Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

Mục sư NGUYỄN HẬU NHƯƠNG

MỤC SƯ NGUYỄN HẬU NHƯƠNG

 (1912-2002)

Mục sư Nguyễn Hậu Nhương sinh ngày 4 tháng 4 năm 1912 (Quý Sửu) tại làng Lý Nhân huyện Đông Thanh, Phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Mồ côi mẹ từ lúc mới ra đời, được ông bà nội nuôi dưỡng cho đến khi 3 tuổi. Khi bà nội qua đời,ông được về ở với bên ngoại. Lúc thiếu thời được ở bên nội nhiều hơn nên đã được học chữ Nho với ông nội. Mãi đến năm 1920 mới xin được học lớp Năm (Cours Enfantine) toàn bằng chữ Pháp. Rất thông minh. Lần nào có cuộc thi đều được thưởng tiền rất nhiều. Ở trường học lớp nào cũng đứng hạng nhất, năm nào cũng được phần thưởng đặc biệt, ưu hạng. Nhưng ra khỏi khuôn viên trường ông lại cũng được nổi danh về tính nghịch ngợm, phá phách (đúng như câu: Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò!). Về tính tình, tuy còn nhỏ nhưng đã tiêm nhiễm và sáng tạo ra rất nhiều tội lỗi.

Vào một tối thứ Năm cuối tháng Ba năm 1924 ông đã tiếp nhận Chúa làm Cứu Chúa của đời sống mình tại nhà giảng Hội Tin Lành Vinh và cứ hàng tuần đi nhóm lại hát thơ thánh, nghe giảng và tham gia sinh hoạt, công tác phát sách hoặc bán sách Tin Lành.

Năm 1928 được sinh hoạt với Hội Thánh Tự Nhiên, tỉnh Hà Đông khi thân phụ là Truyền đạo Nguyễn Hậu Phúc, hầu việc Chúa tập sự tại đây. Năm 1930 ông về làm việc tập sự tại nhà in Tin Lành ở số 2 phố Ngõ Trạm, Hà Nội. Tại đây, ông sống chung với hai cụ Mục sư Hội Trưởng Lê Văn Thái và được học Kinh Thánh mỗi chiều thứ Năm tại nhà thờ. Do công việc, ông phải kiểm bản in Kinh Thánh bằng cách đọc lại bốn lượt trước khi cho in. Lễ Giáng Sinh năm 1932 là kỳ lễ vui nhất. Các con cái Chúa hiệp nhau trang trí nhà thờ, tập hát và tập kịch trình diễn cho kỳ lễ và trong ngày lễ nhận được rất nhiều quà quý báu ích lợi cho việc học Kinh Thánh. Lễ năm đó ông được Chúa thúc giục và đã quyết định dâng hiến đời mình phục vụ Ngài.

Ngày Chúa Nhật 05.04.1933, ông lập gia đình với cô Dương Thị Nghĩa, con gái cụ Mục sư Dương Tự Ấp tại nhà thờ Thanh Hóa. Sau đó trở về Hà Nội tiếp tục công việc tại nhà in Tin Lành. Được sự thúc giục hầu việc Chúa, ông đã xin nghỉ việc tại nhà in để có nhiều thì giờ học, nghiên cứu Kinh Thánh và tham dự tất cả các buổi giảng mỗi đêm tại các nhà giảng nhánh ở phố Huế, phố Hàng Than, ở Cầu Giấy, phố Sơn Tây, làng Sở Thượng. Ông cũng được phân công hướng dẫn vài buổi giảng trong tuần lễ. Ngày 12.01.1934, con trai đầu lòng, tức là Mục sư Nguyễn Hậu Lương sau này, ra đời. Sau khi học Thánh Kinh Tiểu Học Đường, ông được giao nhiệm vụ giúp các buổi nhóm của cụ Mục sư Lê Văn Thái và chị Hoa Hồng bằng công việc hướng dẫn buổi nhóm, kết luận bài giảng, kêu gọi người tin nhận Chúa và cầu nguyện cho người mới tin nhận Chúa. Mục sư Lê Văn Thái tình nguyện đi mở chỗ mới và được Tổng Liên Hội chấp thuận cho đến Phủ Láng Thượng, ông được tiếp tay với cụ hầu việc Chúa tại đây trong việc giảng cho người chưa tin Chúa và khi cụ đi vắng thì giảng Tin Lành cho tín đồ.

Công việc đang được phước và phấn khởi, thình lình ông nhận được thư của Trường Kinh Thánh Tourane nhắc, đồng thời cho biết đã có người giúp học phí cho niên khóa 1934-1935 và nếu không gì trở ngại, ông phải đến trường vào tuần lễ thứ ba của tháng Tám để kịp ngày khai giảng. Vào nửa khóa sau của năm Thứ Hai và năm Tốt Nghiệp, nhà trường tạo điều kiện cho mọi sinh viên tỏ bày ước vọng về tương lai. Ông được cảm động truyền giáo cho người thượng du, nhưng không hề tiết lộ cho ai trừ một người cùng hiệp nguyện. Ông đã hứa nguyện trong lòng sẽ đi bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì Chúa kêu gọi và giao phó cho.

Bắt đầu năm Tập sự, khi về đến Hà Nội, ông được Mục sư Chủ nhiệm tạm bổ nhiệm vừa lo cho Hội thánh nhánh của Hà Nội và nhà giảng Phố Huế, vừa lo giúp việc Tiểu Học Đường ở phố Ngõ Trạm. Ông rất sung sướng bước vào chức vụ và hăng say làm tất cả các công việc từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới nghỉ. Đột nhiên, ngày 26 tháng 8 năm 1936, ông nhận được một lá thư với nội dung tóm tắt như sau: “Nếu Chúa mở đường, thầy Nhương có bằng lòng đi thượng du không?” Sau một thời gian cầu hỏi ý Chúa và nghe rõ tiếng gọi của Ngài, ông trả lời “Nếu Chúa mở đường đi thượng du thì bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào tôi cũng sẵn sàng đi ngay.”

Giữa tháng 9 năm 1936, Chúa đã dẫn dắt ông cùng với giáo sư J. Funé đến Sơn La để xem xét tình hình, gặp nhà cầm quyền Pháp và Thái, rồi xin phép mở cửa giảng Tin Lành tại đó. Sau khi hỏi kỹ nhiều điều về nhiều việc, một cách miễn cưỡng, vị công sứ Pháp không thể từ chối một Mục sư mang quốc tịch Pháp là Jean Funé nên đã chấp nhận cho ông đến Sơn La một ngày nào đó thuận tiện để học tiếng Thái. Đầu tháng 11 năm 1936, ông từ giã các tín hữu Hội Thánh Hàng Da, Hội Thánh Phố Huế lên đường. Vượt chặng đường trên 300 cây số, lót đá lởm chởm, đầy bụi cát, lúc lên dốc lúc xuống phà, ông bà đến Chợ Bờ nghỉ đêm rồi sáng hôm sau ông bà phải tìm xe khác đi mãi đến 9 giờ tối hôm sau mới đến Sơn La.

Nơi ông ở cũng là nơi tiếp các quan Thái như Tri Châu, Bố Chánh, Mường La và các công chức Việt Nam. Công việc đầu tiên là học tiếng và tiếp khách, chuẩn bị cho công cuộc truyền giáo. Trong thời gian ở đây Chúa cũng cho ông có cơ hội đi xa hơn đến Lai Châu, một tỉnh cách Sơn La 250 cây số, sát biên giới Trung Hoa.

Trung tuần tháng 8 năm 1939, ông từ giã tất cả mọi người, các bạn hữu, các con cái thuộc linh non trẻ, mới mẻ và ngôi nhà nhỏ hẹp đầu tiên ở Sơn La để trở về Tourane học năm tốt nghiệp. Những tưởng sau khi tốt nghiệp sẽ trở về Sơn La, nhưng chương trình của Chúa là khác hẳn. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhà trường giữ lại làm thư ký và sau một năm Chúa lại đưa đến một công trường mới: Ban Mê Thuột, năm 1941.

Tại Ban Mê Thuột, ông học tiếng Ra-đê, cộng tác với các giáo sĩ Mỹ để dạy trường Kinh Thánh Ban Mê Thuột, đi giảng trong buôn vào những ngày cuối tuần và giảng dạy trong các buổi nhóm tối. Tin Lành của Chúa Giê-xu đã cứu họ, quyền năng Ngài biến đổi đời sống họ. Họ bỏ thuốc, bỏ rượu, bỏ tục cà răng, căng tai.

Thuở ấy, người Ra-đê đều ở trần, nam giới chỉ đóng khố, còn nữ quấn xà-rông. Người nữ phải cà răng, căng tai. Trong buổi nhóm tối Chúa Nhật đầu tiên, các con ông rất ngạc nhiên vì người hướng dẫn buổi nhóm không mặc quần. Về sau này, những người tin Chúa đã quyết định mặc âu phục, đi nhà thờ thì mặc cả áo vét, các thiếu nữ không bao giờ cởi trần hở ngực nữa. Người ta có thể phân biệt người chưa tin Chúa với người đã tin Chúa qua cách ăn mặc và quần áo của họ.

Ông cũng dành thì giờ để kết hợp một số con cái Chúa người Kinh để thành lập hội thánh người Kinh. Ngày 10-6-1944, người vợ yêu dấu của ông đã về yên nghỉ trong nước Chúa. Rồi đến trưởng nữ của ông năm 1947. Năm 1948 ông tục huyền với bà Nguyễn Thị Bạch Liên.

Cuối thập niên 50, chính phủ rầm rộ tổ chức Khu Dinh điền. Ông cùng giáo sĩ Franklin Irwin thành lập các Hội Thánh tại những nơi đó. Trong tỉnh Darlac, thành lập được Hội Thánh Quảng Nhiêu, Phước An, Thâm Trạch, Quảng Trạch, Thuận Hiếu, Khuê Ngọc Điền. Trong tỉnh Quảng Đức có Hội Thánh Đức An, Thuận Hạnh, Gia Nghĩa. Tỉnh Bình Tuy có Hội Thánh Võ Xu, Võ Đắt. Tỉnh Pleiku có Hội Thánh Lệ Chí và Lệ Thanh.

Năm 1952, theo đề nghị của Ban Trị Sự Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp họp tại Đà Lạt, Ban Trị sự Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành thuận cử ông kiêm lo nhiệm vụ Giám đốc kiêm Truyền giáo cho Bệnh viện Phung Ea Ana tại Ban Mê Thuột. Có rất nhiều bệnh nhân được chữa lành, trở về buôn làng làm chứng và thành lập được nhiều Hội Thánh tại quê nhà của họ.

Tháng 3 năm 1953, Các nhà Truyền giáo tổ chức Hội đồng Truyền giáo lần đầu tiên tại nhà Mục sư Phạm Văn Năm và thành lập Đoàn Truyền giáo. Hội đồng cử Mục sư Phạm Xuân Tín làm Đoàn trưởng, Mục sư Nguyễn Hậu Nhương làm Thư ký và Mục sư Phạm Văn Năm làm thủ quỹ. Chúa cho thêm nhiều cơ hội mở mang Nước Ngài.

Năm 1962, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Liên Hội, ông lên đường qua Ai Lao làm giáo sĩ người Việt Nam đầu tiên của Hội Thánh. Chúa có ban phước nhiều cho công việc Chúa tại đây giữa vòng người Việt Nam và người Thái. Ông đã gặt hái những hột giống đã gieo ra tại Sơn La và công việc Chúa được phát triển.

Năm 1973, Chúa cho phép ông bà trở về Việt Nam hầu việc Chúa tại Pleiku với chức vụ giám đốc Chẩn Y Viện Tin Lành.

Năm 1975 ông được thuyên chuyển về Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang cho đến năm 1978 khi Viện bị đóng cửa, ông phải rời khỏi Thần Học Viện và chính thức xin về hưu năm 1980.

Ông đã phổ thơ các sách Ru-tơ, Gióp, Châm Ngôn, Truyền Đạo, Ê-xơ-tê, Giô-na, Thiên Lộ Lịch Trình.

Tuy “hưu trí nhưng Chúa cho trí chưa hư”, năm 1988, ông được mời ra Hà Nội cùng với Mục sư Phạm Xuân Thiều giảng dạy tại trường Kinh Thánh Hà Nội trong 4 năm 1988-1992 và sau đó được yêu cầu kéo dài thêm một năm nữa. Trong thời gian này, bà đã về yên nghỉ trong Nước Chúa tại Hà Nội vào ngày 09.11.1992.

Tháng 6 năm 1993, sau khi các sinh viên trường Kinh Thánh đã tốt nghiệp, ông trở về Nha Trang nghỉ ngơi và yếu đi nhiều.

Tháng 10.1993 dời về Trạm Hành ở với gia đình người con gái là ông bà Mục sư Lưu Tự An, cộng tác với Hội Thánh trong khu vực để thăm viếng khích lệ và giảng dạy những lúc Chúa cho có cơ hội.

Đẹp ý Chúa cụ đã được về an nghỉ trong nước vinh hiển của Ngài ngày thứ Ba 19.02.2002 tại Trạm Hành, Xuân Trường, Đà Lạt, hưởng thọ 90 tuổi, Cụ để lại 5 con, trai, gái, và dâu rể, 23 cháu nội ngoại và dâu rể và 8 chắt. Là giáo sĩ đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đến Ai Lao, bắt đầu bằng chữ A, ước vọng của ông là sẽ có giáo sĩ Việt Nam đi tới B (Balê) Chữ C (California) v.v… và cho đến cùng trái đất nay đã thành sự thực.

 

Trích từ “Tiểu Sử Người Hầu Việc Chúa” – Ủy ban Cơ đốc Giáo dục – HTTLVN (Miền Nam) phát hành.

 

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN