1 Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe e kẻo bị trôi lạc chăng. 2 Vì nếu lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, 3 mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? là sự cứu rỗi Chúa truyền ra trước hết, rồi có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta, 4 Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó. 5 Vả, thế gian hầu đến mà chúng ta nói đó, Đức Chúa Trời chẳng từng khiến nó phục dưới quyền các thiên sứ. 6 Nhưng có kẻ đã làm chứng rằng: Loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Con người là ai, mà Chúa săn sóc đến? 7 Chúa đã đặt Người ở dưới thiên sứ một chút; Cho Người đội mão triều vinh hiển tôn trọng; 8 Và đặt mọi vật dưới chơn người. Đức Chúa Trời đã khiến mọi vật phục Đức Chúa Jêsus như vậy; thì chẳng để cho một vật nào chẳng phục Ngài; song hiện nay chúng ta chưa thấy mọi vật phục Ngài. 9 Nhưng Đức Chúa Jêsus nầy, mà đã ở dưới các thiên sứ một chút, chúng ta thấy Ngài, vì sự chết Ngài đã chịu được đội mão triều vinh hiển tôn trọng. Ấy vậy, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus đã vì mọi người nếm sự chết.
Bước thứ hai trong việc lý luận về việc Chúa Giê-xu rất cao trọng, chứng minh rằng Chúa vô cùng vĩ đại vì công cuộc cứu rỗi nhân loại mà Ngài đã thành công.
Câu 9 dạy rằng: Ấy vậy, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus đã vì mọi người nếm sự chết. Ngài nếm sự chết để cứu nhân loại, đó là việc vĩ đại Chúa đã làm mà không ai, kể cả thiên sứ có thể làm được. Khúc Kinh Thánh chúng ta học hôm nay là phần đi trước việc lý luận đó. Ta sẽ bắt đầu nghiên cứu từng câu một.
Câu 1. Mở đầu là hai chữ “Vậy nên” tức là tiếp nối vào ý tưởng đã trình bầy. .Vì Chúa Giê-xu cao trọng hơn thiên sứ, nên chúng ta phải quan tâm đến những lời Chúa phán dạy. “Giữ vững lấy điều mình đã nghe” nguyên văn là prosechein có nghĩa là: không những chỉ chú ý vào một sự việc nhưng còn phải hành động theo những gì đã nhận xét. Những điều chúng ta đã nghe chính là toàn bộ phúc âm cứu rỗi của Chúa Giê-xu. Chúng ta phải nắm cho vững và hành động theo, vì nguy cơ là niềm tin rất dễ bị “trôi lạc”, như những con thuyền không biết bến bờ là nơi nào khi gặp sóng to gió lớn. Từ “trôi lạc” được dùng trong ý nghĩa một chiếc nhẫn quý đeo trên ngón tay vô ý bị tuột ra rơi xuống. Cũng như một người không cẩn thận niềm tin bị trôi lạc như con thuyền trên biển hay chiếc nhẫn quý bị tuột ra rơi đi mất. Từ “trôi lạc” còn mang ý nghĩa là chưa hẳn bị mất hướng hay xa rời niềm tin, nhưng chỉ không còn trung kiên như vốn có mà thôi.
Câu 2 và 3 “2 Vì nếu lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, 3 mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? là sự cứu rỗi Chúa truyền ra trước hết, rồi có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta,”
Lời thiên sứ rao truyền đây chính là luật lệ thánh của Chúa ban truyền cho con người. Luật lệ ấy rất quan trọng cho thời Cựu Ước thế nào, thì Lời của Chúa Giê-xu dạy trong thời Tân Ước còn cao trọng hơn nữa và cuộc vi phạm cũng chắc chắn bị xử lý nghiêm khắc hơn. Câu 3 cho chúng ta biết ba điều về sứ điệp cứu rỗi của Chúa Giê-xu.
- Trước tiên đây là sứ điệp do chính Chúa ban truyền, nghĩa là từ Đức Chúa Trời ban xuống. Những gì Chúa Giê-xu phán dạy đều quan trọng cho môn đệ của Ngài, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sứ điệp cứu rỗi nhân loại. Nhân đó ta có thể thêm rằng, vì vậy điều quan trọng nhất cho đời sống một người là được Chúa cứu.
- Thứ hai là sứ điệp đó đã được nhiều người nghe, tin nhận và chứng nghiệm để truyền lại cho chúng ta. Chúng ta tin nhận Chúa là do những nhân chứng dây chuyền từ thời Hội Thánh đầu tiên ở Do-thái cho đến bây giờ ở nước ta. Những người tin Chúa đã có lời chứng về niềm tin và sự thay đổi của họ và chúng ta tin nhận những lời đó và truyền lại cho những người khác nữa. Và cứ như thế đạo Chúa được phổ truyền khắp thế giới.
- Điểm thứ ba được trình bầy trong câu 4, như sau: 4 Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó. Nghĩa là chính Đức Chúa Trời cũng đã chứng nghiệm cho sự cứu rỗi vĩ đại đó. Trong phúc âm Giăng chúng ta cũng đã học là chính Đức Chúa Trời là một nhân chứng của Chúa Giê-xu và công cuộc cứu rỗi nhân loại của Ngài.
Như thế tin mừng về ân cứu độ của Đức Chúa Trời không phải do một tôn giáo nào hay do con người đặt ra, nhưng chính là xuất phát từ Chúa là Chân Thần. Rồi để cho người tin Chúa thêm đức tin thì Đức Chúa Trời đã ban những phép lạ.
Phép lạ có mục đích chứng tỏ Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời và việc Ngài vào đời để cứu nhân loại. Thêm vào đó Đức Chúa Trời còn ban Thánh Linh để nghiệm chứng cho công trình cứu rỗi nhân loại của Ngài. Thánh Linh ngự vào tâm hồn người tin để chứng minh rằng họ được cứu chuộc và tái sinh.
Câu 5 đến câu 9. “5 Vả, thế gian hầu đến mà chúng ta nói đó, Đức Chúa Trời chẳng từng khiến nó phục dưới quyền các thiên sứ. 6 Nhưng có kẻ đã làm chứng rằng: Loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Con người là ai, mà Chúa săn sóc đến? 7 Chúa đã đặt Người ở dưới thiên sứ một chút; Cho Người đội mão triều vinh hiển tôn trọng; 8 Và đặt mọi vật dưới chơn người. Đức Chúa Trời đã khiến mọi vật phục Đức Chúa Jêsus như vậy; thì chẳng để cho một vật nào chẳng phục Ngài; song hiện nay chúng ta chưa thấy mọi vật phục Ngài. 9 Nhưng Đức Chúa Jêsus nầy, mà đã ở dưới các thiên sứ một chút, chúng ta thấy Ngài, vì sự chết Ngài đã chịu được đội mão triều vinh hiển tôn trọng. Ấy vậy, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus đã vì mọi người nếm sự chết.
Các câu này nói về việc tương lai của nhân loại và xác nhận rằng thiên sứ không có quyền gì trên nhân loại cả, nhưng trích dẫn lời tiên tri trong Thi Thiên để xác nhận rằng Chúa Giê-xu sẽ làm vua, chủ tể vũ trụ vạn vật. Chúng ta chưa thấy ngày toàn thể vũ trụ suy phục Chúa Giê-xu, nhưng chúng ta cũng thấy mọi việc ứng nghiệm qua vai trò của Chúa Giê-xu khi Ngài vinh quang đắc thắng tử thần và trở về trời, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.
Nguyễn Sinh