Đọc Kinh Thánh: 1Giăng 1:5
5Đây là sứ điệp chúng tôi đã nghe nơi Ngài và công bố cho anh em: Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bất cứ bóng tối nào.
Suy niệm: Là người tin Chúa, nhiều khi chúng ta thấy cuộc tương giao của mình với Chúa không mấy gần gũi và còn bị gián đoạn nữa. Câu Kinh Thánh vừa đọc trên đây cho chúng ta những nguyên nhân và các lý do tại sao có các việc ấy xảy ra.
Sứ đồ Giăng đã tuyên bố về chủ đề lớn của ông, nhắc người đọc về tin mừng vĩ đại đó: Là người tin Chúa trong đời này có thể tương giao với Chúa Cha và Con Ngài là Chúa Giê-xu. Sứ đồ Giăng coi như người đọc đã biết về việc tin nhận Chúa, và cũng là tín đồ của Chúa rồi, nên ông chỉ quan tâm đến việc giúp những người này tiếp tục sống trong ân sủng của Chúa Giê-xu, hay sống nhờ Chúa Giê-xu. Tác giả cho người đọc thấy việc tương giao hoàn toàn với Chúa đã sẵn ban cho người tin Chúa, nhưng phải làm sao duy trì, vì có nhiều chướng ngại và ngăn cản.
Sứ đồ Giăng đề cập ngay đến một điều căn bản mà chúng ta thường bỏ quên. Ngay trong câu Kinh Thánh này tác giả cho chúng ta đối đầu với một trong những điều then chốt và tổng quát nhất: đó là khía cạnh thần học.
Nguyên tắc thứ nhất là: Chúng ta phải luôn luôn đặt Chúa là ưu tiên.
Mở đầu ông nói: “ Những điều nay chúng tôi viết cho anh em để niềm vui của anh em được trọn vẹn”
Nhưng sau đó ông đi ngay vào vấn đề, không giới thiệu dài dòng: 5Đây là sứ điệp chúng tôi đã nghe nơi Ngài và công bố cho anh em: Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bất cứ bóng tối nào.
Tác giả đã đặt Chúa ưu tiên, đó cũng là nguyên tắc thứ nhất.
Nhiều người sẽ cho rằng điều ấy có mới lạ gì đâu, vì lúc nào người tin Chúa chẳng bắt đầu mọi việc với Chúa? Nhưng trên thực tế, một nửa nan đề trong đời ta là do không đặt Chúa lên hàng đầu. Lý do là vì ta cứ cho rằng mình đã biết về Chúa, vì nghĩ rằng các ý niệm của ta về Chúa là đúng rồi. Có người nói rằng: “Tôi luôn luôn tin Chúa, chưa có lúc nào tôi lại không tin Chúa cả.” Vì nói như thế nên chỉ bắt đầu với quan tâm về chính mình.
Đây chính là nguyên nhân gây ra các nan đề từ năm 1860 tới nay. Tất nhiên là trước đó cũng nhiều nan đề, nhưng khởi từ năm đó người ta mới xác định rõ: Con người được đặt ở trung tâm tất cả. Tất cả tư duy, lý luận triết học đều có khuynh hướng khởi đầu từ con người. Con người được suy tôn lên ngôi và tất cả mọi thứ, kể cả Chúa đều phải được trình bầy trong hướng Con Người là chính.
Đây cũng là sai lầm đầu tiên và nguồn gốc của mọi hiểu lầm tai hại nhất. Kinh Thánh luôn luôn dạy ta là phải khởi đầu với Chúa. Chúa phải đặt ở hàng đầu. Nếu ta khởi đầu với người, tựu trung ta sẽ đi đến chỗ sai lạc trong mọi tư duy về Chân lý. Vì nếu ta khởi đầu từ con người thì tất cả mọi điều ta tìm kiếm đều sẽ phù hợp với giáo lý về con người. Tuy nhiên Kinh Thánh dạy: Ta không thể nào biết rõ về con người được nếu ta không chịu nhìn con người qua quan điểm của Chúa và qua giáo lý liên quan đến Chúa.
Con người vì bản tính ích kỷ và tự tôn rất dễ khởi đầu từ chính mình. Ta thường lý luận rằng: Tôi sống trong đời với bao nhiêu khó khăn, lúng túng không thoải mái. Tôi đang tìm đến một điều gì mà tôi chưa có. Tất cả chúng ta đều muốn đến với tôn giáo, đến với Thiên Chúa và Đạo Chúa với tất cả hệ thống vì ước muốn và đòi hỏi của tôi. Chúa sẽ đáp ứng như thế nào và sẽ cho tôi gì? Trong niềm tin nơi Chúa tôi sẽ được gì? Trong đó có gì làm giảm bớt các nan đề của tôi và giúp tôi trong thế giới tối tăm và khó khăn này hay không?
Lý luận như thế có vẻ tự nhiên và hợp lý, nhưng theo câu Kinh Thánh kể tên và theo giáo lý của tòan bộ Kinh Thánh thì đây là gốc rễ của mọi sai lầm, đó là khởi điểm của con đường tin tưởng nhầm lẫn.
Câu trả lời của Phúc Âm, của tin mừng cứu độ là: “Hãy quên mình đi mà chiêm ngưỡng Thiên Chúa”
Đây cũng là một trắc nghiệm rất có giá trị để thử bất cứ lời dạy hay giáo lý nào mà ta gặp trong đời. Bạn sẽ nhận thấy rằng một trong các đặc tính của các tà giáo trong đời là có khuynh hướng đến với chúng ta tuỳ theo nhu cầu của chúng ta. Chính vì thế mà những tà giáo ấy rất nổi danh và thành công. Họ dường như cung ứng cho chúng ta những gì mình muốn. Chúng ta có các nhu cầu và các tà giáo này dường như hiến cho chúng ta mọi điều y như mình muốn mà không nhọc công hay khó khăn gì cả.
Như thế trắc nghiệm đầu tiên, đặc tính của mặc khải của Kinh Thánh, điều căn bản nhất, theo một nghĩa, của đức tin Cơ-đốc-giáo là phải khởi đầu với Chúa. Chúa phải ở tâm điểm. Thần học là gì? Thần học là học về Thiên Chúa, là tri thức về Thiên Chúa.
Đây cũng là vấn đề quan trọng đối với chúng ta khi chúng ta xét toàn bộ về vấn đề thông công, tương giao và bước đi với Chúa cũng như hưởng đời sống của Chúa.
Con người trong thế kỷ 21 càng ngày càng chú trọng về mình và về môi trường, càng ngày họ càng xa Thiên Chúa. Nhưng nguyên tắc là phải khởi đầu từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng ta với những nhu cầu, ước muốn và hạnh phúc của mình. Trước khi Kinh Thánh cho chúng ta biết về những nhu cầu của chúng ta, Kinh Thánh thường cho chúng ta nhìn vào chính mình qua quan điểm của Chúa. Cách tiếp cận vấn đề của Kinh Thánh hoàn toàn duy nhất và khác biệt. Kinh Thánh không nói rằng có thể trợ giúp gì cả, nhưng cho chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, và những thông điệp từ Thiên Chúa đã gởi đến nhân loại và chúng ta.
Sau khi nhắc chúng ta là phải bắt đầu với Thiên Chúa, sứ đồ Giăng nhắc thêm là chúng ta phải nhận mạc khải liên quan đến Thiên Chúa trong Kinh Thánh và nhất là Chúa Cứu Thế Giê-xu: 5Đây là sứ điệp chúng tôi đã nghe nơi Ngài và công bố cho anh em: Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bất cứ bóng tối nào.
Như thế có nghĩa là dù cho có khởi đầu từ Thiên Chúa cũng chưa đủ. Vấn đề là: Sự thật về Thiên Chúa như thế nào? Thiên Chúa là ai? Chúng ta biết những gì về Thiên Chuá?
Đó là những lời dạy của sứ đồ Giăng cho chúng ta qua lá thư của ông.
Nguyễn Sinh