Bài 8: Những Điều Sai Lạc Trong Niềm Tin
Cô-lô-se 2:16-23:
Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.
Chớ để cho những kẻ kia cướp lấy phần thưởng chạy thi, là kẻ giả đò khiêm nhượng mà muốn thờ lạy các thiên sứ. Họ theo những sự mình xem thấy, và bởi tính xác thịt nổi lòng kiêu ngạo vô ích,
không liên lạc với đầu, là nhờ đầu đó mà cả thân thể xếp đặt kết hiệp bởi các lắt léo, và được sự sanh trưởng từ Đức Chúa Trời đến.
Nếu anh em chết với Đấng Christ về sự sơ học của thế gian, thì làm sao lại để cho những thể lệ nầy ép buộc mình, như anh em còn sống trong thế gian:
Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ?
Cả sự đó hễ dùng đến thì hư nát, theo qui tắc và đạo lý loài người, dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình; nhưng không ích gì để chống cự lòng dục của xác thịt.
Những người tin Chúa Giê-xu luôn luôn được nhắc nhở rằng: Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, mà là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình. Ê-phê-sô 2:8,9 Hay nói rõ hơn, Việc cứu rỗi chúng ta là hoàn toàn do nơi Chúa, chúng ta không thể làm gì được và không có tư cách gì để tính điểm với Chúa cả. Chúa ban ân huệ của Ngài cho mỗi chúng ta, không phân biệt chúng ta là người tốt hay xấu, vì thật ra, trước công lý của Chúa, chúng ta toàn là tội phạm, chờ án tử hình cả. Khi nào chúng ta bằng lòng tin Chúa thì hưởng ân huệ ấy và được cứu. Lòng tin là điều duy nhất chúng ta có thể làm, ngoài ra các việc khác đều không tác dụng gì cả.
Trong phần Kinh Thánh hôm nay sứ đồ Phao-lô nói đến ba điều sai lạc do các giáo sư giả đưa ra để bắt người tin Chúa phải tuân giữ. Nhiều người tin Chúa lúc đó hoang mang không biết mình chỉ tin Chúa không đã đủ chưa hay còn phải giữ những lễ này, tục kia do con người bày vẽ ra.
Sứ đồ Phao-lô trước tiên nói về sai lạc trong quan niệm về giữ lễ lạc, ông dạy: Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.
Mở đầu ông nói Vì vậy, đây là tiếp nối ý tưởng của phần đã viết trước, nói về việc chết con người cũ và sống lại với Chúa. Vì vậy, chỉ một niềm tin nơi Chúa Giê-xu là đủ, đừng nghe theo những dư luận bảo rằng phải ăn như thế nào, uống ra sao, hoặc là phải tuân giữ các lễ nghi, ngày lễ và các thủ tục khác.
Đây là những điều mà người Do-thái khi xưa tuân giữ, trước khi Chúa Giê-xu giáng trần. Tuy nhiên các lễ nghi này chỉ là các biểu tượng trong thời trước Chúa Giê-xu xuống đời làm sinh tế chuộc tội cho mọi người. Chỉ một niềm tin nơi Chúa Giê-xu là đầy đủ, không cần tuân giữ các lệ luật xưa cũ nữa. Khi người tin Chúa Giê-xu không tuân giữ các lễ nghi tôn giáo cổ truyền này thì người đời phê bình, chỉ trích và làm khó dễ. Ông Phao-lô nói tiếp rằng, tất cả những lệ luật xưa đều là cái bóng về công việc cứu chuộc của Chúa Giê-xu. Khi ta tin Chúa Giê-xu là cái hình thật, thì bao nhiêu cái bóng hay biểu tượng không cần thiết nữa.
Có người sẽ bảo rằng, như thế thì việc tin Chúa quá dễ, không còn lễ nghi gì cả.
Ta nên nhớ rằng việc làm quan trọng nhất, hơn cả các lễ nghi là cái chết hi sinh của Chúa Giê-xu để ban ân huệ cho ai tin Ngài thì được cứu. Việc làm của Chúa Giê-xu không dễ đâu. Nhưng vì tình thương mà Chúa làm như vậy, vì chúng ta hoàn toàn bất lực không thể tự mình tuân giữ điều gì cả.
Sai lạc thứ hai trong vùng Cô-lô-se là việc thờ thiên sứ. Ông viết: Chớ để cho những kẻ kia cướp lấy phần thưởng chạy thi, là kẻ giả đò khiêm nhượng mà muốn thờ lạy các thiên sứ. Họ theo những sự mình xem thấy, và bởi tính xác thịt nổi lòng kiêu ngạo vô ích, không liên lạc với đầu, là nhờ đầu đó mà cả thân thể xếp đặt kết hiệp bởi các lắt léo, và được sự sanh trưởng từ Đức Chúa Trời đến.
Phần trên, sứ đồ Phao-lô bảo: Đừng để ai đoán xét anh em.
Phần này ông bảo: Đừng để cho những kẻ đó cướp mất phần thưởng chạy thi. Nói khác đi, ông bảo, đừng để cho người nào làm trọng tài phán xét cuộc theo Chúa của mình. Ông vạch rõ, những người phê bình như thế thật ra không chuyên lòng thờ Chúa đâu, bằng chứng là họ thờ cả thiên sứ nữa. Phần này có thể hiểu là có người cầu khẩn cả với thiên sứ, dường như làm như thế dễ được Chúa nhậm lời hơn.
Thật ra ngoài Chúa, ta không có quyền tôn thờ ai cả.
Dù thiên sứ hay những con người mà loài người tôn làm thần thánh đều không đáng cho ai tôn thờ cả. Ta cũng không cần cầu nguyện với bất cứ thiên sứ nào, thánh nhân nào, vì đơn giản là các vị ấy không có quyền thu nhận một lời cầu xin nào, và cũng vô quyền trong việc thực hiện hay không thực hiện điều ta cầu xin.
Sứ đồ Phao-lô kết luận rằng, những người thờ phượng thiên sứ hay nói theo ngôn ngữ của thời đại chúng ta là thờ cả các thánh nhân, tức là đã không chuyên lòng thờ Chúa, và mất tương giao nối kết với Chúa Cứu Thế là đầu tất cả. Như trong một thân xác, hễ phần nào không có quan hệ với đầu, thì phần ấy đã chết. Các tà giáo hồi ấy muốn đưa người tin trở về với truyền thống do con người bày ra và như vậy làm sao nhãng việc liên kết với Chúa và tôn thờ một mình Ngài.
Phần sai lạc thứ ba mà sứ đồ Phao-lô nói đến ở đây là về việc tu đạo hay kiêng cữ theo lối loài người hay theo lề luật cũ. Ông dạy: Nếu anh em chết với Đấng Christ về sự sơ học của thế gian, thì làm sao lại để cho những thể lệ nầy ép buộc mình, như anh em còn sống trong thế gian: Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ?
Cả sự đó hễ dùng đến thì hư nát, theo qui tắc và đạo lý loài người, dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình; nhưng không ích gì để chống cự lòng dục của xác thịt.
Đầu tiên sứ đồ Phao-lô khẳng định: Người tin Chúa Giê-xu là đã chôn vùi những điều mê tín dị đoan và các thói tục của đời, vì thế không cần phải bàn cãi hay ngần ngại là có nên theo các thể lệ cổ hủ đó hay không. Đây là chủ trương của một đạo giáo thời xưa. Cho rằng thân xác là độc dữ nên con đường thánh khiết là phải từ bỏ mọi ước muốn của thân xác, từ chối miếng ăn ngon và cắt giảm nhu cầu sống xuống mức tối thiểu. Chính học thuyết này đưa đến những việc cấm kết hôn, ca ngợi đồng trinh và tu hành xa lánh đời. Không những thế còn phải tìm đủ cách để hành hạ thể xác.
Các điều kiêng cữ nói đến ở đây là những việc quá đáng chứ không phải việc phòng tránh vì vệ sinh hay hại cho sức khỏe.
Sứ đồ Phao-lô quả quyết trong câu 22 rằng: tất cả những điều mà người ta đưa ra, nghĩ rằng như thế có thể giúp người chuyên tâm thờ Chúa, thật ra hoàn toàn thất bại, vì đó là theo phương pháp của loài người. Phương pháp ấy không có quyền năng để giữ thánh sạch và cũng không chế ngự nổi lòng tham. Lý luận của Phao-lô là, nếu ta tin Chúa, thì tất cả lòng dục và con người cũ đều đã bị chôn vùi trong cái chết, và ta sống lại với con người mới, ta sống bằng quyền năng của Chúa chứ không do sức tu hành tầm thường của con người.
Bài học Kinh Thánh hôm nay không nhằm đả phá những hệ phái Cơ Đốc có các điều nghiêm cấm hữu ích và đưa người vào việc thờ Chúa khôn ngoan, nhưng chỉ ngăn ngừa những người chạy theo các phương pháp tu trì của loài người, mà làm mất mối tương giao mật thiết của mình với Chúa.
Cầu xin Chúa cho quý vị và các bạn phân biệt rõ lời Chúa dạy và những điều do con người nghĩ ra. Ta nên hoàn toàn theo lời Chúa và áp dụng nguyên tắc của Chúa cho cuộc đời chúng ta.
Nguyễn Sinh