Ngày 18/07/2019
Kinh Thánh: Giê-rê-mi 13:8-15
Câu gốc: “Hãy nghe và lắng tai, đừng kiêu ngạo, vì Đức Giê-hô-va đã phán” (câu 15).
Giê-rê-mi 13:8-15: “8 Đoạn, lời của Đức Giê-hô-va phán cùng tôi rằng: 9 Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ta sẽ làm hư sự kiêu ngạo của Giu-đa, và sự kiêu ngạo lớn của Giê-ru-sa-lem đồng một thể nầy. 10 Dân ác nầy chẳng khứng nghe lời ta, bước theo sự cứng cỏi của lòng mình, theo các thần khác mà hầu việc và thờ lạy, thì sẽ trở nên như cái đai nầy không còn dùng được việc gì. 11 Đức Giê-hô-va phán: Như cái đai dính vào lưng người, thì ta khiến cả nhà Y-sơ-ra-ên và cả nhà Giu-đa dính vào ta cũng vậy, đặng chúng nó làm dân ta, làm danh vọng, ca tụng, vinh quang ta; nhưng chúng nó chẳng khứng nghe.
12 Ngươi khá bảo chúng nó lời nầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng: Hễ là bình thì sẽ được đầy rượu. Chúng sẽ nói cùng ngươi rằng: Chúng tôi há chẳng biết các bình đều sẽ đầy rượu sao? 13 Ngươi khá lại bảo rằng: Đức Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, ta sẽ khiến hết thảy dân cư đất nầy, các vua ngồi trên ngai Đa-vít, các thầy tế lễ, các kẻ tiên tri, và hết thảy dân cư Giê-ru-sa-lem đều say sưa. 14 Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ làm cho người nầy với kẻ khác, cha với con, chạm nhau; ta sẽ chẳng áy náy, chẳng dè nể, chẳng thương xót, chẳng chi ngăn ta hủy diệt chúng nó.
15 Hãy nghe và lắng tai, đừng kiêu ngạo, vì Đức Giê-hô-va đã phán.”
Câu hỏi suy ngẫm: Những ai phải đón nhận hình phạt của Đức Giê-hô-va? Hình ảnh nào được dùng để mô tả tình trạng của dân Chúa khi phải đối diện với cơn đoán phạt lớn lao này? Lời khuyên Đức Chúa Trời dành cho họ là gì? Làm thế nào để được tha thứ và không bị sa vào cơn đoán phạt của Chúa?
“Dân ác này chẳng khứng nghe lời ta”, “chúng nó chẳng khứng nghe”, “Chúng sẽ nói”, “Ngươi khá lại bảo”… là những lời mô tả về thái độ của tuyển dân khi nghe những lời khuyên mời ăn năn từ Tiên tri Giê-rê-mi, và cũng là lời lý giải vì sao Đức Giê-hô-va lại kêu gọi họ “Hãy nghe và lắng tai, đừng kiêu ngạo” (câu 15). Lời tiên tri rao ra hễ là bình nào cũng phải chứa đầy rượu, thì họ đáp lời Tiên tri Giê-rê-mi với lòng đầy kiêu ngạo: “Chúng tôi há chẳng biết… sao?” (câu 12). Câu trả lời của họ cho thấy họ chẳng có chút quan tâm nào đến những lời Đức Giê-hô-va phán truyền, bởi họ cho rằng mình đã biết, đã hiểu, và quan trọng hơn là họ chỉ muốn “bước theo sự cứng cỏi của lòng mình, theo các thần khác mà hầu việc và thờ lạy” (câu 10). Chính vì thế, Đức Giê-hô-va dùng Tiên tri Giê-rê-mi công bố Ngài sẽ giáng sự đoán phạt trên toàn thể cư dân trong xứ, từ lãnh đạo đất nước (các vua ngồi trên ngai Đa-vít), cho đến lãnh đạo tôn giáo (các thầy tế lễ, các tiên tri), và hết thảy dân cư Giê-ru-sa-lem. Như một người say rượu phô bày ra sự sỉ nhục, không kiểm soát được hành vi của mình thể nào, thì toàn thể dân Chúa cũng phải đối diện với cảnh trạng tương tự thể ấy, đến nỗi giữa cha và con cũng xảy ra sự va chạm, xô xát nhau (câu 13-14).
Trước thảm trạng ấy, lời khuyên Đức Giê-hô-va dành cho họ là: hãy lắng nghe, đừng kiêu ngạo mà khoe khoang sự hiểu biết của mình nữa, nhưng phải khiêm nhường để thấy được tình trạng tội lỗi của chính mình, và để thấy được cơ hội Đức Giê-hô-va dành cho họ để ăn năn, nếu không thì họ sẽ đánh mất cơ hội, và khi tai nạn xảy đến họ phải đối diện với sự đau đớn tột cùng.
Khi chúng ta ở trong tình trạng tội lỗi, lòng kiêu ngạo thường lèo lái chúng ta đến ngụy biện hơn là lắng nghe. Và khi lòng kiêu ngạo trỗi dậy, chúng ta thường bỏ ngoài tai những lời bẻ trách, sửa trị của Chúa. Chính những lời đầy tự cao: “Tôi biết rồi”, “Không lẽ tôi không biết”,… lại là những rào cản ngăn chúng ta đến với sự ăn năn. Vì thế, chúng ta cần phải học biết yên lặng, không bào chữa, không ngụy biện trước sự cảnh cáo của Lời Chúa; biết khiêm nhu lắng nghe những lời Đức Chúa Trời khuyên dạy để hiểu rõ và thuận phục hầu được Chúa tha thứ và không bị sa vào cơn đoán phạt của Ngài. Khi phạm tội bạn thường ngụy biện, bào chữa cho mình hay hạ mình xuống lắng nghe tiếng Chúa dạy dỗ, nhủ khuyên?
Kính lạy Đức Chúa Trời! Xin ban cho con lỗ tai thuộc linh để biết lắng nghe những điều Ngài truyền dạy, những lời nhắc nhở, khuyên răn hầu không bỏ qua những cơ hội ăn năn để được Ngài tha thứ, phục hồi.