Thứ hai, Tháng mười hai 30, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhCó Nên Hưởng Ứng Cá Tháng Tư “Cho Vui”?

Có Nên Hưởng Ứng Cá Tháng Tư “Cho Vui”?

Mặc dù Kinh Thánh không trực tiếp ngăn cấm Cơ Đốc nhân hưởng ứng ngày “Cá tháng Tư”, nhưng chúng ta cần xem xét một số nguyên tắc trong Lời Chúa để nhận biết ý muốn Chúa về vấn đề này.

Không ai biết rõ nguồn gốc và lịch sử của ngày Cá tháng Tư, hoặc “ngày quốc tế nói dối”. Có rất nhiều giả thuyết giải thích về nguồn gốc của ngày này.

Hầu hết các nhà bình luận và nghiên cứu khẳng định ngày Cá tháng Tư bắt đầu từ năm 1582 ở Pháp. Trước đó, năm mới được ăn mừng trong 8 ngày, bắt đầu từ ngày 25 tháng 3 và trọng điểm của mùa lễ này là ngày 1 tháng 4. Dưới thời Charles IX, lịch cũ được cải cách thành Lịch Gregorian, và ngày đầu năm mới đã dời sang ngày 1 tháng 1. Tuy vậy, nhiều người Pháp đã không chấp nhận lịch mới này, hoặc không tìm hiểu về nó, nên họ tiếp tục ăn mừng năm mới vào ngày 1 tháng 4. Người khác bắt đầu chế giễu, xem họ là kẻ lập dị và lừa bịp họ. 

Người Pháp gọi ngày 1 tháng 4 là “Poisson d’Avril” hay “Cá tháng Tư”. Cá tháng Tư là cá nhỏ, rất dễ bị đánh bắt. Trẻ em Pháp đôi khi dán hình một con cá lên lưng bạn bè, rồi kêu lên “Poisson d’Avril” khi trò chơi khăm bị phát hiện. Theo truyền thống, những trò đùa của người Pháp phải liên quan đến con cá. Khẩu hiệu “Poisson d’Avril” được cho là từ Napoléon I khi kết hôn với bà Marie-Louise người Áo vào ngày 1 tháng 4 năm 1810.

Ngày Cá tháng Tư sau đó được lan truyền sang cả người Anh và Mỹ.

Ở Scotland, Cá tháng Tư được tổ chức trong 2 ngày, còn được gọi là “April Gowk”, “Gowkie Day” hoặc “Hunt the Gowk”. “Gowk” trong tiếng Scotland có nghĩa là “chim cúc cu”, biểu tượng cho những kẻ ngốc.

Ngày Cá tháng Tư tại Mexico được tổ chức vào ngày 28 tháng 12. Ở Bồ Đào Nha, ngày Cá tháng Tư được tổ chức vào Chủ Nhật và Thứ Hai trước Lễ Vượt Qua, với truyền thống ném bột vào bạn bè.

Bất chấp những nguồn gốc “hiện đại” của ngày này, nhiều sử gia đồng ý rằng Cá tháng Tư có nguồn gốc cổ xưa rõ ràng. Chúng ta được biết rằng các nền văn hóa cổ đại, cả những nền văn hóa đa dạng như La Mã và người Hindu, đều ăn mừng năm mới vào ngày 1 tháng 4. Từ điển Bách khoa toàn thư Britannica viết:

“Cá tháng Tư là di tích của những lễ hội toàn cầu từng được tổ chức vào tiết xuân phân, bắt đầu vào ngày đầu năm cũ, ngày 25 tháng 3, kết thúc vào ngày 1 tháng 4. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ, vì thực tế, bản sao chính xác của Cá tháng Tư là một phong tục xa xưa ở Ấn Độ. Lễ hội xuân phân ở đó được gọi là lễ Huli, ngày cuối cùng là ngày 31 tháng 3, theo đó thú vui chủ yếu là đánh lừa mọi người bằng cách khiến họ đi làm những việc vặt vô ích”.

Các nguồn thông tin khác cho biết, có rất nhiều lễ hội hưởng ứng những trò lừa bịp bợm trong suốt thời cổ đại. Bài viết “Ngày Cá tháng Tư: Nguồn gốc xa xưa” đưa ra báo cáo đáng chú ý sau:

“Saturnalia, lễ hội mùa đông của người La Mã được tổ chức vào cuối tháng 12, là dịp quan trọng nhất trong những lễ hội lừa bịp này. Tại đó, người ta sẽ khiêu vũ, uống rượu và vui vẻ. Mọi người trao đổi quà, nô lệ được phép giả vờ cai trị chủ nhân, và có một vị vua giả, các hoàng tử giả (hoặc Chúa tể của Misrule) trị vì trong ngày đó. Vào thế kỷ thứ tư sau Công nguyên, Saturnalia đã được chuyển thành lễ hội đầu năm ngày 1 tháng 1, và nhiều truyền thống của nó đã kết hợp vào lễ Giáng Sinh… Người Bắc Âu tổ chức một lễ hội cổ để tôn vinh Lud – thần hài hước của người Celt. Và cũng có những phong tục Bắc Âu phổ biến thể hiện thứ bậc của các Druid… Trong thời Trung cổ, nhiều lễ hội phát triển như những tiền thân trực tiếp của ngày Cá tháng Tư. Quan trọng nhất trong số này là Festus Fatuorum (Lễ hội của những kẻ ngốc) phát triển từ Saturnalia. Vào ngày này (chủ yếu ở Pháp) các tín đồ sẽ bầu chọn một giáo hoàng giả và nhại lại các nghi lễ của giáo hội. Tất nhiên, giáo hội đã cố gắng hết sức để ngăn cản lễ hội này, nhưng nó vẫn kéo dài cho đến thế kỷ XVI. Sau khi chấm dứt “Lễ hội của những kẻ ngốc”, mọi người bắt đầu tập trung vào Mardi Gras và Lễ hội Carnival”.

Một nguồn tin khác cũng nói về những sự việc liên quan đến nguồn gốc “hiện đại” của ngày “Cá tháng Tư”:

“Giả thuyết về việc thay đổi lịch năm có thể tiết lộ lý do ngày 1 tháng 4 trở thành ngày lễ đặc biệt hiện nay. Nhưng rõ ràng, lễ hội mùa xuân có nguồn gốc xa xưa hơn nhiều. Ngoài ra, giả thuyết này vẫn chưa giải thích được quá trình lan rộng của lễ hội này từ Pháp sang các nước theo đạo Tin lành như Đức, Scotland và Anh. Các quốc gia này chỉ áp dụng việc thay đổi lịch trong thế kỷ mười tám, thời điểm mà truyền thống Cá tháng Tư được hình thành trên khắp châu Âu. Cuối cùng, không rõ bằng chứng chủ yếu (các tài liệu được viết trong thế kỷ 16 và 17) ủng hộ giả thuyết này là gì. Mối liên hệ giữa sự thay đổi lịch năm và ngày 1 tháng 4 dường như dựa trên phỏng đoán hiện đại hơn là nghiên cứu lịch sử. Vì vậy, chỉ nên coi giả thuyết này là một khả năng, chứ không phải sự thật chắc chắn”.

Một nguồn tin của Đức, Faz.Net chỉ ra rằng cả người Do Thái và người Hồi giáo đều không tham gia phong tục Cá tháng Tư. Tagesschau.de viết vào ngày 1 tháng 4 năm 2002: có 800 giả thuyết về nguồn gốc của ngày “Cá tháng Tư” và tuyên bố rằng Giáo hội Công giáo “không có vấn đề gì” với việc tổ chức lễ hội này. Tiến sĩ Manfred Becker-Huberti giải thích: “Mặc dù lễ hội Cá tháng Tư đầu tiên được ghi lại ở Đức vào năm 1631, nhưng phong tục này dường như còn lâu đời hơn nhiều. Có thể tìm thấy nó trong tất cả các bộ lạc Indo-Germanic… Nó cũng có thể bắt nguồn từ lễ Quirinalia của người La Mã, hoặc lễ Huli của người da đỏ, nơi người ta xua đuổi mùa đông và ma quỷ. Lời giải thích tốt nhất là Cá tháng Tư bắt nguồn từ lễ hội mùa xuân, giống như tiếng Đức “Fastnacht”. “Fastnacht” là một phần của Lễ hội Carnival Đức. Ban đầu “Fastnacht” cũng được tổ chức với mục đích xua đuổi mùa đông và ma quỷ… Để tôn vinh nữ thần Hy Lạp Venus, người ta tổ chức bữa tiệc lừa bịp vào mùa xuân. Ngày 1 tháng 4 là ngày đặc biệt của bà, và đó là lý do tại sao bà còn được gọi là “Aprilis”.

“Bách khoa toàn thư về Tôn giáo và Đạo đức” của James Hastings chỉ ra rằng:

“Nguồn gốc của tập tục này không rõ ràng… nó được phổ biến rộng rãi vào cuối thế kỷ 16. Do đó, khó mà chấp nhận giả thuyết rằng đó là do ngày đầu năm mới chuyển từ ngày 1 tháng 4 sang ngày 1 tháng 1… Sự giống nhau của những trò lừa ở Ấn Độ và các vùng Celtic ở Tây Âu, cùng với mối quan hệ trong tôn giáo và văn hóa dân gian… chỉ ra nguồn gốc chung từ xa xưa… Ngày đầu tháng tư ở La Mã cổ đại được xem như như ngày lễ của thần Vệ nữ và Fortuna Virilis… Đó là những hình thức thờ cúng thần Vệ nữ vào ngày đầu tháng tư của người Celt… Vì vậy, ngày quốc tế nói dối có thể là di tích Lễ hội mùa xuân của Llew [thần Mặt trời trong thần thoại Celtic]”.

Mặc dù không biết được nguồn gốc chính xác của Ngày Cá tháng Tư, nhưng bằng chứng rõ ràng cho thấy ngày này có nguồn gốc ngoại giáo, và thậm chí còn được tổ chức như một phần nghi lễ thờ cúng ngoại giáo. Giê-rê-mi 10:2-3 cho biết chúng ta không được học theo đường lối của dân ngoại, vì chúng vô ích và hư không. Đức Chúa Trời cũng lên án việc đùa cợt vô bổ trong Ê-phê-sô 5:4 rằng “chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào”.

Lời Chúa khuyên chúng ta rằng đừng cư xử như “kẻ thiếu trí hiểu”. Châm ngôn 10:23 chép: “Kẻ thiếu trí hiểu coi sự làm ác như chơi; Nhưng người thông sáng thích sự khôn ngoan”.

Thêm một lời cảnh báo về việc hưởng ứng ngày Cá tháng Tư trong Châm ngôn 26: 18-19: “Người nào phỉnh gạt kẻ lân cận mình, Rồi nói rằng: Tôi chơi mà! Khác nào kẻ điên cuồng ném than lửa, Cây tên, và sự chết”.

Sau khi xem xét tất cả bằng chứng về nguồn gốc ngày Cá tháng Tư, cũng như bản chất của những lễ hội và hoạt động đi kèm với ngày đó, chúng ta phải kết luận rằng Cơ Đốc nhân thật sẽ không hưởng ứng dịp này.

Dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.ugchristiannews.com/how-should-a-christian-view-april-fools-day/)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN