Thứ tư, Tháng mười 30, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài thứ 311 - Chúa Giê-xu cao trọng hơn Môi-se

Bài thứ 311 – Chúa Giê-xu cao trọng hơn Môi-se

Hê-bơ-rơ 3:1-6

1 Bởi cớ đó, hỡi anh em thánh, là kẻ dự phần ơn trên trời gọi, hãy suy kỹ đến sứ giả và thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta tin theo, tức là Đức Chúa Jêsus, 2 Ngài đã trung tín với Đấng đã lập Ngài, cũng như Môi-se trung tín với cả nhà Chúa vậy.  3 Vì Ngài đã được xưng là đáng vinh hiển cao trọng hơn Môi-se, chẳng khác nào thợ cất nhà được tôn trọng hơn chính cái nhà.  4 Vả, chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên; mà Đấng đã dựng nên muôn vật ấy là Đức Chúa Trời.  5 Còn về Môi-se, người đã trung tín trong cả nhà Chúa, như một kẻ tôi tớ, gọi đến làm chứng về điều ngày sau sẽ được rao giảng.  6 Nhưng Đấng Christ thì trung tín như con trai quản trị nhà Chúa; mà nhà Chúa tức là chúng ta, miễn là chúng ta giữ vững vàng cho đến cuối cùng lòng tin chắc và trông cậy, là sự chúng ta lấy làm vinh hiển.

Tác giả thư Hê-bơ-rơ đang biện luận về việc Chúa Giê-xu là tuyệt đối cao cả.  Chúa cao cả hơn thiên sứ, vì Ngài là tác giả của công cuộc cứu rỗi vĩ đại, Ngài vĩ đại đến nỗi trở thành một người để hoàn thành công tác vĩ đại đó. Qua chương 3 tác giả quay sang Môi-se, là vị tiên tri mà người Do-thái coi là vĩ đại nhất. Người ta coi Môi-se còn cao hơn thiên sứ và tưởng chừng Chúa Giê-xu cũng còn thuộc cấp bực dưới Môi-se.  Tác giả không coi Môi-se là nhỏ, ông cũng không phê bình gì Môi-se. Ông công nhận Môi-se là một lãnh tụ vĩ đại, nhưng dù vậy ông minh chứng rằng Chúa Giê-xu cao trọng hơn Môi-se.

Câu 1. Từ “anh em thánh” chỉ thấy viết trong thư này bao hàm nghĩa vừa là thân yêu vừa được biệt ra thánh. Đây là những người trong một nhóm anh em thân tình với tác giả. Cũng là những người biệt riêng đời sống ra phục vụ Chúa.

Ông định nghĩa rõ hơn: “Kẻ dự phần ơn trên trời gọi” Đây là Chúa kêu gọi một số người để phục vụ Chúa, thành người riêng của Ngài.  Những người con của Chúa phải biết địa vị của Chúa Giê-xu trong gia đình của Ngài.

Có hai chức vụ của Chúa Giê-xu nêu lên ở đây, một là sứ đồ (không phải sứ giả), và hai là thầy tế lễ. Hai từ này chỉ có nghĩa là Đức Chúa Trời đã sai Chúa Giê-xu nhiều lần, Giăng ghi lại đầy đủ các việc này. Những người tin Chúa và phục vụ Chúa, được gọi là “anh em thánh” vì cùng được Chúa ra ơn kêu gọi. Chúng ta cảm tạ Chúa về ơn kêu gọi này.

Câu 2. Câu này cho thấy Chúa Giê-xu trong danh phận làm con và sứ đồ cũng như thầy tế lễ đã trung tín khi vào đời làm người, và Môi-se cũng được kể là trung tín như Chúa.

Câu 3. Nhưng đến câu này tác giả mới cho thấy rõ không thể so sánh Chúa Giê-xu với Môi-se được.  Môi se là một thành phần của cái nhà, tức là dân Chúa hay Hội Thánh thời Cựu Ước còn Chúa Giê-xu là thợ xây nhà tức là Đấng sinh ra dân Chúa. Câu 6 giải thích rõ hơn.

Câu 4. Câu này là câu trong ngoặc đơn để nói thêm rằng: Nên nhớ rằng Chúa là Đấng tạo dựng ra mọi dân tộc, kể cả dân Chúa, và Môi-se chỉ là một thành phần của dân Chúa, không so sánh với Chúa Giê-xu được

Câu 5. So sánh rõ hơn: Môi-se chỉ là một người phục vụ Chúa, Chúa Giê-xu thì khác, vì Ngài là Con, là chủ của cả căn nhà, tức là dân Chúa. Trong vai trò tôi tớ, Môi-se là người rất trung tín.

Câu 6. Câu này giải thích rõ “nhà Chúa” là gì? Nhà Chúa là dân Chúa (là chúng ta, tức là Hội Thánh người Hê-bơ-rơ) Điều kiện là dân Chúa phải trung tín cho đến cuối cùng và hi vọng về một ngày hội ngộ với Chúa Cứu thế.

Chúng ta sang phần thứ hai của chương 3. Từ câu 7-11:

7 Cho nên, như Đức Thánh Linh phán rằng: Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài 8 thì chớ cứng lòng, như lúc nổi loạn, là ngày thử Chúa trong đồng vắng, 9 là nơi tổ phụ các ngươi thấy công việc ta làm trong bốn mươi năm, mà còn thử để dò xét ta! 10 Nhơn đó, ta giận dòng dõi nầy, và phán rằng: lòng chúng nó lầm lạc luôn, chẳng từng biết đường lối ta. 11 Nầy là lời thề mà ta lập trong cơn thạnh nộ, rằng: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ của ta.

Tác giả dùng thái độ của dân Chúa ngày xưa để thách thức độc giả phải bước đi sát gần với Chúa.

Trong Cựu ước có một lời hứa cho vào an nghỉ.  Tác giả thấy rằng lời hứa đó được thực hiện – không trong thời Cựu Ước nhưng trong chính Chúa Cứu Thế. Muốn mọi người chú ý, tác giả chứng minh một lần nữa Chúa Cứu Thế là lời cuối cùng của Đức Chúa Trời cho nhân loại.

Tác giả bắt đầu với phần trích dẫn trong Thi Thiên 95:7-11. Tuy nhiên tác giả giới thiệu là lời của Đức Thánh Linh trích dẫn trong Thi Thiên. Vì Lời Kinh Thánh là do Thánh Linh chỉ đạo mà người ta viết ra, kể các các Thi Thiên.

Câu 8- câu 11: “Cứng lòng” là tình trạng theo sở thích riêng và không chịu lắng nghe lời chỉ dạy của Chúa qua tôi tớ Ngài, lúc đó là Môi-se. Đây là giai đoạn hành trình trong sa mạc, lúc dân không có nước uống và than trách Chúa. Kinh Thánh gọi là thử Chúa. Thái độ than trách hay thử thách Chúa biểu lộ lòng vô tín, chỉ thấy trước mắt mà không nhớ đến ân huệ của Chúa cho bao nhiêu đời trước. Ngày xưa dân Chúa chống đối Chúa và không tin Ngài trong 40 năm, ngày nay, tức là khi viết thư Hê-bơ-rơ, dân Chúa sau 40 năm vẫn chưa tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng Mê-sia. Đây chính là điều tác giả khuyên độc giả để đừng lặp lại những tội lỗi người xưa đã phạm.

Phần thứ ba của chương 3:12-19: 

12 Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng. 13 Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là “Ngày nay,” hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng lòng. 14 Vì chúng ta đã được dự phần với Đấng Christ, miễn là giữ lòng tin ban đầu của chúng ta cho vững bền đến cuối cùng, 15 trong khi còn nói rằng: Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, Thì chớ cứng lòng, như lúc nổi loạn. 16 Vả, ai là kẻ nghe tiếng Ngài rồi nổi loạn, há chẳng phải những người nhờ Môi-se dẫn ra khỏi xứ Ê-díp-tô sao? 17 Đức Chúa Trời đã giận ai trong bốn mươi năm? Há chẳng phải giận nhiều kẻ phạm tội, mà thây họ ngã trong đồng vắng sao? 18 Ngài lại thề với ai rằng không được vào sự yên nghỉ của Ngài? Há chẳng phải với những người không vâng lời sao? 19 Vả, chúng ta thấy những người ấy không thể vào đó được vì cớ không tin.

Câu 12 là một lời khuyên người đọc thư và chúng ta: Người tin Chúa được dạy là phải cảnh giác, tự kiểm điểm xem thử mình có phạm tội tức là có lòng dữ và không tin Chúa mà chống nghịch và bỏ Chúa hằng sống chăng? Đây không phải cho riêng mình mà phải trông nom lẫn nhau.  Câu 13. dạy rằng phải khuyên bảo lẫn nhau.  Hội thánh là một tập thể những người Chúa kêu gọi, phải chăm sóc nhau để khỏi phạm tội và trái mạng Chúa.

Câu 14 có nghĩa là khi ta tin Chúa là ta đã được kết hợp với Chúa Cứu Thế, nhưng điều kiện là phải giữ vững lòng tin cho đến cuối cùng.  Tại đây cho chúng ta thấy người tin Chúa khác với người tin bất cứ đối tượng nào khác, vì tin Chúa là kết hợp với Chúa chứ không phải chỉ gia nhập vào một tôn giáo.

Câu 15 nhắc lại lời cảnh cáo trích trong Thi Thiên nhưng áp dụng cho hiện tại; Nghe tiếng Chúa kêu gọi, nhắn nhủ, dạy bảo thì đừng bỏ qua, vì gương chứng dân Chúa nổi loạn còn đó.

Câu 16-19.  Đây là ba câu hỏi tác giả đưa ra và tự trả lời:  Ai nổi loạn chống Chúa? Chúa giận ai trong 40 năm ? Và Chúa thề với ai là sẽ không được vào sự an nghỉ của Chúa ? Đó là dân Chúa từ Ai-cập ra đi trong bốn mươi năm, ngoan cố chống lại Chúa đến nỗi đa số bỏ xác nơi sa mạc không được vào nơi an nghỉ của đất thánh. Câu cuối cùng: Những người ấy không vào đất thánh là nơi an nghỉ, chỉ vì họ không tin.

Bài học chúng ta rút ra được từ Hê-bơ-rơ đoạn ba là:

  1. Chúa Giê xu là đấng vĩ đại so với Môi se, vì Chúa hi sinh cứu cả nhân loại.
  2. Chúng ta phải chú trọng đến lời kêu gọi của Chúa và đáp ứng thuận lợi, vì cơ hội là bây giờ.
  3. Vào nơi an nghỉ với Chúa là được tham dự và nước trời và tôn thờ Chúa Giê-xu
  4. Lòng tin đưa ta đến gần Chúa và vào nơi an nghỉ với Chúa.

Nguyễn Sinh

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN