung nhau đánh đổ người

 Như một cái vách nghiêng,

 Khác nào một rào hầu ngã?

 Chúng nó chỉ bàn bạc đánh đổ người khỏi cao vị người;

 Họ ưa chuộng điều dối giả,

 Lấy miệng mình chúc phước,

 Nhưng trong lòng thì rủa sả” (Thi thiên 62:3–4)

Đa-vít dường như không cảm thấy đức tin mình ngày càng mạnh mẽ hơn. Ngược lại, ông thấy yếu đuối, dễ tổn thương và mong manh. Ông thấy mình giống như một bức tường đá cũ, ngã nghiêng và chực chờ sụp đổ. Giống như chiếc hàng rào cũ ọp ẹp có thể dễ dàng ngã xuống bất cứ lúc nào.

Đây cũng là cảm giác của chúng ta trong quá trình học cách đặt Chúa làm niềm tin duy nhất. Những thử thách trong khoảnh khắc ấy giống như mối đe dọa đức tin. Nghịch cảnh nào cũng thật quá sức chịu đựng. Chúng ta cảm thấy yếu đuối, dễ tổn thương và mỏng manh, giống như sắp sụp đổ. Chúng ta dường như hoảng loạn. 

Vậy phải làm sao?

Hy vọng tôi đến từ Ngài

Đa-vít trả lời câu hỏi này qua Thi thiên 62. Ông nói với chính tâm hồn khó khăn, yếu đuối, dễ tổn thương, mỏng manh của bản thân (và của chúng ta):

   “Hỡi linh hồn ta, hãy nghỉ an nơi Đức Chúa Trời;

 Vì sự trông cậy ta ở nơi Ngài.

 Chỉ một mình Ngài là hòn đá tôi, sự cứu rỗi tôi,

 Và là nơi ẩn náu cao của tôi; tôi sẽ chẳng bị rúng động.

 Sự cứu rỗi và sự vinh hiển tôi ở nơi Đức Chúa Trời;

 Hòn đá về sức lực tôi, và nơi nương náu mình cũng đều ở nơi Đức Chúa Trời” (Thi thiên 62:5–7)

Đa-vít nói về thơ của con cháu Cô-rê trong Thi thiên 42 và 43:

   “Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta?

 Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời; ta sẽ còn khen ngợi Ngài nữa:

 Ngài là sự cứu rỗi của mặt ta, và là Đức Chúa Trời ta” (Thi thiên 42:11)

Đa-vít tự nhủ với linh hồn mình rằng hãy nhớ đến nguồn hy vọng duy nhất: Đức Chúa Trời. Chính xác hơn là nhớ những gì Chúa đã hứa với ông. Kinh nghiệm của Đa-vít là độc nhất, vì Chúa có những lời hứa cụ thể với ông, chẳng hạn như lập ông làm vua Y-sơ-ra-ên (1 Sa-mu-ên 16:13) và dòng dõi ông sẽ cai trị vững bền đời đời (2 Sa-mu-ên 7:12–17).

Đối với tất cả các thánh đồ, hy vọng nơi Chúa được đặt trên nền tảng những lời hứa Ngài. Lời Ngài nói là pháo đài mà chúng ta chạy đến nương náu khi sợ hãi. Đó là lý do Đa-vít nói: “Trong ngày sợ hãi, Tôi sẽ để lòng nhờ cậy nơi Chúa” (Thi-thiên 56:3).

Pháo đài của tôi

Đa-vít không chỉ nương dựa vào những lời hứa đặc biệt Chúa dành cho ông, mà còn là mọi điều Đức Chúa Trời đã mặc khải cho đến thời điểm đó. Trong Thi thiên 19, Đa-vít nói rằng mọi điều Đức Chúa Trời bày tỏ đều là “trọn vẹn, bổ linh hồn lại; làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan, làm cho lòng vui mừng, làm cho mắt sáng sủa, ai gìn giữ lấy, được phần thưởng lớn thay” (Thi thiên 19:7–11).

Điều này cũng được áp dụng với những tín đồ tin theo Giao Ước Mới. Đôi khi Thánh Linh sẽ soi sáng chúng ta với lời hứa đặc biệt trong thời điểm khó khăn, để giúp chúng ta chịu đựng và vượt qua. Nhưng lẽ thật lớn hơn cả là: “Vì chưng cũng như các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải trong Ngài” – Đức Chúa Jêsus (2 Cô-rinh-tô 1:20). Tất cả những lời hứa Chúa là nơi ẩn náu, là pháo đài để chúng ta chạy đến khi cảm thấy yếu đuối, dễ tổn thương và mong manh, chẳng hạn như:

“Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5)

“Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27)

“Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó” (Giăng 15:7)

“Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 4:19)

“Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? … Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:25,33)

“Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28)

“Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng, và thêm sức cho” (1 Phi-e-rơ 5:10)

“Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20)

Và hàng trăm lời hứa khác nữa. Trong khoảnh khắc tuyệt vọng, khi niềm hy vọng như vụt tắt, dường như đứng trên bờ vực sụp đổ, thì thay vì nhìn vào bóng tối, hãy chăm xem nguồn hy vọng của chúng ta, và nói như Đa-vít: “Sự cứu rỗi và sự vinh hiển tôi ở nơi Đức Chúa Trời; Hòn đá về sức lực tôi, và nơi nương náu mình cũng đều ở nơi Đức Chúa Trời” (Thi thiên 62:7).

Tin cậy Ngài mọi lúc

Thời khắc tuyệt vọng sẽ dạy chúng ta đức tin thật sự có nghĩa là gì, và tôi rèn chúng ta để hết lòng tin cậy nơi Chúa. Lời Đa-vít giờ đây trở nên sống động trong lòng chúng ta:

“Hỡi bá tánh, khá nhờ cậy nơi Ngài luôn luôn,

 Hãy dốc đổ sự lòng mình ra tại trước mặt Ngài:

 Đức Chúa Trời là nơi nương náu của chúng ta” (Thi thiên 62:8)

Nỗi tuyệt vọng không chỉ là con đường hữu hiệu nhất để nung đúc lòng tin cậy Chúa; mà còn ích lợi trong việc cầu nguyện. Ít có điều gì khiến bạn trút hết tấm lòng mình với Chúa qua lời cầu nguyện tha thiết hơn là khi mọi thứ dường như sắp sụp đổ, và bạn tự hỏi liệu mình có vượt qua được hay không. Hầu hết chúng ta sẽ không chạy vào pháo đài trừ khi phải đối mặt với nguy hiểm thực sự đang ập đến.

Đây là lý do tôi nói rằng: thật là một trải nghiệm đầy thương xót khi chúng ta đến được nơi mà chỉ còn Chúa là hy vọng duy nhất. Nhưng tôi không nói điều đó cách khinh suất, vì tôi từng trải những kinh nghiệm như vậy. Đó là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Một phần trong tôi không mong muốn điều đó xảy ra với bất kỳ ai. Nhưng phần khôn ngoan hơn trong tôi lại mong tất cả mọi người đều được trải nghiệm điều đó.

Tại sao? Bởi vì không có gì trên thế gian sánh được với sự bình an ngọt ngào trong tâm hồn chúng ta, khi ta thực sự kinh nghiệm rằng niềm hy vọng lớn nhất đến từ Chúa, Ngài là vầng đá năng quyền và là nơi nương dựa duy nhất, và chúng ta có thể tin cậy Ngài mọi lúc. Bất cứ trải nghiệm đau thương nào cuối cùng cũng hóa ra lòng thương xót lớn lao.

Bài: Jon Bloom; dịch: Jennie 
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/waiting-for-god-alone)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN